Sách và Các Bài Học
Chương 33: Công Việc Truyền Giáo


Chương 33

Công Việc Truyền Giáo

The resurrected Jesus Christ standing with the apostles outside the city of Jerusalem. Christ is dressed in white robes and has His arms extended as He speaks to the eleven apostles. Christ is commanding the apostles to preach the gospel to all nations. The city Jerusalem is visible in the background.

Giáo Hội của Chúa Là một Giáo Hội Truyền Giáo

  • Trong những phương diện nào mà công việc truyền giáo là một phần kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài?

Chúa đã mặc khải cho A Đam biết về kế hoạch phúc âm: “Và vì thế Phúc Âm bắt đầu được giảng dạy từ lúc mới khởi thủy” Môi Se 5:58. Về sau, các con cháu ngay chính của A Đam đã được gửi đi thuyết giảng phúc âm: “Họ… kêu gọi tất cả mọi người khắp mọi nơi nên hối cải; và đức tin được giảng dạy cho con cái loài người” Môi Se 6:23.

Tất cả các vị tiên tri đều là những người truyền giáo. Mỗi vị trong thời kỳ của mình đều được truyền lệnh phải đi thuyết giảng sứ điệp của phúc âm. Bất cứ lúc nào có chức tư tế trên thế gian, thì Chúa đều cần những người truyền giáo đi thuyết giảng các nguyên tắc vĩnh cửu của phúc âm cho các con cái Ngài.

Giáo Hội của Chúa luôn là một giáo hội truyền giáo. Khi Đấng Cứu Rỗi còn sống trên thế gian, Ngài đã sắc phong các Sứ Đồ và các Thầy Bảy Mươi và ban cho họ thẩm quyền và trách nhiệm để thuyết giảng phúc âm. Đa số sự thuyết giảng của họ dành cho dân của họ, dân Do Thái (xin xem Ma Thi Ơ 10:5–6). Sau khi Chúa Giê Su phục sinh, Ngài đã phái các Sứ Đồ đi thuyết giảng phúc âm cho những người dân Ngoại. Ngài truyền lệnh cho các Sứ Đồ: “Hãy đi khắp thế gian, giảng phúc âm cho mọi người” (Mác 16:15).

Sứ Đồ Phao Lô là một nhà truyền giáo lỗi lạc được phái tới những người dân Ngoại. Sau khi được cải đạo vào Giáo Hội, ông đã dành hết cuộc đời còn lại của mình để thuyết giảng phúc âm cho họ. Có nhiều lần trong thời gian truyền giáo của ông, ông đã bị đánh roi, bị ném đá và cầm tù. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục thuyết giảng phúc âm (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 23:10–12; 26).

Công việc truyền giáo bắt đầu trở lại khi Giáo Hội của Chúa được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith. Ngày nay, Các Sứ Đồ và Các Thầy Bảy Mươi đã được ban cho trách nhiệm chính yếu để thuyết giảng phúc âm và trông coi việc thuyết giảng phúc âm trên khắp thế giới. Chúa đã phán bảo cùng Joseph Smith: “Đi rao truyền phúc âm của ta từ vùng đất này đến vùng đất kia, và từ thành phố này đến thành phố khác. … Hãy làm chứng khắp mọi nơi, với mọi người” (GLGƯ 66:5, 7). Vào tháng Sáu năm 1830, Samuel Harrison Smith, em trai của Vị Tiên Tri, bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên cho Giáo Hội.

Kể từ lúc đó, có hơn một triệu người truyền giáo đã được kêu gọi và gửi đi thuyết giảng phúc âm. Sứ điệp mà họ đem đến cho thế gian là Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Họ làm chứng rằng phúc âm đã được phục hồi cho thế gian qua vị tiên tri của Thượng Đế. Những người truyền giáo được giao phó trách nhiệm thuyết giảng phúc âm cho tất cả mọi người, làm phép báp têm cho họ và giảng dạy họ làm tất cả mọi điều mà Chúa đã truyền lệnh (xin xem Ma Thi Ơ 28:19–20). Những người truyền giáo Thánh Hữu Ngày Sau tự mình trang trải chi phí để đi khắp nơi trên thế giới để thuyết giảng sứ điệp phúc âm.

Phúc Âm Sẽ Được Thuyết Giảng cho Khắp Thế Gian

  • Một số cách thức nào khác mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta để chia sẻ phúc âm?

Chúng ta đã được cho biết qua lời mặc khải ngày sau rằng chúng ta phải đem phúc âm phục hồi đến mọi quốc gia và dân tộc (xin xem GLGƯ 133:37). Chúa chưa bao giờ ban cho chúng ta một lệnh truyền mà không chuẩn bị sẵn đường lối cho chúng ta để hoàn thành (xin xem 1 Nê Phi 3:7). Chúa đã chuẩn bị những đường lối cho chúng ta để giảng dạy phúc âm trong các quốc gia mà đã từng bế môn tỏa cảng đối với chúng ta. Khi chúng ta tiếp tục cầu nguyện và sử dụng đức tin, Chúa sẽ mở cửa các quốc gia khác cho công việc truyền giáo.

Chúa cũng đang “soi dẫn tâm trí của những vĩ nhân để tạo nên những sáng chế mà đẩy mạnh công việc của Chúa trong những cách thức mà thế gian này chưa từng biết” (Russell M. Nelson, trong “Computerized Scriptures Now Available,” Ensign, tháng Tư năm 1988, trang 73). Nhật báo, tạp chí, truyền hình, truyền thanh, hệ thống vệ tinh, máy vi tính, mạng Internet, và những kỹ thuật liên hệ giúp đem sứ điệp phúc âm đến hằng triệu người. Chúng ta là những người có được phúc âm trọn vẹn cần phải sử dụng những sáng chế này để làm tròn lệnh truyền của Chúa: “Vì thật vậy, tiếng vang phải được xuất phát từ chốn này đến khắp thế gian, và tới tận những nơi xa xôi nhất trên trái đất—phúc âm phải được thuyết giảng cho mọi người” (GLGƯ 58:64).

  • Trong những cách nào các anh chị em đã thấy kỹ thuật được sử dụng một cách hữu hiệu để chia sẻ phúc âm?

Công Việc Truyền Giáo Rất Quan Trọng

  • Tại sao là điều quan trọng để mỗi người nghe và hiểu phúc âm?

“Đây là một mối quan tâm hàng đầu của chúng ta với tư cách là Giáo Hội—để cứu rỗi và tôn cao các linh hồn của con cái loài người” (Ezra Taft Benson, trong Conference Report, tháng Tư năm 1974, trang 151; hay Ensign, tháng Năm năm 1974, trang 104). Công việc truyền giáo là cần thiết để đem cho dân cư trên thế gian cơ hội nghe và chấp nhận phúc âm. Họ cần học hỏi lẽ thật, quay về với Thượng Đế, và nhận được sự tha thứ cho các tội lỗi của họ.

Nhiều anh chị em của chúng ta trên thế gian bị mù quáng bởi những lời giảng dạy sai lầm và “là những người bị ngăn cản khỏi lẽ thật vì họ không biết tìm thấy lẽ thật đâu cả” (GLGƯ 123:12). Qua công việc truyền giáo, chúng ta có thể đem lẽ thật đến cho họ.

Chúa đã truyền lệnh: “Hãy làm việc trong vườn nho của ta một lần cuối—một lần cuối hãy kêu gọi các dân cư trên thế gian” (GLGƯ 43:28). Khi chúng ta giảng dạy phúc âm cho các anh chị em mình, tức là chúng ta đang chuẩn bị con đường cho Sự Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi (xin xem GLGƯ 34:6).

Tất Cả Chúng Ta Đều Nên Là Những Người Truyền Giáo

  • Trong những cách nào chúng ta có thể tích cực tìm kiếm cơ hội để chia sẻ phúc âm với những người khác? Trong những cách nào chúng ta có thể tự chuẩn bị mình cho các cơ hội như vậy?

Mỗi tín hữu của Giáo Hội là một người truyền giáo. Chúng ta nên là những người truyền giáo cho dù chúng ta không được chính thức kêu gọi và phong nhiệm. Chúng ta có trách nhiệm giảng dạy phúc âm bằng lời nói và hành động cho tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng. Chúa đã phán bảo chúng ta: “Điều cần thiết cho mỗi người nào đã từng được cảnh cáo thì phải cảnh cáo người lân cận mình” (GLGƯ 88:81). Chúng ta đã được một vị tiên tri cho biết rằng chúng ta phải cho những người lân cận của mình thấy rằng chúng ta yêu thương họ trước khi chúng ta cảnh cáo họ (xin xem Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 262). Họ cần có được tình bạn bè và tình thân hữu của chúng ta.

Các con trai của Mô Si A đã sẵn lòng chấp nhận trách nhiệm của mình để giảng dạy phúc âm. Khi họ được cải đạo vào Giáo Hội, lòng họ tràn đầy trắc ẩn đối với những người khác. Họ muốn được thuyết giảng phúc âm cho những kẻ thù của họ là dân La Man, “vì họ không thể chịu đựng được khi nghe có người nào phải bị diệt vong; phải, dù chỉ có ý nghĩ một linh hồn nào đó sẽ phải chịu cực hình bất tận cũng đủ làm cho họ run rẩy và kinh sợ” (Mô Si A 28:3). Khi phúc âm tràn ngập cuộc sống của chúng ta với niềm vui, chúng ta sẽ cảm nhận tình yêu thương và lòng trắc ẩn này đối với các anh chị em của mình. Chúng ta sẽ muốn chia sẻ sứ điệp của phúc âm với mọi người mà mong muốn lắng nghe.

Có nhiều cách mà chúng ta có thể chia sẻ phúc âm. Sau đây là một số đề nghị:

  1. Chúng ta có thể cho bạn bè và những người khác thấy niềm vui mà chúng ta có nhờ vào việc sống theo các lẽ thật của phúc âm. Bằng cách này, chúng ta sẽ là ánh sáng của thế gian (xin xem Ma Thi Ơ 5:16).

  2. Chúng ta có thể vượt qua bản tính nhút nhát của mình bằng cách kết thân với những người khác và làm những điều tử tế cho họ. Chúng ta có thể giúp họ thấy rằng chúng ta thành thật quan tâm đến họ chứ không tìm kiếm lợi lộc cá nhân.

  3. Chúng ta có thể giải thích phúc âm cho bạn bè ngoại đạo và những người khác.

  4. Chúng ta có thể mời những người bạn thích được học hỏi thêm về phúc âm đến nhà của chúng ta để được những người truyền giáo giảng dạy. Nếu những người bạn ngoại đạo sống quá xa, chúng ta có thể yêu cầu những người truyền giáo trong khu vực của họ đến thăm họ.

  5. Chúng ta có thể giảng dạy con cái mình về tầm quan trọng của việc chia sẻ phúc âm, và chúng ta có thể chuẩn bị cho chúng về phương diện thuộc linh và tài chính để đi truyền giáo. Chúng ta cũng có thể chuẩn bị để phục vụ truyền giáo toàn thời gian trong những năm tháng cao niên của chúng ta.

  6. Chúng ta có thể đóng tiền thập phân và đóng góp vào quỹ truyền giáo. Những khoản tặng dữ này được sử dụng để đẩy mạnh công việc truyền giáo.

  7. Chúng ta có thể đóng góp vào quỹ của tiểu giáo khu, chi nhánh hoặc quỹ truyền giáo trung ương để giúp đỡ tài chính cho những người truyền giáo mà gia đình họ không thể giúp họ được.

  8. Chúng ta có thể làm công việc sưu tầm lịch sử gia đình và công việc đền thờ để giúp các tổ tiên của mình nhận được các phước lành trọn vẹn của phúc âm.

  9. Chúng ta có thể mời những người ngoại đạo đến các sinh hoạt như buổi họp tối gia đình và các buổi liên hoan, các đại hội và các buổi nhóm họp của Giáo Hội.

  10. Chúng ta có thể phân phát những quyển tạp chí Giáo Hội. Chúng ta cũng có thể chia sẻ các sự điệp phúc âm bằng cách sử dụng những mục đặc biệt có sẵn trên mạng Internet chính thức của Giáo Hội, LDS.orgMormon.org.

Cha Thiên Thượng của chúng ta sẽ giúp chúng ta trở thành những người truyền giáo hữu hiệu khi chúng ta có ước muốn chia sẻ phúc âm và cầu nguyện để được hướng dẫn. Ngài sẽ giúp chúng ta tìm ra những cách thức để chia sẻ phúc âm với những người chung quanh mình.

  • Hãy nghĩ về những người mà các anh chị em có thể chia sẻ phúc âm với họ. Quyết định cách mà các anh chị em sẽ làm như vậy. Hãy cân nhắc việc đặt mục tiêu chia sẻ phúc âm với những người này vào một ngày nào đó.

Chúa Hứa Ban Cho Chúng Ta Các Phước Lành Khi Chúng Ta Thực Hiện Công Việc Truyền Giáo

Chúa phán bảo Tiên Tri Joseph Smith rằng những người truyền giáo sẽ nhận được các phước lành lớn lao. Chúa đã phán với các anh cả trở về từ công việc truyền giáo của họ: “Các ngươi vẫn được phước, vì chứng ngôn mà các ngươi đã chia sẻ được ghi chép trên trời để các thiên sứ được thấy; và họ vui mừng vì các ngươi” (GLGƯ 62:3). Ngài cũng phán bảo rằng những người cố gắng tìm kiếm sự cứu rỗi cho những người khác sẽ được tha thứ các tội lỗi của họ và sẽ mang đến sự cứu rỗi cho linh hồn của họ (xin xem GLGƯ 4:4; 31:5; 84:61).

Chúa có phán cùng chúng ta:

“Và nếu các ngươi phải lao nhọc suốt đời để rao truyền sự hối cải cho dân này, và chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi cùng với kẻ đó trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!

“Và giờ đây, nếu sự vui mừng của các ngươi sẽ lớn lao với một người mà các ngươi đem về cho ta vào trong vương quốc của Cha ta, thì sự vui mừng của các ngươi còn lớn lao hơn biết bao nếu các ngươi đem về cho ta nhiều người!” (GLGƯ 18:15–16).

  • Khi nào các anh chị em đã trải qua niềm vui về công việc truyền giáo?

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc

  • GLGƯ 1:17–23 (Joseph Smith được truyền lệnh đi thuyết giảng)

  • GLGƯ 24:12 (Chúa củng cố những người luôn tìm cách đi rao giảng phúc âm của Ngài)

  • GLGƯ 38:41 (chia sẻ phúc âm trong sự hòa nhã và hiền lành)

  • GLGƯ 34:4–6; Công Vụ Các Sứ Đồ 5:42 (phúc âm phải được thuyết giảng)

  • GLGƯ 60:1–2 (Chúa cảnh cáo những người nào lo sợ phải đi thuyết giảng phúc âm)

  • GLGƯ 75:2–5 (những người nào rao giảng phúc âm và sống trung tín sẽ được ban phước với cuộc sống vĩnh cửu)

  • GLGƯ 88:81–82 (tất cả những người nào đã từng được cảnh cáo thì phải cảnh cáo người lân cận của mình)

  • Ma Thi Ơ 24:14 (phúc âm phải được thuyết giảng trước khi sự cuối cùng sẽ đến)

  • Áp Ra Ham 2:9–11 (phúc âm và chức tư tế phải được ban cho tất cả mọi quốc gia)