Chương 38
Hôn Nhân Vĩnh Cửu
Hôn Nhân Do Thượng Đế Quy Định
Hôn nhân giữa người nam và người nữ là một phần thiết yếu của kế hoạch của Thượng Đế. Chúa đã phán rằng: “Kẻ nào cấm đoán việc kết hôn thì không do Thượng Đế cho phép, vì hôn nhân đã được Thượng Đế quy định cho loài người” (GLGƯ 49:15). Kể từ lúc ban đầu, hôn nhân đã là một luật pháp của phúc âm. Hôn nhân được dự liệu là sẽ tồn tại mãi mãi, chứ không phải chỉ để cho cuộc sống trần thế của chúng ta mà thôi.
A Đam và Ê Va được Thượng Đế kết hôn trước khi có sự chết trên thế gian. Họ có được một hôn nhân vĩnh cửu. Họ đã dạy luật hôn nhân vĩnh cửu cho con cháu họ. Khi năm tháng trôi qua, sự tà ác đã chiếm lấy tâm hồn của con người và thẩm quyền để thực hiện giáo lễ thiêng liêng này bị cất khỏi thế gian. Qua Sự Phục Hồi của phúc âm, hôn nhân vĩnh cửu đã được phục hồi trên thế gian.
-
Tại sao việc biết rằng hôn nhân giữa người nam và người nữ đã được Thượng Đế quy định là điều quan trọng?
Hôn Nhân Vĩnh Cửu Là Cần Thiết cho Sự Tôn Cao
-
Giáo lý của Chúa về hôn nhân là gì và nó khác biệt với quan điểm của thế gian như thế nào?
Nhiều người trên thế gian xem hôn nhân chỉ là một tập tục xã hội, một giao kèo hợp pháp giữa một người nam và người nữ để sống chung với nhau. Nhưng đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau, thì hôn nhân có ý nghĩa nhiều hơn thế. Sự tôn cao của chúng ta tùy thuộc vào hôn nhân, cùng với các nguyên tắc và các giáo lễ khác, như đức tin, sự hối cải, phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Chúng ta tin rằng hôn nhân là mối quan hệ thiêng liêng nhất mà có thể tồn tại giữa một người nam và người nữ. Mối quan hệ thiêng liêng này ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta bây giờ và trong thời vĩnh cửu.
Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta luật hôn nhân vĩnh cửu để chúng ta có thể trở nên giống như Ngài. Chúa đã phán:
“Trong vinh quang thượng thiên có ba tầng trời hay đẳng cấp;
“Và để đạt được đẳng cấp cao nhất, một người phải gia nhập vào thể chế này của chức tư tế [có nghĩa là sự giao ước mới và vĩnh viễn về hôn nhân];
“Và nếu người ấy không làm, thì người ấy không thể nhận được nó” (GLGƯ 131:1–3).
Hôn Nhân Vĩnh Cửu Phải Được Thực Hiện bởi Thẩm Quyền Hợp Thức trong Đền Thờ
-
Tại sao một cuộc hôn nhân cần phải được thực hiện bởi thẩm quyền hợp thức trong đền thờ để được vĩnh cửu?
Một cuộc hôn nhân vĩnh cửu phải được thực hiện bởi một người nắm giữ quyền năng gắn bó. Chúa đã hứa: “Nếu một người cưới vợ qua.. giao ước mới và vĩnh viễn,… bởi người được xức dầu, … sẽ có đầy đủ hiệu lực khi họ ra khỏi thế gian” (GLGƯ 132:19).
Không những một cuộc hôn nhân vĩnh cửu phải được thực hiện bởi thẩm quyền chức tư tế hợp thức, mà còn phải được thực hiện trong một đền thờ thánh của Chúa chúng ta. Đền thờ là chỗ duy nhất mà giáo lễ thiêng liêng này có thể được thực hiện.
Trong đền thờ, các cặp vợ chồng Thánh Hữu Ngày Sau quỳ tại bàn thờ thiêng liêng với sự hiện diện của gia đình và bạn bè của họ là những người đã nhận được lễ thiên ân đền thờ. Họ lập giao ước hôn nhân trước Thượng Đế. Họ được chính thức thừa nhận là vợ chồng cho thời tại thế và suốt thời vĩnh cửu. Điều này được thực hiện bởi một người nắm giữ thánh chức tư tế của Thượng Đế và được ban cho thẩm quyền để thực hiện giáo lễ thiêng liêng này. Vị này hành động dưới sự hướng dẫn của Chúa và hứa với cặp vợ chồng đó về các phước lành của sự tôn cao. Vị này chỉ dẫn cho họ những điều mà họ cần phải làm để nhận được các phước lành này. Vị này nhắc nhở họ rằng tất cả các phước lành tùy thuộc vào sự tuân theo các luật pháp của Thượng Đế.
Nếu chúng ta được làm lễ kết hôn bởi bất cứ thẩm quyền nào khác hơn chức tư tế trong đền thờ, thì hôn nhân của chúng ta chỉ tồn tại cho cuộc đời này mà thôi. Sau khi chết, những người phối ngẫu không còn thuộc vào nhau nữa hay con cái họ cũng không thuộc vào họ. Hôn nhân vĩnh cửu cho chúng ta cơ hội tiếp tục duy trì gia đình sau cuộc sống này.
Các Lợi Ích của Hôn Nhân Vĩnh Cửu
-
Các phước lành của một cuộc hôn nhân vĩnh cửu trong cuộc sống này và trong thời vĩnh cửu là gì?
Là các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta đang sống với một viễn cảnh vĩnh cửu chứ không phải chỉ sống cho hiện tại trong chốc lát. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận được các phước lành trong cuộc sống này vì đã được kết hôn cho thời vĩnh cửu. Một số các phước lành đó là như sau:
-
Chúng ta biết rằng hôn nhân của chúng ta có thể tồn tại mãi mãi. Cái chết có thể tạm thời chia lìa chúng ta. Không một điều gì có thể vĩnh viễn chia lìa chúng ta trừ phi có sự bất tuân của chính chúng ta. Sự hiểu biết này giúp chúng ta cố gắng nhiều hơn để có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc và thành công.
-
Chúng ta biết rằng mối quan hệ gia đình của chúng ta có thể tiếp tục trong suốt thời vĩnh cửu. Sự hiểu biết này giúp chúng ta thận trọng trong việc dạy dỗ và rèn luyện con cái mình. Điều này cũng giúp chúng ta cho chúng thấy lòng kiên nhẫn và tình yêu thương lớn lao hơn. Do đó, chúng ta cần phải có một mái gia đình hạnh phúc hơn.
-
Vì chúng ta được kết hôn theo cách mà Thượng Đế đã quy định nên chúng ta được quyền nhận được sự trút xuống Thánh Linh trên hôn nhân của chúng ta khi chúng ta luôn sống xứng đáng.
Một số phước lành mà chúng ta có thể vui hưởng trong thời vĩnh cửu là như sau:
-
Chúng ta có thể sống trong đẳng cấp cao nhất của vương quốc thượng thiên của Thượng Đế.
-
Chúng ta có thể được tôn cao như Thượng Đế và nhận được niềm vui trọn vẹn.
-
Một viễn cảnh vĩnh cửu có thể ảnh hưởng đến cảm nghĩ của chúng ta về hôn nhân và gia đình như thế nào?
Chúng Ta Phải Chuẩn Bị cho Cuộc Hôn Nhân Vĩnh Cửu
-
Chúng ta có thể làm gì để giúp giới trẻ chuẩn bị cho hôn nhân vĩnh cửu?
Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy rằng: “Hôn nhân có lẽ là quyết định hệ trọng nhất trong tất cả mọi quyết định và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, vì nó không những liên quan đến hạnh phúc trước mắt mà còn đến các niềm vui vĩnh cửu. Hôn nhân không những ảnh hưởng đến hai người trong cuộc, mà còn đến gia đình họ và nhất là con cháu họ cho đến suốt nhiều thế hệ nữa. Trong việc kén chọn một người bạn đồng hành cho cuộc sống hiện tại và cho thời vĩnh cửu, thì chắc chắn là việc hoạch định, suy nghĩ, cầu nguyện và nhịn ăn một cách thận trọng cần phải được thực hiện để chắc chắn rằng trong tất cả mọi quyết định, thì quyết định này không được sai lầm.” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 193).
Hôn nhân vĩnh cửu phải là mục tiêu của mỗi Thánh Hữu Ngày Sau. Điều này đúng ngay cả đối với những người đã kết hôn theo luật dân sự. Việc chuẩn bị hôn nhân vĩnh cửu đòi hỏi nhiều suy nghĩ và cầu nguyện. Chỉ các tín hữu của Giáo Hội sống ngay chính mới được phép bước vào đền thờ (xin xem GLGƯ 97:15–17). Chúng ta không bất ngờ quyết định trong một ngày rằng chúng ta muốn được kết hôn trong đền thờ, rồi bước vào đền thờ nội trong ngày đó và làm lễ kết hôn. Trước hết, chúng ta phải hội đủ một số điều kiện.
Trước khi có thể đi đền thờ, chúng ta phải là các tín hữu tích cực, xứng đáng của Giáo Hội ít nhất là một năm. Những người nam phải nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chúng ta phải được vị chủ tịch chi nhánh hoặc giám trợ phỏng vấn. Nếu thấy chúng ta xứng đáng, vị ấy sẽ cấp cho chúng ta một giấy giới thiệu đi đền thờ. Nếu chúng ta không xứng đáng, vị ấy sẽ khuyên bảo chúng ta và giúp chúng ta đề ra các mục tiêu để trở nên xứng đáng được đi đền thờ.
Sau khi nhận được giấy giới thiệu từ vị giám trợ hay chủ tịch chi nhánh của mình, chúng ta cần phải được vị chủ tịch giáo khu hoặc chủ tịch phái bộ truyền giáo phỏng vấn. Những câu hỏi được đặt ra cho chúng ta giống như những câu hỏi sau đây trong cuộc phỏng vấn cấp giấy giới thiệu đi đền thờ:
-
Anh (chị, em) có đức tin và chứng ngôn về Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; và Đức Thánh Linh không? Anh (chị, em) có chứng ngôn vững chắc về phúc âm phục hồi không?
-
Anh (chị, em) có tán trợ Vị Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải không? Anh (chị, em) có chấp nhận ông là người duy nhất trên thế gian có được thẩm quyền để sử dụng tất cả mọi chìa khóa của chức tư tế không?
-
Anh (chị, em) có sống theo luật trinh khiết không?
-
Anh (chị, em) có đóng tiền thập phân trọn vẹn không?
-
Anh (chị, em) có tuân giữ Lời Thông Sáng không?
-
Anh (chị, em) có hoàn toàn lương thiện trong những giao dịch với những người khác không?
-
Anh (chị, em) có cố gắng tuân giữ các giao ước mà anh (chị, em) đã lập, tham dự các buổi lễ Tiệc Thánh và các buổi họp chức tư tế, và giữ cho cuộc sống của mình phù hợp với các luật pháp và các lệnh truyền của phúc âm không?
Khi các anh chị em xin một giấy giới thiệu đi đền thờ, các anh chị em cần phải nhớ rằng việc vào đền thờ là một đặc ân thiêng liêng. Đó là một hành động nghiêm chỉnh, không phải là một điều để xem nhẹ.
Chúng ta phải cố gắng tuân theo một cách nghiêm túc mọi giao ước mà chúng ta lập trong đền thờ. Chúa đã phán rằng nếu chúng ta chân thật và trung tín, thì chúng ta sẽ nhận được sự tôn cao của mình. Chúng ta sẽ trở thành giống như Cha Thiên Thượng của chúng ta. (Xin xem GLGƯ 132:19–20.) Lễ hôn phối đền thờ xứng đáng đối với bất cứ sự hy sinh nào. Đó là cách để đạt được các phước lành vĩnh cửu vô cùng lớn lao.
-
Chúng ta có thể làm gì để khuyến khích những người trẻ tuổi đặt ra mục tiêu để được kết hôn trong đền thờ? Chúng ta có thể giúp họ chuẩn bị cho việc này như thế nào?
Các Câu Thánh Thư Bổ Túc
-
Sáng Thế Ký 1:26–28 (chúng ta phải sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy đất)
-
Sáng Thế Ký 2:21–24 (cuộc hôn nhân đầu tiên do Thượng Đế thực hiện)
-
Ma Thi Ơ 19:3–8 (những gì Thượng Đế đã kết hợp)
-
GLGƯ 132 (tính chất vĩnh cửu của luật hôn nhân)
-
GLGƯ 42:22–26 (những lời thệ nguyện hôn nhân phải được tuân giữ)
-
Gia Cốp 3:5–7 (vợ chồng phải trung thành với nhau)