Sách và Các Bài Học
Chương 18: Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô


Chương 18

Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Full length profile portrait of Jesus Christ. He is depicted wearing a white robe with a blue belt. He has one hand extended. His other hand is touching His chest.

Đức Tin Là Gì?

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là nguyên tắc đầu tiên của phúc âm. Đó là một ân tứ thuộc linh và cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta. Vua Bên Gia Min đã nói: “Sự cứu rỗi sẽ không đến… trừ phi họ hối cải và có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô” (Mô Si A 3:12).

Đức tin là sự “hy vọng những gì không trông thấy được mà có thật” (An Ma 32:21; xin xem thêm Hê Bơ Rơ 11:1). Đức tin là một nguyên tắc của hành động và quyền năng thúc đẩy những sinh hoạt hằng ngày của chúng ta.

Chúng ta có chịu nghiên cứu và học hỏi không nếu chúng ta không tin rằng chúng ta có thể đạt được sự khôn ngoan và sự hiểu biết? Chúng ta có chịu làm việc mỗi ngày không nếu chúng ta không hy vọng rằng khi làm như thế chúng ta có thể hoàn thành một điều nào đó? Một nông dân có chịu trồng trọt không nếu ông không trông mong gặt hái được gì? Mỗi ngày chúng ta hành động theo những điều mà chúng ta đặt hy vọng vào khi chúng ta không thể trông thấy được kết quả cuối cùng. Đây là đức tin. (Xin xem Hê Bơ Rơ 11:3.)

Nhiều câu chuyện thánh thư cho biết có những điều lớn lao đã được hoàn thành như thế nào nhờ vào đức tin.

Nhờ có đức tin, Nô Ê đã đóng một chiếc tàu và cứu gia đình mình thoát khỏi trận lụt (xin xem Hê Bơ Rơ 11:7). Môi Se đã rẽ nước trên Hồng Hải (xin xem Hê Bơ Rơ 11:29). Ê Li truyền lửa xuống từ trời (xin xem 1 Các Vua 18:17–40). Nê Phi cầu xin một nạn đói (xin xem Hê La Man 11:3–5). Ông cũng đã cầu xin Chúa chấm dứt nạn đói (xin xem Hê La Man 11:9–17). Biển cả đã được làm cho yên lặng, khải tượng đã được mở ra, và những lời cầu nguyện đã được đáp ứng, tất cả đều nhờ vào quyền năng của đức tin.

Khi nghiên cứu kỹ thánh thư, chúng ta biết được rằng đức tin là một sự tin tưởng mãnh liệt về lẽ thật trong tâm hồn chúng ta mà thúc đẩy chúng ta làm điều tốt. Điều này khiến chúng ta phải hỏi: Chúng ta phải có đức tin nơi ai?

  • Hãy nghĩ về các sinh hoạt hằng ngày của các anh chị em. Những điều nào các anh chị em làm mỗi ngày mà các anh chị em không thể thấy kết quả của chúng? Đức tin thúc đẩy các anh chị em hành động như thế nào?

Tại Sao Chúng Ta Phải Có Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Chúng ta phải tập trung đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là có sự tin cậy nơi Ngài đến nỗi chúng ta tuân theo bất cứ lệnh truyền nào của Ngài. Khi chúng ta đặt đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, trở thành các môn đồ biết vâng lời của Ngài, thì Cha Thiên Thượng sẽ tha thứ tội lỗi của chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta để trở về cùng Ngài.

Sứ Đồ Phi E Rơ đã dạy rằng “chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ Các Sứ Đồ ; xin xem thêm Mô Si A 3:17). 4:12). Gia Cốp đã dạy rằng con người phải “có đức tin trọn vẹn nơi Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên [Chúa Giê Su Ky Tô], nếu không thì họ sẽ không được cứu rỗi trong vương quốc của Thượng Đế” (2 Nê Phi 9:23). Qua đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi và qua sự hối cải, chúng ta làm cho Sự Chuộc Tội của Ngài có hiệu quả trọn vẹn trong cuộc sống của chúng ta. Qua đức tin, chúng ta cũng có thể nhận được sức mạnh để vượt qua những cám dỗ (xin xem An Ma 37:33).

Chúng ta không thể có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mà không có đức tin nơi Cha Thiên Thượng của chúng ta. Nếu chúng ta có đức tin nơi hai Ngài, thì chúng ta cũng sẽ có đức tin rằng Đức Thánh Linh, là Đấng mà hai Ngài đã gửi đến, sẽ giảng dạy chúng ta mọi lẽ thật và sẽ an ủi chúng ta.

  • Làm thế nào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể ảnh hưởng chúng ta trong những sự kêu gọi của mình trong Giáo Hội? trong mối quan hệ gia đình của chúng ta? trong công việc làm của chúng ta? Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô ảnh hưởng đến hy vọng của chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu như thế nào?

Làm Thế Nào Chúng Ta Có Thể Gia Tăng Đức Tin của Mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Khi biết được nhiều phước lành đến nhờ vào việc sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta phải cố gắng gia tăng đức tin của mình nơi Ngài. Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải,… không có gì mà các ngươi không làm được” (Ma Thi Ơ 17:20). Một hột cải thì rất nhỏ, nhưng nó mọc lên thành một cây cải lớn.

Làm thế nào chúng ta có thể gia tăng đức tin của mình? Cùng một cách thức chúng ta gia tăng hay phát triển bất cứ một kỹ năng nào khác. Làm thế nào chúng ta phát triển các kỹ năng điêu khắc gỗ, dệt vải, vẽ tranh, nấu ăn, làm đồ gốm hay chơi một nhạc cụ? Chúng ta học hỏi, thực tập và thực hành điều đó. Chúng ta cải tiến khi làm như vậy. Đức tin cũng thế. Nếu chúng ta muốn gia tăng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta phải thực hành nó. Tiên Tri An Ma đã ví lời của Thượng Đế với một hạt giống mà phải được nuôi dưỡng bằng đức tin:

“Nhưng này, nếu các người muốn thức tỉnh và phát huy khả năng của mình, ngay cả trong việc trắc nghiệm những lời nói của tôi đây, và vận dụng một chút ít đức tin, phải, ngay cả nếu các người không thể làm gì khác hơn là muốn tin, thì xin hãy để cho sự mong muốn này tác động trong các người, cho đến khi các người tin ngõ hầu các người có thể chừa được chỗ cho một phần nào những lời tôi nói.

“Giờ đây chúng ta hãy so sánh lời của Thượng Đế như một hạt giống. Này, nếu các người chừa một chỗ để cho hạt giống có thể được trồng trong tim các người, này, nếu quả đó là một hạt giống chân thật hay một hạt giống tốt, nếu các người không liệng hạt giống ấy ra ngoài vì lòng không tin tưởng, khiến cho các người chống lại Thánh Linh của Chúa, này, hạt giống ấy sẽ bắt đầu nẩy nở trong lồng ngực các người; và khi các người cảm thấy sự nẩy nở ấy đang tiến triển thì các người sẽ bắt đầu tự nhủ với mình rằng: Chắc đây phải là một hạt giống tốt, hay là lời của Thượng Đế tốt, vì nó bắt đầu mở rộng tâm hồn ta; phải, vì nó bắt đầu soi sáng sự hiểu biết của ta. …

“Giờ đây này, việc ấy không làm tăng thêm đức tin cho các người hay sao?” (An Ma 32:27–29).

Vậy thì chúng ta có thể gia tăng đức tin của mình nơi Thượng Đế bằng cách hành động dựa trên ước muốn của mình để có đức tin nơi Ngài.

Chúng ta cũng có thể gia tăng đức tin của mình bằng cách cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng về những hy vọng, ước muốn và nhu cầu của mình (xin xem An Ma 34:17–26). Nhưng chúng ta không được nghĩ rằng chúng ta chỉ cần cầu xin là đủ. Chúng ta được dạy bảo trong các thánh thư rằng “nếu đức tin không sanh ra việc làm thì tự mình nó chết” (Gia Cơ 2:17). Câu chuyện sau đây về một người mà đức tin của người ấy được cho thấy bằng việc làm của mình.

Người này muốn học hỏi thánh thư, nhưng ông không biết đọc. Ông cầu xin Cha Thiên Thượng giúp mình học đọc. Vào lúc đó có một thầy giáo đến sống ở làng ông, và ông đã xin người thầy giáo giúp mình. Ông học các mẫu tự. Ông học cách phát âm và học ráp vần thành chữ. Chẳng bao lâu ông đã đọc được những chữ đơn giản. Ông càng luyện tập, thì càng học được thêm. Ông cảm tạ Chúa đã gửi người thầy giáo đó đến và đã giúp mình học đọc. Ông đã gia tăng đức tin, lòng khiêm nhường và sự hiểu biết của mình đến một mức độ mà ông đã phục vụ với tư cách là chủ tịch một chi nhánh trong Giáo Hội.

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã giải thích: “Phải có việc làm đi cùng với đức tin. Thật là điều rồ dại để cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự hiểu biết, nhưng thật là điều khôn ngoan để cầu xin Chúa giúp thu đạt được sự hiểu biết, học hỏi một cách có suy xét, suy nghĩ một cách thấu đáo và giữ lại được những điều mà chúng ta đã học được” (Faith Precedes the Miracle [1972], 205; chữ nghiêng là từ nguyên bản).

Đức tin gồm có việc làm tất cả những gì chúng ta có thể làm để nhận được những điều mà chúng ta hy vọng và cầu xin. Chủ Tịch Kimball đã nói: “Trong đức tin chúng ta trồng hột giống, và chẳng bao lâu chúng ta thấy được phép lạ của sự trổ hoa. Con người thường hiểu sai và đảo ngược tiến trình đó.” Ông nói tiếp bằng cách giải thích rằng nhiều người trong chúng ta muốn có được sức khỏe và sức mạnh mà không chịu tuân giữ các luật lệ về sức khỏe. Chúng ta muốn được thịnh vượng mà không chịu đóng tiền thập phân của mình. Chúng ta muốn được gần gũi Chúa mà không chịu nhịn ăn và cầu nguyện. Chúng ta muốn có mưa đúng mùa và có sự bình an trong xứ mà không chịu giữ ngày Sa Bát được thánh và không chịu tuân giữ các giáo lệnh khác của Chúa. (Xin xem Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 142.)

Một cách quan trọng để gia tăng đức tin của chúng ta là nghe và học hỏi lời của Chúa. Chúng ta nghe lời của Chúa tại các buổi nhóm họp của Giáo Hội của mình. Chúng ta có thể học hỏi lời Ngài trong thánh thư. “Vì tất cả các ngươi đều không có đức tin, nên các ngươi phải siêng năng tìm hiểu và dạy cho nhau những lời thông sáng; phải, các ngươi phải tìm kiếm những lời thông sáng trong những sách hay nhất; hãy tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (GLGƯ 88:118).

  • Các anh chị em thấy được mối tương quan nào giữa đức tin và hành động của chúng ta?

Một Số Phước Lành Nào Theo Sau Đức Tin?

Qua đức tin, các phép lạ được thực hiện, các thiên sứ hiện đến, các ân tứ của Thánh Linh được ban cho, những lời cầu nguyện được đáp ứng, và những người nam trở thành các con trai của Thượng Đế (xin xem Mô Rô Ni 7:25–26, 36–37).

“Khi đến, đức tin mang theo… các sứ đồ, các vị tiên tri, các vị rao giảng phúc âm, các mục sư, các thầy giảng, các ân tứ, sự thông sáng, sự hiểu biết, phép lạ, sự chữa lành bệnh, ngôn ngữ, thông giải các ngôn ngữ, v.v. Tất cả những điều này xuất hiện khi đức tin xuất hiện trên thế gian, và biến mất khi đức tin biến mất khỏi thế gian; vì đây là những kết quả của đức tin. … Và người nào có được đức tin thì sẽ, qua đức tin, thu đạt được tất cả mọi sự hiểu biết và khôn ngoan cần thiết, cho đến khi biết được Thượng Đế, và Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng mà Ngài đã sai đến—là Đấng mà nếu người nào biết được thì đạt được cuộc sống vĩnh cửu” (Lectures on Faith [1985], 83).

  • Một số câu chuyện nào từ thánh thư mà trong đó có những người trở nên vững mạnh hơn vì họ có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô? Các anh chị em đã thấy điều này xảy ra trong cuộc sống của mình như thế nào?

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc