Chương 32
Tiền Thập Phân và Các Của Lễ
Đóng Góp Tiền Thập Phân và Các Của Lễ
-
Sự sẵn lòng đóng góp tiền thập phân và các của lễ của chúng ta cho thấy lòng biết ơn đối với Cha Thiên Thượng về tất cả các phước lành của Ngài dành cho chúng ta như thế nào?
Chúng ta đã được ban cho các giáo lệnh nhằm giúp chúng ta chuẩn bị mọi mặt để sống nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta một cách thức để cám ơn Ngài về các phước lành của chúng ta. Việc sẵn lòng đóng góp tiền thập phân và những của lễ là một cách để chúng ta cám ơn Ngài. Khi đóng góp những của lễ này, chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta yêu mến Ngài và sẽ tuân theo lời khuyên dạy của Ngài.
-
Trong những phương diện nào việc đóng tiền thập phân và các của lễ giúp chúng ta cảm tạ Cha Thiên Thượng của mình?
Tuân Theo Luật Thập Phân
-
Tiền thập phân ngay thật là gì?
Thời xưa, Áp Ra Ham và Gia Cốp đã tuân theo giáo lệnh đóng một phần mười số thu nhập của họ (xin xem Hê Bơ Rơ 7:1–10; Sáng Thế Ký 14:19–20; 28:20–22).
Thời nay, Tiên Tri Joseph Smith đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Ngài bày tỏ cho tôi tớ của Ngài biết Ngài đòi hỏi tài sản của dân Ngài bao nhiêu trong việc đóng thập phân” (GLGƯ 119, lời giới thiệu của tiết). Chúa đã đáp: “Và đây sẽ là sự khởi đầu trong việc đóng góp tiền thập phân của dân ta. Và sau đó, những người đã đóng tiền thập phân như vậy sẽ phải đóng góp một phần mười tổng số lợi tức của mình hằng năm; và đây sẽ là một luật pháp vĩnh viễn cho họ mãi mãi” (GLGƯ 119:3–4). Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã giải thích rằng “một phần mười của tổng số lợi tức của mình hằng năm” có nghĩa là số thu nhập của chúng ta (xin xem thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 19 tháng Ba năm 1970).
Khi đóng tiền thập phân, chúng ta cho thấy lòng trung tín của mình đối với Chúa. Chúng ta cũng dạy cho con cái mình giá trị của luật pháp này. Chúng sẽ muốn noi theo gương của chúng ta và đóng thập phân từ bất cứ số tiền nào mà chúng kiếm được.
-
Trong những phương diện nào mà tiền thập phân là một nguyên tắc về đức tin hơn là một nguyên tắc về tài chính?
-
Cha mẹ có thể làm gì để dạy con cái mình đóng tiền thập phân và hiểu được tầm quan trọng của điều này?
Chúng Ta Nên Đóng Góp Một Cách Sẵn Lòng
-
Tại sao thái độ của chúng ta là quan trọng khi chúng ta đóng tiền thập phân?
Việc sẵn lòng đóng góp là điều quan trọng. “Khi một người đóng tiền thập phân của mình mà không vui vẻ thì người ấy bị lấy đi một phần phước lành. Người ấy phải học cách đóng góp một cách vui vẻ, sẵn lòng và hân hoan, và sự đóng góp của người ấy sẽ được ban phước” (Stephen L Richards, The Law of Tithing [quyển sách nhỏ, 1983], 8).
Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng cách chúng ta cho cũng quan trọng như những gì chúng ta cho. Ông nói: “Mỗi người tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải vì phàn nàn hay vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng” (2 Cô Rinh Tô 9:7).
-
“Kẻ thí của cách vui lòng” có nghĩa là gì đối với các anh chị em?
Tiền Thập Phân và Các Của Lễ Khác
-
Trong những cách thức nào Giáo Hội sử dụng quỹ thập phân và các của lễ khác?
Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta đóng góp tiền thập phân và các của lễ khác lên Chúa.
Tiền Thập Phân
Tiền Thập Phân được Giáo Hội sử dụng trong nhiều mục đích. Một số mục đích này là để:
-
Xây cất, bảo quản và điều hành các đền thờ, các nhà hội và các tòa nhà khác.
-
Cung ứng các ngân quỹ điều hành cho các giáo khu, tiểu giáo khu và các đơn vị khác của Giáo Hội. (Các đơn vị này sử dụng ngân quỹ để thực hiện những chương trình tôn giáo của Giáo Hội gồm có việc giảng dạy phúc âm và các sinh hoạt xã hội.)
-
Giúp đỡ chương trình truyền giáo.
-
Giáo dục giới trẻ trong các trường học, lớp giáo lý và viện giáo lý của Giáo Hội.
-
In và phân phối các tài liệu học tập.
-
Giúp đỡ trong công việc lịch sử gia đình và công việc đền thờ.
Các Của Lễ Khác
Các Của Lễ Nhịn Ăn. Các tín hữu Giáo Hội nhịn ăn mỗi tháng bằng cách không ăn và uống cho hai bữa ăn liên tiếp. Họ đóng góp ít nhất là số tiền mà đáng lẽ họ đã tiêu xài cho các bữa ăn. Họ có thể ban phát rộng rãi với khả năng của họ. Của lễ này được gọi là tiền nhịn ăn. Các giám trợ dùng những số tiền nhịn ăn này để cung cấp thức ăn, nhà ở, quần áo và sự chăm sóc y tế cho người túng thiếu. (Xin xem chương 25 trong sách này.)
Là một phần của buổi lễ nhịn ăn, các tín hữu tham dự một buổi họp được gọi là buổi họp nhịn ăn và chứng ngôn, nơi mà họ có thể chia sẻ với nhau chứng ngôn của mình về Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài.
Quỹ Truyền Giáo. Các tín hữu có thể đóng góp vào các nỗ lực khác của Giáo Hội, như công việc truyền giáo, Quỹ Giáo Dục Luân Lưu, xây cất đền thờ và viện trợ nhân đạo.
Sự Phục Vụ. Các tín hữu cũng đóng góp thời giờ, kỹ năng và tiền của để giúp những người khác. Sự phục vụ này cho phép Giáo Hội giúp các tín hữu và những người ngoại đạo túng thiếu trên khắp thế giới ở cộng đồng, quốc gia và quốc tế, nhất là khi có tai họa xảy ra.
Chúng Ta Được Ban Phước Khi Chúng Ta Đóng Góp Tiền Thập Phân và Các Của Lễ
Chúa hứa ban phước cho chúng ta khi chúng ta trung thành đóng góp tiền thập phân và các của lễ của mình. Ngài đã phán: “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều này mà thử ta … xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi, đến nỗi không có chỗ chứa chăng” (Ma La Chi 3:10).
Điều mặc khải ngày sau cho chúng ta biết về một phước lành khác cho những người đóng tiền thập phân: “Và thật vậy đó là ngày hy sinh, và là một ngày đóng góp tiền thập phân của dân ta, vì kẻ nào đóng tiền thập phân thì sẽ không bị đốt cháy khi Ngài đến” (GLGƯ 64:23).
Các phước lành chúng ta đã được hứa đều thuộc cả về vật chất lẫn thuộc linh. Nếu chúng ta đóng góp một cách sẵn lòng, Cha Thiên Thượng sẽ giúp chúng ta lo liệu đầy đủ cho những nhu cầu hằng ngày của chúng ta về thức ăn, quần áo và chỗ ở. Khi ngỏ lời cùng Các Thánh Hữu Ngày Sau ở Philippines, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói rằng nếu con người “sẽ chịu chấp nhận và sống theo phúc âm, đóng tiền thập phân và các của lễ, ngay cả những người nghèo, Chúa sẽ giữ lời hứa xưa của Ngài thay cho họ, và họ sẽ có cơm ăn và quần áo để mặc và mái nhà để trú ngụ. Tôi không thấy bất cứ giải pháp nào khác. Họ cần một quyền năng lớn hơn bất cứ một quyền năng nào trên thế gian để nâng đỡ và giúp đỡ họ” (“Inspirational Thoughts,” Ensign, tháng Tám năm 1997, 7). Ngài cũng sẽ giúp chúng ta lớn mạnh “trong sự hiểu biết về Thượng Đế, trong một chứng ngôn, trong quyền năng để sống theo phúc âm và để soi dẫn gia đình chúng ta để cũng làm như vậy” (Teachings of Presidents of the Church: Heber J. Grant [2002], 124).
Những người đóng tiền thập phân và các của lễ của mình thì được ban phước dồi dào. Họ có được một cảm nghĩ tốt rằng họ đang giúp xây cất vương quốc của Thượng Đế trên thế gian.
-
Một số phước lành nào mà các anh chị em, những người trong gia đình hoặc bạn bè của các anh chị em đã nhận được qua việc đóng tiền thập phân và các của lễ khác?
Các Câu Thánh Thư Bổ Túc
-
GLGƯ 119:1–4 (luật thập phân)
-
Sáng Thế Ký 14:18–20; An Ma 13:13–16 (Áp Ra Ham đóng tiền thập phân)