Chương 12
Sự Chuộc Tội
Sự Chuộc Tội Là Cần Thiết cho Sự Cứu Rỗi của Chúng Ta
-
Tại sao Sự Chuộc Tội là cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta?
Chúa Giê Su Ky Tô “đã đến với thế gian… để bị đóng đinh trên thập tự giá vì thế gian, và để mang tội lỗi của thế gian, và để thánh hóa thế gian, và tẩy sạch nó khỏi mọi sự bất chính. Rằng nhờ Ngài mà tất cả đều có thể được cứu rỗi” (GLGƯ 76:41–42). Sự hy sinh lớn lao mà Ngài đã thực hiện để chuộc trả các tội lỗi của chúng ta và khắc phục cái chết được gọi là Sự Chuộc Tội. Đó là sự kiện quan trọng nhất đã xảy ra trong lịch sử nhân loại: “Vì điều cần thiết là sự chuộc tội phải được thực hiện; vì theo kế hoạch vĩ đại của Thượng Đế Vĩnh Cửu thì cần phải thực hiện sự chuộc tội, nếu không, tất cả loài người sẽ không tránh khỏi bị diệt vong; phải, vì tất cả mọi người đều chai đá; phải tất cả đều sa ngã và lạc lối, và sẽ bị diệt vong, ngoại trừ một sự cứu chuộc thích đáng được thực hiện” (An Ma 34:9).
Sự Sa Ngã của A Đam đã mang hai cái chết đến cho thế gian: cái chết thể xác và cái chết thuộc linh. Cái chết thể xác là sự tách lìa thể xác khỏi linh hồn. Cái chết thuộc linh là sự tách lìa khỏi Thượng Đế. Nếu hai cái chết này không được Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su khắc phục, thì sẽ có hai hậu quả: thể xác và linh hồn của chúng ta sẽ bị tách lìa vĩnh viễn, và chúng ta không thể trở lại với Cha Thiên Thượng của mình (xin xem 2 Nê Phi 9:7–9).
Nhưng Cha Thiên Thượng thông sáng của chúng ta đã chuẩn bị một kế hoạch kỳ diệu và đầy thương xót để cứu chúng ta khỏi cái chết thể xác và cái chết thuộc linh. Ngài đã trù liệu cho một Đấng Cứu Rỗi đến thế gian để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta và cái chết. Bởi vì tội lỗi của chúng ta và sự yếu đuối của thể xác hữu diệt của chúng ta, nên chúng ta không thể tự cứu chuộc lấy (xin xem An Ma 34:10–12). Người mà sẽ là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta thì cần phải vô tội và có quyền năng chế ngự cái chết.
Đấng Ky Tô Là Đấng Duy Nhất Có Thể Cứu Chuộc Các Tội Lỗi của Chúng Ta
-
Tại sao Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng duy nhất có thể cứu chuộc các tội lỗi của chúng ta?
Có vài lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô là người duy nhất có thể là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Một lý do là vì Cha Thiên Thượng đã chọn Ngài làm Đấng Cứu Rỗi. Ngài là Con Độc Sinh của Thượng Đế và vì vậy Ngài có quyền năng chế ngự cái chết. Chúa Giê Su đã giải thích: “Ta phó sự sống mình, để được lấy lại. Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại” (Giăng 10:17–18).
Chúa Giê Su cũng đủ điều kiện để làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta bởi vì Ngài là người duy nhất đã từng sống trên thế gian mà không phạm tội. Điều này đã làm cho Ngài trở thành một đấng hy sinh xứng đáng để chuộc trả các tội lỗi của những người khác.
Đấng Ky Tô Chịu Đau Đớn và Chết để Chuộc Tội Lỗi cho Chúng Ta
-
Khi các anh chị em đọc phần này, hãy tưởng tượng mình đang ở trong Vườn Ghết Sê Ma Nê hoặc ở tại cây thập tự với tư cách là một nhân chứng về nỗi đau đớn của Chúa Giê Su Ky Tô.
Đấng Cứu Rỗi chuộc tội lỗi cho chúng ta bằng cách chịu đau đớn trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và bằng cách phó mạng Ngài trên cây thập tự. Chúng ta không thể nào hiểu thấu nổi Ngài đã chịu đau đớn vì mọi tội lỗi của chúng ta như thế nào. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, sức nặng của tội lỗi của chúng ta đã khiến cho Ngài cảm thấy thống khổ đến nỗi Ngài phải rướm máu từng lỗ chân lông (xin xem GLGƯ 19:18–19). Về sau, khi Ngài bị treo lên cây thập tự, Chúa Giê Su đã phải chịu đựng cái chết đau đớn gây ra bởi một trong những phương pháp tàn bạo nhất của loài người.
Chúa Giê Su thương yêu chúng ta biết bao để phải chịu đựng nỗi thống khổ về tinh thần lẫn thể xác như vậy vì chúng ta! Tình yêu thương của Cha Thiên Thượng bao la biết dường nào đến nỗi Ngài đã sai Con Độc Sinh của Ngài chịu đau đớn và chết cho các con cái khác của Ngài. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian nhiều, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh Mang Sự Sống Lại đến cho Mọi Người
Vào ngày thứ ba sau khi bị đóng đinh, Đấng Ky Tô đã khoác lại thể xác của Ngài và trở thành người đầu tiên được phục sinh. Khi các bạn hữu của Ngài đến tìm Ngài, các thiên sứ canh gác mộ Ngài đã bảo họ: “Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán” (Ma Thi Ơ 28:6). 28:6). Linh hồn Ngài đã trở về với thể xác Ngài, không bao giờ bị tách rời nữa.
Như vậy, Đấng Ky Tô đã khắc phục cái chết thể xác. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, mọi người sinh ra trên thế gian này sẽ được phục sinh (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:21–22). Cũng giống như Chúa Giê Su đã được phục sinh, linh hồn của chúng ta sẽ được tái hợp với thể xác của chúng ta, “để họ không thể chết được nữa … , để không bao giờ bị tách lìa nữa” (An Ma 11:45). Tình trạng này được gọi là sự bất diệt. Tất cả mọi người đã từng sống thì sẽ được phục sinh, “cả già lẫn trẻ, cả nô lệ lẫn tự do, cả nam lẫn nữ, cả người ngay chính lẫn người tà ác” (An Ma 11:44).
-
Sự hiểu biết của các anh chị em về Sự Phục Sinh đã giúp đỡ các anh chị em như thế nào?
Sự Chuộc Tội Làm Cho Những Người Có Đức Tin nơi Đấng Ky Tô Có Thể được Cứu khỏi Tội Lỗi của Họ
-
Hãy nghĩ về cách mà chuyện ngụ ngôn trong đoạn này giúp chúng ta hiểu Sự Chuộc Tội như thế nào. Những người trong chuyện ngụ ngôn này tiêu biểu cho ai trong cuộc sống của chúng ta?
Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô làm cho chúng ta có thể khắc phục cái chết thuộc linh. Mặc dù tất cả mọi người sẽ được phục sinh, nhưng chỉ có những người nào chấp nhận Sự Chuộc Tội mới sẽ được cứu khỏi cái chết thuộc linh (xin xem Những Tín Điều 1:3).
Chúng ta chấp nhận Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô bằng cách đặt đức tin của mình nơi Ngài. Nhờ vào đức tin này, chúng ta hối cải tội lỗi của mình, chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và tuân theo các giáo lệnh của Ngài. Chúng ta trở thành các môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta được tha thứ và được tẩy sạch tội lỗi và được chuẩn bị trở về và sống mãi mãi với Cha Thiên Thượng của chúng ta.
Đấng Cứu Rỗi phán bảo chúng ta: “Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải” (GLGƯ 19:16–17). Đấng Ky Tô đã làm xong phần vụ của Ngài để chuộc tội lỗi của chúng ta. Chúng ta phải cố gắng vâng lời Ngài và hối cải tội lỗi của mình để làm cho Sự Chuộc Tội của Ngài được hoàn toàn hữu hiệu trong cuộc sống của chúng ta.
Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Hội Đồng Mười Hai đã đưa ra ví dụ sau đây để cho thấy cách mà Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô có thể làm cho chúng ta được cứu khỏi tội lỗi nếu chúng ta làm phần vụ của mình.
“Tôi xin kể cho các anh chị em nghe một câu chuyện—một chuyện ngụ ngôn.
“Có một người nọ mong muốn thật nhiều một thứ gì đó. Dường như thứ đó thì quan trọng hơn bất cứ thứ nào khác trong cuộc sống của người ấy. Để đạt được sự mong muốn của mình, người ấy đã chịu mắc một món nợ lớn.
“Người ấy đã được cảnh cáo về việc lâm vào cảnh nợ nần nhiều như thế, và nhất là về người chủ nợ của mình. Nhưng dường như điều quan trọng đối với người ấy là làm được những gì mà mình muốn và có được những gì mà mình muốn có ngay bây giờ. Người ấy tin chắc là có thể trả được món nợ đó sau này.
Vậy nên, người ấy ký vào bản hợp đồng. Người ấy sẽ trả dần hết món nợ một thời gian sau. Người ấy không lo lắng thái quá về món nợ, bởi vì hạn kỳ phải trả dường như còn quá xa. Người ấy hiện có những gì mình muốn, và điều đó mới là quan trọng.
“Người chủ nợ vẫn lởn vởn trong tâm trí người ấy, và thỉnh thoảng người ấy cũng trả một vài số tiền không đáng kể, và nghĩ rằng vì một lý do nào đó ngày thanh toán món nợ sẽ không thực sự đến.
“Nhưng sự thật thì luôn như thế, ngày ấy đã đến, và hợp đồng đã hết hạn. Món nợ không được trả đủ. Người chủ nợ của người ấy xuất hiện và đòi trả đủ món nợ.
“Đến lúc đó người ấy mới nhận thức được rằng người chủ nợ của mình không những có quyền để lấy lại tất cả những gì mà mình có, mà còn có quyền đem bỏ tù mình nữa.
“Người ấy thú nhận: ‘Tôi không thể trả cho ông được, vì tôi không có khả năng để trả.’
“Người chủ nợ nói: ‘Vậy thì, chúng tôi sẽ thi hành theo như bản hợp đồng, lấy hết tài sản của anh và anh sẽ đi tù. Anh đã đồng ý về điều đó. Đó là sự chọn lựa của anh. Anh đã ký vào bản hợp đồng, và bây giờ thì hợp đồng phải được thi hành.’
“Người mắc nợ van xin: “Ông không thể gia hạn hay tha nợ được sao? Bằng cách nào đó xin thu xếp cho tôi để tôi được giữ những thứ tôi có và không phải đi tù. Chắc hẳn ông tin ở lòng thương xót chứ? Ông sẽ không tỏ lòng thương xót được sao?’
“Người chủ nợ đáp: “Lòng thương xót luôn luôn chỉ có một chiều. Nó chỉ phục vụ một mình anh. Nếu tôi tỏ lòng thương xót đối với anh, thì tôi không được trả nợ. Sự công bằng là điều tôi đòi hỏi. Anh có tin vào sự công bằng không?’
“Người mắc nợ nói: ‘Tôi tin nơi sự công bằng khi tôi ký vào bản hợp đồng. Lúc bấy giờ, sự công bằng đứng về phía tôi, bởi vì tôi nghĩ nó sẽ bảo vệ cho tôi. Lúc bấy giờ, tôi không cần lòng thương xót, cũng như nghĩ rằng tôi chẳng cần đến nó bao giờ. Tôi nghĩ sự công bằng sẽ phục vụ một cách đồng đều cho cả hai chúng ta.’
“‘Người chủ nợ đáp: ’Chính sự công bằng đòi hỏi anh phải trả theo bản hợp đồng hoặc nhận chịu hình phạt. Đó là luật lệ. Anh đã đồng ý như thế và sự việc phải như vậy. Lòng thương xót không thể tước đoạt sự công bằng.’
“Cứ như thế: Một người đòi phải thực hiện sự công bằng, người kia thì van xin lòng thương xót. Không một người nào có thể thắng trừ phi người kia phải bị thua thiệt.
“‘Người mắc nợ khẩn nài: ‘Nếu ông không tha món nợ thì sẽ không có lòng thương xót.’
“Câu trả lời là: ‘Nếu tôi tha món nợ, thì sẽ không có sự công bằng.’
“Dường như không thể nào thỏa mãn cả hai luật lệ đó được. Đó là hai lý tưởng vĩnh cửu mà dường như tương phản với nhau. Không có cách nào để sự công bằng và lòng thương xót cùng được thỏa mãn một cách trọn vẹn sao?
“Có một cách! Luật công bằng có thể được thỏa mãn một cách hoàn toàn và lòng thương xót có thể được dành cho một cách trọn vẹn—nhưng cần phải có một người nào khác. Và vì vậy lần này điều đó đã xảy ra.
“Người mắc nợ có một người bạn. Người bạn ấy đến giúp. Người bạn biết rõ người mắc nợ. Người bạn biết người mắc nợ là người thiển cận. Người bạn nghĩ người mắc nợ quá dại dột để tự lâm mình vào một tình huống khó khăn như vậy. Tuy nhiên, người bạn này muốn giúp đỡ bởi vì yêu mến người mắc nợ. Người bạn này bước ra giữa hai người, đối diện với người chủ nợ và đưa ra lời đề nghị này.
“‘Tôi sẽ trả món nợ nếu ông chịu để cho người mắc nợ ra khỏi bản hợp đồng của anh ấy để anh ấy có thể giữ của cải của mình và không phải vào tù.’
“Trong khi người chủ nợ đang suy ngẫm về lời đề nghị, thì người đứng làm trung gian nói thêm: ‘Ông đòi hỏi sự công bằng. Mặc dù anh ấy không thể trả nợ cho ông, nhưng tôi sẽ trả thế. Ông sẽ được đối xử công bằng và không thể đòi hỏi hơn được. Đòi hỏi hơn nữa là không công bằng.’
“Và như thế thì người chủ nợ đồng ý.
“Người đứng làm trung gian bèn quay sang người mắc nợ: ‘Nếu tôi trả nợ cho anh, anh có chịu chấp nhận tôi làm người chủ nợ của anh không?’
“Người mắc nợ kêu lên: ‘Ồ, có, có chứ. Anh đã cứu tôi khỏi tù tội và tỏ lòng thương xót
“Người ân nhân nói: “Vậy thì, anh sẽ trả món nợ đó cho tôi và tôi sẽ đặt ra các điều kiện. Các điều kiện sẽ không dễ dàng, nhưng có thể thi hành được. Tôi sẽ đưa ra cách thức. Anh không phải vào tù.’
“Và như vậy người chủ nợ được trả đầy đủ. Ông đã được đối xử công bằng. Không một hợp đồng nào bị vi phạm.
“Đổi lại, người mắc nợ đã được dành cho lòng thương xót. Cả hai luật lệ đã được giải quyết một cách trọn vẹn. Nhờ có một người đứng làm trung gian, sự công bằng đã được làm tròn, và lòng thương xót đã được thỏa mãn” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1977, 79–80; hoặc Ensign, tháng Năm năm 1977, 54–55).
Tội lỗi của chúng ta là món nợ thuộc linh của chúng ta. Nếu không có Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Trung Gian của chúng ta, thì chúng ta sẽ phải trả tất cả tội lỗi của mình bằng cách gánh chịu cái chết thuộc linh. Nhưng nhờ vào Ngài, nếu chúng ta chịu tuân theo các điều kiện của Ngài, đó là chúng ta phải hối cải và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, thì chúng ta có thể trở về sống với Cha Thiên Thượng của chúng ta.
Việc Đấng Ky Tô đã cung ứng cho chúng ta một cách thức để được chữa lành khỏi các tội lỗi của mình thì thật là kỳ diệu. Ngài đã phán:
“Này, ta đã xuống thế gian… để cứu vớt thế gian khỏi tội lỗi.
“Vậy nên, bất cứ kẻ nào hối cải và đến với ta như một trẻ nhỏ thì sẽ được ta đón nhận, vì vương quốc của Thượng Đế dành cho những kẻ đó. Này, vì những kẻ đó mà ta đã phó bỏ mạng sống của ta rồi lấy lại nó; vậy các ngươi hãy hối cải và đến cùng ta, hỡi các ngươi ở các nơi tận cùng của trái đất, rồi các ngươi sẽ được cứu” (3 Nê Phi 9:21–22).
-
Hãy suy ngẫm cách mà các anh chị em có thể cho thấy lòng biết ơn về ân tứ của Sự Chuộc Tội.
Các Câu Thánh Thư Bổ Túc
-
An Ma 34:9–16 (Sự Chuộc Tội là cần thiết; sự hy sinh của Thượng Đế)
-
2 Nê Phi 9:7–12 (Sự Chuộc Tội cứu chúng ta khỏi cái chết thể xác và thuộc linh)
-
Rô Ma 5:12–17 (bởi một người mà chết, bởi một người khác mà có sự sống)
-
Hê La Man 14:15–18 (mục đích cái chết của Chúa Giê Su)
-
Những Tín Điều 1:3 (tất cả đều có thể được cứu)
-
1 Phi E Rơ 1:18–20 (Chúa Giê Su được tiền sắc phong)
-
Ma Thi Ơ 16:21 (sự hy sinh của Chúa Giê Su là cần thiết)
-
Lu Ca 22:39–46 (nỗi đau khổ của Chúa Giê Su trong Vườn)
-
1 Giăng 1:7 (Chúa Giê Su tẩy sạch tội lỗi)
-
2 Nê Phi 9:21–22 (Đấng Cứu Rỗi chịu đau khổ cho tất cả mọi người)
-
Mô Si A 16:6–8 (sự phục sinh chỉ có thể có được qua Chúa Giê Su mà thôi)
-
An Ma 11:40–45; Mặc Môn 9:12–14 (tất cả đều được phục sinh)
-
Ê Sai 1:18 (tội lỗi sẽ được làm cho trở nên trắng tinh)
-
1 Cô Rinh Tô 15:40–44; An Ma 40:23 (lời diễn tả về Sự Phục Sinh)