Sách và Các Bài Học
Chương 14: Tổ Chức của Chức Tư Tế


Chương 14

Tổ Chức của Chức Tư Tế

Hình Ảnh
Three priests (one kneeling, two standing) while the sacrament is being blessed.

Chức Tư Tế Ở trên Thế Gian Ngày Nay

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được điều khiển bởi chức tư tế. Chức tư tế, luôn liên kết với công việc của Thượng Đế, “tiếp tục trong Giáo Hội của Thượng Đế, trong tất cả mọi thế hệ, và không có ngày bắt đầu hay năm kết thúc” (GLGƯ 84:17). Chức tư tế hiện có trên thế gian ngày nay. Những người nam, trẻ tuổi lẫn lớn tuổi, chịu phép báp têm vào Giáo Hội, và khi họ được xét thấy xứng đáng, thì họ được sắc phong cho chức tư tế. Họ được ban cho thẩm quyền để hành động thay cho Chúa và làm công việc của Ngài trên thế gian.

Hai Thành Phần của Chức Tư Tế

  • Làm thế nào Các Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và A Rôn có tên như vậy?

Chức tư tế được chia ra làm hai phần: Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Chức Tư Tế A Rôn (xin xem GLGƯ 107:1). “Lý do chức tư tế thứ nhất được gọi là Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là vì Mên Chi Xê Đéc là một thầy tư tế thượng phẩm rất cao trọng.

“Trước thời của ông, chức đó được gọi là Thánh Chức Tư Tế theo Bạn của Vị Nam Tử của Thượng Đế.

“Nhưng vì sự kính trọng hay tôn kính danh của Đấng Tối Cao, để tránh khỏi phải lặp đi lặp lại nhiều lần danh của Ngài, nên họ, giáo hội thời xưa, gọi chức ấy theo tên Mên Chi Xê Đéc, hay Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc” (GLGƯ 107:2–4; chữ nghiêng là từ nguyên bản).

Chức tư tế thấp hơn là chức tư tế phụ thuộc vào Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chức tư tế này được gọi là Chức Tư Tế A Rôn vì được truyền giao cho A Rôn và các con trai của ông trong suốt mọi thế hệ của họ. Những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn có thẩm quyền thực hiện các giáo lễ Tiệc Thánh và phép báp têm, là các giáo lễ bề ngoài. (Xin xem GLGƯ 20:46; 107:13–14, 20.)

Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có quyền năng và thẩm quyền lãnh đạo Giáo Hội và hướng dẫn việc thuyết giảng phúc âm khắp nơi trên thế giới. Họ điều hành tất cả mọi công việc thuộc linh của Giáo Hội (xin xem GLGƯ 84:19–22; 107:8). Họ hướng dẫn công việc được thực hiện trong các đền thờ; họ chủ tọa các tiểu giáo khu, chi nhánh, giáo khu và phái bộ truyền giáo. Vị tiên tri được chọn của Chúa, Vị Chủ Tịch của Giáo Hội, là thầy tư tế thượng phẩm chủ tọa Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (xin xem GLGƯ 107:65–67).

Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế

  • Sự khác biệt giữa chức tư tế và các chìa khóa của chức tư tế là gì? Các vị lãnh đạo chức tư tế nào tiếp nhận các chìa khóa?

Có sự khác biệt giữa việc được sắc phong cho một chức phẩm trong chức tư tế và tiếp nhận các chìa khóa của chức tư tế. Chủ Tịch Joseph F. Smith đã dạy:

“Chức Tư Tế nói chung là thẩm quyền được ban cho con người để hành động thay cho Thượng Đế. Mỗi người nam được sắc phong vào bất cứ đẳng cấp nào của Chức Tư Tế đều có thẩm quyền này ủy thác cho mình.

“Nhưng điều cần thiết là mỗi hành động thực hiện với thẩm quyền này phải được thực hiện đúng lúc và đúng chỗ, trong một cách thức đúng đắn và theo một trật tự thích đáng. Quyền năng hướng dẫn những việc này tạo thành các chìa khóa của Chức Tư Tế. Trong sự trọn vẹn của chúng, các chìa khóa này chỉ được nắm giữ mỗi một thời kỳ bởi một người, tức là vị tiên tri và chủ tịch của Giáo Hội. Vị ấy có thể ủy thác bất cứ phần nào của quyền năng này cho một người khác, trong trường hợp đó, người ấy nắm giữ các chìa khóa của công việc đặc biệt đó. Do đó, chủ tịch đền thờ, chủ tịch giáo khu, giám trợ tiểu giáo khu, chủ tịch phái bộ truyền giáo, chủ tịch nhóm túc số, mỗi người nắm giữ các chìa khóa của những công việc được thực hiện trong nhóm đặc biệt hoặc khu vực địa dư đó. Chức Tư Tế của người này không được gia tăng bởi sự chỉ định đặc biệt nào;… ví dụ, vị chủ tịch nhóm túc số các anh cả cũng không có Chức Tư Tế nhiều hơn bất cứ thành viên nào trong nhóm túc số đó. Nhưng vị ấy nắm giữ quyền năng hướng dẫn những công việc chính thức được thực hiện trong … nhóm túc số đó hoặc nói cách khác, các chìa khóa của một phần công việc đó” (Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith [1998], 141; chữ nghiêng là từ nguyên bản).

  • Các chìa khóa chức tư tế bảo vệ Giáo Hội như thế nào?

Các Chức Phẩm và Các Bổn Phận của Chức Tư Tế A Rôn

  • Những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn phục vụ trong những cách thức nào?

Khi Chức Tư Tế A Rôn được truyền giao cho một người nam hay một thiếu niên, thì người ấy được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế đó. Các chức phẩm trong Chức Tư Tế A Rôn là thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế và giám trợ. Mỗi chức phẩm đều có các bổn phận và trách nhiệm. Mỗi nhóm túc số được chủ tọa bởi một chủ tịch nhóm túc số là người giảng dạy cho các thành viên về các bổn phận của họ và yêu cầu họ thi hành các công việc chỉ định.

Một số người nam gia nhập Giáo Hội hoặc trở nên tích cực sau khi họ đã quá độ tuổi thông thường để nhận các chức phẩm của chức tư tế này. Họ thường được sắc phong cho một chức phẩm trong Chức Tư Tế A Rôn và có thể sớm được sắc phong cho các chức phẩm khác nếu họ vẫn sống xứng đáng.

Thầy Trợ Tế

Một thiếu niên mà đã chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội và xứng đáng thì có thể được sắc phong cho chức phẩm thầy trợ tế khi em ấy được 12 tuổi. Các thầy trợ tế thường được chỉ định chuyền Tiệc Thánh cho các tín hữu của Giáo Hội, giữ gìn các tòa nhà và sân vườn của Giáo Hội trong tình trạng sạch sẽ tốt đẹp, làm người đưa tin cho các vị lãnh đạo chức tư tế, và làm tròn những công việc chỉ định đặc biệt như thu góp các của lễ nhịn ăn.

Thầy Giảng

Một thiếu niên xứng đáng có thể được sắc phong làm thầy giảng khi được 14 tuổi hoặc lớn hơn. Các thầy giảng có tất cả các bổn phận, quyền hạn và quyền năng của chức phẩm thầy trợ tế cộng thêm các bổn phận khác. Các thầy giảng trong Chức Tư Tế A Rôn phải giúp các tín hữu Giáo Hội sống theo các giáo lệnh (xin xem GLGƯ 20:53–59). Để giúp làm tròn trách nhiệm này, họ thường được kêu gọi làm các thầy giảng tại gia. Họ đi thăm viếng nhà của các tín hữu Giáo Hội và khuyến khích những người này sống theo các nguyên tắc của phúc âm. Họ được truyền lệnh phải giảng dạy các lẽ thật của phúc âm từ thánh thư (xin xem GLGƯ 42:12). Các thầy giảng cũng sửa soạn bánh và nước cho buổi lễ Tiệc Thánh.

Thầy Tư Tế

Một thiếu niên xứng đáng có thể được sắc phong làm thầy tư tế khi được 16 tuổi hay lớn hơn. Các thầy tư tế có tất cả các bổn phận, quyền hạn và quyền năng của các chức phẩm thầy trợ tế và thầy giảng cộng thêm một số bổn phận khác (xin xem GLGƯ 20:46–51). Một thầy tư tế có thể làm phép báp têm. Người ấy cũng có thể ban phước Tiệc Thánh. Người ấy có thể sắc phong cho các thầy tư tế, các thầy giảng và các thầy trợ tế khác. Một thầy tư tế có thể đảm trách các buổi họp khi không có người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc nào hiện diện. Người ấy phải thuyết giảng phúc âm cho những người chung quanh mình.

Giám Trợ

Một vị giám trợ được sắc phong và làm lễ phong nhiệm để chủ tọa Chức Tư Tế A Rôn trong một tiểu giáo khu. Ông là chủ tịch của nhóm túc số thầy tư tế (xin xem GLGƯ 107:87–88). Khi hành động trong chức phẩm của Chức Tư Tế A Rôn của mình, vị giám trợ chủ yếu xử lý các vấn đề thế tục, như điều hành các vấn đề tài chính và hồ sơ và hướng dẫn việc chăm sóc những người nghèo khó và túng thiếu (xin xem GLGƯ 107:68).

Vị giám trợ cũng được sắc phong làm thầy tư tế thượng phẩm để ông có thể chủ tọa tất cả các tín hữu trong tiểu giáo khu (xin xem GLGƯ 107:71–73; 68:15). Vị giám trợ là một vị phán quan trong Y Sơ Ra Ên (xin xem GLGƯ 107:74) và phỏng vấn các tín hữu để cấp giấy giới thiệu đi đền thờ, các lễ sắc phong chức tư tế, và những nhu cầu khác. Quyền của ông là có được ân tứ phân biệt.

  • Các anh chị em đã được ban phước qua sự phục vụ của những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn như thế nào?

Các Chức Phẩm và Bổn Phận của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

  • Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc phục vụ trong những cách thức nào?

Các chức phẩm của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là anh cả, thầy tư tế thượng phẩm, tộc trưởng, Thầy Bảy Mươi và Sứ Đồ.

Anh Cả

Các anh cả được kêu gọi để giảng dạy, giải thích, khuyên nhủ, làm phép báp têm và chăm sóc các tín hữu Giáo Hội (xin xem GLGƯ 20:42). Tất cả những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đều là các anh cả. Họ có thẩm quyền ban cho ân tứ Đức Thánh Linh bằng phép đặt tay (xin xem GLGƯ 20:43). Các anh cả phải điều khiển các buổi họp của Giáo Hội theo như sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh (xin xem GLGƯ 20:45; 46:2). Các anh cả có thể ban phước lành cho người bệnh (xin xem GLGƯ 42:44) và ban phước cho các trẻ nhỏ (xin xem GLGƯ 20:70). Các anh cả có thể chủ tọa các buổi họp của Giáo Hội khi không có thầy tư tế thượng phẩm nào hiện diện (GLGƯ 107:11).

Thầy Tư Tế Thượng Phẩm

Một thầy tư tế thượng phẩm được ban cho thẩm quyền thi hành chức vụ trong Giáo Hội và điều hành những sự việc thuộc linh (xin xem GLGƯ 107:10, 12). Ông cũng có thể thi hành chức vụ trong các chức phẩm thấp hơn (xin xem GLGƯ 68:19). Các chủ tịch giáo khu, các chủ tịch phái bộ truyền giáo, các ủy viên hội đồng thượng phẩm, các giám trợ đoàn, và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đều được sắc phong làm thầy tư tế thượng phẩm.

Tộc Trưởng

Các vị tộc trưởng được sắc phong bởi Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, hay bởi các chủ tịch giáo khu khi họ được Hội Đồng Mười Hai cho phép, để ban các phước lành tộc trưởng cho các tín hữu của Giáo Hội. Các phước lành này ban cho chúng ta một số hiểu biết về những sự kêu gọi của mình trên thế gian. Các phước lành này là lời của Chúa dành riêng cho chúng ta. Các vị tộc trưởng cũng được sắc phong làm các thầy tư tế thượng phẩm (Xin xem GLGƯ 107:39–56.)

Thầy Bảy Mươi

Các thầy bảy mươi là các nhân chứng đặc biệt của Chúa Giê Su Ky Tô cho thế gian và giúp xây đắp và điều hành Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai (xin xem GLGƯ 107:25, 34, 38, 93–97).

Sứ Đồ

Một Sứ Đồ là một nhân chứng đặc biệt của Chúa Giê Su Ky Tô trên khắp thế gian (xin xem GLGƯ 107:23). Các Sứ Đồ điều hành các công việc của Giáo Hội trên khắp thế gian. Những người được sắc phong cho chức phẩm Sứ Đồ trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc thì thường được phong nhiệm làm các thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Mỗi một vị được ban cho tất cả các chìa khóa thuộc vương quốc của Thượng Đế trên thế gian, nhưng chỉ có vị Sứ Đồ trưởng, tức là vị Chủ Tịch của Giáo Hội, mới tích cực sử dụng hết tất cả các chìa khóa. Những vị khác hành động dưới sự hướng dẫn của ông.

  • Các anh chị em đã được ban phước qua sự phục vụ của những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc như thế nào?

Các Nhóm Túc Số chức Tư Tế A Rôn

Chúa đã chỉ dạy rằng những người nắm giữ chức tư tế phải được tổ chức thành các nhóm túc số. Một nhóm túc số là một nhóm các anh em nắm giữ cùng một chức phẩm của chức tư tế đó.

Có ba nhóm túc số chức Tư Tế A Rôn:

  1. Nhóm túc số các thầy trợ tế gồm có tới 12 thầy trợ tế (xin xem GLGƯ 107:85). Chủ tịch đoàn của nhóm túc số các thầy trợ tế được vị giám trợ kêu gọi từ trong số các thành viên của nhóm túc số đó.

  2. Nhóm túc số các thầy giảng gồm có tới 24 thầy giảng (xin xem GLGƯ 107:86). Chủ tịch đoàn của nhóm túc số các thầy giảng được vị giám trợ kêu gọi từ trong số các thành viên của nhóm túc số đó.

  3. Nhóm túc số các thầy tư tế gồm có tới 48 thầy tư tế (xin xem GLGƯ 107:87–88). Nhóm túc số này được chủ tọa bởi vị giám trợ của tiểu giáo khu mà nhóm túc số này thuộc vào. Vị giám trợ là thầy tư tế thượng phẩm và do đó ông cũng thuộc vào nhóm túc số các thầy tư tế thượng phẩm.

Bất cứ lúc nào số thành viên trong một nhóm túc số vượt hơn số quy định, thì nhóm túc số đó có thể được chia ra.

Các Nhóm Túc Số chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

Ở Giáo Hội cấp trung ương, các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn họp thành một nhóm túc số, như Mười Hai Vị Sứ Đồ cũng vậy. Các Thầy Bảy Mươi cũng được tổ chức thành các nhóm túc số.

Ở Giáo Hội cấp địa phương—trong các tiểu giáo khu, chi nhánh, giáo khu và giáo hạt—những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được tổ chức thành các nhóm túc số sau đây:

Nhóm Túc Số Các Anh Cả

Mỗi nhóm túc số các anh cả “gồm có những giáo sĩ địa phương; mặc dù họ có thể du hành, tuy nhiên họ được sắc phong làm các giáo sĩ địa phương” (GLGƯ 124:137). Họ làm đa số công việc của mình gần nhà họ. Nhóm túc số phải gồm có tới 96 anh cả, được chủ tọa bởi một chủ tịch đoàn nhóm túc số. Khi nào số thành viên này vượt hơn số quy định, thì nhóm túc số đó có thể được chia ra.

Nhóm Túc Số Các Thầy Tư Tế Thượng Phẩm

Mỗi nhóm túc số gồm có tất cả các thầy tư tế thượng phẩm cư ngụ trong ranh giới của một giáo khu, kể cả các tộc trưởng và giám trợ. Chủ tịch giáo khu và các cố vấn của ông là chủ tịch đoàn của nhóm túc số này. Các thầy tư tế thượng phẩm trong mỗi tiểu giáo khu được tổ chức thành một nhóm với một vị lãnh đạo nhóm.

Tầm Quan Trọng của Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế

  • Làm thế nào các nhóm túc số chức tư tế có thể giúp củng cố các cá nhân và gia đình?

Khi được sắc phong cho chức tư tế, một người nam hay thiếu niên tự động trở thành một thành viên của một nhóm túc số chức tư tế. Từ lúc đó cho đến suốt đời, người ấy được kỳ vọng sẽ là thành viên trong một nhóm túc số chức tư tế tùy theo chức phẩm của mình. (Xin xem Boyd K. Packer, “What Every Elder Should Know—and Every Sister as Well: A Primer on Principles of Priesthood Government,” Ensign, tháng Hai năm 1993, 9).

Nếu một nhóm túc số chức tư tế hoạt động đúng cách, thì các thành viên của nhóm túc số được các vị lãnh đạo của họ khuyến khích, ban phước, kết thân và giảng dạy phúc âm. Mặc dù một người có thể được giải nhiệm từ những sự kêu gọi trong Giáo Hội chẳng hạn như giảng viên, chủ tịch nhóm túc số, giám trợ, ủy viên hội đồng thượng phẩm, hay chủ tịch giáo khu, nhưng vai trò thành viên của người ấy trong nhóm túc số của mình vẫn không thay đổi. Vai trò thành viên trong một nhóm túc số chức tư tế phải được xem là một đặc ân thiêng liêng.

Các Tổ Chức Bổ Trợ Chức Tư Tế

  • Làm thế nào các tổ chức bổ trợ chức tư tế có thể giúp củng cố các cá nhân và gia đình?

Tất cả các tổ chức trong Giáo Hội hoạt động dưới sự hướng dẫn của các vị lãnh đạo chức tư tế và giúp họ thực hiện công việc của Chúa. Ví dụ, các chủ tịch đoàn trong các tổ chức Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nữ, Hội Thiếu Niên, Hội Thiếu Nhi và Trường Chúa Nhật của một tiểu giáo khu phục vụ dưới sự hướng dẫn của giám trợ đoàn. Các tổ chức này được gọi là các tổ chức bổ trợ chức tư tế.

  • Các anh chị em có vai trò nào với tư cách là các cá nhân trong việc giúp đỡ các nhóm túc số chức tư tế và các tổ chức bổ trợ được thành công?

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc

  • An Ma 13:1–19 (cách thức mà theo đó những người nam được sắc phong cho chức tư tế)

  • Ma Thi Ơ 16:19; GLGƯ 68:12 (Các Sứ Đồ được ban cho các chìa khóa và quyền năng; những gì họ gắn bó trên thế gian thì cũng được gắn bó trên thiên thượng)

  • GLGƯ 20:38–67 (các bổn phận của các anh cả, thầy tư tế, thầy giảng, thầy trợ tế)

  • GLGƯ 84; 107 (những điều mặc khải về chức tư tế)

  • 1 Cô Rinh Tô 12:14–31 (tất cả các chức phẩm của chức tư tế đều quan trọng)

In