Chương 27
Sự Làm Việc và Trách Nhiệm Cá Nhân
Sự Làm Việc Là một Nguyên Tắc Vĩnh Cửu
-
Những kinh nghiệm nào mà các anh chị em có đã cho các anh chị em thấy tầm quan trọng của sự làm việc?
Cha Thiên Thượng của chúng ta và Chúa Giê Su Ky Tô đã cho chúng ta thấy qua tấm gương và những lời giảng dạy của hai Ngài rằng sự làm việc là quan trọng trên thiên thượng và dưới thế gian. Thượng Đế đã làm việc để sáng tạo trời và đất. Ngài đã khiến các biển tụ lại một nơi và đất khô hiện ra. Ngài đã khiến cỏ cây mọc lên trên đất. Ngài đã tạo ra mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Ngài đã tạo ra mọi sinh vật dưới biển hay trên đất. Rồi Ngài đặt A Đam và Ê Va trên thế gian để trông coi thế gian và quản trị các tạo vật khác (Xin xem Sáng Thế Ký 1:1–28.)
Chúa Giê Su phán: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy” (Giăng 5:17). Ngài cũng phán: “Ta phải làm trọn những việc của Đấng đã sai ta đến” (Giăng 9:4).
Chúng Ta Được Truyền Lệnh Phải Làm Việc
Sự làm việc là lối sống trên thế gian từ khi A Đam và Ê Va rời khỏi Vườn Ê Đen. Chúa đã phán cùng A Đam: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (Sáng Thế Ký 3:19). A Đam và Ê Va đã làm công việc đồng áng mới có thể lo liệu các nhu cầu cho riêng họ và cho các con cái họ (xin xem Môi Se 5:1).
Chúa đã phán cùng dân Y Sơ Ra Ên: “Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:9).
Trong những ngày đầu của Giáo Hội phục hồi, Chúa đã phán cùng các Thánh Hữu Ngày Sau: “Giờ đây, ta, là Chúa, không được hài lòng cho lắm với những dân cư trong Si Ôn, vì có những kẻ biếng nhác trong bọn họ” (GLGƯ 68:31).
Một vị tiên tri của Thượng Đế đã nói: “Sự làm việc cần phải được thiết lập lại thành một nguyên tắc chỉ đạo trong cuộc sống của các tín hữu Giáo Hội” (Heber J. Grant, Teachings of Presidents of the Church: Heber J. Grant [2002], 115).
Trách Nhiệm Gia Đình
-
Một số trách nhiệm mà cha mẹ và con cái có để duy trì một mái gia đình là gì? Những người trong gia đình có thể làm gì để cùng nhau làm việc?
Các bậc cha mẹ cùng nhau làm việc để lo liệu cho sự an lạc về mặt vật chất, thuộc linh và tình cảm cho gia đình mình. Họ không được trông mong bất cứ người nào khác sẽ lãnh trách nhiệm này cho họ. Sứ Đồ Phao Lô đã viết: “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin” (1 Ti Mô Thê 5:8).
Các cặp vợ chồng cần phải tìm kiếm sự soi dẫn từ Chúa và tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri khi thiết lập những trách nhiệm cá nhân. Việc tạo dựng một mái gia đình nơi mà các nguyên tắc của phúc âm được giảng dạy hằng ngày và nơi mà có nhiều tình yêu thương và sự trật tự thì cũng quan trọng như việc lo liệu cho những nhu cầu cơ bản về thực phẩm và quần áo.
Con cái phải làm phần vụ của chúng trong các công việc của gia đình. Điều cần thiết cho con cái là được chỉ định làm những công việc thích hợp với khả năng của chúng. Chúng cần được khen ngợi về những thành công của chúng. Thái độ, thói quen và kỹ năng làm việc tốt được học hỏi qua những kinh nghiệm thành công trong nhà.
Đôi khi người ta trải qua những gian nan khi cố gắng lo liệu cho gia đình mình. Việc đau ốm kinh niên, mất người phối ngẫu, hay gánh thêm cha hay mẹ già đều có thể gia tăng trách nhiệm trong nhà. Cha Thiên Thượng của chúng ta nhớ đến các gia đình trong những tình huống này và ban cho họ sức mạnh để thực hiện các bổn phận của họ. Ngài sẽ luôn ban phước lành cho họ nếu họ cầu xin Ngài với đức tin.
Chúng Ta Có Thể Vui Hưởng Sự Làm Việc của Mình
-
Thái độ của chúng ta ảnh hưởng đến việc làm của chúng ta như thế nào?
Đối với một số người sự làm việc là điều vất vả lao nhọc. Đối với những người khác, thì đó là một phần phấn khởi của đời sống. Một cách để vui hưởng những lợi ích trọn vẹn nhất trong cuộc sống là học cách yêu thích làm việc.
Không phải tất cả chúng ta có thể chọn được loại công việc chúng ta làm. Một số chúng ta lao nhọc hằng giờ chỉ vì những nhu cầu tối cần thiết. Thật là khó để vui hưởng việc làm như thế. Tuy nhiên những người sung sướng nhất đã học được cách vui hưởng việc làm của mình, dù đó là công việc gì chăng nữa.
Chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau trong công việc làm của mình. Gánh nặng nhất trở thành nhẹ hơn khi có người chia sẻ.
Thái độ của chúng ta đối với việc làm rất là quan trọng. Câu chuyện sau đây cho thấy cách nhìn của một người vượt khỏi tầm lao nhọc hằng ngày của mình. Một người khách bộ hành đi ngang qua một mỏ đá và trông thấy ba người đang làm việc. Ông hỏi từng người là họ đang làm gì. Câu trả lời của mỗi người đã cho thấy một thái độ khác biệt đối với cùng một việc làm. Người thứ nhất trả lời: “Tôi đang đục đá ra.” Người thứ nhì đáp: “Tôi kiếm được ba thỏi vàng mỗi ngày.” Người thứ ba mỉm cười và nói: “Tôi đang phụ xây cất một ngôi nhà của Thượng Đế.”
Trong bất cứ việc làm lương thiện nào, chúng ta cũng đều có thể phục vụ Thượng Đế. Vua Bên Gia Min, một vị tiên tri người Nê Phi, đã nói: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy” (Mô Si A 2:17). Nếu việc làm của chúng ta chỉ đủ lo liệu cho những nhu cầu cần thiết của riêng mình hay của gia đình mình, thì chúng ta vẫn đang giúp một số con cái của Thượng Đế.
-
Làm thế nào chúng ta có thể cải tiến thái độ của mình đối với sự làm việc?
Thượng Đế Lên Án Sự Biếng Nhác
Chúa không hài lòng với những người biếng nhác hay ăn không ngồi rồi. Ngài phán: “Kẻ biếng nhác sẽ không có chỗ đứng trong giáo hội, trừ khi kẻ ấy hối cải và sửa đổi đường lối của mình” (GLGƯ 75:29). Ngài cũng đã truyền lệnh: “Các ngươi chớ lười biếng; vì kẻ lười biếng sẽ không được ăn cơm hay mặc y phục của người lao động” (GLGƯ 42:42).
Từ thời kỳ phôi thai của Giáo Hội, các vị tiên tri đã dạy các Thánh Hữu Ngày Sau phải sống tự lập, tự túc và tránh tính biếng nhác. Các Thánh Hữu Ngày Sau chân chính sẽ không cố tình trút gánh nặng nuôi bản thân mình cho người khác. Chừng nào họ còn có khả năng, thì họ sẽ lo liệu những nhu cầu cần thiết của đời sống cho riêng họ và cho gia đình họ.
Nếu có đủ khả năng, tất cả các tín hữu Giáo Hội phải chấp nhận chăm sóc những người thân thuộc của mình là những người không thể tự lo liệu cho chính họ được.
-
Tật biếng nhác ảnh hưởng đến một cá nhân, một gia đình, một cộng đồng như thế nào?
Làm Việc, Giải Trí và Nghỉ Ngơi
-
Tại sao việc giữ thăng bằng trong cuộc sống giữa sự làm việc, giải trí và nghỉ ngơi là điều quan trọng?
Mỗi người chúng ta nên tìm sự thăng bằng thích hợp giữa sự làm việc, giải trí và nghỉ ngơi. Tục ngữ xưa có nói: “Không làm gì hết là một việc làm khó nhọc nhất, bởi vì người ta không bao giờ có thể ngừng nghỉ ngơi.” Nếu không có việc làm, thì sự nghỉ ngơi và thư giãn không có ý nghĩa gì hết.
Không những nghỉ ngơi là điều thú vị và cần thiết, mà chúng ta còn được truyền lệnh phải nghỉ ngơi vào ngày Sa Bát (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:10; GLGƯ 59:9–12). Ngày nghỉ ngơi này sau sáu ngày làm việc mang đến sự khoan khoái cho những ngày tiếp theo. Chúa cũng hứa ban “trọn thế gian” cho những người tuân theo ngày Sa Bát (xin xem GLGƯ 59:16–20; xin xem thêm chương 24 trong sách này).
Vào những ngày khác trong tuần, ngoài sự làm việc ra, chúng ta có thể dành thời giờ để cải tiến những tài năng của mình và vui hưởng thú riêng của mình, và sự giải trí hay những sinh hoạt khác mà sẽ làm cho chúng ta được khoan khoái.
-
Chúng ta có thể làm gì để giữ thăng bằng giữa sự làm việc, giải trí và nghỉ ngơi? Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con cái mình duy trì sự thăng bằng này?
Các Phước Lành của Sự Làm Việc
-
Một số phước lành có được từ sự làm việc lương thiện là gì?
Thượng Đế đã mặc khải cho A Đam rằng: “Người làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (Sáng Thế Ký 3:19). Ngoài việc là một điều luật về vật chất, đây cũng là một điều luật dành cho sự cứu rỗi linh hồn của A Đam. Không có sự phân chia thực sự giữa việc làm thuộc linh, trí óc và thể xác. Sự làm việc là thiết yếu đối với mỗi người chúng ta để tăng trưởng, phát triển cá tính và nhiều sự toại nguyện khác mà người biếng nhác không bao giờ biết được.
Chủ Tịch David O. McKay đã nói: “Chúng ta hãy nhận thức rằng đặc ân làm việc là một ân tứ, khả năng làm việc là một phước lành, sự yêu thích làm việc là sự thành công” (Pathways to Happiness [1957], 381).
“Loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25). Sự làm việc là bí quyết để có được niềm vui trọn vẹn trong kế hoạch của Thượng Đế. Nếu sống ngay chính, thì chúng ta sẽ trở về sống với Cha Thiên Thượng của mình, và chúng ta sẽ có công việc để làm. Khi chúng ta trở thành giống như Ngài, việc làm của chúng ta sẽ trở thành giống như việc làm của Ngài. Việc làm của Ngài là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39).
Các Câu Thánh Thư Bổ Túc
-
Môi Se 4:23–25 (A Đam được phán bảo rằng ông sẽ phải làm việc suốt đời để có thức ăn)
-
GLGƯ 56:16–17 (Thượng Đế cảnh cáo người giàu và kẻ nghèo chớ tham lam, ganh tị và lười biếng)
-
GLGƯ 58:26–29 (con người phải thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa)
-
Ma Thi Ơ 25:14–30 (chuyện ngụ ngôn về các ta lâng)
-
Ê Phê Sô 4:28 (chớ trộm cắp nữa mà hãy làm việc)
-
1 Tê Sa Lô Ni Ca –12 (làm việc với chính đôi tay mình)
-
2 Nê Phi 5:17 (Nê Phi dạy dân ông biết làm việc và cần cù)