Sách và Các Bài Học
Chương 8: Cầu Nguyện lên Cha Thiên Thượng của Chúng Ta


Chương 8

Cầu Nguyện lên Cha Thiên Thượng của Chúng Ta

A woman sitting at a desk with the scriptures open in front of her.  She has her hands clasped and eyes closed in prayer.

Sự Cầu Nguyện Là Gì?

Chúa Giê Su đã dạy: “Các ngươi phải luôn luôn cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha trong danh ta” (3 Nê Phi 18:19).

Sự cầu nguyện là một trong các phước lành lớn nhất mà chúng ta có được trong khi chúng ta còn sống nơi đây trên thế gian. Qua sự cầu nguyện, chúng ta có thể giao tiếp với Cha Thiên Thượng của mình và tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài hằng ngày.

Lời cầu nguyện là lời thưa chuyện thành thật và chân thành lên Cha Thiên Thượng của chúng ta. Chúng ta nên cầu nguyện Thượng Đế chứ không cầu nguyện một ai khác. Chúng ta không cầu nguyện bất cứ một nhân vật nào khác hay vật thể nào do con người hoặc Thượng Đế làm ra (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–5).

Tại Sao Chúng Ta Cầu Nguyện?

Sự cầu nguyện là một phần quan trọng của phúc âm từ khi thế gian mới bắt đầu được tạo dựng. Một thiên sứ của Chúa đã truyền lệnh cho A Đam và Ê Va phải hối cải và kêu cầu Thượng Đế trong danh của Vị Nam Tử (xin xem Môi Se 5:8). Lệnh truyền này chưa bao giờ bị rút đi. Không có điều gì sẽ giúp chúng ta đến gần Thượng Đế hơn sự cầu nguyện. Lời cầu nguyện của chúng ta ảnh hưởng đến tất cả mọi ý nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta.

Chúng ta nên cầu nguyện để có được sức mạnh chống lại những cám dỗ của Sa Tan và những kẻ theo nó (xin xem 3 Nê Phi 18:15; GLGƯ 10:5). Chúng ta nên cầu nguyện để thú nhận cùng Thượng Đế các tội lỗi của mình và cầu xin Ngài tha thứ chúng ta (xin xem An Ma 38:14).

Chúng ta nên cầu nguyện để có được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Chúa trong cuộc sống hằng ngày của mình. Chúng ta cần cầu nguyện cho gia đình và bạn bè của mình, cho hàng xóm láng giềng của mình, cho mùa màng và gia súc của mình, cho công việc hằng ngày của mình, và các sinh hoạt khác của mình. Chúng ta nên cầu nguyện để có được sự che chở khỏi những kẻ thù của mình. (Xin xem An Ma 34:17–27.)

Chúng ta nên cầu nguyện để bày tỏ lòng kính yêu đối với Cha Thiên Thượng của chúng ta và để cảm thấy được gần gũi Ngài hơn. Chúng ta nên cầu nguyện lên Đức Chúa Cha của chúng ta để cám ơn Ngài về sự an lạc và tiện nghi và về tất cả mọi thứ mà Ngài ban cho chúng ta mỗi ngày (xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:18). Chúng ta cần cầu xin Cha Thiên Thượng của chúng ta ban cho sức mạnh để sống theo phúc âm.

Chúng ta nên cầu nguyện để chúng ta có thể tiếp tục bước đi trên con đường thẳng và hẹp dẫn tới cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta phải cầu nguyện lên Thượng Đế, là Đấng tạo ra mọi điều ngay chính, để chúng ta có thể được ngay chính trong ý nghĩ, lời nói và hành động của mình.

  • Làm thế nào sự cầu nguyện đã giúp các anh chị em trở nên gần gũi hơn với Cha Thiên Thượng?

Khi Nào Chúng Ta Nên Cầu Nguyện?

Chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào chúng ta cảm thấy cần giao tiếp với Cha Thiên Thượng của chúng ta, dù là cầu nguyện âm thầm hay thành tiếng. Đôi khi chúng ta cần ở một mình nơi mà chúng ta có thể trút cạn lòng mình cùng Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 6:6). Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cầu nguyện trong các sinh hoạt hằng ngày của mình. Chúng ta có thể cầu nguyện trong khi chúng ta đang ở trong một buổi nhóm họp Giáo Hội, đang ở trong nhà của mình, đang bước trên một lối đi hay đường phố, đang làm việc, đang sửa soạn một bữa ăn, hoặc đang ở bất cứ nơi nào và đang làm bất cứ việc gì. Chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào, đêm hay ngày. Chúng ta có thể cầu nguyện khi chúng ta chỉ có riêng một mình hoặc khi chúng ta đang ở cạnh người khác. Chúng ta có thể luôn ghi nhớ Cha Thiên Thượng của chúng ta trong ý nghĩ của mình (xin xem An Ma 34:27). Chúng ta có thể “cầu nguyện luôn luôn” (GLGƯ 10:5).

Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy không muốn cầu nguyện. Chúng ta có thể đang tức giận hoặc chán nản hay bối rối. Vào những lúc này, chúng ta nên đặc biệt cố gắng để cầu nguyện (xin xem 2 Nê Phi 32:8–9)..

Mỗi người chúng ta nên cầu nguyện riêng ít nhất mỗi buổi tối và mỗi buổi sáng. Thánh thư có nói về việc cầu nguyện buổi sáng, buổi trưa và buổi tối (xin xem An Ma 34:21).

Chúng ta được truyền lệnh phải có những buổi cầu nguyện chung gia đình để gia đình của chúng ta có thể được ban phước (xin xem 3 Nê Phi 18:21). Các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta đã khuyên bảo chúng ta nên cầu nguyện chung gia đình vào mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối.

Chúng ta cũng có đặc ân cầu nguyện để cảm tạ và cầu xin cho thức ăn được ban phước trước mỗi bữa ăn.

Chúng ta mở đầu và kết thúc tất cả mọi buổi nhóm họp Giáo Hội bằng lời cầu nguyện. Chúng ta cám ơn Chúa về các phước lành của Ngài và cầu xin sự giúp đỡ của Ngài để chúng ta có thể thờ phượng theo cách thức làm đẹp lòng Ngài.

Chúng Ta Nên Cầu Nguyện Như Thế Nào?

Bất luận chúng ta đang ở đâu, dù chúng ta đang đứng hay quỳ, dù chúng ta cầu nguyện thành tiếng hay âm thầm, dù chúng ta cầu nguyện riêng một mình hoặc thay mặt cho một nhóm, thì chúng ta cũng nên luôn cầu nguyện trong đức tin, “với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự” (Mô Rô Ni 10:4).

Khi cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng của chúng ta, chúng ta nên thưa cùng Ngài về những điều mà chúng ta thực sự cảm nhận trong lòng mình, tâm sự cùng Ngài, cầu xin Ngài tha thứ, cầu khẩn Ngài, cám ơn Ngài, bày tỏ lòng kính yêu của chúng ta đối với Ngài. Chúng ta không nên lặp đi lặp lại những lời và những câu vô nghĩa (xin xem Ma Thi Ơ 6:7–8). Chúng ta nên luôn cầu xin rằng ý Ngài được nên, và nhớ rằng những gì mà chúng ta mong ước có thể không hẳn là điều tốt nhất cho chúng ta (xin xem 3 Nê Phi 18:20). Vào cuối lời cầu nguyện, chúng ta kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 3 Nê Phi 18:19).

Những Lời Cầu Nguyện Được Đáp Ứng Như Thế Nào?

  • Các anh chị em nghĩ những sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện thì không luôn luôn hiển nhiên là sẵn sàng? Các anh chị em nghĩ những sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện không luôn luôn đến khi chúng ta muốn hoặc theo cách mà chúng ta muốn?

Những lời cầu nguyện chân thành của chúng ta luôn được đáp ứng. Đôi khi câu trả lời có thể là không được, bởi vì điều chúng ta cầu xin có thể sẽ không phải là điều tốt nhất cho chúng ta. Đôi khi câu trả lời là được, và chúng ta có được một cảm giác ấm áp, thoải mái về điều chúng ta nên làm (xin xem GLGƯ 9:8–9). Đôi khi câu trả lời là “hãy chờ một thời gian.” Những lời cầu nguyện của chúng ta luôn được đáp ứng vào một kỳ định và theo đường lối mà Chúa biết sẽ giúp ích cho chúng ta nhiều nhất.

Đôi khi Chúa đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta qua người khác. Một người bạn tốt, người chồng hoặc vợ, người cha hay mẹ hay người thân khác trong gia đình, vị lãnh đạo Giáo Hội, người truyền giáo—bất cứ ai trong số những người này cũng có thể được soi dẫn để thực hiện những việc làm mà sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta. Một ví dụ của điều này là kinh nghiệm của một người mẹ trẻ có đứa con nhỏ bị thương trong một tai nạn ở trong nhà. Chị không có cách nào để đưa đứa bé đi bác sĩ. Chị là người mới đến ở trong khu xóm và không quen biết những người hàng xóm của chị. Người mẹ trẻ đã cầu nguyện xin được giúp đỡ. Trong một vài phút, một chị hàng xóm đến tận cửa nói rằng: “Tôi có linh cảm là tôi phải đến xem chị có cần giúp đỡ gì không.” Người hàng xóm đã giúp người mẹ trẻ mang đứa bé đi bác sĩ.

Thượng Đế thường ban cho chúng ta khả năng để giúp đáp ứng những lời cầu nguyện của chính mình. Khi chúng ta cầu xin sự giúp đỡ, chúng ta nên làm hết khả năng của mình để mang lại những điều mà chúng ta mong ước.

Khi chúng ta sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và cầu nguyện luôn luôn, thì chúng ta sẽ có được niềm vui và hạnh phúc. “Ngươi hãy khiêm nhường rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi, và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi” (GLGƯ 112:10).

  • Cha Thiên Thượng đã đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta theo những cách nào?

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc và Các Nguồn Tài Liệu Khác