Chương 31
Sự Lương Thiện
Sự Lương Thiện Là một Nguyên Tắc Cứu Rỗi
-
Xã hội sẽ như thế nào nếu mọi người đều hoàn toàn lương thiện?
Tín điều thứ 13 nói rằng: “Chúng tôi tin ở sự lương thiện.” Sách Mặc Môn cho chúng ta biết về một nhóm người “được nổi tiếng về lòng nhiệt thành đối với Thượng Đế và luôn cả đối với đồng loại nữa; và quả họ là những người hết sức lương thiện và ngay chính trong tất cả mọi việc; và họ vững chắc trong đức tin nơi Đấng Ky Tô cho đến cùng” (An Ma 27:27). Nhờ vào sự lương thiện của mình, những người này đã được đồng bào của mình cũng như Thượng Đế nhận thấy. Điều quan trọng là học biết sự lương thiện là gì, cách thức mà chúng ta bị cám dỗ để sống bất lương, và cách thức mà chúng ta có thể khắc phục được cám dỗ này.
Sự lương thiện hoàn toàn là điều cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta. Chủ Tịch Brigham Young nói: “Nếu chấp nhận những điều kiện mà chúng ta cần phải chu toàn để nhận được sự cứu rỗi ban cho mình, thì chúng ta cần phải lương thiện trong mọi tư tưởng, trong sự suy nghĩ, trong sự suy ngẫm, trong mối quan hệ riêng, trong mối giao dịch, trong lời lẽ và trong mỗi hành động của cuộc sống chúng ta” (Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [1997], 293).
Thượng Đế thì lương thiện và công chính trong mọi việc (xin xem An Ma 7:20). Chúng ta cũng phải lương thiện trong mọi việc để trở nên giống như Ngài. Anh của Gia Rết đã làm chứng: “Thưa Chúa, có. Con biết rằng Ngài… là một Đấng Thượng Đế của lẽ thật, và không thể nói dối được” (Ê The 3:12). Ngược lại, quỹ dữ là một kẻ dối trá. Thật vậy, nó là cha đẻ của mọi điều dối trá (xin xem 2 Nê Phi 9:9). “Những người nào chọn sự lừa đảo, dối trá, gian lận và xuyên tạc thì trở thành nô lệ của nó” (Mark E. Petersen, trong Conference Report, tháng Mười năm 1971, 65; hoặc Ensign, tháng Mười Hai năm 1971, 73).
Những người lương thiện yêu chuộng lẽ thật và sự công bằng. Họ lương thiện trong lời nói và hành động của mình. Họ không nói dối, trộm cắp hay gian lận.
Nói Dối Là Bất Lương
Nói dối là cố tình lừa gạt những người khác. Làm chứng gian là một hình thức nói dối. Chúa đã ban giáo lệnh này cho con cái của Y Sơ Ra Ên: “Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:16). Chúa Giê Su cũng giảng dạy điều này khi Ngài sống trên thế gian (xin xem Ma Thi Ơ 19:18). Có nhiều hình thức nói dối khác. Khi nói những điều không đúng sự thật, thì chúng ta phạm tội nói dối. Chúng ta cũng có thể cố tình lừa gạt những người khác bằng một cử chỉ hoặc bằng một cái nhìn, bằng sự im lặng, hay bằng cách chỉ nói ra một phần sự thật. Bất cứ khi nào chúng ta dẫn dắt người khác bằng một cách nào đó để tin vào điều gì mà không có thật, thì chúng ta không lương thiện.
Chúa không hài lòng với sự bất lương như thế, và chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm cho những sự dối trá của mình. Sa Tan muốn chúng ta tin rằng nói dối thì không sao. Nó nói: “Phải, như nói dối một chút; … việc này không có hại gì cả” (2 Nê Phi 28:8). Sa Tan khuyến khích chúng ta biện minh cho những lời nói dối của chúng ta. Những người lương thiện sẽ nhận biết các cám dỗ của Sa Tan và sẽ nói lên hết sự thật, dù cho điều đó dường như bất lợi cho họ.
Trộm Cắp Là Bất Lương
Chúa Giê Su đã dạy: “Đừng ăn trộm cắp” (Ma Thi Ơ 19:18). Trộm cắp là lấy một thứ gì không thuộc chúng ta. Khi chúng ta lấy những gì mà thuộc người khác, thuộc một cửa tiệm hay thuộc vào cộng đồng mà không có sự cho phép, thì chúng ta đang trộm cắp. Việc lấy hàng hóa hay đồ dùng từ chủ nhân mình là trộm cắp. Sao chụp lại nhạc, phim ảnh, hình ảnh hoặc bản văn mà không có sự cho phép của tác giả bản quyền là bất lương và là một hình thức trộm cắp. Nhận tiền thối lại hay hàng hóa nhiều hơn mình đáng lẽ nhận được là bất lương. Lấy bất cứ thứ gì nhiều hơn phần của mình cũng là trộm cắp.
Gian Lận Là Bất Lương
Chúng ta gian lận khi chúng ta trả ít hơn số chúng ta thiếu, hoặc khi chúng ta nhận lấy một thứ gì mà chúng ta không đáng nhận. Một số nhân viên gian lận chủ của mình bằng cách không làm việc trọn giờ; vậy mà họ vẫn nhận lãnh trọn số lương. Một số chủ nhân không sòng phẳng với nhân viên của mình; họ trả cho nhân viên ít hơn số tiền mà nhân viên đáng được hưởng. Sa Tan nói: “Lợi dụng kẻ khác vì lời nói của họ, đào hố gài bẫy kẻ láng giềng” (2 Nê Phi 28:8). Lợi dụng một cách bất công là một hình thức bất lương. Cung cấp dịch vụ hay hàng hóa kém là gian lận.
Chúng Ta Không Được Bào Chữa cho Sự Bất Lương của Mình
-
Điều gì xảy ra cho chúng ta về phần thuộc linh khi chúng ta bào chữa cho sự bất lương của mình?
Người ta thường dùng nhiều lý do bào chữa cho sự bất lương của mình. Người ta nói dối để tự bảo vệ mình và để cho người khác nghĩ tốt về mình. Một số người tự bào chữa cho việc trộm cắp, nghĩ rằng họ đáng được hưởng những gì mà họ đã lấy, có ý định trả nó lại, hoặc cần nó hơn người chủ nó. Một số người gian lận để có điểm cao hơn ở trường học hoặc bởi vì “mọi người khác đều làm như vậy” hoặc để trả thù.
Những lời bào chữa này và nhiều lời bào chữa khác được đưa ra làm những lý do cho sự bất lương. Đối với Chúa, không có một lý do nào được chấp nhận. Khi chúng ta tự bào chữa, thì chúng ta tự lừa dối mình và Thánh Linh của Thượng Đế không ở với chúng ta. Chúng ta trở nên càng ngày càng bất chính thêm.
Chúng Ta Có Thể Hoàn Toàn Lương Thiện
-
Hoàn toàn lương thiện có nghĩa là gì?
Để trở nên hoàn toàn lương thiện, chúng ta phải nhìn kỹ vào cuộc sống của mình. Nếu trong những phương diện mà chúng ta có một chút ít bất lương, thì chúng ta cũng phải hối cải ngay những điều này.
Khi chúng ta hoàn toàn lương thiện, thì chúng ta không thể trở nên đồi bại. Chúng ta trung thành với mọi sự tin cậy, bổn phận, hợp đồng hay giao ước, ngay cả khi điều đó có làm cho chúng ta mất tiền của, bạn bè hay mạng sống của mình. Rồi chúng ta có thể trực diện với Chúa, với bản thân mình và với những người khác mà không hổ thẹn. Chủ Tịch Joseph F. Smith đã khuyên dạy: “Mỗi người phải sống sao để cá tính của mình sẽ được xem xét kỹ càng nhất và nó có thể được xem như một quyển sách mở ra, ngõ hầu chúng ta sẽ không có điều gì phải chùn chân hay hổ thẹn” (Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 [1939], 252).
-
Trong những cách thức nào sự lương thiện hoặc bất lương của chúng ta ảnh hưởng đến cách mà chúng ta nghĩ về bản thân mình?
Các Câu Thánh Thư Bổ Túc
-
GLGƯ 50:17 (chỉ nói bằng tinh thần của lẽ thật)
-
GLGƯ 76:103–6 (nơi đến của những kẻ nói dối)
-
GLGƯ 42:27 (lệnh truyền không được nói xấu người lân cận)
-
Xuất Ê Díp Tô Ký 20:15–16 (các giáo lệnh không được trộm cắp hay làm chứng gian)
-
GLGƯ 42:20, 84–85; 59:6 (cấm trộm cắp)
-
GLGƯ 3:2 (Thượng Đế là Đấng lương thiện)
-
GLGƯ 10:25–28 (Sa Tan là kẻ lừa gạt)