Chương 17
Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô Ngày Nay
Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô Bị Cất Khỏi Thế Gian
-
Tại sao Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô bị cất khỏi thế gian ngay sau khi Đấng Cứu Rỗi chết và phục sinh?
Khi Chúa Giê Su còn sống trên thế gian, Ngài đã thiết lập Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội chân chính duy nhất. Ngài đã tổ chức Giáo Hội của Ngài để các lẽ thật của phúc âm có thể được giảng dạy cho tất cả mọi người và các giáo lễ của phúc âm có thể được thực hiện một cách đúng đắn và với thẩm quyền. Qua tổ chức này, Đấng Ky Tô có thể mang các phước lành cứu rỗi đến cho nhân loại.
Sau khi Đấng Cứu Rỗi thăng lên trời, con người đã sửa đổi các giáo lễ và các giáo lý mà Ngài và các Sứ Đồ đã thiết lập. Bởi vì sự bội giáo nên không có sự mặc khải trực tiếp từ Thượng Đế. Giáo Hội chân chính không còn tồn tại trên thế gian nữa. Con người tổ chức nhiều giáo phái khác nhau mà tự cho là chân chính nhưng lại giảng dạy các giáo lý mâu thuẫn với nhau. Có rất nhiều sự hoang mang và tranh chấp về tôn giáo. Chúa đã thấy trước những tình trạng này khi nói rằng sẽ có “sự đói kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời Chúa… chúng nó sẽ đi dông dài… tìm lời của Chúa mà không tìm được” (A Mốt 8:11–12).
-
Nạn đói được nói đến trong A Mốt 8:11–12 ảnh hưởng đến dân chúng như thế nào?
Chúa Đã Hứa Phục Hồi Giáo Hội Chân Chính của Ngài
-
Một số tình trạng nào trên thế gian đã chuẩn bị đường cho Sự Phục Hồi phúc âm?
Đấng Cứu Rỗi đã hứa phục hồi Giáo Hội của Ngài trong những ngày sau cùng. Ngài phán: “Ta sẽ cứ làm việc lạ lùng giữa dân này, sự lạ rất là lạ” (Ê Sai 29:14).
Trong nhiều năm, con người đã sống trong bóng tối thuộc linh. Vào khoảng 1,700 năm sau Đấng Ky Tô, con người càng ngày càng trở nên chú tâm hơn trong việc hiểu biết lẽ thật về Thượng Đế và tôn giáo. Một số người đã có thể thấy được rằng phúc âm mà Chúa Giê Su giảng dạy đã không còn tồn tại trên thế gian. Một số người nhận thức rằng sự mặc khải và thẩm quyền chân chính và giáo hội mà Đấng Ky Tô tổ chức đã không còn tồn tại trên thế gian nữa. Đã đến lúc Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô phải được phục hồi trên thế gian.
-
Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn là “việc lạ lùng” về những phương diện nào?
Sự Mặc Khải Mới từ Thượng Đế
-
Khi Joseph Smith nhận được Khải Tượng Thứ Nhất, ông đã biết được điều gì về Thượng Đế?
Vào mùa xuân năm 1820, một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của thế giới đã xảy ra. Đã đến lúc việc lạ lùng và kỳ diệu mà Chúa đã phán xảy đến. Là một thiếu niên, Joseph Smith muốn biết trong số tất cả các giáo hội thì giáo hội nào là Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông đi vào khu rừng gần nhà mình và cầu nguyện khẩn thiết và chân thành lên Cha Thiên Thượng của ông, cầu xin Ngài cho biết ông phải gia nhập giáo hội nào. Một điều kỳ diệu đã xảy ra vào buổi sáng đó. Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến cùng Joseph Smith. Đấng Cứu Rỗi phán bảo ông không được gia nhập một giáo hội nào bởi vì không có Giáo Hội chân chính trên thế gian. Ngài cũng phán rằng những lời giảng dạy của các giáo hội lúc bấy giờ là “sự khả ố trước mặt Ngài” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:19; xin xem thêm các câu 7–18, 20) Bắt đầu với sự kiện này là sự mặc khải trực tiếp lần nữa từ các tầng trời. Chúa đã chọn một vị tiên tri mới. Kể từ lúc đó, các tầng trời không còn khép chặt nữa. Sự mặc khải tiếp tục cho đến ngày nay qua mỗi vị tiên tri được chọn của Ngài. Joseph chính là người giúp phục hồi phúc âm chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Tại sao Khải Tượng Thứ Nhất là một trong các sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của thế gian?
Thẩm Quyền từ Thượng Đế Đã Được Phục Hồi
-
Tại sao sự phục hồi Các Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc là cần thiết?
Trong việc phục hồi phúc âm, Thượng Đế lần nữa đã ban chức tư tế cho loài người. Giăng Báp Tít đã hiện đến vào năm 1829 để truyền giao Chức Tư Tế A Rôn cho Joseph Smith và Oliver Cowdery (xin xem GLGƯ 13; 27:8). Rồi Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng, chủ tịch đoàn của Giáo Hội thời xưa, hiện đến và ban Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và các chìa khóa của vương quốc Thượng Đế cho Joseph và Oliver (xin xem GLGƯ 27:12–13). Về sau, thêm nhiều chìa khóa của chức tư tế được phục hồi bởi các sứ giả thiên thượng như Môi Se, Ê Li A và Ê Li (xin xem GLGƯ 110:11–16). Qua Sự Phục Hồi, chức tư tế đã trở lại với thế gian. Những người nắm giữ chức tư tế ngày nay có thẩm quyền thực hiện các giáo lễ như phép báp têm. Họ cũng có thẩm quyền hướng dẫn vương quốc của Chúa trên thế gian.
Giáo Hội của Đấng Ky Tô Được Tổ Chức Lại Lần Nữa
-
Các sự kiện nào đưa đến việc tổ chức Giáo Hội trên thế gian lần nữa?
Vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, Đấng Cứu Rỗi lần nữa hướng dẫn việc tổ chức Giáo Hội của Ngài trên thế gian (xin xem GLGƯ 20:1). Giáo Hội của Ngài được gọi là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem GLGƯ 115:4). Đấng Ky Tô đứng đầu Giáo Hội của Ngài ngày nay, cũng giống như Ngài đã từng đứng đầu Giáo Hội của Ngài thời xưa. Chúa có phán rằng đây “là giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này, mà ta là Chúa rất hài lòng” (GLGƯ 1:30).
Joseph Smith được tán trợ là vị tiên tri và “vị anh cả đầu tiên” của Giáo Hội (xin xem GLGƯ 20:2–4). Về sau, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn được tổ chức, và ông được tán trợ là Chủ Tịch. Khi Giáo Hội mới được tổ chức, thì chỉ có cấu trúc cơ bản thôi. Tổ chức được phát triển khi Giáo Hội tiếp tục tăng trưởng.
Giáo Hội được tổ chức với các chức phẩm giống như Giáo Hội thời xưa. Tổ chức đó gồm có các sứ đồ, các vị tiên tri, các thầy bảy mươi, các vị rao giảng phúc âm (các tộc trưởng), các mục sư (các chức sắc chủ tọa), các thầy tư tế thượng phẩm, các anh cả, các giám trợ, các thầy tư tế, các thầy giảng và các thầy trợ tế. Các chức phẩm này đều có trong Giáo Hội của Ngài ngày nay (xin xem Những Tín Điều 1:6).
Một vị tiên tri, hành động dưới sự hướng dẫn của Chúa, lãnh đạo Giáo Hội. Vị tiên tri này cũng là Chủ Tịch Giáo Hội. Ông nắm giữ tất cả thẩm quyền cần thiết để hướng dẫn công việc của Chúa trên thế gian (xin xem GLGƯ 107:65, 91). Có hai cố vấn phụ giúp Vị Chủ Tịch. Mười Hai Sứ Đồ, là những nhân chứng đặc biệt của Chúa Giê Su Ky Tô, giảng dạy phúc âm và điều hành công việc của Giáo Hội ở khắp mọi nơi trên thế gian. Các chức sắc trung ương khác của Giáo Hội với những công việc chỉ định đặc biệt gồm có Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa và Các Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, phục vụ dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Mười Hai Vị Sứ Đồ.
Các chức phẩm của chức tư tế gồm có các sứ đồ, các thầy bảy mươi, tộc trưởng, thầy tư tế thượng phẩm, giám trợ, anh cả, thầy tư tế, thầy giảng và thầy trợ tế. Đây là những chức phẩm giống như những chức phẩm đã có trong Giáo Hội nguyên thủy.
Giáo Hội đã tăng trưởng hơn rất nhiều so với Giáo Hội trong thời của Chúa Giê Su. Trong khi Giáo Hội tăng trưởng, Chúa đã mặc khải thêm những đơn vị tổ chức khác trong Giáo Hội. Khi được tổ chức đầy đủ trong một khu vực, thì Giáo Hội có những đơn vị địa phương gọi là giáo khu. Một chủ tịch giáo khu và hai cố vấn của ông chủ tọa mỗi giáo khu. Giáo khu có 12 ủy viên hội đồng thượng phẩm là những người giúp thi hành công việc của Chúa trong giáo khu. Các nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được tổ chức trong giáo khu dưới sự hướng dẫn của vị chủ tịch giáo khu (xin xem chương 14 trong sách này). Mỗi giáo khu được chia thành những khu vực nhỏ hơn được gọi là tiểu giáo khu. Một giám trợ và hai cố vấn của ông chủ tọa mỗi tiểu giáo khu.
Trong những khu vực trên thế giới nơi mà Giáo Hội đang phát triển, thì có các giáo hạt, cũng giống như giáo khu. Các giáo hạt được chia thành nhiều đơn vị nhỏ hơn được gọi là các chi nhánh cũng giống như các tiểu giáo khu.
Các Lẽ Thật Quan Trọng Được Phục Hồi
-
Các lẽ thật quan trọng nào được mang trở lại với Sự Phục Hồi của Giáo Hội?
Giáo Hội ngày nay giảng dạy cùng các nguyên tắc và thực hiện cùng các giáo lễ giống như trong thời của Chúa Giê Su. Các nguyên tắc và giáo lễ đầu tiên của phúc âm là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước, và phép đặt tay để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem Những Tín Điều 1:4). Các lẽ thật quý báu này được mang trở lại một cách trọn vẹn khi Giáo Hội được phục hồi.
Qua ân tứ và quyền năng của Thượng Đế, Joseph Smith đã phiên dịch Sách Mặc Môn, là quyển sách chứa đựng các lẽ thật minh bạch và quý báu của phúc âm. Nhiều điều mặc khải khác đã được ban cho tiếp theo và đã được ghi chép thành thánh thư trong Giáo Lý và Giao Ước và Trân Châu Vô Giá (xin xem chương 10 trong sách này).
Các lẽ thật quan trọng khác mà Chúa đã phục hồi thì gồm có:
-
Cha Thiên Thượng của chúng ta cũng như Chúa Giê Su Ky Tô là một Đấng có thật với một thể xác toàn hảo bằng xương bằng thịt thật sự. Đức Thánh Linh là một Đấng linh hồn.
-
Chúng ta đã từng sống trên tiền dương thế với tư cách là con cái linh hồn của Thượng Đế.
-
Cần có chức tư tế để thực hiện các giáo lễ của phúc âm.
-
Chúng ta sẽ bị trừng phạt vì tội lỗi riêng của mình chứ không phải vì sự phạm giới của A Đam.
-
Các trẻ em không cần phải chịu phép báp têm cho đến khi chúng đến tuổi chịu trách nhiệm (tám tuổi).
-
Có ba đẳng cấp vinh quang trên các tầng trời, và qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô, con người sẽ được tưởng thưởng tùy theo những hành động của họ trên thế gian và tùy theo ước muốn của lòng họ.
-
Mối liên hệ gia đình có thể được vĩnh cửu qua quyền năng gắn bó của chức tư tế.
-
Các giáo lễ và các giao ước cần thiết cho sự cứu rỗi và có sẵn cho người sống lẫn người chết.
-
Các lẽ thật này đã ảnh hưởng đến các anh chị em và những người khác như thế nào?
Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô Sẽ Không Bao Giờ Bị Hủy Diệt
-
Sứ mệnh của Giáo Hội là gì?
Kể từ khi Giáo Hội được phục hồi vào năm 1830, con số các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã tăng trưởng nhanh chóng. Gần như mỗi quốc gia trên thế giới đều có các tín hữu. Giáo Hội sẽ tiếp tục tăng trưởng. Như Đấng Ky Tô đã phán: “Phúc Âm này về Vương Quốc sẽ được rao giảng ra khắp thế gian, để làm chứng cho muôn dân” (Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:31). Giáo Hội sẽ không bao giờ bị cất khỏi thế gian nữa. Sứ mệnh của Giáo Hội là mang lẽ thật đến cho mọi người. Cách đây hằng ngàn năm, Chúa đã phán rằng Ngài sẽ “dựng nên một nước không bao giờ bị hủy diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân tộc khác, … và nó sẽ đứng đời đời” (Đa Ni Ên 2:44).
-
Các anh chị em đã giúp đỡ trong công việc của vương quốc của Thượng Đế như thế nào? Các anh chị em có thể làm gì để tiếp tục công việc này?
Các Câu Thánh Thư Bổ Túc
-
Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19–21; Khải Huyền 14:6; Đa Ni Ên 2:44–45; Ê Sai 2:2–4; 2 Nê Phi 3:6–15 (Sự Phục Hồi được báo trước)
-
GLGƯ 110; 128:19–21; 133:36–39, 57–58 (Sự Phục Hồi phúc âm)
-
Ê Phê Sô 2:20 (Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà của Giáo Hội)
-
GLGƯ 20:38–67 (các bổn phận của các chức sắc trong Giáo Hội)
-
Ma Thi Ơ 24:14 (phúc âm phải được rao truyền cho muôn dân)