Chương 26
Sự Hy Sinh
Ý Nghĩa của Sự Hy Sinh
Sự hy sinh có nghĩa là dâng lên Chúa bất cứ điều gì Ngài đòi hỏi về thời giờ, của cải vật chất và năng lực của chúng ta để đẩy mạnh công việc của Ngài. Chúa đã truyền lệnh: “Trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài” (Ma Thi Ơ 6:33). Sự sẵn lòng hy sinh của chúng ta là một sự chứng tỏ lòng tận tụy của chúng ta đối với Thượng Đế. Con người thường bị thử thách và trắc nghiệm để xem họ có đặt những sự việc của Thượng Đế làm ưu tiên trong cuộc sống của họ không.
-
Tại sao sự hy sinh như Chúa đòi hỏi mà không trông mong được đền đáp lại với bất cứ điều gì là quan trọng?
Luật Hy Sinh Đã được Thực Hành Từ Thời Xưa
-
Ý nghĩa của sự hy sinh được thực hiện bởi dân giao ước của Chúa thời xưa là gì?
Từ thời A Đam và Ê Va cho đến thời Chúa Giê Su Ky Tô, dân của Chúa đã thực hành luật hy sinh. Họ được truyền lệnh phải dâng hiến những con vật đầu lòng trong các đàn gia súc của họ để làm lễ vật hy sinh. Những con vật này phải được toàn vẹn, không có tì vết. Giáo lễ được ban cho để nhắc người ta nhớ rằng Chúa Giê Su Ky Tô, Con Đầu Lòng của Đức Chúa Cha, sẽ đến thế gian. Ngài sẽ toàn vẹn về mọi phương diện và Ngài sẽ tự phó mình làm lễ vật hy sinh vì các tội lỗi của chúng ta (xin xem Môi Se 5:5–8.)
Quả thật Chúa Giê Su đã đến và tự phó mình làm lễ vật hy sinh, y như con người đã được giảng dạy là Ngài sẽ làm như vậy. Nhờ vào sự hy sinh của Ngài, mọi người sẽ được cứu khỏi cái chết thể xác bằng Sự Phục Sinh và tất cả đều có thể được cứu khỏi các tội lỗi của họ qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem chương 12 trong sách này).
Sự hy sinh chuộc tội của Đấng Ky Tô đã đánh dấu việc kết thúc những của lễ hy sinh bằng máu. Của lễ hy sinh bằng máu như vậy đã được thay thế bằng giáo lễ Tiệc Thánh. Giáo lễ Tiệc Thánh đã được ban cho để nhắc chúng ta nhớ đến sự hy sinh vĩ đại của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta nên thường xuyên dự phần Tiệc Thánh. Các biểu tượng bánh và nước nhắc chúng ta nhớ đến thể xác của Đấng Cứu Rỗi và máu của Ngài đã đổ ra cho chúng ta (xin xem chương 23 trong sách này).
-
Tại sao Sự Chuộc Tội được xem như là sự hy sinh vĩ đại và cuối cùng?
Chúng Ta Vẫn Còn Phải Hy Sinh
-
Ngày nay chúng ta tuân giữ luật hy sinh như thế nào?
Mặc dù của lễ hy sinh bằng máu đã chấm dứt, nhưng Chúa vẫn còn đòi hỏi chúng ta phải hy sinh. Nhưng bây giờ Ngài đòi hỏi một loại của lễ dâng khác. Ngài phán: “Các ngươi sẽ không còn dâng hiến cho ta sự đổ máu nữa; … các của lễ thiêu sẽ được hủy bỏ. … Và các ngươi chỉ phải hiến dâng cho ta một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh” (3 Nê Phi 9:19–20). Một “tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” có nghĩa là chúng ta dâng lên lòng đau buồn sâu xa về các tội lỗi của mình khi chúng ta tự hạ mình và hối cải các tội lỗi của mình.
Chúng Ta Phải Sẵn Lòng Hy Sinh Mọi Điều Chúng Ta Có cho Chúa
-
Tại sao người ta sẵn lòng hy sinh?
Sứ Đồ Phao Lô đã viết rằng chúng ta phải trở thành những của lễ hy sinh sống, thánh thiện và được Thượng Đế chấp nhận (xin xem Rô Ma 12:1).
Nếu chúng ta phải là một của lễ hy sinh sống, thì chúng ta phải sẵn lòng dâng hết mọi thứ chúng ta có cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô—để xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian và lao nhọc để phát triển Si Ôn (xin xem 1 Nê Phi 13:37).
Một người trai trẻ quyền quý giàu có đã hỏi Đấng Cứu Rỗi: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Chúa Giê Su đáp: “Ngươi đã biết các điều giáo lệnh này: Ngươi chớ phạm tội tà dâm; chớ giết người; chớ trộm cướp; chớ nói chứng dối; hãy hiếu kính cha mẹ.” Và người giàu có ấy thưa rằng: “Tôi đã giữ tất cả các điều ấy từ thuở nhỏ.” Chúa Giê Su nghe vậy, bèn phán: “Còn thiếu cho ngươi một điều: hãy bán hết gia tài mình, phân phát cho kẻ nghèo, thì ngươi sẽ có của cải ở trên trời; bấy giờ hãy đến mà theo ta.” Khi người trẻ tuổi nghe mấy lời này thì trở nên buồn rầu. Người ấy giàu có lắm và đã để hết lòng vào những của cải của mình. (Xin xem Lu Ca 18:18–23; xin xem thêm bức ảnh trong chương này.)
Người trai trẻ quyền quý ấy là một người tốt. Nhưng khi bị thử thách, thì người ấy đã không sẵn lòng hy sinh các của cải vật chất của mình. Ngược lại, các môn đồ của Chúa là Phi E Rơ và Anh Rê đã sẵn lòng hy sinh mọi thứ vì lợi ích của vương quốc của Thượng Đế. Khi Chúa Giê Su phán cùng họ: “Các ngươi hãy theo ta,… hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài” (Ma Thi Ơ 4:19–20).
Cũng giống như các môn đồ, chúng ta có thể dâng hiến các sinh hoạt hằng ngày của mình làm của lễ hy sinh lên Chúa. Chúng ta có thể nói: “Ý Cha được nên.” Áp Ra Ham đã làm điều này. Ông sống trên thế gian trước Đấng Ky Tô, trong thời kỳ mà các của lễ hy sinh bằng máu và của lễ thiêu được đòi hỏi. Là một thử thách cho đức tin của Áp Ra Ham, Chúa đã truyền lệnh cho ông phải dâng con trai của ông là Y Sác để làm của lễ hy sinh. Y Sác là con trai duy nhất của Áp Ra Ham và Sa Ra. Lệnh truyền phải dâng con của mình làm của lễ hy sinh là một nỗi đau đớn cùng cực đối với Áp Ra Ham.
Tuy nhiên, ông và Y Sác đã làm một cuộc hành trình dài đến Núi Mô Ri A, nơi mà của lễ hy sinh phải được dâng lên. Họ hành trình trong ba ngày. Hãy thử tưởng tượng những ý nghĩ của Áp Ra Ham và nỗi đau lòng của ông. Con trai của ông phải bị hy sinh dâng lên Chúa. Khi họ đến Núi Mô Ri A, Y Sác gánh củi và Áp Ra Ham cầm lửa và con dao đến nơi mà họ phải lập bàn thờ. Y Sác nói: “Hỡi cha… củi đây, lửa đây, nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu?” Áp Ra Ham đáp rằng: “Con ơi, chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con.” Đoạn Áp Ra Ham lập một bàn thờ và chất củi lên. Ông trói Y Sác lại và đặt con mình lên đống củi. Rồi ông cầm dao lên đặng giết Y Sác. Vào lúc đó, một thiên sứ của Chúa đã cản ông lại và nói: “Áp Ra Ham… đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi.” (Xin xem Sáng Thế Ký 22:1–14.)
Áp Ra Ham chắc hẳn đã tràn ngập nỗi vui mừng khi ông không còn bị đòi hỏi phải hy sinh con mình nữa. Nhưng ông yêu mến Chúa nhiều đến nỗi ông đã sẵn lòng làm bất cứ điều gì Chúa đòi hỏi.
-
Những tấm gương hy sinh nào mà các anh chị em đã thấy trong cuộc sống của những người mà các anh chị em biết? Những tấm gương hy sinh nào mà các anh chị em đã thấy trong cuộc sống của các tổ tiên của mình? trong cuộc sống của các tín hữu đầu tiên của Giáo Hội? trong cuộc sống của những người trong thánh thư? Các anh chị em đã học được điều gì từ các tấm gương này?
Sự Hy Sinh Giúp Chúng Ta Chuẩn Bị để Sống Nơi Hiện Diện của Thượng Đế
Chỉ qua sự hy sinh chúng ta mới có thể trở nên xứng đáng sống nơi hiện diện của Thượng Đế. Chỉ qua sự hy sinh chúng ta mới có thể vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu. Nhiều người sống trước chúng ta đã hy sinh tất cả những gì họ có. Chúng ta phải luôn sẵn lòng làm như vậy nếu chúng ta muốn nhận được phần thưởng quý báu mà họ đã thụ hưởng.
Chúng ta có thể không bị đòi hỏi phải hy sinh tất cả mọi điều. Nhưng giống như Áp Ra Ham, chúng ta nên sẵn lòng hy sinh mọi điều để trở nên xứng đáng sống nơi hiện diện của Chúa.
Dân của Chúa đã luôn hy sinh rất nhiều và trong nhiều cách thức khác nhau. Một số đã gánh chịu nỗi gian khổ và sự nhạo báng vì phúc âm. Một số người mới cải đạo vào Giáo Hội đã bị khai trừ khỏi gia đình mình. Bạn bè lâu năm đã quay lưng lại với họ. Một số tín hữu đã mất việc làm; một số khác đã bị thiệt mạng. Nhưng Chúa thấy rõ những hy sinh của chúng ta; Ngài hứa: “Hễ ai vì danh ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, nhà cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời” (Ma Thi Ơ 19:29).
Khi chứng ngôn của chúng ta về phúc âm tăng trưởng, thì chúng ta có thể làm những hy sinh lớn lao hơn cho Chúa. Hãy ghi nhớ những hy sinh đã được thể hiện trong các tấm gương trung thực này:
Một tín hữu của Giáo Hội ở nước Đức đã để dành tiền thập phân của mình trong nhiều năm cho đến khi một người có thẩm quyền chức tư tế có thể đến nhận số tiền đó.
Một giảng viên thăm viếng của Hội Phụ Nữ đã phục vụ trong ba mươi năm mà không hề thiếu xót trong một công việc chỉ định nào.
Một nhóm Thánh Hữu ở Nam Phi đã đứng trên xe suốt ba ngày đi đường để có thể đến nghe và thấy vị tiên tri của Chúa.
Tại một đại hội giáo vùng ở Mexico, các tín hữu của Giáo hội đã ngủ ở dưới đất và đã nhịn ăn trong những ngày đại hội. Họ đã dùng hết số tiền của họ để có thể tới chỗ tham dự đại hội và không còn tiền để trả cho thức ăn và chỗ ở.
Một gia đình nọ đã bán chiếc xe của họ để có số tiền mà họ muốn đóng góp cho quỹ xây cất đền thờ.
Một gia đình khác bán căn nhà của họ để có tiền đi đền thờ.
Nhiều Thánh Hữu Ngày Sau trung tín có rất ít tiền để sinh sống, vậy mà họ vẫn đóng tiền thập phân và các của lễ của mình.
Một anh tín hữu nọ đã hy sinh việc làm của mình bởi vì anh từ chối làm việc ngày Chúa Nhật.
Trong một chi nhánh nọ, các thanh thiếu niên đã rộng rãi và tự nguyện ban phát thời giờ của họ để trông coi các trẻ nhỏ trong khi cha mẹ của chúng giúp xây cất nhà hội.
Các thanh niên và thiếu nữ đã bỏ hoặc trì hoãn các cơ hội tốt về công ăn việc làm, học vấn hoặc thể thao để phục vụ làm người truyền giáo.
Còn nhiều gương khác nữa có thể được nêu lên về những người hy sinh cho Chúa. Tuy nhiên, một chỗ trong vương quốc của Cha Thiên Thượng đáng cho bất cứ sự hy sinh nào của chúng ta về thời giờ, tài năng, nghị lực, tiền bạc và sinh mạng. Qua sự hy sinh, chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết từ Chúa rằng chúng ta đã được Ngài chấp nhận (xin xem GLGƯ 97:8).
-
Các anh chị em nghĩ tại sao sự sẵn lòng hy sinh của chúng ta liên quan đến sự sẵn sàng của chúng ta để sống nơi hiện diện của Thượng Đế?
Các Câu Thánh Thư Bổ Túc
-
Lu Ca 12:16–34 (của báu ở đâu, thì lòng cũng ở đó)
-
Lu Ca 9:57–62 (sự hy sinh xứng đáng với vương quốc)
-
GLGƯ 64:23; 97:12 (ngày nay là một ngày hy sinh)
-
GLGƯ 98:13–15 (những người mất mạng sống vì Chúa thì sẽ tìm thấy lại)
-
An Ma 24 (dân Am Môn thà hy sinh mạng sống của mình hơn là vi phạm lời thề của họ với Chúa)