Chương 42
Sự Quy Tụ của Gia Tộc Y Sơ Ra Ên
Gia Tộc Y Sơ Ra Ên Là Dân Giao Ước của Thượng Đế
-
Các trách nhiệm nào mà dân giao ước của Thượng Đế có đối với các dân tộc trên thế giới?
Gia Cốp là một vị tiên tri lỗi lạc sống hằng trăm năm trước thời Đấng Ky Tô. Bởi vì Gia Cốp rất trung tín, nên Chúa đã ban cho ông một tên đặc biệt là Y Sơ Ra Ên có nghĩa là “người vật lộn thắng Thượng Đế” hoặc “hãy để Thượng Đế thắng” (Bible Dictionary, “Israel,” 708). Gia Cốp có mười hai người con trai. Những người con trai này và gia đình của họ được biết là mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên, hoặc là dân Y Sơ Ra Ên (xin xem Sáng Thế Ký 49:28).
Gia Cốp là cháu nội của Áp Ra Ham. Chúa đã lập một giao ước vĩnh cửu với Áp Ra Ham mà đã được tái lập với Y Sác và với Gia Cốp và con cái của ông (xin xem chương 15 trong sách này; xin xem thêm dụng cụ trợ huấn bằng hình ảnh trong chương này, mô tả Gia Cốp đang ban phước các con trai của ông). Thượng Đế đã hứa rằng dân Y Sơ Ra Ên sẽ là dân giao ước của Ngài cho đến khi nào họ còn tuân theo các giáo lệnh của Ngài (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:9–10). Họ sẽ là một phước lành cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới qua việc mang phúc âm và chức tư tế đến cho các dân tộc này (xin xem Áp Ra Ham 2:9–11). Vậy nên, họ sẽ tuân giữ giao ước của họ với Chúa và Ngài sẽ giữ giao ước của Ngài với họ.
Gia Tộc Y Sơ Ra Ên Bị Phân Tán
Các vị tiên tri của Chúa đã nhiều lần cảnh cáo gia tộc Y Sơ Ra Ên về những gì sẽ xảy ra nếu họ sống tà ác. Môi Se đã tiên tri: “Và Chúa sẽ tản lạc ngươi trong các dân, từ cuối đầu này của đất đến đầu kia” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:64).
Bất chấp lời cảnh cáo này, dân Y Sơ Ra Ên liên tục vi phạm các giáo lệnh của Thượng Đế. Họ đánh nhau và phân chia thành hai vương quốc: Bắc Vương Quốc, được gọi là vương quốc Y Sơ Ra Ên, và Nam Vương Quốc, được gọi là vương quốc Giu Đa. Mười trong số mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên sống trong Bắc Vương Quốc. Trong một trận chiến, họ bị kẻ thù chinh phục và bị bắt đi lưu đày. Một số họ về sau thoát được vào miền đất bắc và trở nên thất lạc đối với phần còn lại của thế giới.
Vào khoảng 100 năm sau khi Bắc Vương Quốc bị chiếm, thì Nam Vương Quốc bị chinh phục. Thủ phủ Giê Ru Sa Lem bị tàn phá vào năm 586 trước Công Nguyên, và nhiều người thuộc hai chi tộc Y Sơ Ra Ên còn lại thì bị lưu đày. Về sau, một số người của hai chi tộc này trở về và tái thiết Giê Ru Sa Lem. Ngay trước khi Giê Ru Sa Lem bị tàn phá, Lê Hi và gia đình ông, là những người thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên, rời bỏ thành phố này và định cư ở Châu Mỹ.
Sau thời của Đấng Ky Tô, Giê Ru Sa Lem lại bị tàn phá lần nữa, lần này bởi quân lính La Mã. Dân Do Thái bị phân tán nhiều nơi trên thế giới. Ngày nay dân Y Sơ Ra Ên được tìm thấy sống trong tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều người không biết rằng họ là dòng dõi của gia tộc Y Sơ Ra Ên thời xưa.
-
Những lợi ích nào đã đến với con cái của Thượng Đế vì dân giao ước của Ngài đã bị phân tán trên khắp thế gian?
Gia Tộc Y Sơ Ra Ên Phải Được Quy Tụ
-
Tại sao Chúa muốn dân Ngài phải được quy tụ?
-
Gia tộc Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ như thế nào?
Chúa đã hứa rằng dân giao ước của Ngài, một ngày nào đó, sẽ được quy tụ: “Ta sẽ nhóm những con sót lại của bầy ta, từ các nước mà ta đã đuổi chúng nó đến” (Giê Rê Mi 23:3).
Thượng Đế quy tụ các con cái của Ngài qua công việc truyền giáo. Khi người ta tiến đến sự hiểu biết về Chúa Giê Su Ky Tô, tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tuân giữ các giao ước liên hệ, thì họ trở thành “con cái của giao ước” (3 Nê Phi 20:26). Ngài có các lý do quan trọng để quy tụ con cái của Ngài. Ngài quy tụ họ lại để họ có thể học hỏi những lời giảng dạy của phúc âm và tự chuẩn bị để diện kiến Đấng Cứu Rỗi khi Ngài tái lâm. Ngài quy tụ họ lại để họ sẽ xây cất đền thờ và thực hiện các giáo lễ thiêng liêng cho các tổ tiên đã qua đời mà không có được cơ hội này. Ngài quy tụ họ lại để họ có thể củng cố nhau và được đoàn kết trong phúc âm, tìm kiếm sự bảo vệ khỏi những ảnh hưởng bất chính trên thế gian. Ngài cũng quy tụ họ lại để họ có thể tự chuẩn bị mình nhằm chia sẻ phúc âm với những người khác.
Quyền năng và thẩm quyền để hướng dẫn công việc quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên được ban cho Joseph Smith bởi tiên tri Môi Se là người đã hiện đến vào năm 1836 ở Đền Thờ Kirtland (xin xem GLGƯ 110:11). Kể từ lúc đó, mỗi vị tiên tri đều nắm giữ các chìa khóa quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên, và sự quy tụ này đã là một phần quan trọng trong công việc của Giáo Hội. Dân giao ước giờ đây đang được quy tụ khi họ chấp nhận phúc âm phục hồi và phục vụ Thượng Đế của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:1–5).
Dân Y Sơ Ra Ên phải được quy tụ trước tiên về phương diện thuộc linh và rồi sau đó về phương diện vật chất. Họ được quy tụ về phần thuộc linh khi họ gia nhập Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng. Sự quy tụ thuộc linh này bắt đầu trong thời kỳ của Tiên Tri Joseph Smith và tiếp tục đến ngày nay trên khắp thế gian. Những người cải đạo vào Giáo Hội là dân Y Sơ Ra Ên hoặc bằng huyết thống hoặc bằng sự thừa nhận. Họ thuộc vào gia đình của Áp Ra Ham và Gia Cốp (xin xem Áp Ra Ham 2:9–11; Ga La Ti 3:26–29).
Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã nói: “Có nhiều dân tộc được đại diện trong … Giáo Hội… Họ đã đến vì Thánh Linh của Chúa ngự trên họ; … tiếp nhận tinh thần quy tụ, họ đã rời bỏ mọi điều vì lợi ích của phúc âm” (Doctrines of Salvation, comp. Bruce R. McConkie biên soạn, 3 tập [1954–56], 3:256; chữ nghiêng là từ nguyên bản).
Sự quy tụ vật chất của Y Sơ Ra Ên có nghĩa là dân giao ước sẽ được “quy tụ về quê hương xứ sở, nơi đất thừa hưởng của họ, và sẽ được định cư trên khắp các vùng đất hứa của họ” (2 Nê Phi 9:2). Các chi tộc Ép Ra Im và Ma Na Se sẽ được quy tụ trên đất Châu Mỹ. Chi tộc Giu Đa sẽ trở về thành phố Giê Ru Sa Lem và vùng phụ cận. Mười chi tộc bị thất lạc sẽ nhận được từ chi tộc Ép Ra Im các phước lành đã được hứa của họ (xin xem GLGƯ 133:26–34).
Khi Giáo Hội mới được thiết lập, Các Thánh Hữu được chỉ dẫn phải quy tụ ở Ohio, rồi Missouri, và rồi sau đó ở Salt Lake Valley. Tuy nhiên, ngày nay, các vị tiên tri hiện đại đã dạy rằng các tín hữu Giáo Hội phải xây đắp vương quốc của Thượng Đế nơi quê hương của họ. Anh Cả Russell M. Nelson đã nói: “Sự chọn lựa để đến cùng Đấng Ky Tô không phải là một vấn đề về địa điểm; đó là một vấn đề về sự cam kết cá nhân. Người ta có thể ‘được đưa tới sự hiểu biết Chúa’ [3 Nê Phi 20:13] mà không cần phải rời quê hương của mình. Thật vậy, trong những thời kỳ phôi thai của Giáo Hội, sự cải đạo cũng thường có nghĩa là di cư. Nhưng giờ đây, những nơi quy tụ đều có ở mỗi quốc gia. … Nơi quy tụ cho Các Thánh Hữu Brazil là ở Brazil; nơi quy tụ cho Các Thánh Hữu người Nigeria là ở Nigeria; nơi quy tụ của Các Thánh Hữu Hàn Quốc là ở Hàn Quốc; và vân vân. Si Ôn là ‘tấm lòng thanh khiết.’ [GLGƯ 97:21.] Si Ôn là bất cứ nơi nào mà có Các Thánh Hữu ngay chính” (trong Conference Report, tháng Mười năm 2006, 85; hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 81).
Sự quy tụ vật chất của Y Sơ Ra Ên sẽ không được trọn vẹn cho đến Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi và trong Thời Kỳ Ngàn Năm (xin xem Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:37). Rồi lời hứa của Chúa sẽ được làm tròn:
“Chúa phán: Này, ngày đến là khi người ta sẽ chẳng nói rằng: Thật như Chúa hằng sống, là Đấng đã đem con cái Y Sơ Ra Ên ra khỏi xứ Ê Díp Tô;
“Nhưng nói rằng: Thật như Chúa hằng sống, là Đấng đã đem con cái Y Sơ Ra Ên lên từ phương bắc, và từ các nước mà họ bị đuổi đến. Ta sẽ lại dẫn chúng nó về trong đất mà ta đã ban cho tổ phụ chúng nó” (Giê Rê Mi 16:14–15).
-
Trong những cách thức nào mà các anh chị em đã được quy tụ về phương diện thuộc linh với tư cách là một dân giao ước của Chúa?
-
Trong những cách thức nào mà các anh chị em đã tham gia vào việc quy tụ những người khác?
Các Câu Thánh Thư Bổ Túc
-
Sáng Thế Ký 17:1–8 (giao ước của Thượng Đế với Áp Ra Ham)
-
Rô Ma 9:4–8; Ga La Ti 3:29 (những người noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và lời của Ngài đều là con cái giao ước)
-
2 Nê Phi 30:2; Mô Si A 5:10–11 (những người nào hối cải, tuân theo các vị tiên tri và có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô thì trở thành dân giao ước của Chúa)
-
2 Các Vua 17 (Bắc Vương Quốc bị lưu đày)
-
2 Sử Ký 36:11–20 (Nam Vương Quốc bị lưu đày)
-
Gia Cơ 1:1 (mười hai chi tộc bị phân tán khắp nơi)
-
1 Nê Phi 10:12–13 (sự di trú của dân Nê Phi là một phần của sự phân tán)
-
Giê Rê Mi 3:14–18 (mỗi thành một người, mỗi họ hai người)
-
Ê Xê Chi Ên 20:33–36 (Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ từ mọi quốc gia)
-
3 Nê Phi 20:29–46 (dân Do Thái sẽ được quy tụ tại Giê Ru Sa Lem)
-
1 Nê Phi 15:13–18; 3 Nê Phi 21:26–29 (sự quy tụ bắt đầu với Sự Phục Hồi phúc âm)
-
GLGƯ 38:31–33 (dân giao ước của Chúa sẽ được giải cứu)
-
Ê Sai 11:11–13 (Chúa sẽ tìm lại được dân Ngài)
-
Khải Huyền 18:4–8 (một tiếng nói sẽ loan truyền sự quy tụ)
-
GLGƯ 133:6–15 (dân Ngoại đến Si Ôn, dân Do Thái đến Giê Ru Sa Lem)