Sách và Các Bài Học
Chương 11: Cuộc Sống của Đấng Ky Tô


Chương 11

Cuộc Sống của Đấng Ky Tô

Jesus Christ at the home of Jairus. Christ is standing beside the bed of the twelve-year-old daughter of Jairus. The girl's father and mother are standing on the other side of the bed. Christ is holding the hand of the girl as He helps her rise from her bed. The girl, who had been declared dead, is looking up at Christ. Light from a window is shining on the girl's face, and on the back of Christ.

Cuộc Sống của Đấng Ky Tô Đã Được Tiên Đoán Từ Lâu Trước Khi Ngài Giáng Sinh

Mỗi người xuống thế gian đều trông cậy vào Chúa Giê Su Ky Tô để làm tròn lời Ngài đã hứa trên thiên thượng là sẽ làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Không có Ngài, kế hoạch cứu rỗi sẽ thất bại. Vì sứ mệnh của Ngài là cần thiết, nên tất cả các vị tiên tri từ thời A Đam đến Đấng Ky Tô đều làm chứng rằng Ngài sẽ đến (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10:43). Tất cả các vị tiên tri kể từ thời Đấng Ky Tô đều đã làm chứng rằng Ngài quả thật đã đến. Tất cả chúng ta cần phải học hỏi về cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi và tuân theo Ngài một cách trung tín trong suốt cuộc sống của mình.

A Đam biết được rằng danh của Đấng Cứu Rỗi sẽ là Giê Su Ky Tô (xin xem Môi Se 6:51–52). Hê Nóc trông thấy Chúa Giê Su sẽ bị chết trên cây thập tự và được phục sinh (xin xem Môi Se 7:55–56). Nô Ê và Môi Se cũng làm chứng về Ngài (xin xem Môi Se 1:11; 8:23–24). Khoảng 800 năm trước khi Đấng Cứu Rỗi sinh ra trên thế gian, Ê Sai đã thấy trước cuộc sống của Ngài. Khi Ê Sai trông thấy nỗi đau buồn và sầu khổ mà Đấng Cứu Rỗi sẽ gánh chịu để trả cái giá cho các tội lỗi của chúng ta, ông đã kêu lên:

“Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm. …

“… Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta. …

“Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. …

“Người bị hiếp đáp, nhưng khi bị khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt” (Ê Sai 53:3–5, 7).

Nê Phi cũng trông thấy một khải tượng về sự giáng sinh và sứ mệnh tương lai của Đấng Cứu Rỗi. Ông trông thấy một người nữ đồng trinh xinh đẹp và một thiên sứ đã giải thích: “Này, người nữ đồng trinh mà ngươi trông thấy đó là mẹ của Vị Nam Tử của Thượng Đế, theo thể cách xác thịt” (1 Nê Phi 11:18). Rồi Nê Phi trông thấy người nữ đồng trinh bồng một hài nhi trong tay. Thiên sứ phán: “Hãy nhìn xem Chiên Con của Thượng Đế, phải, Vị Nam Tử của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu!” (1 Nê Phi 11:21).

Khoảng 124 năm trước khi Chúa Giê Su giáng sinh, Vua Bên Gia Min, một vị tiên tri khác của người Nê Phi, cũng đã thấy trước cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi:

“Vì này, chẳng còn bao lâu nữa ngày ấy sẽ đến, đó tức là ngày mà Chúa Vạn Năng, Đấng hằng trị, Đấng từ mọi vĩnh cửu này đến mọi vĩnh cửu khác, sẽ từ trên trời xuống giữa đám con cái loài người với quyền năng, và sẽ trú trong một đền tạm bằng đất sét, và sẽ đi giữa loài người để thực hiện những phép lạ lớn lao, như chữa lành người bệnh, cứu sống kẻ chết, làm cho kẻ què đi được, kẻ đui thấy được, kẻ điếc nghe được, cùng chữa lành mọi thứ bệnh tật.

“Và Ngài sẽ xua đuổi những quỷ dữ hay những ác linh đang chiếm ngự trong trái tim con cái loài người.

“Và trông kìa, Ngài sẽ phải chịu đựng những cám dỗ, nỗi đau đớn của thể xác, sự đói khát, sự mệt nhọc, ngay cả hơn những gì loài người có thể chịu đựng được, trừ cái chết; vì này, máu sẽ chảy ra từ mọi lỗ chân lông, nỗi lo âu của Ngài về sự độc ác và những sự khả ố của dân Ngài thật lớn lao thay.

“Và Ngài sẽ được gọi là Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Cha của trời đất, Đấng Sáng Tạo tất cả mọi sự vật từ lúc khởi đầu, và mẹ của Ngài sẽ được gọi là Ma Ri” (Mô Si A 3:5–8).

  • Một số lời tiên tri xưa nào về Chúa Giê Su Ky Tô?

Ngài Là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha

  • Chúa Giê Su Ky Tô thừa hưởng điều gì từ Đức Chúa Cha? Ngài đã thừa hưởng điều gì từ mẹ của Ngài?

Câu chuyện về sự giáng sinh và cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi được tìm thấy trong Kinh Thánh Tân Ước ở các sách Ma Thi Ơ, Mác, Lu Ca và Giăng. Từ những lời trần thuật của họ, chúng ta biết được rằng Chúa Giê Su do một người nữ đồng trinh tên là Ma Ri sinh ra. Bà đã đính hôn với Giô Sép khi một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng bà. Vị thiên sứ đã bảo bà rằng bà sẽ là mẹ của Vị Nam Tử của Thượng Đế. Bà hỏi vị thiên sứ ấy làm thế nào điều ấy có thể xảy ra (xin xem Lu Ca 1:34). Vị thiên sứ bảo bà rằng: “Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng tối cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Lu Ca 1:35). Do đó, Thượng Đế Đức Chúa Cha trở thành cha trần thế của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúa Giê Su là người duy nhất trên thế gian được sinh ra bởi một người mẹ hữu diệt và một Đức Chúa Cha bất diệt. Chính vì thế Ngài được gọi là Con Độc Sinh. Ngài thừa hưởng các quyền năng thiêng liêng từ Cha của Ngài. Từ mẹ của Ngài, Ngài đã thừa hưởng sự hữu diệt và chịu đói khát, mệt mỏi, đau đớn và chết. Không một ai có thể cất mạng sống của Đấng Cứu Rỗi trừ phi Ngài cho phép điều đó xảy ra. Ngài có quyền năng để cất sự sống của Ngài và quyền năng để sống lại sau khi chết. (Xin xem Giăng 10:17–18.)

Ngài Đã Sống Một Cuộc Sống Hoàn Hảo

  • Cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Từ thời niên thiếu, Chúa Giê Su đã tuân theo tất cả những gì Cha Thiên Thượng của chúng ta đòi hỏi nơi Ngài. Dưới sự hướng dẫn của Ma Ri và Giô Sép, Chúa Giê Su đã lớn lên cũng giống như bao trẻ khác. Ngài yêu mến và vâng theo lẽ thật. Lu Ca cho chúng ta biết rằng: “Con trẻ lớn lên và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan, và ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài” (Lu Ca 2:40; xin xem thêm GLGƯ 93:12–14).

Vào lúc Ngài được 12 tuổi, Chúa Giê Su đã biết rằng Ngài được sai đến để thực hiện ý muốn của Cha Ngài. Ngài đi với cha mẹ Ngài đến thành Giê Ru Sa Lem. Khi cha mẹ Ngài đang trên đường trở về nhà, họ khám phá ra rằng Ngài đã không cùng đi chung với nhóm. Họ trở lại Giê Ru Sa Lem để tìm Ngài. “Sau ba ngày, họ tìm thấy Ngài trong đền thờ, đang ngồi giữa các thầy thông thái, và những người này đang nghe Ngài và chất vấn Ngài” (Bản Dịch Joseph Smith, Lu Ca 2:46). “Ai nấy nghe, đều lạ khen về sự khôn ngoan và lời đối đáp của Ngài” (Lu Ca 2:47).

Giô Sép và Ma Ri cảm thấy an tâm khi tìm thấy Ngài, nhưng “lấy làm lạ, và mẹ hỏi rằng: Hỡi con, sao con làm cho hai ta thể này? Này, cha và mẹ đã khó nhọc lắm mà tìm con.” Chúa Giê Su đáp lời bà: “Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” (Lu Ca 2:48–49).

Để làm tròn sứ mệnh của Ngài, Chúa Giê Su phải thực hiện ý muốn của Cha Thiên Thượng của Ngài. Ngài đã phán: “Ta không tự mình làm điều gì, nhưng nói điều Cha ta đã dạy ta. … ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:28–29).

Lúc Chúa Giê Su 30 tuổi, Ngài đã tìm đến Giăng Báp Tít để chịu phép báp têm trong dòng Sông Giô Đanh. Giăng đã miễn cưỡng làm phép báp têm cho Chúa Giê Su bởi vì ông biết rằng Chúa Giê Su cao trọng hơn ông. Chúa Giê Su đã yêu cầu Giăng làm phép báp têm cho Ngài nhằm “làm cho trọn mọi việc công bình.” Rồi Giăng cũng đã làm phép báp têm cho Đấng Cứu Rỗi, dìm toàn thân Ngài xuống nước. Khi Chúa Giê Su chịu phép báp têm, Cha Ngài đã từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” Đức Thánh Linh đã giáng xuống, như được cho thấy bằng biểu tượng chim bồ câu. (Xin xem Ma Thi Ơ 3:13–17.)

Chẳng bao lâu sau khi chịu phép báp têm, Chúa Giê Su nhịn ăn 40 ngày và 40 đêm để được ở với Thượng Đế. Sau đó, Sa Tan tìm đến cám dỗ Ngài. Chúa Giê Su kiên quyết chống lại tất cả những cám dỗ của Sa Tan và rồi truyền lệnh đuổi Sa Tan đi. (Xin xem Ma Thi Ơ 4:1–11; xin xem thêm Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 4:1, 56, 89, 11.) Chúa Giê Su Ky Tô vẫn là Đấng không có tội, Đấng hoàn hảo nhất từ xưa đến nay trên thế gian (xin xem Hê Bơ Rơ 4:15; 1 Phi E Rơ 2:21–22).

  • Những câu chuyện nào từ cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi có ý nghĩa đặc biệt đối với các anh chị em?

Ngài Dạy Chúng Ta Cách Yêu Thương và Phục Vụ Lẫn Nhau

  • Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy cho chúng ta phải yêu thương và phục vụ lẫn nhau như thế nào?

Sau khi Ngài nhịn ăn và chạm trán với Sa Tan, Chúa Giê Su bắt đầu giáo vụ của Ngài. Ngài đến thế gian không phải chỉ để chết cho chúng ta mà còn để giảng dạy chúng ta cách sống. Ngài dạy rằng có hai giáo lệnh lớn: thứ nhất là phải yêu mến Thượng Đế hết lòng, hết trí và hết sức; và thứ nhì là phải yêu thương những người khác như chính mình (xin xem Ma Thi Ơ 22:36–39). Cuộc sống của Ngài là tấm gương về cách thức chúng ta phải tuân giữ hai giáo lệnh này. Nếu chúng ta yêu mến Thượng Đế, chúng ta sẽ tin cậy và vâng lời Ngài, như Chúa Giê Su đã làm. Nếu chúng ta yêu mến những người khác, chúng ta sẽ giúp họ đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của họ.

Chúa Giê Su đã bỏ cả cuộc đời của Ngài để phục vụ những người khác. Ngài đã chữa lành hết bệnh tật cho họ. Ngài đã làm người mù thấy được, người điếc nghe được, và người què đi được. Có lần Ngài đang chữa cho người bệnh, thì trời sụp tối và dân chúng lại đói. Thay vì Ngài bảo họ ra về, thì Ngài đã ban phước cho năm ổ bánh và hai con cá và nhiệm mầu thay, đã có thể cho đám đông gồm 5.000 người ăn. (Xin xem Ma Thi Ơ 14:14–21.) Ngài đã dạy rằng bất cứ lúc nào chúng ta thấy có người đói, lạnh, trần truồng hay cô đơn, thì chúng ta phải giúp đỡ họ với hết khả năng mình. Khi chúng ta giúp đỡ những người khác, là chúng ta đang phục vụ Chúa. (Xin xem Ma Thi Ơ 25:35–46.)

Chúa Giê Su đã hết lòng yêu thương những người khác. Lòng Ngài thường đầy trắc ẩn đến nỗi Ngài đã khóc. Ngài yêu thương các trẻ nhỏ, người già cả, và người hèn mọn, tầm thường mà đã có đức tin nơi Ngài. Ngài yêu thương những người đã phạm tội, và với lòng đầy trắc ẩn Ngài đã dạy họ hối cải và chịu phép báp têm. Ngài phán dạy: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống” (Giăng 14:6).

Chúa Giê Su còn yêu thương những người đã phạm tội chống lại Ngài và không chịu hối cải. Vào giây phút cuối đời Ngài, khi bị treo lên cây thập tự, Ngài đã cầu nguyện lên Đức Chúa Cha cho những người lính đã đóng đinh Ngài, và nài xin: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu Ca 23:34). Ngài đã dạy rằng: “Điều răn của ta đây này: Các ngươi hãy yêu nhau cũng như ta đã yêu các ngươi” (Giăng 15:12).

  • Chúng ta có thể cho Chúa thấy chúng ta yêu mến Ngài bằng những cách nào?

Ngài Đã Tổ Chức Giáo Hội Chân Chính Duy Nhất

  • Tại sao Đấng Cứu Rỗi tổ chức Giáo Hội của Ngài và sắc phong Các Sứ Đồ?

Chúa Giê Su muốn phúc âm của Ngài được giảng dạy cho dân chúng khắp nơi trên thế gian, nên Ngài đã chọn mười hai Sứ Đồ để làm chứng về Ngài. Họ là những vị lãnh đạo nguyên thủy của Giáo Hội Ngài. Họ nhận được thẩm quyền để hành động trong danh Ngài và làm những công việc mà họ đã thấy Ngài làm. Những người nhận được thẩm quyền từ nơi các Sứ Đồ này thì cũng có thể giảng dạy, làm phép báp têm và thực hiện các giáo lễ khác trong danh Ngài. Sau khi Ngài chết, họ tiếp tục làm công việc của Ngài cho đến khi dân chúng trở nên quá tà ác đến nỗi họ giết chết các Sứ Đồ.

Ngài Cứu Chuộc Chúng Ta khỏi Tội Lỗi của Chúng Ta và Cứu Chúng Ta khỏi Cái Chết

  • Trong khi các anh chị em học tiết này, hãy dành thời giờ ra để suy ngẫm về những sự kiện của Sự Chuộc Tội.

Gần cuối giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã chuẩn bị làm sự hy sinh cuối cùng cho tất cả mọi tội lỗi của nhân loại. Ngài đã bị kết tội phải chết bởi vì Ngài đã làm chứng cho dân chúng biết rằng Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế.

Cái đêm trước khi Ngài bị đóng đinh, Chúa Giê Su đã đi đến một khu vườn gọi là Ghết Sê Ma Nê. Chẳng bao lâu lòng Ngài đã trĩu nặng bởi ưu phiền và Ngài đã khóc khi Ngài cầu nguyện. Sứ Đồ Ngày Sau Orson F. Whitney được phép cho thấy nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi trong một khải tượng. Khi trông thấy Đấng Cứu Rỗi khóc, ông đã nói: “Tôi đã quá xúc động trước cảnh tượng đó đến nỗi tôi cũng đã khóc, do mối thương cảm hoàn toàn. Tôi hoàn toàn đồng cảm với Ngài; tôi hết lòng yêu mến Ngài và khao khát được cùng ở với Ngài hơn bất cứ việc gì khác” (“The Divinity of Jesus Christ,” Improvement Era, tháng Giêng năm 1926, 224–25; xin xem thêm Ensign, tháng Mười Hai năm 2003, 10). Chúa Giê Su “bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi con! Song không theo ý muốn con, mà theo ý muốn Cha” (Ma Thi Ơ 26:39).

Trong một mặc khải hiện đại, Đấng Cứu Rỗi diễn tả nỗi đau khổ cùng cực của Ngài đã thực sự như thế nào, khi nói rằng nó đã khiến Ngài “cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn” (GLGƯ 19:18). Ngài chịu thống khổ “theo thể cách xác thịt,” tự Ngài mang lấy mọi đau đớn, bệnh tật, yếu đuối và tội lỗi (xin xem An Ma 7:10–13). Không một người trần thế nào có thể thấu hiểu được gánh này nặng nề như thế nào. Không một người nào khác có thể chịu đựng nỗi thống khổ như thế của thể xác và tinh thần. “Ngài đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật, ngõ hầu Ngài có thể xuyên thấu được tất cả mọi vật, là ánh sáng của lẽ thật” (GLGƯ 88:6).

Nhưng nỗi đau khổ của Ngài chưa hết. Ngày hôm sau, Chúa Giê Su bị đánh đập, bị nhục mạ, và khạc nhổ. Ngài bị bắt phải vác thập tự của Ngài; rồi Ngài bị treo lên và đóng đinh trên cây thập tự. Ngài bị hành hạ trong một cách thức tàn nhẫn nhất mà con người có thể nghĩ ra. Sau khi chịu đau đớn trên cây thập tự, Ngài đã kêu lên trong nỗi thống khổ: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi” (Mác 15:34). Trong giờ phút đau đớn nhất của Chúa Giê Su, Đức Chúa Cha đã rút linh của Ngài ra khỏi Chúa Giê Su để Chúa Giê Su có thể hoàn tất sự chịu đựng hình phạt của tội lỗi cho tất cả nhân loại hầu cho Chúa Giê Su có thể chiến thắng trọn vẹn quyền lực của tội lỗi và cái chết. (xin xem James E. Talmage, Jesus the Christ, ấn bản lần thứ 3 [1916], 660–61).

Khi Đấng Cứu Rỗi biết rằng sự hy sinh của Ngài đã được Đức Chúa Cha chấp nhận, Ngài đã kêu lớn: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha” (Lu Ca 23:46). Ngài đã gục đầu xuống và tự ý trút bỏ linh hồn của Ngài. Đấng Cứu Rỗi đã chết. Một trận động đất dữ dội đã làm rung chuyển trái đất.

Một vài người bạn đã mang thể xác của Đấng Cứu Rỗi vào trong mộ, và đặt ở đó cho đến ngày thứ ba. Trong thời gian này, linh hồn của Ngài đi tổ chức công việc truyền giáo cho các linh hồn khác mà cần tiếp nhận phúc âm của Ngài (xin xem 1 Phi E Rơ 3:18–20; GLGƯ 138). Vào ngày thứ ba, một ngày Chúa Nhật, Ngài đã trở lại với thể xác của Ngài và khoác lên lại thể xác đó. Ngài là người đầu tiên thắng cái chết. Lời tiên tri đã được ứng nghiệm: “Ngài phải từ kẻ chết sống lại” (Giăng 20:9).

Chẳng bao lâu sau khi Ngài phục sinh, Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng dân Nê Phi và thiết lập Giáo Hội của Ngài tại Châu Mỹ. Ngài giảng dạy dân Ngài và ban phước cho họ. Câu chuyện cảm động này được tìm thấy trong 3 Nê Phi 11 đến 28.

Sự Hy Sinh của Ngài Cho Thấy Tình Yêu Thương của Ngài đối với Cha Ngài và đối với Chúng Ta

Chúa Giê Su đã dạy: “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta” (Giăng 15:13–14). Ngài đã sẵn lòng và khiêm nhường chịu đựng nỗi ưu phiền trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và nỗi đau khổ trên cây thập tự để chúng ta có thể nhận được tất cả các phước lành của kế hoạch cứu rỗi. Để nhận được các phước lành này, chúng ta cần phải đến cùng Ngài, hối cải tội lỗi của mình và hết lòng yêu mến Ngài. Ngài đã phán:

“Và đây là phúc âm mà ta đã ban cho các ngươi—rằng ta đến thế gian để thực hiện ý muốn của Cha ta, vì Cha ta đã sai ta đến.

“Và Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá; và sau khi ta đã bị treo trên trên thập tự giá, để ta có thể thu hút tất cả mọi người đến cùng ta, … để họ đứng trước mặt ta và chịu sự phán xét qua những việc làm của mình. …

“Vì những công việc mà các ngươi thấy ta làm, các ngươi cũng sẽ phải làm như vậy. …

“Vậy nên, các ngươi nên là những người như thế nào? Quả thật, ta nói cho các người hay, các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:13–15, 21, 27; chữ nghiêng được thêm vào).

  • Cảm nghĩ của các anh chị em ra sao khi các anh chị em suy ngẫm về sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi dành cho các anh chị em?

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc và Các Nguồn Tài Liệu Khác