Chương 20
Phép Báp Têm
Giáo Lệnh phải Chịu Phép Báp Têm
-
Tại sao chúng ta cần phải chịu phép báp têm?
Ngày nay, cũng giống như thời của Chúa Giê Su, có một số nguyên tắc và giáo lễ của phúc âm mà chúng ta phải học hỏi và tuân theo. Một nguyên tắc phúc âm là một sự tin tưởng hay là một điều giảng dạy chân chính. Một giáo lễ là một nghi thức hay nghi lễ. Hai nguyên tắc đầu tiên của phúc âm là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải. Phép báp têm là giáo lễ đầu tiên của phúc âm. Một trong những chỉ dẫn mà Chúa ban cho Các Sứ Đồ của Ngài là: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma Thi Ơ 28:19–20).
Chúng Ta Phải Chịu Phép Báp Têm để Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình
Khi chúng ta đặt đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải và chịu phép báp têm, thì các tội lỗi của chúng ta được tha thứ nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Từ thánh thư, chúng ta biết được rằng Giăng Báp Tít “đã tới, trong đồng vắng vừa làm vừa giảng phép báp têm ăn năn, cho được tha tội” (Mác 1:4). Sứ Đồ Phi E Rơ đã dạy: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Giê Su chịu phép báp têm, để được tha tội mình” Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38. Tiếp theo sự cải đạo của Phao Lô, A Na Nia đã nói cùng ông: “Hãy chờ dậy,… mà chịu phép báp têm và làm sạch tội lỗi mình đi” (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:16).
Chúng Ta Phải Chịu Phép Báp Têm để Trở Thành Tín Hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô
“Tất cả những ai biết hạ mình trước mặt Thượng Đế, và ước muốn chịu phép báp têm… đã thực sự hối cải tất cả tội lỗi của mình… sẽ được thu nhận vào giáo hội của Ngài bằng phép báp têm” (GLGƯ 20:37).
Chúng Ta Phải Chịu Phép Báp Têm trước khi Chúng Ta Có Thể Nhận Được Ân Tứ Đức Thánh Linh
Chúa đã phán: “Nếu ngươi chịu trở lại cùng ta, … cùng hối cải tất cả những phạm giới của ngươi, và chịu phép báp têm bằng nước, trong danh Con Độc Sinh của ta, … thì ngươi sẽ nhận được ân tứ Đức Thánh Linh” (Môi Se 6:52).
Chúng Ta Phải Chịu Phép Báp Têm để Chứng Tỏ Sự Vâng Lời
Chúa Giê Su Ky Tô không có tội, nhưng Ngài vẫn chịu phép báp têm. Ngài phán rằng việc báp têm của Ngài là cần thiết “để làm cho trọn mọi việc công bình” (Ma Thi Ơ 3:15). Tiên Tri Nê Phi giải thích rằng Chúa đã phán cùng ông: “Hãy theo ta, và hãy làm những việc mà ngươi thấy ta làm… một cách hết lòng, không hành động giả nghĩa và lừa dối trước mặt Thượng Đế, mà thực tâm hối cải tội lỗi của mình, và chứng tỏ cho Đức Chúa Cha thấy rằng, các người sẵn lòng muốn được mang danh Đấng Ky Tô bằng cách chịu phép báp têm” (2 Nê Phi 31:12–13).
Chúng Ta Phải Chịu Phép Báp Têm để Được Đi Vào Thượng Thiên Giới
Chúa Giê Su đã phán: “Kẻ nào tin nơi ta và chịu phép báp têm… sẽ thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế. Và kẻ nào không tin nơi ta và không chịu phép báp têm thì sẽ bị đoán phạt” (3 Nê Phi 11:33–34). Phép báp têm là ngưỡng cửa mà qua đó chúng ta đi vào thượng thiên giới (xin xem 2 Nê Phi 31:17–18).
Cách Làm Báp Têm Đúng
-
Chúng ta phải được làm phép báp têm như thế nào?
Chỉ có một cách làm phép báp têm đúng mà thôi. Chúa Giê Su đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith rằng một người có thẩm quyền chức tư tế hợp thức để làm phép báp têm thì “sẽ bước xuống nước với người đến chịu phép báp têm…. Kế đó, vị ấy dìm người đó xuống nước và đỡ người đó ra khỏi nước” (GLGƯ 20:73–74). Việc dìm mình xuống nước là điều cần thiết. Sứ Đồ Phao Lô dạy rằng khi được dìm mình xuống nước và bước ra khỏi nước là tượng trưng cho cái chết, sự chôn cất và sự phục sinh. Sau phép báp têm, chúng ta bắt đầu một cuộc sống mới. Phao Lô đã nói:
“Anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp têm trong Đức Chúa Giê Su, tức là chịu phép báp têm trong sự chết Ngài sao?
“Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Ky Tô nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.
“Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau” (Rô Ma 6:3–5).
Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước bởi một người có thẩm quyền hợp thức là cách duy nhất được làm phép báp têm mà có thể chấp nhận được mà thôi.
-
Tại sao thẩm quyền để thực hiện phép báp têm là quan trọng?
-
Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước giống như sự chôn cất và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi về phương diện nào?
Phép Báp Têm vào Tuổi Chịu Trách Nhiệm
-
Ai cần phải chịu phép báp têm?
Mọi người khi được tám tuổi và biết chịu trách nhiệm về những hành động của mình thì phải chịu phép báp têm. Một số giáo hội dạy rằng các trẻ nhỏ cần phải chịu phép báp têm. Điều này không phù hợp với những điều giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Khi nói về các trẻ nhỏ, Chúa Giê Su đã phán: “Nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy” (Ma Thi Ơ 19:14).
Tiên Tri Mặc Môn nói rằng việc làm phép báp têm cho các trẻ nhỏ là điều nhạo báng trước mắt Thượng Đế bởi vì chúng không có khả năng phạm tội. Tương tự như thế, phép báp têm không được đòi hỏi nơi những người không đủ khả năng trí tuệ để biết được điều đúng với điều sai (xin xem Mô Rô Ni 8:9–22).
Tất cả những người khác cần phải chịu phép báp têm. Chúng ta phải tiếp nhận giáo lễ báp têm và trung thành với các giao ước mà chúng ta lập vào lúc đó.
-
Các anh chị em có thể nói điều gì với một người bạn mà tin rằng trẻ sơ sinh cần phải chịu phép báp têm?
Chúng Ta Lập Các Giao Ước Khi Chúng Ta Chịu Phép Báp Têm
Nhiều đoạn thánh thư giảng dạy về phép báp têm. Trong một số các đoạn thánh thư này, tiên tri An Ma đã dạy rằng đức tin và sự hối cải là các bước chuẩn bị cho chúng ta chịu phép báp têm. Ông dạy rằng khi chúng ta chịu phép báp têm, chúng ta lập một giao ước với Chúa. Chúng ta hứa làm một số điều nào đó, và đổi lại Thượng Đế hứa ban phước cho chúng ta.
An Ma giải thích rằng chúng ta phải mong muốn được gọi là dân của Thượng Đế. Chúng ta phải sẵn lòng giúp đỡ và an ủi lẫn nhau. Chúng ta phải đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu. Khi chúng ta làm những điều này và chịu phép báp têm, thì Thượng Đế sẽ tha thứ các tội lỗi của chúng ta. An Ma bảo những người đã tin vào những lời giảng dạy của ông về phúc âm:
“Này, đây là dòng suối Mặc Môn. … và giờ đây, vì các người muốn gia nhập đàn chiên của Thượng Đế và để được gọi là dân Ngài, … thì có việc gì làm cản trở các người được báp têm trong danh Chúa, để chứng tỏ trước mặt Ngài rằng, các người đã lập giao ước với Ngài, rằng các người sẽ phụng sự Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, để Ngài có thể trút Thánh Linh của Ngài xuống các người một cách dồi dào hơn chăng?” (Mô Si A 18:8, 10). Dân chúng vỗ tay vui mừng và nói rằng đó là ước muốn của họ để chịu phép báp têm. An Ma đã làm phép báp têm cho họ trong Dòng Suối Mặc Môn. (Xin xem Mô Si A 18:7–17.)
An Ma dạy rằng khi chúng ta chịu phép báp têm là chúng ta lập giao ước với Chúa để:
-
Gia nhập đàn chiên của Thượng Đế.
-
Mang gánh nặng lẫn cho nhau.
-
Đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu.
-
Phục vụ Thượng Đế và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.
Khi chúng ta chịu phép báp têm và tuân giữ các giao ước báp têm, Chúa hứa:
-
Tha thứ các tội lỗi của chúng ta (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38; GLGƯ 49:13).
-
Trút Thánh Linh của Ngài xuống chúng ta một cách dồi dào hơn (xin xem Mô Si A 18:10).
-
Ban cho chúng ta sự hướng dẫn và sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38; GLGƯ 20:77).
-
Cho chúng ta sống lại trong Lần Phục Sinh Thứ Nhất (xin xem Mô Si A 18:9).
-
Ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Mô Si A 18:9).
-
Các anh chị em nghĩ việc chia sẻ gánh nặng của nhau, đứng làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu có nghĩa là gì?
Phép Báp Têm Mang Đến Cho Chúng Ta một Khởi Đầu Mới
Với phép báp têm, chúng ta bắt đầu một lối sống mới. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi đó là sự sinh lại. Chúa Giê Su đã phán rằng chúng ta không thể bước vào vương quốc của Thượng Đế nếu chúng ta không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh (xin xem Giăng 3:3–5). Nguyên tắc này được giải thích rõ ràng cho A Đam:
“Bởi vì các ngươi được sinh ra trên thế gian bằng nước, máu và linh, do ta tạo ra, và từ bụi đất trở thành một loài sinh linh, nên cũng giống như vậy các ngươi phải được tái sinh trong vương quốc thiên thượng bằng nước và Thánh Linh, và được tẩy sạch bằng máu, đó là máu của Con Độc Sinh của ta” (Môi Se 6:59).
Sứ Đồ Phao Lô đã nói rằng sau phép báp têm của mình, chúng ta phải bắt đầu một cuộc sống mới: “Chúng ta đã được chôn với Ngài bởi phép báp têm… thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô Ma 6:4). Một trong các phước lành lớn lao của phép báp têm là cung ứng cho chúng ta một sự khởi đầu mới trong khi chúng ta hướng về mục tiêu vĩnh cửu của mình.
-
Phép báp têm của các anh chị em là một khởi đầu mới như thế nào?
Các Câu Thánh Thư Bổ Túc
-
2 Nê Phi 31:4–7 (mục đích và sự cần thiết của phép báp têm)
-
3 Nê Phi 11:21–27; GLGƯ 20:72–74 (cách thực hiện phép báp têm)
-
Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38–39 (chịu phép báp têm để được xá miễn tội lỗi)
-
Mô Rô Ni 8:8–12; GLGƯ 20:71–72 (phép báp têm không được đòi hỏi nơi các trẻ nhỏ; phép báp têm được đòi hỏi nơi tất cả những ai hối cải)
-
An Ma 7:14–16 (phép báp têm là tẩy sạch, lập giao ước về cuộc sống vĩnh cửu)