Chức Thầy Tế Lễ Nhà Vua
Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi, nhưng các đặc tính của một người nắm giữ chức tư tế thật sự của Thượng Đế thì bất biến.
Thưa các anh em, khi tôi nhìn khắp tòa nhà uy nghi này thì tôi chỉ có thể nói rằng thật là một quang cảnh đầy soi dẫn với sự hiện diện của các anh em. Thật ngạc nhiên để biết rằng trong hàng ngàn giáo đường trên khắp thế giới, nhiều anh em—những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế—đang theo dõi chương trình phát thanh và truyền hình này qua hệ thống vệ tinh. Tuy là nhiều dân tộc và ngôn ngữ khác nhau, nhưng chúng ta có chung một đặc tính mà ràng buộc chúng ta với nhau. Chúng ta đã được giao phó để nắm giữ chức tư tế và để hành động trong danh của Thượng Đế. Chúng ta là những người nhận được một sự tin cậy thiêng liêng. Chúa kỳ vọng nhiều nơi chúng ta.
Chúng ta, những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế và tôn trọng chức này, là những người đã được dành riêng cho thời kỳ đặc biệt này trong lịch sử. Sứ Đồ Phi E Rơ đã diễn tả chúng ta trong chương hai của Sách 1 Phi E Rơ, câu chín: “Anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi các anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.”
Làm thế nào các anh em và tôi có thể tự làm cho mình hội đủ điều kiện để được xứng đáng với danh hiệu đó. “Một chức thầy tế lễ nhà vua”? Đặc tính của một người con trai thật sự của Thượng Đế hằng sống là gì? Buổi tối hôm nay tôi muốn chúng ta suy xét về một số đặc tính đó.
Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi, nhưng các đặc tính của một người nắm giữ chức tư tế thật sự của Thượng Đế thì bất biến.
Trước hết tôi xin đề nghị mỗi người chúng ta nên phát triển đặc tính nhìn xa hiểu rộng. Một nhà văn đã viết những sự kiện nhỏ nhặt đã có ảnh hưởng lớn đến lịch sử và cuộc sống của con người cũng vậy. Nếu chúng ta áp dụng câu châm ngôn đó vào cuộc sống của mình, thì chúng ta có thể nói rằng chúng ta là kết quả của nhiều quyết định nhỏ. Thật ra, chúng ta là kết quả của những sự lựa chọn của mình. Chúng ta phải phát triển khả năng để nhớ lại quá khứ, đánh giá hiện tại và nhìn về tương lai để có thể hoàn thành những điều mà Chúa muốn chúng ta làm trong cuộc sống của chúng ta.
Các em là các thiếu niên nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn cần phải có khả năng để nhìn thấy cái ngày mà các em sẽ nắm giữ chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và rồi tự chuẩn bị với tư cách là thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế để tiếp nhận chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc thánh của Thượng Đế. Các em có trách nhiệm để sẵn sàng, khi các em nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, đáp ứng một sự kêu gọi để đi phục vụ với tư cách là một người truyền giáo bằng cách chấp nhận và làm tròn lời kêu gọi. Tôi cầu xin rằng mỗi em thiếu niên và mỗi người nam đều sẽ có một đặc tính nhìn xa hiểu rộng.
Nguyên tắc thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh với tính cách là đặc tính của một người nắm giữ chức tư tế thực sự của Thượng Đế là đặc tính chịu khó. Thật là không đủ khi muốn chịu khó mà lại chỉ nói chúng ta sẽ chịu khó. Chúng ta phải thật sự có nỗ lực bắt tay vào. Chính là trong việc làm chứ không phải trong ý nghĩ mà chúng ta hoàn thành các mục tiêu của mình. Nếu chúng ta luôn luôn bỏ qua một bên mục tiêu của mình thì chúng ta sẽ không bao giờ thấy chúng được hoàn thành. Có người đã nói như sau: Nếu sống và chỉ nghĩ đến tương lai mà không làm gì hết cho hiện tại, thì khi tương lai đến, quá khứ của chúng ta sẽ trống không.1
Vào tháng Bảy năm 1976, vận động viên điền kinh Garry Bjorklund đã quyết tâm hội đủ điều kiện để gia nhập đội tuyển Hoa Kỳ trong cuộc đua 10.000 ngàn mét trong Thế Vận Hội Montreal. Tuy nhiên, nửa chừng cuộc chạy đua đầy gay go này, chiếc giày chân trái của anh đã bị tuột ra. Các anh em và tôi sẽ làm gì nếu gặp phải kinh nghiệm đó? Tôi nghĩ anh ấy có thể bỏ cuộc và ngừng lại. Anh ấy có thể đổ thừa cho sự kém may mắn của anh và bỏ mất cơ hội tham dự vào một cuộc đua lớn nhất trong đời anh, nhưng vận động viên vô địch này đã không làm thế. Anh đã tiếp tục chạy chân không. Anh biết là anh phải chạy nhanh hơn bất cứ lúc nào trong đời mình. Anh biết rằng các đối thủ của anh bây giờ đang có lợi thế mà họ đã không có khi bắt đầu cuộc đua. Với một chân đi giày và một chân trần, anh đã chạy trên chặng đường đua rải than xỉ, đoạt giải ba và hội đủ điều kiện để có được cơ hội tham dự cuộc chạy đua dành huy chương vàng. Anh đã lập kỷ lục cho thời gian chạy nhanh nhất của mình từ trước đến giờ. Anh đã dành hết nỗ lực cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.
Là những người nắm giữ chức tư tế, chúng ta sẽ thấy có những lúc trong cuộc sống của mình khi chúng ta vấp ngã, khi chúng ta trở nên mệt mỏi hay kiệt sức, hoặc khi chúng ta gặp phải những nỗi thất vọng hay đau khổ. Khi điều đó xảy đến, tôi hy vọng là chúng ta sẽ kiên trì với nỗ lực thậm chí còn lớn hơn để huớng về mục tiêu của chúng ta.
Vào một lúc nào đó mỗi người chúng ta sẽ được kêu gọi vào một chức vụ trong Giáo Hôi, dù đó là một chủ tịch của nhóm túc số thầy trợ tế, một thư ký của nhóm túc số thầy giảng, một cố vấn chức tư tế, một giảng viên trong lớp học, một giám trợ. Tôi có thể kể ra nhiều chức vụ nữa, nhưng các anh em đã hiểu ý tôi muốn nói. Tôi chỉ mới 22 tuổi khi được kêu gọi làm giám trợ của Tiểu Giáo Khu Sixth-Seventh ở Thành Phố Salt Lake. Với 1.080 tín hữu trong tiểu giáo khu, thì nhiều nỗ lực được đòi hỏi để bảo đảm rằng mọi điều cần giải quyết phải được thực hiện và mỗi tín hữu của tiểu giáo khu phải cảm thấy được cần đến và quan tâm đến. Dù công việc rất khó khăn nhưng tôi đã không để cho nhiệm vụ này trấn áp mình. Tôi đã bắt tay vào việc, cũng như những người khác, và phục vụ hết sức mình. Mỗi người chúng ta cũng có thể làm như thế bất kể sự kêu gọi hay nhiệm vụ là gì.
Mới năm ngoái, tôi quyết định đi xem còn bao nhiêu hộ dân cư trong khu vực mà tôi đã phục vụ với tư cách là giám trợ từ năm 1950 đến 1955. Tôi chạy xe chầm chậm quanh mỗi khu phố từng thuộc vào tiểu giáo khu của tôi. Tôi đã ngạc nhiên khi thấy rằng trong số các ngôi nhà và chung cư mà 1.080 tín hữu của chúng tôi sinh sống, thì chỉ còn ba căn nhà vẫn ở đó. Tại một trong ba căn nhà đó, cỏ đã mọc cao, cây không được tỉa xén và không có ai sống ở đó. Trong hai căn nhà còn lại, một căn thì cửa sổ bị đóng ván và bỏ trống, và căn kia thì làm một văn phòng nhỏ buôn bán gì đó.
Tôi đậu xe lại, tắt máy xe, và chỉ ngồi đó một lúc. Tôi có thể hình dung ra mỗi căn nhà và mỗi chung cư, mỗi tín hữu đã sống ở đó. Mặc dù các căn nhà và chung cư không còn nữa, nhưng ký ức về những gia đình đã sống trong mỗi căn hộ vẫn còn sống động. Tôi nghĩ đến lời của tác giả James Barrie viết rằng Thượng Đế ban cho chúng ta ký ức để chúng ta có thể có hoa hồng của tháng Sáu vào Tháng Mười Hai của đời mình.2 Tôi biết ơn biết bao về cơ hội được phục vụ trong nhiệm vụ được giao phó đó. Đó có thể là phước lành cho mỗi chúng ta nếu chúng ta chịu dành hết nỗ lực trong nhiệm vụ được giao phó.
Đặc tính chịu khó được đòi hỏi ở mỗi người nắm giữ chức tư tế.
Nguyên tắc thứ ba mà tôi muốn nhấn mạnh đến là đặc tính có đức tin. Chúng ta phải có sự tự tin, đức tin nơi khả năng của Cha Thiên Thượng của chúng ta là sẽ ban phước cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong các nỗ lực của mình. Cách đây nhiều năm, tác giả Thi Thiên đã viết về một lẽ thật tuyệt vời: “Thà nương náu mình nơi Đức Giê Hô Va còn hơn tin cậy loài người. Thà nương náu mình nơi Đức Giê Hô Va còn hơn tin cậy vua chúa”3 Nói cách khác, hãy đặt sự tin tưởng của chúng ta vào khả năng của Chúa để hướng dẫn chúng ta. Tình bạn, như chúng ta biết, có thể thay đổi, nhưng Chúa thì kiên định.
Shakespeare, trong vở kịch của ông là Vua Henry Đệ Bát đã dạy lẽ thật này qua Hồng Y Giáo Chủ Wolsey—một người có thanh thế và sự kiêu căng nhờ vào sự kết bạn của ông với nhà vua. Khi tình bạn đó kết thúc, Hồng Y Giáo Chủ Wolsey đã bị truất hết quyền hành, kết cuộc thì bị mất đi danh tiếng và uy thế. Ông là người có được mọi thứ và rồi mất tất cả. Với tấm lòng đau khổ, ông đã nói về một lẽ thật chính xác cùng người đầy tớ của mình, Cromwell:
Ôi Cromwell, Cromwell!
Nếu ta phục vụ Thượng Đế của ta chỉ với phân nửa nhiệt tâm
Mà ta đã phục vụ vua của ta, thì Ngài đã không bỏ ta bơ vơ bất lực
Trong cảnh già nua trước kẻ thù của ta.4
Tôi tin là chúng ta phải có Đặc Tính Có Đức Tin ở mỗi người hiện diện ở đây buổi tối hôm nay.
Tôi xin thêm vào bản liệt kê của mình đặc tính có đức hạnh. Chúa đã nói rằng chúng ta phải để cho đức hạnh làm đẹp tư tưởng của chúng ta luôn luôn.5
Tôi nhớ đến một buổi họp chức tư tế được tổ chức trong Đại Thính Đường ở Thành Phố Salt Lake khi tôi còn là một người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn. Chủ Tịch của Giáo Hội đã nói chuyện cùng chức tư tế, và ông đã đưa ra một lời nói mà tôi đã không thể nào quên được. Đại khái, ông nói rằng những người đàn ông mà phạm tội tình dục hay những tội khác không làm thế trong cơn bốc đồng. Ông nhấn mạnh rằng hành động của chúng ta đi sau ý nghĩ của chúng ta, và khi chúng ta phạm tội, là vì chúng ta đã nghĩ đến việc phạm một tội cụ thể nào đó. Rồi Vị Chủ Tịch đó nói rằng cách để tránh tội lỗi là giữ cho ý nghĩ của chúng ta được thanh sạch. Thánh thư đã nói cùng chúng ta rằng như chúng ta tưởng trong lòng thể nào thì chúng ta quả thể ấy.6 Chúng ta cần phải có đặc tính có đức hạnh.
Nếu chúng ta là những người truyền giáo trong vương quốc của Cha Thiên Thượng, thì chúng ta phải xứng đáng với sự đồng hành của Đức Thánh Linh của Ngài, và chúng ta được bảo một cách chính xác là Thánh Linh của Ngài sẽ không ngự trong những đền ô uế hay không thánh thiện.
Cuối cùng, tôi xin thêm vào Đặc Tính Biết Cầu Nguyện. Ước muốn được giao tiếp với Cha Thiên Thượng của một người là một đặc tính của một người chân chính nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế.
Khi chúng ta dâng lên Chúa lời cầu nguyện cá nhân hay gia đình, thì chúng ta hãy làm như vậy với đức tin và sự tin cậy nơi Ngài. Chúng ta hãy ghi nhớ lệnh truyền của Sứ Đồ Phao Lô cùng dân Hê Bơ Rơ: “Vì kẻ đến cùng Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng kẻ tìm kiếm Ngài.”7 Nếu bất cứ ai trong chúng ta chậm nghe lời khuyên bảo phải luôn luôn cầu nguyện, thì không có lúc nào tốt hơn để bắt đầu bằng bây giờ. William Cooper tuyên bố: “Sa Tan run rẩy khi nó thấy người thánh hữu yếu kém nhất quỳ xuống cầu nguyện.”8 Những người cảm thấy rằng sự cầu nguyện là một biểu hiện về sự yếu kém của thể xác thì hãy nhớ rằng một người chưa bao giờ đứng cao hơn lúc người ấy quỳ xuống cầu nguyện.
Cầu xin cho chúng ta luôn luôn nhớ rằng… .
Sự cầu nguyện là ước muốn chân thật của con người
Thốt ra bằng lời hay thầm lặng trong ý nghĩ
Là ngọn lửa đang âm ỉ cháy
Làm rung động lồng ngực
Ôi Đấng mà qua Ngài chúng con đến cùng Thượng Đế
Là Sự Sống, Lẽ Thật và Đường Đi!
Con đường cầu nguyện Ngài đã đi qua;
Xin Chúa dạy chúng con cách cầu nguyện.9
Khi chúng ta phát triển Đặc Tính Biết Cầu Nguyện, thì chúng ta sẽ nhận được những phước lành mà Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta.
Để kết thúc, cầu xin cho chúng ta có được khả năng nhìn xa hiểu rộng. Cầu xin cho chúng ta luôn chịu khó. Cầu xin cho chúng ta nêu gương về đức tin và đức hạnh và luôn làm cho sự cầu nguyện thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. Rồi chúng ta sẽ thật sự là một thầy tế lễ nhà vua. Đây là lời cầu nguyện của tôi, lời cầu nguyện riêng của tôi trong buổi tối hôm nay, và tôi dâng lên lời cầu nguyện này từ tấm lòng của mình, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.