2007
Sự Mặc Khải Cá Nhân: Những Lời Giảng Dạy và Các Tấm Gương của Các Vị Tiên Tri
Tháng Mười Một năm 2007


Sự Mặc Khải Cá Nhân: Những Lời Giảng Dạy và Các Tấm Gương của Các Vị Tiên Tri

Sự mặc khải cá nhân là cách mà chúng ta tự biết về các lẽ thật quan trọng nhất về cuộc sống của mình:

Hình Ảnh

Khi chúng ta bắt đầu phiên họp kết thúc của đại hội lịch sử này, tôi xin cùng với các anh chị em bày tỏ lòng biết ơn về đặc ân được tán trợ Chủ Tịch Henry B. Eyring với tư cách là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai, và Anh Cả Walter F. González là một trong bảy Vị Chủ Tịch Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Tôi gửi đến họ tình yêu thương và sự tán trợ của tôi cùng làm chứng rằng họ được kêu gọi từ Thượng Đế qua một vị tiên tri tại thế, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, “thể theo tinh thần mặc khải và tiên tri.”1

Những sự kiện của hai ngày qua giảng dạy chúng ta về sự cần thiết của sự mặc khải trong công việc của Chúa và sự mặc khải cá nhân trong cuộc sống của chúng ta. Sự mặc khải cá nhân là cách mà chúng ta tự biết về các lẽ thật quan trọng nhất về cuộc sống của mình: sự xác thật về Thượng Đế hằng sống, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta, và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; lẽ trung thực về phúc âm phục hồi; và mục đích và sự hướng dẫn của Thượng Đế dành cho chúng ta.

Nhiều điều tôi biết về sự mặc khải cá nhân thì tôi học được từ tấm gương của các vị tiên tri, cả thời xưa lẫn thời nay. Buổi trưa hôm nay, tôi xin chia sẻ một vài tấm gương này và cầu nguyện rằng chúng sẽ soi dẫn chúng ta để tìm kiếm các phước lành của sự mặc khải cá nhân trong cuộc sống của chúng ta.

Là một người đại diện giáo vùng trẻ tuổi, tôi được chỉ định phụ giúp Anh Cả Marion G. Romney tái tổ chức chủ tịch đoàn của một giáo khu. Trong chuyến đi dài, yên lặng đến đại hội, cuộc chuyện trò của chúng tôi quay sang những đề tài thuộc linh về nhiệm vụ của chúng tôi. Anh Cả Romney đã dạy tôi về cách thức Chúa ban phước cho chúng ta với sự mặc khải. Ông nói: “Robert, tôi đã biết được rằng khi chúng ta làm công việc của Chúa thì chúng ta có được phước lành của Ngài để hoàn tất bất cứ điều gì mà chúng ta được bảo phải làm.” Anh Cả Romney còn giải thích thêm rằng chúng tôi sẽ đến thành phố xa xôi đó, quỳ xuống cầu nguyện, phỏng vấn những người nắm giữ chức tư tế, quỳ xuống cầu nguyện một lần nữa, và Đức Thánh Linh sẽ mặc khải cho chúng tôi biết người nào Chúa đã chọn để làm chủ tịch giáo khu mới. Ông hứa với tôi rằng đó sẽ là một trong những kinh nghiệm thuộc linh quan trọng của cuộc sống tôi, và điều đó đúng như vậy.

Mỗi người chúng ta được Cha Thiên Thượng gửi đến thế gian để tự chứng tỏ là xứng đáng với cuộc sống vĩnh cửu: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”2 Làm thế nào chúng ta tự biết được Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử? Qua sự mặc khải cá nhân. Sự mặc khải cá nhân là cách mà Cha Thiên Thượng giúp chúng ta biết Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, học hỏi và sống theo phúc âm, kiên trì đến cùng trong sự ngay chính, và hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu—để trở về nơi hiện diện của hai Ngài.

Các anh chị em có thể hỏi: “Làm thế nào chúng ta tìm kiếm được sự mặc khải cá nhân?” Phao Lô đã khuyên dạy Các Thánh Hữu trông cậy vào Thánh Linh, hơn là sự khôn ngoan của thế gian.3 Để nhận được Thánh Linh, chúng ta bắt đầu với lời cầu nguyện. Chủ Tịch Lorenzo Snow đã nghiên cứu phúc âm vài năm trước khi gia nhập Giáo Hội. Nhưng ông không nhận được sự làm chứng cho đến hai hoặc ba tuần sau khi ông chịu phép báp têm khi ông lui vào chỗ vắng vẻ để cầu nguyện. Ông nói: “Thánh Linh của Thượng Đế giáng xuống tôi. Ôi, niềm vui và hạnh phúc mà tôi cảm thấy được … [vì] lúc đó tôi nhận được một sự hiểu biết trọn vẹn rằng Thượng Đế hằng sống, Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, và về sự phục hồi của Chức Tư Tế thánh, và về Phúc Âm trọn vẹn.”4

Tôi đã học được rằng sự cầu nguyện cung ứng một nền tảng vững chắc cho sự mặc khải cá nhân. Nhưng cần có nhiều điều hơn nữa. Trong khi vẫn còn là người đại diện giáo vùng, tôi đã có cơ hội để học hỏi từ một Vị Sứ Đồ khác, Anh Cả Boyd K. Packer. Chúng tôi được chỉ định tái tổ chức một giáo khu và bắt đầu cùng quỳ xuống cầu nguyện. Sau khi phỏng vấn các vị lãnh đạo chức tư tế và dâng lời cầu nguyện, Anh Cả Packer đề nghị rằng chúng tôi sẽ cùng nhau đi bộ quanh tòa nhà. Khi chúng tôi đi bộ, ông đã giải thích một nguyên tắc thiết yếu của việc tìm kiếm sự mặc khải cá nhân—nguyên tắc mà Chúa đã giảng dạy cho Oliver Cowdery: “Này … ngươi phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình.”5 Chúng tôi suy ngẫm về nhiệm vụ của mình, cùng nhau bàn thảo, và lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh. Khi trở lại, chúng tôi cầu nguyện và nghiên cứu thêm. Rồi, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận sự mặc khải.

Sự mặc khải đến theo ý muốn của Chúa, thường có nghĩa là chúng ta cần phải tiến bước trong đức tin, cho dù chúng ta chưa nhận được tất cả những sự đáp ứng mà chúng ta mong muốn. Là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, tôi được chỉ định để giúp tái tổ chức một chủ tịch đoàn giáo khu dưới sự hướng dẫn của Anh Cả Ezra Taft Benson. Sau khi cầu nguyện, phỏng vấn, học hỏi và cầu nguyện lần nữa, Anh Cả Benson hỏi tôi có biết vị chủ tịch mới sẽ là ai không. Tôi nói rằng tôi chưa nhận được sự soi dẫn đó. Ông đáp là ông cũng chưa nhận được. Tuy nhiên, chúng tôi đã được soi dẫn để yêu cầu ba vị lãnh đạo chức tư tế xứng đáng nói chuyện trong phiên họp đại hội tối thứ Bảy. Một khoảng thời gian sau khi người nói chuyện thứ ba bắt đầu, thì Thánh Linh thúc giục tôi rằng người ấy phải là vị chủ tịch giáo khu mới. Tôi nhìn sang Chủ Tịch Benson và thấy nước mắt chảy dài trên mặt ông. Sự mặc khải đã được ban cho cả hai chúng tôi—nhưng chỉ bằng cách tiếp tục tìm kiếm ý muốn của Cha Thiên Thượng khi chúng ta tiến bước trong đức tin.

Khi tôi mới vừa phục vụ trong Giáo Hội, Anh Cả Harold B. Lee đã dạy bài học này khi ông đến tổ chức một giáo khu mới trong khu vực mà chúng tôi đang sống. Anh Cả Lee hỏi tôi, là một giám trợ mới vừa được tán trợ, có muốn cùng ông họp báo không. Nơi đó, một phóng viên trẻ tuổi nôn nóng thách thức Anh Cả Lee. Người này nói: “Ông tự gọi là một vị tiên tri. Khi nào là lần cuối cùng ông có được một sự mặc khải, và sự mặc khải đó là về điều gì?” Rồi, Anh Cả Lee ngừng lại, nhìn thẳng vào người ấy và đáp: “Đó là trưa hôm qua vào khoảng ba giờ. Chúng tôi đang cầu nguyện về việc ai sẽ được kêu gọi làm chủ tịch của giáo khu mới, và chúng tôi được cho biết nguời đó là ai.” Tấm lòng của người phóng viên thay đổi. Tôi sẽ không bao giờ quên Thánh Linh mà đã ngự vào căn phòng đó khi Anh Cả Lee chia sẻ chứng ngôn mạnh mẽ về sự mặc khải mà có thể nhận được bởi những người trung thành cố gắng làm theo ý muốn của Chúa.

Là trẻ em, thanh thiếu niên, cha mẹ, giảng viên, và những người lãnh đạo trung tín, chúng ta có thể nhận được sự mặc khải cá nhân thường xuyên hơn là chúng ta biết. Chúng ta càng nhận được và nhận biết sự mặc khải cá nhân thì chứng ngôn của chúng ta càng tăng trưởng. Là giám trợ, chứng ngôn của tôi tăng trưởng mỗi lần tôi nhận được sự mặc khải để đưa ra sự kêu gọi cho các tín hữu trong tiểu giáo khu. Chứng ngôn đó đã được củng cố mỗi lần tôi thấy Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương và các chức sắc, Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng, và các chủ tịch giáo khu được kêu gọi hoặc được chỉ định nhiệm vụ mới. Quan trọng hơn hết, tôi được củng cố nhờ vào những sự mặc khải cá nhân mà tôi nhận được trong vai trò của mình với tư cách là một người con trai của Thượng Đế, một người chồng, và một người cha. Tôi rất biết ơn về sự hướng dẫn và chỉ dẫn của Thánh Linh trong nhà của chúng tôi khi chúng tôi cầu xin sự hướng dẫn trong những vấn đề của gia đình.

Đối với tất cả chúng ta, những sự mặc khải cá nhân của chúng ta đến với chúng ta cùng một cách mà những sự mặc khải đã nhận được bởi các vị tiên tri, như đã được thuật lại trong thánh thư. A Đam và Ê Va đã khẩn cầu danh Chúa và nhận được sự mặc khải cá nhân, kể cả sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi.6 Hê Nóc, Áp Ra Ham, và Môi Se đã tìm kiếm sự an lạc cho dân của họ và đã được ban cho những sự mặc khải kỳ diệu mà đã được chép trong sách Trân Châu Vô Giá.7 Sự mặc khải cá nhân của Ê Li đã đến qua tiếng nói êm nhỏ;8 Sự mặc khải cá nhân của Đa Ni Ên đến trong một giấc mơ.9 Sự mặc khải cá nhân của Phi E Rơ cho ông một chứng ngôn rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.10 Lê Hi và Nê Phi đã nhận được những sự mặc khải cá nhân về Đấng Cứu Rỗi và kế hoạch cứu rỗi, và hầu như tất cả các vị tiên tri trong Kinh Thánh và Sách Mặc Môn đều đã nhận được những sự mặc khải để cảnh cáo, giảng dạy, củng cố, và an ủi họ và dân của họ.11 Sau nhiều lần cầu nguyện trong đền thờ, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nhận được sự mặc khải về chức tư tế.12 Và sau khi cầu nguyện về việc cung ứng các phước lành đền thờ cho nhiều tín hữu của Giáo Hội hơn, Chủ Tịch Hinckley đã nhận được sự mặc khải về việc xây cất các đền thờ nhỏ hơn.13

Các vị tiên tri nhận được những sự mặc khải cá nhân để giúp đỡ họ trong cuộc sống của họ và trong việc hướng dẫn những công việc thế tục của Giáo Hội. Trách nhiệm của chúng ta là tìm kiếm những sự mặc khải cá nhân cho bản thân mình và cho các trách nhiệm mà Chúa đã ban cho chúng ta.

Trong những tuần vừa qua, Chủ Tịch Hinckley đã tìm kiếm sự mặc khải về những sự kêu gọi mà sẽ được thông báo trong đại hội này. Cách đây khoảng một tháng trong buổi họp ngày thứ Năm của chúng tôi trong đền thờ với Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tôi đã lắng nghe khi Chủ Tịch Hinckley dâng lên một lời cầu nguyện giản dị, chân thành để nhận được sự hướng dẫn thuộc linh. Sự đáp ứng cho lời cầu nguyện chân thành của ông bây giờ đã được trình bày cho tất cả chúng ta.

Chúng ta có thấy được kiểu mẫu của sự mặc khải trong cuộc sống của các vị tiên tri không? Sự mặc khải có phải là một phần trong cuộc sống của chúng ta không?

Chúng ta biết rằng sự mặc khải là dựa trên Sự Chuộc Tội.14 Chúng ta nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội khi chúng ta hối cải các tội lỗi của mình và tuân giữ các giáo lệnh. Chúng ta đã giao ước để làm điều này khi chúng ta chịu phép báp têm, và chúng ta tái lập giao ước đó mỗi tuần khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh. Khi tiếp tục sống ngay chính, chúng ta tự mình hội đủ điều kiện để cùng nói với Sa Mu Ên: “Xin [Chúa] hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đương nghe.”15 Và Chúa đáp: “Phước cho mắt các ngươi, vì thấy được; phước cho tai các ngươi, vì nghe được.”16

Chúng ta chuẩn bị nhận được sự mặc khải cá nhân như các vị tiên tri đã làm, bằng cách học hỏi thánh thư, nhịn ăn, cầu nguyện, và xây đắp đức tin. Đức tin là chìa khóa. Hãy nhớ đến sự chuẩn bị của Joseph về Khải Tượng Thứ Nhất:

“Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời …

“Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ.”17

Qua đức tin vững vàng, chúng ta tự biết rằng “chính nhờ đức tin mà phép lạ được thực hiện.”18

Thường thường, các phép lạ đó sẽ không phải là những sự biểu hiện vật chất của quyền năng của Thượng Đế—rẽ biển Hồng Hải, làm người chết sống lại, phá sập các bức tường của nhà giam, hoặc sự hiện đến của các thiên sứ. Theo như ý muốn của Thượng Đế, đa số phép lạ là những sự biểu hiện thuộc linh của quyền năng của Thượng Đế—lòng thương xót dịu dàng được nhẹ nhàng ban cho qua các ấn tượng, ý kiến, cảm nghĩ chắc chắn, những giải đáp cho các vấn đề, sức mạnh để đáp ứng những thử thách, và sự an ủi để chịu đựng những nỗi thất vọng và sầu khổ.

Những phép lạ này đến với chúng ta khi chúng ta kiên trì, điều mà thánh thư gọi là một “thử thách đức tin [của chúng ta].”19 Đôi khi thử thách đó là thời gian bỏ ra trước khi nhận được một sự đáp ứng. Khi Chủ Tịch David O. McKay còn là một thiếu niên chăn gia súc, ông đã tìm kiếm một sự làm chứng, nhưng điều đó không đến cho tới nhiều năm sau trong khi ông đang phục vụ truyền giáo ở Scotland. Ông viết: “Đó là một sự biểu hiện mà tôi đã âm thầm cầu nguyện về sự biểu hiện đó trên sườn đồi và trong đồng cỏ khi tôi còn là một thiếu niên có lòng ngờ vực. Đó là một sự bảo đảm cho tôi rằng lời cầu nguyện chân thành sẽ được đáp ứng ‘vào lúc nào đó, ở nơi nào đó.’”20

Câu trả lời có thể là “Không phải bây giờ—hãy kiên nhẫn chờ.”

Tôi làm chứng rằng trên sườn đồi hay trong đồng cỏ, trong lùm cây hay trong buồng riêng, bây giờ hoặc trong thời vĩnh cửu mai sau, thì những lời của Đấng Cứu Rỗi phán với mỗi người chúng ta sẽ được ứng nghiệm: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.”21 Trong khi chúng ta được truyền lệnh không được tìm kiếm các dấu hiệu, nhưng chúng ta được truyền lệnh phải “thực tâm tìm kiếm các ân tứ tốt đẹp nhất.”22 Các ân tứ này gồm có Đức Thánh Linh và sự mặc khải cá nhân. Sự mặc khải đó sẽ đến “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một,” như Đấng Cứu Rỗi đã phán, và “kẻ nào tiếp nhận, [Chúa] sẽ ban thêm cho.”23

Khi chúng ta ra về sau đại hội này, tôi kêu gọi mỗi người chúng ta hãy tìm kiếm thêm và nhận thêm từ Thánh Linh của Thượng Đế. Đấng Cứu Rỗi đã cầu nguyện rằng các môn đồ của Ngài trong Tân Thế Giới sẽ nhận được Thánh Linh đó. Rồi, để nêu gương cho tất cả chúng ta, Ngài cảm tạ Cha Thiên Thượng đã ban cho điều đó.24 Chúng ta hãy noi theo gương của Ngài và cầu nguyện để nhận được Thánh Linh của Thượng Đế, cảm tạ về các phước lành kỳ diệu của Thánh Linh trong cuộc sống của chúng ta.

Tôi chia sẻ chứng ngôn đặc biệt của mình rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và hướng dẫn Giáo Hội của Ngài qua một vị tiên tri tại thế, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Tôi biết—Tôi biết—rằng Chủ Tịch Hinckley hướng dẫn Giáo Hội này qua sự mặc khải. Trong những lời của An Ma: “Này, tôi nói cho các người hay rằng, những điều này đã được Đức Thánh Linh của Thượng Đế biểu lộ cho tôi biết. Này, tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện nhiều ngày… . Và bây giờ tôi tự biết rằng những điều này là có thật; vì Đức Chúa Trời đã biểu lộ những điều này cho tôi biết … và đó là tinh thần mặc khải hiện có ở trong tôi.”25

Cầu xin cho mỗi người chúng ta có thể nhận được Thánh Linh đó, đạt được các phước lành của sự mặc khải cá nhân, và tự biết rằng những điều này là có thật là lời cầu nguyện chân thành của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. An Ma 8:24.

  2. Giăng 17:3.

  3. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 2:11–16.

  4. Được trích trong Eliza R. Snow Smith, Biography and Family Record of Lorenzo Snow (1884), 8.

  5. GLGƯ 9:8.

  6. Xin xem Môi Se 5:4–11.

  7. Xin xem Sáng Thế Ký 18:23–33; Xuất Ê Díp Tô Ký 3:1–3; 32:31–33; Môi Se 1:1–2, 24; 6:26–37; 7:2–4; Áp Ra Ham 1:1–2, 15–19.

  8. Xin xem 1 Các Vua 19:11–12.

  9. Xin xem Đa Ni Ên 2:16–20.

  10. Xin xem Ma Thi Ơ 16:15–17.

  11. Xin xem 1 Nê Phi 2:16; 11:1–2; để có thêm ví dụ, xin xem Mô Si A 3:1–4; An Ma 43:23; Hê La Man 7–8; 10:2–4; 3 Nê Phi 1:10–13; Mặc Môn 8:34–35; Ê The 3:1–6, 13õ14, 25.

  12. Xin xem “Letter of the First Presidency Regarding Revelation on the Priesthood,” Tambuli, tháng Bảy năm 1978, 31; “Revelation on Priesthood Accepted, Church Officers Sustained,” Ensign, tháng Mười Một năm 1978, 16.

  13. Xin xem “Some Thoughts on Temples, Retention of Converts, and Missionary Service,” Ensign, tháng Mười Một năm 1997, 49.

  14. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9; Mô Si A 27; An Ma 36.

  15. 1 Sa Mu Ên 3:10.

  16. Ma Thi Ơ 13:16.

  17. Gia Cơ 1:5–6.

  18. Mô Rô Ni 7:37.

  19. Ê The 12:6.

  20. Được trích dẫn trong Francis M. Gibbons, David O. McKay: Apostle to the World, Prophet of God (1986), 50.

  21. Ma Thi Ơ 7:7; Lu Ca 11:9; xin xem thêm 3 Nê Phi 14:7.

  22. GLGƯ 46:8.

  23. 2 Nê Phi 28:30.

  24. Xin xem 3 Nê Phi 19:19–23.

  25. An Ma 5:46.

In