2007
Từ Những Việc Nhỏ
Tháng Mười Một năm 2007


Từ Những Việc Nhỏ

Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có trách nhiệm phải chăm sóc và phục vụ các anh chị em của mình.

Xin có lời chào Mabuhay từ những người dân Philippine dễ mến và tuyệt vời.

Một trong những câu hỏi xưa nhất và sâu sắc nhất trong lịch sử của thế gian, đã được Ca In đặt ra trong một cách thức mà làm cho chúng ta chú ý , để đáp lại câu hỏi của Thượng Đế ngay khi Ca In giết chết em mình, A Bên, là: “Tôi là người giữ em tôi sao?”1 Câu hỏi này đáng được suy ngẫm một cách nghiêm chỉnh bởi những người đang cố gắng làm theo ý muốn của Chúa. Một trong các câu trả lời là trong lời giảng dạy của An Ma:

“Và giờ đây, vì các người muốn gia nhập đàn chiên của Thượng Đế và để được gọi là dân Ngài, và sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ nhàng;

“Phải, và sẵn sàng than khóc với những ai than khóc; phải, và an ủi những ai cần được an ủi.”2

Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có trách nhiệm phải chăm sóc và phục vụ các anh chị em của mình. Khi kể câu chuyện ngụ ngôn về Người Sa Ma Ri Nhân Lành, Chúa Giê Su Ky Tô không những làm cho những kẻ thù của Ngài phải lúng túng mà Ngài còn giảng dạy một bài học tuyệt hảo cho tất cả những ai tìm cách noi theo Ngài. Chúng ta cần nới rộng ảnh hưởng của mình để có ảnh hưởng tốt đối với những người khác. Sự phục vụ của chúng ta cho những người khác không tùy thuộc vào chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, hay mối quan hệ. Xét cho cùng, lệnh truyền “hãy cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược”3 không đi kèm theo những ngoại lệ.

Nhiều người tin rằng để cho sự phục vụ có ý nghĩa thì nó cần phải gồm có những kế hoạch tỉ mỉ và lập ra một ủy ban. Mặc dù nhiều dự án quan trọng này có hữu ích nhưng phần nhiều sự phục vụ cần thiết trên thế giới ngày nay gắn liền với việc tiếp xúc với nhau hằng ngày. Thông thường, chúng ta tìm ra những cơ hội này trong gia đình của riêng chúng ta, láng giềng và tiểu giáo khu của mình.

Lời khuyên sau đây được Screwtape, kẻ lừa đảo, đưa ra cho đứa cháu trai của hắn là Wormwood trong quyển The Screwtape Letters của C.S. Lewis, mô tả một tệ nạn thông thường làm nhiều người chúng ta ngày nay phải khổ sở: “Bất luận cháu làm điều gì, thì cũng sẽ có điều thiện cũng như điều ác trong tâm hồn của người mà cháu muốn xúi giục. Điều hữu hiệu là hướng điều ác của hắn đến những người lân cận của hắn là những người hắn gặp hằng ngày và hướng điều thiện của hắn đến những người không gần gũi với hắn, là những người hắn không biết. Như vậy điều ác sẽ trở nên hoàn toàn có thật và điều thiện sẽ hầu hết trở thành điều không tưởng.”4

Những lời từ một bài thánh ca nổi tiếng đưa ra một phương thuốc toàn hảo:

Có gánh nặng của ai được nhẹ nhàng hơn hôm nay

Vì tôi sẵn sàng chia sẻ không?

Người bệnh và người mệt mỏi có được giúp trên đường đi của họ không?

Khi họ cần đến sự giúp đỡ của tôi, tôi có mặt ở đó không?

Vậy hãy thức dậy và làm một điều gì đó hơn là chỉ mộng mơ về chỗ của mình trên thiên thượng.

Làm việc thiện là một điều thú vị, một niềm vui không thể đo lường,

Một phước lành của bổn phận và tình yêu thương.”5

Những sự kiện sau đây mà tôi có đặc ân để chứng kiến đã dạy cho tôi biết những hành động phục vụ giản dị có thể giúp chúng ta như thế nào và những người mà chúng ta được phép ảnh hưởng đến. Cha Thiên Thượng gửi những người nhân từ đến giúp đỡ chúng ta vào những lúc chúng ta đang phân vân trước những quyết định quan trọng để chúng ta không một mình dò dẫm trong bóng tối. Những người nam và những người nữ này giúp đỡ bằng tấm gương và với lòng kiên nhẫn và tình yêu thương. Đó đã là kinh nghiệm của tôi.

Tôi đặc biệt nhớ lại thời gian mà tôi đang phân vân trước một quyết định quan trọng—quyết định đi truyền giáo trọn thời gian. Tôi đứng ở ngã ba đường phân vân trong một thời gian rất lâu. Khi tôi đang vất vả để quyết định con đường nào phải theo, thì gia đình, bạn bè và các vị lãnh đạo chức tư tế đã đến cầm tay dìu tôi đi. Họ khuyến khích, thách thức và dâng lên vô số lời cầu nguyện thay cho tôi. Người chị đang đi truyền giáo trọn thời gian của tôi đã viết thư đều đặn cho tôi và không bao giờ chịu bỏ cuộc.

Ngay cả hôm nay, tôi vẫn còn được những người nam và những người nữ tốt lành này hỗ trợ. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người chúng ta đều như vậy. Về một phương diện nào đó, tất cả chúng ta đều phải dựa vào nhau để có thể trở về căn nhà thiên thượng của mình.

Việc chia sẻ sứ điệp phúc âm là một trong những cách thức phục vụ đáng làm nhất mà chúng ta có thể thực hiện cho những người không thuộc tín ngưỡng của chúng ta. Tôi nhớ lại một kinh nghiệm thời thơ ấu với một người mà tôi sẽ chỉ gọi là Chú Fred.

Khi tôi lên sáu tuổi, tôi sợ Chú Fred nhất. Chú ấy là người hàng xóm của chúng tôi và chú ấy luôn luôn say rượu. Một trong những trò giải trí ưa thích của chú là ném đá vào nhà của chúng tôi.

Vì mẹ tôi là một người nấu ăn rất giỏi nên các tín hữu thành niên độc thân từ chi nhánh nhỏ của chúng tôi thường đến thăm nhà chúng tôi. Một ngày nọ, khi Chú Fred tỉnh rượu, các tín hữu này làm quen với chú và mời chú vào nhà chúng tôi. Điều này làm tôi kinh hãi. Chú ấy không còn ở ngoài nữa mà đã vào trong nhà của chúng tôi. Điều này xảy ra một vài lần nữa cho đến khi cuối cùng, họ đã có thể thuyết phục Chú Fred nghe những bài thảo luận của những người truyền giáo. Chú ấy chấp nhận phúc âm và chịu phép báp têm. Chú ấy phục vụ truyền giáo trọn thời gian, trở về trong vinh dự, theo đuổi học vấn cao hơn, và kết hôn trong đền thờ. Giờ đây, chú ấy là một người chồng, người cha và người lãnh đạo chức tư tế ngay chính. Nếu nhìn Chú Fred ngày nay, người ta sẽ thấy rất khó để tin rằng chú ấy đã từng làm khiếp đảm một đứa bé sáu tuổi. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể luôn luôn có ý thức về những cơ hội chia sẻ phúc âm.

Mẹ tôi là một tấm gương sáng về việc giúp đỡ những người khác bằng cách cung cấp cho họ những gì họ cần. Bà giảng dạy cho chúng tôi nhiều bài học quan trọng. Một bài học mà đã có hiệu quả lâu dài nhất đối với cuộc sống của tôi là ước muốn của bà để giúp đỡ bất cứ người nào đang gặp khó khăn để đến thăm nhà chúng tôi. Tôi rất khó chịu khi thấy nhiều người ra về với thức ăn, quần áo và ngay cả tiền bạc của chúng tôi. Vì tôi còn nhỏ và chúng tôi nghèo nên tôi không thích điều mà tôi trông thấy. Làm thế nào mẹ tôi có thể ban phát cho những người khác trong khi gia đình của chúng tôi còn không có đủ? Việc lo liệu cho nhu cầu của chúng tôi trước là sai sao? Chúng tôi không đáng để có được một cuộc sống sung túc hơn sao?

Tôi đã vất vả trong nhiều năm với những thắc mắc này. Về sau trong đời, cuối cùng tôi đã hiểu rõ điều mà mẹ tôi đã dạy. Mặc dù đang vất vả với sự tàn tật của mình, bà cũng không thể ngừng ban phát cho những người gặp hoạn nạn.

“Vậy nên, chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao. Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn.”6 Việc phục vụ những người khác không cần phải đến từ những sự kiện khác thường. Thông thường, chính hành động giản dị hằng ngày mang đến sự an ủi, nâng đỡ, khuyến khích, hỗ trợ và nụ cười cho những người khác.

Cầu xin cho chúng ta luôn luôn tìm ra những cơ hội để phục vụ là lời cầu nguyện của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Sáng Thế Ký 4:9; Môi Se 5:34.

  2. Mô Si A 18:8–9.

  3. GLGƯ 81:5.

  4. The Complete C. S. Lewis Signature Classics (2002), 201.

  5. “Have I Done Any Good?” Hymns, số 223.

  6. GLGƯ 64:33.