2007
Cùng Nhau Chịu Đựng
Tháng Mười Một năm 2007


Cùng Nhau Chịu Đựng

Tiểu giáo khu được tổ chức để chăm sóc nhu cầu của những người đang gặp những thử thách khó khăn và đau lòng nhất.

Hình Ảnh

Cách đây hai năm, một người phụ trách chuyên mục dí dỏm cho một tờ báo địa phương đã viết về một đề tài nghiêm chỉnh và đòi hỏi phải suy nghĩ. Tôi xin trích dẫn từ bài báo này: “Việc làm một người theo đạo Mặc Môn đi nhà thờ đều đặn ở Utah có nghĩa là sống rất gần với những người đồng là tín hữu trong tiểu giáo khu đến nỗi không có điều gì xảy ra mà cả giáo đoàn không biết chỉ trong vòng năm phút.”

Người ấy viết tiếp: “Lối sống gần gũi với nhau như vậy có thể rất khó chịu, nhưng cũng lại là một trong những ưu điểm lớn nhất của chúng tôi.”

Tác giả nói tiếp: “Khi đang làm việc vào ngày thứ Ba nọ, tôi xem tin tức buổi trưa trên truyền hình. Một chiếc xe van bị tông vào trong một vụ tai nạn giao thông. Một người mẹ trẻ và hai đứa con nhỏ đuợc trực thăng và xe cứu thương vội vã chở đi cấp cứu… . Nhiều giờ sau, tôi biết được rằng chiếc xe van là của cặp vợ chồng trẻ sống bên kia đường nhà tôi ở Herriman, là Eric và Jeana Quigley.

“Không những tôi thấy gia đình Quigley ở nhà thờ, … mà chúng tôi còn ăn tối với họ tại một buổi tiệc liên hoan của xóm vào cái đêm trước khi tai nạn. Các cháu ngoại của tôi chơi với các con gái của họ, Bianca và Miranda… .

“Miranda mười bốn tháng tuổi bị thương nặng ở đầu và chết ba ngày sau đó tại Primary Children’s Hospital (Bệnh Viện Nhi Đồng).

“Trong tình huống này, thì việc các tín hữu tiểu giáo khu biết được nhiều điều một cách nhanh chóng là một phước lành. Mặc dù tai nạn xảy ra cách nhà vài dặm, nhưng một người nào đó từ tiểu giáo khu đã ngừng xe lại và tìm kiếm trong các mảnh vụn ngay khi tai nạn xảy ra. Những người còn lại trong tiểu giáo khu biết về tai nạn đó trước khi cảnh sát và nhân viên cấp cứu đến.

“Các tín hữu trong tiểu giáo khu đi đến cả ba bệnh viện, liên lạc với Eric tại sở làm, và tổ chức thành những đội lao động. Có những người không giúp đỡ được tại nơi xảy ra tai nạn hoặc bệnh viện thì cuống cuồng tìm ra một cách nào đó để giúp đỡ.

“Trong 48 giờ đồng hồ, cỏ nhà Quigley được cắt, nhà được dọn dẹp, quần áo được giặt, tủ lạnh chất đầy đồ ăn, gia đình được cho ăn và một trương mục được thiết lập tại một ngân hàng địa phương. Chắc hẳn chúng tôi cũng tắm cho chó của họ nếu họ có nuôi chó.”

Tác giả kết luận với những lời đầy sâu sắc này: “Có một khía cạnh lạc quan đối với các tín hữu quan tâm đến cuộc sống của những người khác trong tiểu giáo khu của tôi… . Điều gì xảy ra cho một vài người thì cũng xảy ra cho mọi người” (“Well-Being of Others Is Our Business,” Salt Lake Tribune, ngày 30 tháng Bảy năm 2005, trang C1).

Lòng trắc ẩn và sự phục vụ của các tín hữu có mối quan tâm đối với tai nạn bi thảm này không phải là duy nhất cho trường hợp đặc biệt này. Tiên tri An Ma trong Sách Mặc Môn giải thích cho những người mong muốn trở thành môn đồ của Đấng Ky Tô: “Vì các người muốn gia nhập đàn chiên của Thượng Đế và để được gọi là dân Ngài, và sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ nhàng; phải, và sẵn sàng than khóc với những ai than khóc; phải, và an ủi những ai cần được an ủi,” rồi, như An Ma giải thích, họ đã chuẩn bị cho phép báp têm (xin xem Mô Si A 18:8–9). Đoạn thánh thư này đặt nền tảng cho việc phục sự và chăm sóc trong một cách thức đầy thương xót.

Tiểu giáo khu được tổ chức để chăm sóc nhu cầu của những người đang gặp những thử thách khó khăn và đau lòng nhất. Vị giám trợ, thường được xem như là “người cha” của tiểu giáo khu, hiện diện nơi đó để cung ứng lời khuyên dạy và là nguồn an ủi. Nhưng các vị lãnh đạo Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và A Rôn, chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ, các thầy giảng tại gia, các giảng viên thăm viếng và các tín hữu trong tiểu giáo khu—thường là các tín hữu trong tiểu giáo khu—cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ. Tất cả mọi người đều hiện diện để mang đến sự an ủi và cho thấy lòng trắc ẩn trong lúc hoạn nạn.

Trong khu xóm nhà tôi, chúng tôi cũng đã gặp nhiều thảm cảnh rất đau lòng. Vào tháng Mười năm 1998, Zac Newton, 19 tuổi, chỉ ở cách chúng tôi ba nhà về phía đông, đã chết thảm thương trong một tai nạn xe hơi.

Chưa tới hai năm sau, vào tháng Bảy, Andrea Richards, 19 tuổi, ở ngay trước mặt nhà của gia đình Newton, đã chết trong một tai nạn xe hơi.

Vào một buổi trưa thứ Bảy của tháng Bảy năm 2006 Travis Bastian, một người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà, 28 tuổi, và em gái của anh, Desiree, 15 tuổi, ở bên kia đường và ở cách nhà chúng tôi hai nhà về phía bắc, đã chết trong một tai nạn xe hơi khủng khiếp.

Chỉ một tháng sau, tháng Tám năm 2006, Eric Gold, 32 tuổi, lớn lên trong một căn nhà bên cạnh chúng tôi, đã chết sớm. Và những người khác trong xóm này cũng chịu đựng những kinh nghiệm đau đớn riêng tư mà chỉ một mình họ và Thượng Đế biết mà thôi.

Với năm người trẻ tuổi bị chết, người ta có thể cho rằng đây là một con số thử thách khác thường đối với một cái xóm nhỏ. Tôi muốn nghĩ rằng con số sở dĩ trông dường như lớn chỉ vì đó là một tiểu giáo khu thân thiết, đầy quan tâm mà các tín hữu trong đó biết khi nào thì có một nhu cầu khẩn cấp. Đó là một tiểu giáo khu, với các tín hữu đang tuân theo lời khuyên dạy của An Ma và Đấng Cứu Rỗi—các tín hữu chăm sóc, yêu thương và mang gánh nặng lẫn cho nhau, các tín hữu sẵn sàng than khóc với những ai than khóc; các tín hữu sẵn sàng an ủi những ai cần được an ủi, các tín hữu cùng nhau chịu đựng.

Trong mỗi trường hợp này, chúng ta thấy được một tình yêu thương, sự phục vụ và lòng trắc ẩn đầy soi dẫn cho tất cả mọi người. Các vị giám trợ đến, các thầy giảng tại gia và các giảng viên thăm viếng bắt tay vào việc, và các nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và A Rôn và Hội Phụ Nữ sắp xếp để chăm sóc những nhu cầu về tinh thần lẫn vật chất. Những cái tủ lạnh chất đầy đồ ăn, nhà cửa được dọn dẹp, cỏ được cắt, bụi cây được tỉa xén, hàng rào được sơn lại, những phước lành được ban cho và sẵn sàng chia sẻ cảm thông với những người đang than khóc. Các tín hữu có mặt khắp nơi để sẵn sàng giúp đỡ.

Trong mỗi một trường hợp này, các gia đình mà bị mất người thân yêu đã bày tỏ sự gia tăng về đức tin, về tình yêu thương đối với Đấng Cứu Rỗi, về lòng biết ơn đối với Sự Chuộc Tội, và sự chân thành cảm tạ đối với một tổ chức mà đáp ứng những nhu cầu về tình cảm và tình thần sâu xa nhất của các tín hữu của tổ chức này. Giờ đây các gia đình này nói về cách mà họ đã biết Chúa qua nghịch cảnh của họ. Họ thuật lại nhiều kinh nghiệm tuyệt vời phát sinh từ nỗi đau đớn của họ. Họ làm chứng rằng các phước lành có thể nảy sinh từ nỗi đau buồn. Họ ngợi khen Chúa và lặp lại những lời của Gióp: “Đức Giê Hô Va đã ban cho, Đức Giê Hô Va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê Hô Va” (Gióp 1:21).

Từ việc mang gánh nặng cho nhau với tư cách là các tín hữu trong tiểu giáo khu, chúng tôi đã học biết được vài bài học:

  1. Tổ chức của Chúa là thích đáng trọn vẹn với việc biếtquan tâm đến những người có những nhu cầu cấp bách về cảm xúc và tinh thần.

  2. Nghịch cảnh có thể mang chúng ta đến gần Thượng Đế hơn với lòng biết ơn được đổi mới và đầy soi sáng về sự cầu nguyện và Sự Chuộc Tội mà chữa lành nỗi đau đớn và sự đau khổ về mọi phương diện của chúng.

  3. Các tín hữu mà bản thân đã trải qua thảm cảnh thường kinh nghiệm được một sự gia tăng về khả năng đối với tình yêu thương, lòng trắc ẩn, và sự thông cảm hơn là sự cay đắng. Họ trở thành những người đáp ứng đầu tiên, cuối cùng và thường hữu hiệu nhất trong việc mang đến niềm an ủi và cho thấy lòng trắc ẩn đối với những người khác.

  4. Một tiểu giáo khu, cũng như một gia đình, xích lại gần nhau hơn khi họ cùng nhau chịu đựng—điều gì xảy ra cho một người thì cũng xảy ra cho mọi người.

  5. Và có lẽ quan trọng hơn hết là mỗi chúng ta có thể có lòng trắc ẩn và mối quan tâm nhiều hơn, vì mỗi chúng ta đã có những thử thách riêng của mình và những kinh nghiệm để học hỏi từ đó. Chúng ta có thể cùng nhau chịu đựng.

Tôi hân hoan được thuộc vào một tổ chức đầy thân tình và chu đáo như thế. Không một ai biết rõ hơn cách mang gánh nặng lẫn cho nhau, cách than khóc với những ai đang than khóc, và an ủi những ai đang gặp hoạn nạn. Tôi muốn gọi điều đó là “cùng nhau chịu đựng.” Điều gì xảy ra cho một người thì sẽ xảy ra cho mọi người. Chúng tôi cùng nhau chịu đựng.

Cầu xin cho chúng ta có thể là một công cụ trong việc làm nhẹ gánh của những người khác, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.

In