2007
Tốt, Tốt Hơn, Tốt Nhất
Tháng Mười Một năm 2007


Tốt, Tốt Hơn, Tốt Nhất

Chúng ta phải từ bỏ một số điều tốt để chọn những điều khác tốt hơn hoặc tốt nhất vì chúng phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và củng cố gia đình của chúng ta.

Hầu hết chúng ta đều được kỳ vọng để làm nhiều điều hơn là chúng ta có thể làm được. Là người trụ cột nuôi cả gia đình, là cha mẹ, là những người làm việc và các tín hữu của Giáo Hội, chúng ta đối phó với nhiều điều lựa chọn về điều mà chúng ta sẽ làm với thời gian và các phương tiện khác của mình.

I.

Chúng ta cần phải bắt đầu bằng cách nhận ra sự thực rằng chỉ vì một điều gì đó tốt thì không phải là lý do đủ để làm điều đó. Một số điều tốt chúng ta có thể làm thì vượt xa thời giờ có sẵn để hoàn thành những điều đó. Có một số điều thì tốt hơn cả tốt, và đây là những điều đáng được quan tâm đến hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta.

Chúa Giê Su đã dạy nguyên tắc này trong nhà của Ma Thê. Trong khi bà “mảng lo về việc vặt” (Lu Ca 10:40), thì em gái của bà là Ma Ri “ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài” (câu 39). Khi Ma Thê phàn nàn rằng em gái của mình đã để cho bà phục dịch một mình, thì Chúa Giê Su khen Ma Thê về việc bà đang làm (câu 41), nhưng đã dạy cho bà biết rằng “có một việc cần mà thôi. Ma Ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được” (câu 42). Việc Ma Thê “chịu khó và bối rối về nhiều việc” (câu 41) thì đáng khen ngợi, nhưng việc học hỏi phúc âm từ Đức Thầy thì “cần hơn.” Thánh thư chứa đựng những lời giảng dạy khác mà một số điều thì được phước hơn một số điều khác (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 20:35; An Ma 32:14–15).

Một kinh nghiệm thời thơ ấu đã cho tôi làm quen với ý nghĩ rằng một số sự chọn lựa thì tốt những có những sự chọn lựa khác thì tốt hơn. Tôi sống trong một nông trại trong hai năm. Chúng tôi rất ít khi đi ra tỉnh. Chúng tôi mua đồ Giáng Sinh từ quyển catalog của tiệm Sears, Roebuck. Tôi bỏ ra hằng giờ xem các trang catalog đó. Đối với các gia đình ở miền quê thời đó thì các trang catalog cũng giống như thương xá hoặc mạng Internet của thời kỳ chúng ta.

Có một đặc điểm về những lời quảng cáo của hàng hóa trưng bày trong quyển catalog gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Có ba mức độ về phẩm chất: tốt, tốt hơn, và tốt nhất. Ví dụ, một số giày dép của đàn ông được ghi nhãn tốt ($1.84), một số khác tốt hơn ($2.98), và một số thì tốt nhất ($3.45).1

Khi chúng ta cân nhắc những điều lựa chọn khác nhau, thì chúng ta cần phải nhớ rằng một điều gì tốt thì chưa đủ. Có những điều lựa chọn khác thì tốt hơn, và còn có những điều lựa chọn khác nữa thì tốt nhất. Mặc dù một điều lựa chọn đặc biệt thì đắt giá hơn nhưng giá trị lớn hơn của nó có thể làm cho nó thành điều lựa chọn tốt hơn hết.

Hãy suy nghĩ về cách chúng ta dùng thời giờ của mình trong những sự lựa chọn mà chúng ta có trong việc xem truyền hình, chơi trò chơi video, xem các trang mạng Internet, hoặc đọc sách báo. Dĩ nhiên việc xem giải trí lành mạnh hoặc nhận được thông tin thú vị là điều tốt. Nhưng không phải mọi việc như thế đáng với một phần cuộc sống của mình mà chúng ta chịu từ bỏ để nhận được nó. Có một số điều tốt hơn và những điều khác nữa thì tốt nhất. Khi Chúa phán bảo chúng ta phải tìm cách học hỏi, thì Ngài phán: “Các ngươi phải tìm kiếm những lời thông sáng trong những sách hay nhất” (GLGƯ 88:118; sự nhấn mạnh được thêm vào).

II.

Một số điều lựa chọn quan trọng nhất của chúng ta liên quan đến những sinh hoạt của gia đình. Nhiều người trụ cột nuôi cả gia đình lo rằng nghề nghiệp của mình chiếm hết phần lớn thời giờ cho gia đình mình. Không có giải pháp dễ dàng cho cuộc xung đột ưu tiên đó. Tuy nhiên, tôi chưa hề biết có một người đàn ông nào khi nhìn lại cuộc sống siêng năng làm việc của mình mà nói: “Tôi đã không dành đủ thời giờ cho công việc làm của mình.”

Khi chọn cách chúng ta dành thời giờ cùng nhau sinh hoạt chung với gia đình, chúng ta cần phải cẩn thận chớ tận dụng thời giờ của mình cho những điều chỉ tốt không mà thôi, và chỉ dành ít thời giờ còn lại cho điều tốt hơn hoặc tốt nhất. Một người bạn đưa gia đình có con nhỏ của mình đi vài chuyến nghỉ hè, kể cả đi tham quan những di tích lịch sử đáng nhớ. Vào cuối mùa hè, người ấy hỏi đứa con trai tuổi niên thiếu của mình sinh hoạt nào trong số những sinh hoạt tốt của mùa hè mà nó thích nhất. Người cha học được từ câu trả lời, và cả những người nghe người cha kể lại cũng học được từ đó. Đứa con trai đáp: “Điều mà con thích nhất trong mùa hè này là cái đêm mà cha và con nằm trên bãi cỏ và nhìn lên những vì sao và nói chuyện.” Những sinh hoạt tuyệt vời của gia đình có thể tốt lành đối với con cái nhưng chúng không phải luôn luôn là tốt hơn thời gian riêng rẽ chỉ có giữa đứa con với người cha hay mẹ đầy lòng yêu thương.

Số thời giờ mà con cái và người cha hoặc người mẹ dành ra trong những sinh hoạt tốt lành của lớp học tư, những đội thể thao và những sinh hoạt học đường và hội đoàn khác cũng cần phải được điều hòa. Nếu không, con cái sẽ có thời khóa biểu quá mức và cha mẹ sẽ bị mệt mỏi và bực mình. Cha mẹ cần phải hành động để dành thời giờ cho sự cầu nguyện chung gia đình, đọc thánh thư chung gia đình, buổi họp tối gia đình, và thời gian quý báu tụ họp chung và riêng rẽ giữa một đứa con với người cha hoặc người mẹ mà ràng buộc một gia đình lại với nhau và giúp con cái biết coi trọng những điều có giá trị vĩnh cửu. Cha mẹ cần phải giảng dạy các ưu tiên về phúc âm qua những gì họ làm với con cái mình.

Các chuyên gia về gia đình đã cảnh cáo điều mà họ gọi là “thời khóa biểu quá mức của trẻ em.” Trong thế hệ trước, trẻ em bận rộn hơn và gia đình dành thời giờ ít hơn cho nhau. Trong số nhiều cách đánh giá khuynh hướng đáng ngại này là những báo cáo cho biết rằng thời giờ dành cho các tổ chức thể thao đã tăng gấp đôi, nhưng thời giờ rảnh rỗi của trẻ em đã giảm xuống 12 giờ mỗi tuần, và các sinh hoạt ngoài trời không trang trọng đã giảm xuống 50 phần trăm.2

Con số những người báo cáo rằng “toàn thể gia đình của họ thường ăn tối chung với nhau” đã giảm xuống 33 phần trăm. Đây là điều đáng quan tâm nhất vì thời giờ mà một gia đình dành cho nhau để cùng “ăn chung ở nhà [là] điều báo trước đúng nhất về thành tích học hành và sự thích nghi về tâm lý của trẻ em.”3 Thời giờ ăn chung với nhau của gia đình cũng đã cho thấy là một bức tường thành bảo vệ vững mạnh chống lại việc hút thuốc, uống rượu, hoặc sử dụng ma túy của trẻ em.4 Có một sự khôn ngoan đầy soi dẫn trong lời khuyên này cho các cha mẹ: Điều mà con cái của các anh chị em thật sự cần cho bữa ăn tối chính là được ngồi ăn chung với các anh chị em.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã khẩn nài rằng chúng ta “phải cố gắng thi hành trách nhiệm của mình với tư cách là cha mẹ như thể mọi việc trong đời tùy thuộc vào trách nhiệm đó, vì quả thật mọi việc trong đời đều tùy thuộc vào trách nhiệm đó.” Ông nói tiếp: “Tôi đặc biệt yêu cầu các anh em, hãy ngừng lại và ngẫm nghĩ về bản thân mình với tư cách là người chồng và người cha, và người gia trưởng. Hãy cầu xin được hướng dẫn, được giúp đỡ, được chỉ hướng, và rồi tuân theo những lời mách bảo của Thánh Linh để hướng dẫn các anh em trong trách nhiệm nặng nề nhất, vì kết quả của sự lãnh đạo của các anh em trong gia đình sẽ là vĩnh cửu và mãi mãi.”5

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã kêu gọi các cha mẹ nên dành hết “các nỗ lực tốt nhất để dạy dỗ và nuôi dưỡng con cái của họ trong các nguyên tắc phúc âm. Chúng ta đều biết rằng gia đình là nền tảng của một cuộc sống ngay chính, và không có một tổ chức nào khác có thể chiếm vị trí của gia đình trong trách nhiệm đã được Thượng Đế ban cho này.” Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã tuyên bố rằng ”dù cho các đòi hỏi và các sinh hoạt khác có thể xứng đáng và thích đáng đến đâu đi nữa thì cũng đừng để cho chúng chiếm chỗ của các bổn phận đã được Chúa quy định mà chỉ có cha mẹ và gia đình mới có thể thực hiện các bổn phận đó một cách thích hợp.”6

III.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội cần phải ý thức rằng các buổi họp và sinh hoạt của Giáo Hội có thể trở thành quá phức tạp và phiền toái nếu một tiểu giáo khu hay giáo khu cố gắng bắt các tín hữu làm mọi việc tốt và khả thi trong vô số chương trình của Giáo Hội chúng ta. Sự ưu tiên cũng cần phải có ở đó.

Các thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sử dụng óc xét đoán đầy soi dẫn trong các chương trình và sinh hoạt của Giáo Hội. Anh Cả L. Tom Perry đã giảng dạy về nguyên tắc này trong buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo toàn cầu đầu tiên của chúng ta vào năm 2003. Khi khuyên bảo các vị lãnh đạo này vào năm 2004, Anh Cả Richard G. Scott nói: “Hãy thích nghi các sinh hoạt của các anh em sao cho phù hợp với những hoàn cảnh và phương tiện của địa phương mình… . Hãy chắc chắn rằng những nhu cầu thiết yếu cần phải được đáp ứng, nhưng đừng nhiệt tình thái quá trong việc tạo ra quá nhiều điều tốt lành để làm đến nỗi những điều thiết yếu không được hoàn thành… . Hãy nhớ, đừng phóng đại công việc phải làm—mà hãy đơn giản hóa nó.”7

Trong đại hội trung ương năm ngoái, Anh Cả M. Russell Ballard đã cảnh cáo về sự suy đồi của mối quan hệ gia đình mà có thể đến khi chúng ta dành thời giờ rảnh rỗi của mình vào những sinh hoạt vô tích sự mà mang lại rất ít những lợi ích thuộc linh. Ông cảnh cáo điều làm cho sự phục vụ Giáo Hội thành phức tạp “với những điều thêm thắt và bày vẽ không cần thiết mà chiếm quá nhiều thời giờ, tốn quá nhiều tiền, và làm tiêu hao quá nhiều nghị lực… . Sự hướng dẫn để làm vinh hiển sự kêu gọi của chúng ta không phải là một lệnh truyền để thêm thắt và làm phức tạp các chương trình. Có sáng kiến không nhất thiết phải nới rộng; trong rất nhiều trường hợp nó có nghĩa là đơn giản hóa… .” Ông nói: “Điều quan trọng nhất trong các trách nhiệm của chúng ta trong Giáo Hội không phải là những con số thống kê được báo cáo hoặc những buổi họp được tổ chức mà là mỗi cá nhân—được phục sự từng người một giống như Đấng Cứu Rỗi đã làm—được nâng đỡ và khuyến khích và cuối cùng được thay đổi.”8

Các chủ tịch đoàn giáo khu và giám trợ đoàn cần phải sử dụng thẩm quyền của họ để loại bỏ những sự bận rộn thái quá và vô ích mà đôi khi đòi hỏi nơi các tín hữu của giáo khu hoặc tiểu giáo khu của họ. Các chương trình Giáo Hội cần phải tập trung vào điều gì tốt nhất (hữu hiệu nhất) trong việc đạt được các mục tiêu đã được chỉ định của họ mà không xâm phạm một cách không chính đáng vào thời giờ mà gia đình cần cho “các bổn phận của họ đã được Chúa quy định.”

Nhưng đây là lời cảnh cáo đối với gia đình. Giả sử các vị lãnh đạo Giáo Hội có giảm bớt thời giờ cần thiết cho các buổi họp và sinh hoạt của Giáo Hội để gia tăng thời giờ dành cho gia đình cùng sinh hoạt chung với nhau. Điều này sẽ không đạt được mục đích đã dự định trừ phi mỗi người trong gia đình—nhất là cha mẹ—phải nhiệt thành trong việc gia tăng sinh hoạt chung với gia đình và có thời giờ dành cho một đứa con với một người cha hay mẹ. Những đội thể thao và các đồ chơi kỹ thuật như các trò chơi video và mạng Internet đã chiếm đi thời giờ của con cái và thanh thiếu niên của chúng ta. Việc xem các trang mạng Internet cũng không tốt hơn việc phục vụ Chúa hoặc củng cố gia đình. Một số thanh niên và thiếu nữ đang bỏ không dự các sinh hoạt của giới trẻ trong Giáo Hội hoặc không có mặt trong giờ sinh hoạt chung gia đình để tham dự đội bóng đá hoặc theo đuổi nhiều cuộc giải trí khác nhau. Nhiều người trẻ tuổi đang đùa với cái chết—cái chết thuộc linh.

Một số người sử dụng thời giờ riêng của mình và chung của gia đình một cách tốt hơn và những người khác thì sử dụng thời giờ này một cách tốt nhất. Chúng ta phải từ bỏ một số điều tốt để chọn những điều khác tốt hơn hoặc tốt nhất vì chúng phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và củng cố gia đình của chúng ta.

IV.

Sau đây là một số ví dụ minh họa về những lựa chọn tốt, tốt hơn, và tốt nhất:

Việc thuộc vào Giáo Hội chân chính của Cha Thiên Thượng và tuân giữ tất cả các giáo lệnh của Ngài cùng làm tròn tất cả các bổn phận của chúng ta là điều tốt. Nhưng nếu điều này muốn được xem là “tốt nhất” thì nó phải được thực hiện với tình yêu thương mà không kiêu căng. Chúng ta cần phải, khi chúng ta hát lời của một bài thánh ca tuyệt hay: “tôn vinh những người khác bằng cách đối xử với họ bằng tình anh em,”9 cho thấy tình yêu thương và mối quan tâm đối với tất cả những người mà cuộc sống của chúng ta ảnh hưởng.

Đối với hằng trăm ngàn thầy giảng tại gia và giảng viên thăm viếng, tôi đề nghị rằng việc thăm viếng các gia đình đã được chỉ định cho chúng ta là tốt; điều tốt hơn là có một cuộc thăm viếng ngắn mà chúng ta giảng dạy giáo lý và nguyên tắc; và điều tốt nhất trong tất cả mọi điều là tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của một số người mà chúng ta thăm viếng. Thử thách đó cũng áp dụng cho nhiều buổi họp chúng ta tổ chức—việc tổ chức một buổi họp là điều tốt, việc giảng dạy một nguyên tắc là điều tốt hơn, nhưng điều tốt nhất là việc thật sự cải tiến cuộc sống của nhiều người do buổi họp đó mà có.

Khi chúng ta sắp bước sang năm 2008 và tiến đến gần khóa học của năm mới trong các nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Hội Phụ Nữ, thì tôi xin nhắc lại lời khuyến cáo của chúng tôi về cách chúng ta sử dụng sách Teachings of Presidents of the Church (Những Lời Giảng Dạy của Các Chủ Tịch Giáo Hội). Công việc đầy soi dẫn trong nhiều năm đã đưa đến việc xuất bản cho năm 2008 quyển sách về những lời giảng dạy của Joseph Smith, vị tiên tri đã sáng lập ra Giáo Hội của gian kỳ này. Đây là một quyển sách rất quan trọng trong số các sách của Giáo Hội. Trong quá khứ, một số giảng viên đã đưa ra một chương sách Những Lời Giảng Dạy không nhiều hơn một lời đề cập ngắn ngủi và rồi thay thế bằng một bài học do họ tự chọn. Nó có thể là một bài học hay, nhưng lối thực hành này không thể chấp nhận được. Một giảng viên phúc âm được kêu gọi để giảng dạy về đề tài định rõ trong các tài liệu đầy soi dẫn đã được cung cấp. Điều tốt nhất mà một giảng viên có thể làm với sách Teachings: Joseph Smith (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith) là chọn ra và trích dẫn những lời của Vị Tiên Tri về các nguyên tắc đặc biệt thích hợp với các nhu cầu của các học viên, và rồi hướng dẫn một cuộc thảo luận trong lớp học về cách áp dụng các nguyên tắc đó trong hoàn cảnh sống của họ.

Tôi làm chứng về Cha Thiên Thượng của chúng ta, mà chúng ta là con cái của Ngài và kế hoạch của Ngài là nhằm giúp cho chúng ta hội đủ điều kiện để có được “cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả các ân tứ của Thượng Đế” (GLGƯ 14:7; xin xem thêm GLGƯ 76:51–59). Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, mà Sự Chuộc Tội của Ngài đã làm cho cuộc sống vĩnh cửu có thể thực hiện được. Và tôi làm chứng rằng chúng ta đang được hướng dẫn bởi các vị tiên tri, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley của chúng ta và các cố vấn của ông, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Sears, Roebuck and Co. Catalog, Fall and Winter 1944–45, 316E.

  2. Jared R. Anderson và William J. Doherty, “Democratic Community Initiatives: The Case of Overscheduled Children,” Family Relations, tập 54 (tháng Mười Hai năm 2005):655.

  3. Anderson and Doherty, Family Relations, 54:655.

  4. Xin xem Nancy Gibbs, “The Magic of the Family Meal,” Time, ngày 12 tháng Sáu năm 2006, 51–52; xin xem thêm Sarah Jane Weaver, “Family Dinner,” Church News, ngày 8 tháng Chín năm 2007, 5.

  5. “Mỗi Người Chúng Ta Phải Là Người Tốt Hơn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, 100.

  6. Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 11 tháng Hai năm 1999; in trong Church News, ngày 27 tháng Hai năm 1999, 3.

  7. “The Doctrinal Foundation of the Auxiliaries,” Worldwide Leadership Training Meeting, ngày 10 tháng Giêng năm 2004, 5, 7–8; xin xem thêm Ensign, tháng Tám năm 2005, 62, 67.

  8. “Ôi, Hãy Khôn Ngoan,” LiahonaEnsign, tháng Mười Một năm 2006, 18–20.

  9. “America the Beautiful,” Hymns, số 338.