Các Chứng Thư
Các thánh thư của Sự Phục Hồi không tranh đua với Kinh Thánh, mà bổ sung cho Kinh Thánh
Chúng ta xin bày tỏ tình yêu thương và sự ngưỡng mộ đối với Chủ Tịch Henry B. Eyring, Anh Cả Quentin L. Cook, và Anh Cả Walter F. González cùng cầu nguyện để các phước lành của Chúa giúp đỡ họ trong sự kêu gọi mới của họ.
Thưa các anh chị em, chúng tôi xin gửi đến mỗi anh chị em lòng biết ơn chân thành. Trên khắp thế giới, những tấm gương phục vụ và lòng trắc ẩn của các anh chị em đã được chú ý đến rất nhiều. Đồng thời, cũng có nhiều người đang thắc mắc về lịch sử và giáo lý của Giáo Hội này. Trong số những người có thắc mắc này, có một số người chọn để xuyên tạc Sách Mặc Môn.1
Việc coi thường Sách Mặc Môn hay bất cứ thánh thư thiêng liêng nào khác làm tôi vô cùng lo âu. Để giải quyết mối lo âu này, tôi đã đặt tựa đề cho bài nói chuyện của tôi là “Các Chứng Thư.”
Định Nghĩa
Tôi sẽ định nghĩa từ thánh thư là các sách liên quan đến Kinh Thánh và các thánh thư của Sự Phục Hồi.2 Các tín hữu của Giáo Hội “tin Kinh Thánh là lời của Thượng Đế khi sách ấy được phiên dịch chính xác; chúng tôi cũng tin Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế.”3 Thánh thư của Sự Phục Hồi cũng gồm có Sách Giáo Lý và Giao Ước lẫn Sách Trân Châu Vô Giá.
Tự điển định nghĩa danh từ làm chứng là “sự chứng nhận về một sự kiện hay một biến cố: [một] chứng ngôn.”4 Từ sự làm chứng mang một ý nghĩa đặc biệt khi áp dụng cho lời nói của Thượng Đế. Trong Kinh Thánh, chúng ta đọc về lời phán quan trọng này: “Mọi việc sẽ định cứ lời khai của hai hoặc ba người làm chứng.”5 Điều này bảo đảm với con cái của Thượng Đế rằng các giáo lý thiêng liêng được xác nhận bởi nhiều hơn một chứng thư.
Thánh Thư Làm Chứng Về Chúa Giê Su Ky Tô
Kinh Thánh lẫn Sách Mặc Môn đều là hai chứng thư của Chúa Giê Su Ky Tô. Các sách này dạy rằng Ngài là Con Trai của Thượng Đế, rằng Ngài đã sống một cuộc sống mẫu mực, rằng Ngài đã chuộc tội cho tất cả nhân loại, rằng Ngài đã chết trên thập tự giá và sống lại với tư cách là Chúa phục sinh. Các sách này dạy rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian.
Các chứng thư chứng thực lẫn cho nhau. Khái niệm này đã được giải thích từ lâu khi một vị tiên tri viết rằng Sách Mặc Môn “được ghi chép với mục đích làm cho các người có thể tin vào [Kinh Thánh]; và một khi các người đã tin [Kinh Thánh] thì các người cũng sẽ tin [Sách Mặc Môn].”6 Mỗi quyển sách đều có liên quan đến sách kia. Mỗi quyển sách này là bằng chứng rằng Thượng Đế hằng sống và phán cùng con cái của Ngài bằng sự mặc khải qua các vị tiên tri của Ngài.7
Lòng yêu mến Sách Mặc Môn của một người sẽ nới rộng lòng yêu mến dành cho Kinh Thánh, và ngược lại. Các thánh thư của Sự Phục Hồi không tranh đua với Kinh Thánh, mà bổ sung cho Kinh Thánh. Chúng ta mang ơn những người tuẫn đạo là những người đã hy sinh mạng sống để chúng ta có thể có được Kinh Thánh. Kinh Thánh thiết lập tính chất vĩnh cửu của phúc âm và của kế hoạch hạnh phúc. Sách Mặc Môn phục hồi và nhấn mạnh những giáo lý trong Kinh Thánh như luật thập phân,8 đền thờ,9 ngày Sa Bát,10 và chức tư tế.11
Một thiên sứ loan truyền rằng Sách Mặc Môn12 sẽ thiết lập lẽ thật của Kinh Thánh.13 Ông cũng tiết lộ rằng những điều ghi chép trong Kinh Thánh có trong thời chúng ta thì không đầy đủ như lúc ban đầu khi được ghi chép bởi các vị tiên tri và sứ đồ.14 Ông nói rằng Sách Mặc Môn sẽ phục hồi những điều giản dị và quí báu đã bị lấy đi từ Kinh Thánh.15
Một lời tiên tri trong Sách Mặc Môn cảnh cáo rằng có một số người sẽ phản đối việc có thêm thánh thư. Đối với những người nghĩ rằng họ “không cần cuốn Kinh Thánh nào khác nữa”16 thì hãy cân nhắc lời khuyên này của Thượng Đế :
“Các ngươi há không biết rằng ngoài dân này còn nhiều dân khác nữa hay sao? Các ngươi há không biết rằng ta, Chúa, Thượng Đế của các ngươi đã sáng tạo ra tất cả loài người, … và ta cai trị trên các tầng trời lẫn dưới đất; và ta ban trải những lời của ta cho con cái loài người, phải, cho tất cả các dân trên thế gian này hay sao?
“Phải chăng các ngươi không biết rằng, lời chứng của hai dân tộc là một bằng chứng cho các ngươi thấy rằng ta là Thượng Đế, và ta nhớ tới dân này như dân khác vậy. Thì lời chứng của hai dân cũng sẽ liên hợp với nhau.”17
Câu chuyện thánh thư về Chúa Giê Su Ky Tô quả thật là một câu chuyện về hai bán cầu.18 Trong khi Ma Ri và Giô Sép ở phương Đông đang chuẩn bị cho sự chào đời của hài đồng thánh tại Bét Lê Hem,19 thì nơi phương Tây, Nê Phi được giảng dạy bởi Đấng Mê Si trong tiền dương thế. Chúa phán cùng Nê Phi rằng: “Hãy ngẩng đầu vui vẻ đi, … Ngày mai ta sẽ đến với thế gian, để tỏ cho thế gian biết rằng, ta sẽ làm tròn tất cả những gì mà ta đã cho nói ra từ miệng các thánh tiên tri của ta.”20
Đối với những người ngờ vực về chứng thư thứ nhì—Sách Mặc Môn—Chúa đã đưa ra lời cảnh cáo này: “Vì các ngươi đã xem thường những điều các ngươi đã nhận được … [các ngươi] sẽ phải chịu sự kết tội này cho đến khi nào [các ngươi] hối cải và nhớ đến … Sách Mặc Môn và những giáo lệnh mà ta đã ban cho các ngươi [trong Kinh Thánh … và] phải làm theo những gì ta đã viết ra.”21
Chúa cung ứng các quyển thánh thư khác về Sự Phục Hồi22 và tuyên phán rằng những lời đó cũng sẽ được ứng nghiệm.23 Với các chứng thư này, thì các giáo lý sai lạc sẽ bị thất bại.24 Với các chứng thư này, thì các giáo lý của Kinh Thánh không những được tái xác nhận mà còn được làm sáng tỏ hơn.
Thánh Thư của Sự Phục Hồi Làm Sáng Tỏ Kinh Thánh
Thánh thư của Sự Phục Hồi làm sáng tỏ Kinh Thánh như thế nào? Có nhiều ví dụ. Tôi chỉ xin trích dẫn một vài ví dụ, bắt đầu với Kinh Cựu Ước.
Ê Sai viết: “Ngươi sẽ nói ra từ dưới đất, giọng ngươi rầm rĩ từ bụi đất mà ra. Tiếng ngươi lên khỏi đất giống tiếng đồng bóng, lời nói ngươi thỏ thẻ ra từ bụi đất.”25 Có lời nói nào diễn tả Sách Mặc Môn xác thật hơn những lời này cho những người thời nay về việc sách này “ra từ lòng đất” và “thì thầm từ bụi đất” không?26
Nhưng Ê Sai không phải là vị tiên tri duy nhất thời Cựu Ước báo trước về Sách Mặc Môn. Ê Xê Chi Ên viết:
“Hãy lấy một cây gậy và viết ở trên rằng: cho Giu Đa và con cái của Y Sơ Ra Ên … Hãy lấy một cây gậy khác và viết ở trên rằng: Cho Giô Sép, ấy là cây gậy của Ép Ra Im và cho cả nhà Y Sơ Ra Ên …
“Ta sẽ hiệp lại đặng làm nên chỉ một gậy mà thôi; cả hai sẽ cùng hiệp làm một trong tay ta.”27
Ngày nay, Các Thánh Hữu sống trong nhiều quốc gia trên thế giới đều có lòng biết ơn khi họ cầm trong tay hai quyển Kinh Thánh (gậy của Giu Đa) và Sách Mặc Môn (gậy của Ép Ra Im) được đóng thành một bộ.
Còn Kinh Tân Ước thì sao? Sách Mặc Môn cũng làm chứng cho những điều giảng dạy của Kinh Tân Ước. Những ví dụ gồm có sự giáng sinh nhiệm mầu của hài nhi nơi Bét Lê Hem,28 Bài Giảng trên Núi của Ngài,29 nỗi đau đớn tận cùng của Đấng Cứu Rỗi.30 Giáo lý của Sự Phục Hồi được đề cập đến thường xuyên trong Sách Mặc Môn hơn là trong Kinh Thánh.31
Việc cần có Đức Thánh Linh đã được Phao Lô đề cập đến. Ông hỏi: “Từ khi anh em tin, có lãnh được Đức Thánh Linh chăng? Họ trả lời rằng : Chúng tôi chưa nghe có Đức Thánh Linh nào”32 Giáo lý đó được làm sáng tỏ qua một chứng thư khác, được truyền qua vị tiên tri của Sự Phục Hồi của Chúa. Ông dạy chúng ta phải “tin vào ân tứ Đức Thánh Linh bằng phép đặt tay lên đầu”33. Ân tứ quý báu và đầy quyền năng đó một lần nữa dành sẵn cho con cái của Thượng Đế.
Phao Lô nói đến ba đẳng cấp vinh quang sau cuộc sống trần thế khi ông giảng dạy rằng “vinh quang của mặt trời khác, … vinh quang của mặt trăng khác, vinh quang của ngôi sao khác”34. Cái nhìn thoáng qua sự vinh quang sau cuộc sống hữu diệt này đã được làm sáng tỏ bởi một chứng thư khác. Chúa đã mặc khải rằng “vinh quang thượng thiên thì độc nhất, giống như vinh quang của mặt trời thì độc nhất.
Và vinh quang trung thiên thì độc nhất giống như vinh quang của mặt trăng thì độc nhất.
Và vinh quang hạ thiên thì độc nhất, giống như vinh quang của các vì sao thì độc nhất.”35
Vương quốc cao nhất trong những vương quốc này, thượng thiên giới, được dành cho những người biết tuân theo luật pháp của vương quốc:
“Những ai không được thánh hóa qua luật pháp … của Đấng Ky Tô, sẽ phải thừa hưởng một vương quốc khác, nghĩa là vương quốc trung thiên, hoặc là vương quốc hạ thiên.
“Vì kẻ nào không thể tuân theo luật pháp của vương quốc thượng thiên thì không thể đương nổi vinh quang thượng thiên được.”36
Ba đẳng cấp vinh quang này đều liên hệ đến cuộc sống sau trần thế. Các vinh quang này liên hệ đến sự bất diệt của linh hồn con người. Ân tứ của sự bất diệt đó trở nên xác thực nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.37 Từ quan trọng này—atonement (sự chuộc tội)—trong bất cứ hình thái nào, chỉ được đề cập đến một lần trong Bản Dịch Kinh Tân Ước của Vua James!38 Trong Sách Mặc Môn, từ này xuất hiện 39 lần!39
Trong khi viết sách Khải Huyền trong Kinh Tân Ước, Giăng đã “thấy một vị thiên sứ khác bay giữa trời, có tin lành đời đời đặng rao truyền cho dân cư trên đất. cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc.”40 Một thiên sứ đặc biệt nắm giữ các chìa khóa trách nhiệm đối với Sách Mặc Môn.41 Đó là thiên sứ Mô Rô Ni! Những bằng chứng này chỉ là một phần nhỏ trong số nhiều giáo lý trong Kinh Thánh đã được làm sáng tỏ bởi các thánh thư của Sự Phục Hồi.42
Sách Mặc Môn – Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô
Chúng ta sẵn sàng chia sẻ thánh thư của Sự Phuc Hồi với mọi người trên toàn thế giới. Sách Mặc Môn chép lại giáo vụ riêng của Chúa phục sinh với dân chúng ở châu Mỹ thời xưa. Hãy suy ngẫm những lẽ thật trường cửu mà Ngài đã rao truyền:
“Này ta là Giê Su, Con của Thượng Đế. Ta đã tạo dựng trời đất cùng tất cả vạn vật trong đó. Ta ở cùng Đức Chúa Cha từ lúc ban đầu… .
“Thánh thư nói về sự hiện đến của ta nay đã được ứng nghiệm …
“Ta là sự sáng và sự sống của thế gian …
Đấng Cứu Rỗi phán tiếp:
“Bất cứ kẻ nào đến cùng ta với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối , thì sẽ được ta báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh …
“… Ta đã xuống thế gian để đem lại sự cứu chuộc cho thế gian, để cứu vớt thế gian khỏi tội lỗi.
“Vậy nên, bất cứ kẻ nào hối cải và đến với ta như một trẻ nhỏ thì sẽ được ta đón nhận, vì vương quốc của Thượng Đế dành cho những kẻ đó… . Ta đã bỏ mạng sống của ta rồi lấy lại nó; vậy các ngươi hãy hối cải và đến cùng ta … để được cứu.”43
Những lời tuyên phán đó của Chúa tóm lược việc Ngài thực sự là ai, và Ngài thật sự muốn chúng trở thành người như thế nào. Ngài muốn chúng ta đến cùng Ngài và, cuối cùng, được Ngài ban cho một cái ôm đầy vinh quang trong vòng tay yêu thương của Ngài.
Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của tôi đối với các chứng thư. Tôi đã chứng kiến sự thay đổi lớn lao đến với những người áp dụng những lời giảng dạy của Chúa vào cuộc sống của họ. Sự thay đổi đó đưa đến phước lành của cuộc sống vĩnh cữu.44
Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Phúc âm của Ngài đã được phục hồi trong những ngày sau cùng này. Chủ tịch Gordon B. Hinckley là vị tiên tri của Ngài trong thời điểm này. Tôi làm chứng trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.