Những Kẻ Yếu Kém và Những Kẻ Tầm Thường của Giáo Hội
Không có một tín hữu nào của Giáo Hội được Chúa quý trọng nhiều hơn hay ít hơn một tín hữu khác.
Chúng ta vinh danh Chủ Tịch James E. Faust. Chúng ta nhớ ông. Người vợ yêu dấu của ông, Ruth, đang hiện diện với chúng ta buổi sáng hôm nay, và chúng ta bày tỏ tình yêu thương của chúng ta đối với bà. Chúng ta chào mừng những người đã được kêu gọi vào những chức vụ mà Chủ Tịch Hinckley đã công bố.
Thay mặt cho tất cả chúng tôi là những người đã được tán trợ hôm nay, chúng tôi hứa sẽ làm hết sức mình để được xứng đáng với sự tin cậy đã đặt nơi chúng tôi.
Chúng ta đã tán trợ các chức sắc trung ương của Giáo Hội trong một thủ tục long trọng và thiêng liêng. Thủ tục thông thường này diễn ra bất cứ khi nào các vị lãnh đạo hay giảng viên được kêu gọi hoặc được giải nhiệm khỏi chức vụ hoặc bất cứ khi nào có sự tái tổ chức trong một giáo khu hay tiểu giáo khu, hoặc một nhóm túc số hay trong các tổ chức bổ trợ (xin xem GLGƯ 124:123, 144; xin xem them GLGƯ 20:65–67; 26:2). Thủ tục này là độc đáo đối với Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.
Chúng ta luôn luôn biết ai được kêu gọi để lãnh đạo hay để giảng dạy và có được cơ hội để tán trợ hoặc phản đối. Thủ tục này không phải do con người nghĩ ra mà đã được nói đến trong những lời mặc khải: “Không một người nào được ban cho việc đi thuyết giảng phúc âm của ta, hoặc xây dựng giáo hội của ta, trừ phi kẻ đó được sắc phong bởi một người có thẩm quyền, và được giáo hội coi là có thẩm quyền và đã được các vị lãnh đạo của giáo hội sắc phong một cách đúng đắn” (GLGƯ 42:11; sự nhấn mạnh được thêm vào). Theo cách này, Giáo Hội được bảo vệ khỏi bất cứ kẻ lừa đảo nào muốn có quyền điều khiển một nhóm túc số, tiểu giáo khu, giáo khu, hoặc Giáo Hội.
Còn có một nguyên tắc độc đáo khác đối với Giáo Hội của Chúa. Tất cả các chức vụ giảng dạy và lãnh đạo đều do các tín hữu của Giáo Hội nắm giữ. Điều này cũng đã được nói đến trong thánh thư. Một câu trong sách Giáo Lý và Giao Ước đã thiết lập trật tự của giới lãnh đạo trong Giáo Hội trong mọi thời đại. Điều này chưa từng xảy ra trước đây, chắc chắn không phải là phong tục của các giáo hội Ky Tô giáo thời trước hay thời nay:
“Vậy nên, ta là Chúa, vì biết trước tai họa sẽ đến với dân cư trên thế gian, nên ta gọi tôi tớ Joseph Smith, Jr., của ta, và từ trên trời phán bảo hắn, và ban cho hắn các giáo lệnh; …
“Những sự yếu kém của thế gian sẽ đi ra để đánh đổ những gì uy thế và mạnh mẽ …
“Nhưng để cho mọi người đều có thể nói lên trong danh Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Rỗi thế gian
“Để cho đức tin cũng có thể được tăng trưởng trên thế gian;
“Để cho giao ước vĩnh viễn của ta có thể được thiết lập;
“Để cho phúc âm trọn vẹn của ta có thể được những kẻ yếu kém và những kẻ tầm thường rao truyền đến các nơi tận cùng của thế giới và tới trước mặt vua và những người cai trị.
“Này, ta là Thượng Đế và đã nói ra điều đó; những giáo lệnh này là của ta, và được ban cho các tôi tớ ta trong sự yếu kém của họ, theo lối ngôn ngữ của họ, để họ có thể hiểu được” (GLGƯ 1:17, 19–24).
Tôi vô cùng biết ơn về những đoạn thánh thư đó, mà giải thích rằng Chúa sẽ sử dụng “những sự yếu kém của thế gian.”
Mỗi tín hữu điều có trách nhiệm chấp nhận sự kêu gọi phục vụ.
Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr. đã nói: “Trong sự phục vụ Chúa, cách thức ta phục vụ thì quan trọng hơn nơi nào ta phục vụ. Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, một người được kêu gọi vào bất cứ chức vụ kêu gọi nào một cách thích đáng, mà không hề tìm kiếm hay khước từ bất cứ chức vụ kêu gọi nào” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1951, 154). Giáo Hội không có các giáo sĩ chuyên nghiệp. Những người trong giáo đoàn được kêu gọi vào các chức vụ lãnh đạo trên toàn cầu. Chúng ta không có các chủng viện để đào tạo những người lãnh đạo chuyên nghiệp.
Mọi công việc được thực hiện trong Giáo Hội—lãnh đạo, giảng dạy, kêu gọi, sắc phong, cầu nguyện, ca hát, chuẩn bị Tiệc Thánh, khuyên bảo, và mọi công việc khác—đều được thực hiện bởi các tín hữu bình thường, “những sự yếu kém của thế gian.”
Chúng ta thấy các giáo hội Ky Tô giáo vất vả tìm kiếm người bổ nhiệm cho chức vụ giáo sĩ. Chúng ta không gặp phải vấn đề đó. Một khi phúc âm được rao giảng và Giáo Hội được tổ chức, thì có một nguồn cung cấp vô tận các anh chị em trung tín là những người có chứng ngôn đó và sẵn sàng đáp ứng sự kêu gọi phục vụ. Họ tự cam kết với công việc của Chúa và sống theo các tiêu chuẩn đòi hỏi nơi họ.
Các tín hữu đều được ban cho Đức Thánh Linh sau phép báp têm của họ (xin xem GLGƯ 33:15; 35:6). Đức Thánh Linh sẽ giảng dạy và an ủi họ. Rồi họ được chuẩn bị để tiếp nhận sự dìu dắt, hướng dẫn, và sửa đổi, bất cứ điều gì chức vụ hay nhu cầu đòi hỏi. (Xin xem Giăng 14:26; GLGƯ 50:14–19; 75:10.)
Nguyên tắc này làm cho Giáo Hội khác biệt với tất cả các giáo hội Ky Tô giáo khác trên thế giới. Chúng ta thấy mình ở trong vị trí khác thường với việc có nguồn cung cấp vô tận các giảng viên và người lãnh đạo, trong mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc, trên khắp thế giới. Có một sự bình đẳng độc đáo giữa các tín hữu. Không một ai trong chúng ta tự cho mình là được quý mến hơn người kia. (Xin xem GLGƯ 38:24–25.) “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai; Nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34–35; xin xem thêm Rô Ma 2:11; GLGƯ 1:35; 38:16).
Khi còn thanh niên, tôi là thầy giảng tại gia của một chị nọ đã nhiều tuổi. Chị đã dạy tôi từ kinh nghiệm của cuộc đời chị.
Khi chị còn là một bé gái, Chủ Tịch Brigham Young đến Thành Phố Brigham, một buổi lễ lớn tổ chức trong thành phố mang tên ông. Để vinh danh ông, các em trong Hội Thiếu Nhi, tất cả đều mặc đồ trắng, xếp hàng dọc theo con đường dẫn vào thành phố, mỗi em cầm một cái giỏ hoa để rải trước xe ngựa chở Vị Chủ Tịch Giáo Hội.
Có một điều gì đó đã làm chị khó chịu. Thay vì việc tung rải những đóa hoa của mình, thì chị đá vào một hòn đá trước cỗ xe ngựa, và nói “Ông ấy đâu có gì hơn Ông Ngoại Lovelund của tôi đâu.” Tình cờ câu nói đó đã được nghe, và chị đã bị trách mắng nghiêm khắc.
Tôi chắc rằng Chủ Tịch Brigham Young sẽ là người đầu tiên đồng ý với cô bé Janie Steed. Ông sẽ không cho rằng mình có giá trị cao hơn Ông Ngoại Lovelund hay bất cứ tín hữu xứng đáng nào khác.
Chính Chúa đã phán rất rõ ràng: “Còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi” (Ma Thi Ơ 20:27) “Kẻ được chỉ định là người cao trọng nhất, dù kẻ đó hèn mọn nhất và là tôi tớ mọi người” (GLGƯ 50:26).
Cách đây nhiều năm khi tôi mới nhận được sự bổ nhiệm mà đưa tới việc ảnh của tôi được đăng trên báo, tôi có nghe rằng một trong các giáo viên trung học của tôi, có phần nào ngạc nhiên, đã nói, “Điều đó chứng tỏ rằng khi nhìn vào một con ếch, ta không thể biết được con ếch đó nhảy lên được cao thế nào!”
Hình ảnh con ếch ngồi trong đám bùn thay vì nhảy lên, minh họa việc tôi đã cảm thấy không thích đáng biết bao khi đối phó với các trách nhiệm được giao phó cho tôi.
Những cảm giác đó làm một người hạ mình để người đó không bao giờ có thể cảm thấy cao hơn bất cứ ai.
Trong một thời gian dài, một sự việc khác khiến tôi phải suy nghĩ nhiều. Cách đây bốn mươi sáu năm, tôi là người giám thị 37 tuổi của lớp giáo lý . Sự kêu gọi trong Giáo Hội của tôi là giảng viên phụ trong một lớp học trong Tiểu Giáo Khu Lindon.
Thật ngạc nhiên biết bao, tôi được yêu cầu đến gặp Chủ Tịch David O. McKay. Ông nắm lấy cả hai bàn tay tôi và kêu gọi tôi làm một trong Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, Phụ Tá cho Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.
Vài ngày sau đó, tôi đến Thành Phố Salt Lake để gặp Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để được phong nhiệm với tư cách là một trong Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương của Giáo Hội. Đây là lần đầu tiên tôi gặp mặt Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn—Chủ Tịch David O. McKay và các cố vấn của ông, Chủ Tịch Hugh B. Brown và Chủ Tịch Henry D. Moyle.
Chủ Tịch McKay giải thích rằng một trong những trách nhiệm của người Phụ Tá cho Nhóm Túc Số Mười Hai là cùng với Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ với tư cách là một nhân chứng đặc biệt và để chia sẻ chứng ngôn rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Điều ông nói tiếp đó làm tôi cảm thấy rất lo âu: “Trước khi chúng tôi tiến hành việc phong nhiệm cho anh, tôi yêu cầu anh chia sẻ chứng ngôn của anh cho chúng tôi. Chúng tôi muốn biết xem anh có lời chứng đó không.”
Tôi đã cố gắng hết sức. Tôi chia sẻ chứng ngôn của mình như tôi đang đứng trong buổi họp nhịn ăn và chia sẻ chứng ngôn trong tiểu giáo khu của tôi. Thật ngạc nhiên, các Anh Em Thẩm Quyền thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn có vẻ hài lòng và đã tiến hành việc truyền giao chức vụ đó cho tôi.
Điều đó khiến tôi phải suy nghĩ nhiều, vì tôi cho rằng một người được kêu gọi vào một chức vụ như vậy thì phải có một chứng ngôn đặc sắc, khác biệt, sâu rộng và có quyền năng thuộc linh.
Điều này đã khiến tôi phải suy nghĩ trong một thời gian dài đến khi cuối cùng tôi thấy rằng tôi đã có những điều kiện đòi hỏi rồi: một chứng ngôn không lay chuyển trong lòng tôi về Sự Phục Hồi của phúc âm trọn vẹn qua Tiên Tri Joseph Smith, rằng chúng ta có một Cha Thiên Thượng, và rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Tôi có thể không biết hết tất cả điều đó, nhưng tôi đã thật sự có một chứng ngôn, và tôi sẵn sàng học hỏi.
Có lẽ tôi không khác biệt với những người được nói đến trong Sách Mặc Môn: “Và bất cứ kẻ nào đến cùng ta với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, thì sẽ được ta báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh, cũng như dân La Man, nhờ đức tin của họ nơi ta vào lúc họ cải đạo, đã được báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh, mà họ không hay biết điều đó” (3 Nê Phi 9:20; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Nhiều năm qua, tôi đã tiến đến việc nhận ra rằng chứng ngôn giản dị đó thật quan trọng, đầy mạnh mẽ biết bao. Tôi đã tiến đến việc hiểu rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta là Cha linh hồn của chúng ta (xin xem Dân Số Ký 16:22; Hê Bơ Rơ 12:9; GLGƯ 93:29). Ngài là người cha với tất cả tình yêu thương dịu dàng của một người cha. Chúa Giê Su phán rằng: “Vì chính Cha yêu mến các ngươi, như các ngươi đã yêu mến ta, và tin rằng ta từ nơi Cha mà đến” (Giăng 16:27).
Cách đây vài năm, tôi cùng với Chủ Tịch Marion G. Romney họp với các vị chủ tịch phái bộ truyền giáo và vợ của họ ở Geneva, Thụy Sĩ. Ông nói với họ rằng 50 năm về trước, khi còn là một người truyền giáo trẻ ở nước Úc, ông đi đến thư viện để học vào một buổi xế chiều. Khi ông đi ra, thì trời đã tối. Ông nhìn lên bầu trời đầy sao, và điều đó đã xảy ra. Thánh Linh đã cảm động ông, và một lời chứng chắc chắn đã nảy sinh trong tâm hồn ông.
Ông nói với các vị chủ tịch phái bộ truyền giáo này rằng điều ông biết chắc chắn vào lúc đó với tư cách là thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống; rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha; và rằng sự trọn vẹn của phúc âm đã được phục hồi, cũng không hơn điều ông đã biết khi còn là người truyền giáo trẻ 50 năm về trước ở nước Úc. Ông nói rằng chứng ngôn của ông đã thay đổi để dễ dàng nhận được một sự đáp ứng của Chúa hơn. Sự hiện diện của Chúa càng gần hơn, và ông biết Chúa rõ ràng vào lúc đó hơn là vào 50 năm về trước.
Có một khuynh hướng tự nhiên để nhìn vào những người được tán trợ vào các chức vụ chủ tọa, để cho rằng họ cao quý và được quý trọng trong Giáo Hội hay trong gia đình của họ hơn là một tín hữu bình thường. Không hiểu sao, chúng ta cảm thấy họ có giá trị nhiều đối với Chúa hơn chúng ta. Điều đó là không đúng.
Vợ tôi và tôi sẽ vô cùng thất vọng nếu bất cứ đứa con nào của chúng tôi cho rằng chúng tôi có giá trị nhiều trong gia đình hay trong Giáo Hội hơn chúng, hoặc nghĩ rằng một sự kêu gọi trong Giáo Hội thì được quý trọng hơn sự kêu gọi khác, hoặc bất cứ sự kêu gọi nào đó đều được nghĩ là kém quan trọng.
Mới đây, một trong bốn đứa con trai của tôi được tán trợ làm người lãnh đạo truyền giáo của tiểu giáo khu. Vợ của nó nói với chúng tôi rằng nó đã xúc động biết bao với sự kêu gọi đó. Sự kêu gọi này phù hợp với nhu cầu lớn của công việc của nó. Nó có tinh thần của người truyền giáo và sẽ có dịp để sử dụng tiếng Tây Ban Nha, mà nó liên tục trau dồi từ khi nó là người truyền giáo. Chúng tôi cũng rất hài lòng với sự kêu gọi của nó.
Điều mà con trai tôi và vợ của nó đang làm với con cái còn nhỏ của chúng thì quan trọng hơn bất cứ điều gì chúng có thể làm ở bên trong hay bên ngoài Giáo Hội. Không có sự phục vụ nào mà lại quan trọng đối với Chúa hơn lòng tận tâm của chúng cho nhau và cho con cái còn nhỏ của chúng. Và điều đó cũng đúng với tất cả các đứa con khác của chúng tôi. Mục đích cơ bản của tất cả các sinh hoạt trong Giáo Hội đều tập trung vào trong nhà và gia đình.
Là Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương của Giáo Hội, chúng tôi cũng giống như các anh chị em, và các anh chị em cũng giống như chúng tôi. Các anh chị em cũng có quyền sử dụng những quyền năng của sự mặc khải cho gia đình mình, cho công việc làm cùng sự kêu gọi của mình giống như chúng tôi.
Cũng đúng là có sự trật tự cho mọi điều trong Giáo Hội. Khi các anh chị em được kêu gọi vào một chức vụ, rồi sau đó các anh chị em nhận được sự mặc khải thuộc chức vụ đó chứ không cho những chức vụ nào khác.
Không có một tín hữu nào được Chúa quý trọng nhiều hơn hay ít hơn một tín hữu khác. Đó không phải là cách làm việc của Giáo Hội! Hãy nhớ rằng Ngài là một người cha—Đức Chúa Cha của chúng ta. Chúa “chẳng hề vị nể ai.”
Đối với công việc đang tiến triển của Chúa, thì chúng tôi không có giá trị nhiều hơn Anh Chị Tuotai Paletu’a ở Nuku’alofa, Tonga; hay Anh Chị Carlos C. Cifuentes ở Santiago, Chile (Chí Lợi); hay Anh Chị Peter Dalebout ở Hà Lan; hay Anh Chị Tatsui Sato ở Nhật; hoặc hằng trăm những người khác mà tôi đã gặp khi hành trình khắp thế giới. Đó không phải là cách làm việc của Giáo Hội.
Và như thế Giáo Hội tiếp tục tiến triển. Giáo Hội tiến bước nhờ vào các tín hữu xứng đáng sống những cuộc sống bình thường, trong những gia đình bình thường, được hướng dẫn bởi Đức Thánh Linh và Ánh Sáng của Đấng Ky Tô có bên trong họ.
Tôi làm chứng rằng phúc âm là chân chính và giá trị của con người là rất lớn dưới mắt của Thượng Đế—mỗi một người—và rằng chúng ta được ban phước để làm tín hữu của Giáo Hội. Tôi có chứng ngôn mà cho tôi hội đủ điều kiện đối với sự kêu gọi tôi có. Tôi đã có chứng ngôn này kể từ ngày tôi gặp Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cách đây nhiều năm. Tôi làm chứng điều này với các anh chị em trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.