Nâng Cao Tiêu Chuẩn
Hãy chắc chắn rằng các em đáp ứng dễ dàng các tiêu chuẩn tối thiểu cho sự phục vụ với tư cách là một người truyền giáo và các em sẽ tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn.
Tôi có được đặc ân vào tháng trước để được chỉ định tham dự một cuộc hội thảo với các chủ tịch phái bộ truyền giáo từ Giáo Vùng Tây Bắc Mỹ. Trong số các chủ tịch phái bộ truyền giáo tham dự có con trai tôi, Lee, đã được kêu gọi phục vụ trước khi tôi hoàn tất nhiệm vụ trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Trung Âu trong một năm. Đã ba năm trôi qua kể từ khi tôi dành thời gian với Lee, ngoại trừ một vài lần gặp gỡ ngắn trong khi đi ngang qua khu vực của Lee, để thi hành những nhiệm vụ khác.
Sau bữa ăn tối để làm quen với tất cả các chủ tịch phái bộ truyền giáo và vợ của họ, Lee và tôi, cùng với vợ của chúng tôi, đi về phòng tôi ở khách sạn để chuyện trò. Tất nhiên, cuộc chuyện trò của chúng tôi tập trung vào công việc truyền giáo. Lee giải thích về những gì đã xảy ra cho những người truyền giáo của Lee kể từ khi Chủ Tịch Hinckley yêu cầu chúng ta nâng cao tiêu chuẩn để hội đủ điều kiện cho việc phục vụ truyền giáo. Con trai tôi báo cáo về một sự tiến bộ rõ rệt trong việc chuẩn bị của những người truyền giáo khi đến phái bộ truyền giáo. Cuộc chuyện trò đưa chúng tôi trở lại một kinh nghiệm mà Lee và tôi có được khi Lee còn học trung học.
Lee là thành viên của đội điền kinh ở trường trung học của nó—nó vừa chạy đua vừa nhảy cao. Trong Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1968 tổ chức ở Mexico City, cả thế giới bị mê hoặc bởi vận động viên nhảy cao ít người biết đến tên là Dick Fosbury. Người ấy đã thử nghiệm một phương pháp nhảy cao mới mà gồm có việc phải chạy thật nhanh theo đường chéo hướng đến cây xà, sau đó uốn mình và nhảy ngược lại vượt qua bên kia cây xà—phương pháp ấy sau này được gọi là kiểu nhảy Fosbury.
Giống như nhiều người khác, Lee bị hấp dẫn bởi phương pháp mới này, nhưng cho đến khi niên học mới bắt đầu thì nó không có chỗ nào để tập luyện phương pháp đó cả. Tôi về nhà một buổi tối nọ và bắt gặp nó đang tập kiểu nhảy Fosbury ở tầng hầm nhà chúng tôi. Nó tự làm tạm hai cái cột chống bằng cách chồng ghế lên nhau, và nó đang nhảy qua cái cán chổi đặt ngang qua chồng ghế, trong khi dùng cái ghế xôfa làm đệm đỡ sau khi nó nhảy xuống. Thật rõ ràng đối với tôi rằng cái ghế xôfa không thể chống đỡ dưới sức nặng như thế, vì vậy tôi đã bảo nó ngừng nhảy trong nhà. Thay vào đó, tôi rủ nó cùng đi với tôi đến cửa hàng bán đồ thể thao, nơi mà chúng tôi mua mấy tấm đệm mềm để đỡ sau khi nhảy xuống và những cái cột chống dành cho việc nhảy cao để nó có thể chuyển ra ngoài trời tập nhảy.
Sau khi thử nghiệm phương pháp nhảy Fosbury, Lee quyết định quay trở lại phương pháp nhảy mà nó đã dùng trước đây. Thậm chí, cho đến cuối hè sắp sang thu, nó đã tập nhảy cao trong nhiều giờ đồng hồ ở vườn sau nhà chúng tôi.
Một buổi tối nọ khi tôi đi làm về, tôi thấy Lee đang tập nhảy cao. Tôi hỏi nó: “Cây xà cao bao nhiêu thế con?”
Nó nói: “Một mét 74”
“Tại sao cao thế?”
Nó trả lời: “Mình phải vượt qua được chiều cao đó để đạt tiêu chuẩn cho cuộc thi điền kinh của tiểu bang.”
Tôi hỏi: “Vậy con nhảy thế nào rồi?”
“Lần nào con cũng có thể nhảy vượt qua xà được. Con chưa chạm vào cây xà lần nào cả.”
Tôi đáp: “Hãy nâng cái xà cao hơn để xem con nhảy được không nhé.”
Nó trả lời: “Thế thì có lẽ con sẽ không nhảy qua được.”
Tôi hỏi: “Nếu con không nâng cây xà lên cao hơn, thì làm sao con biết được tiềm năng của mình?”
Vì thế chúng tôi bắt đầu nâng cây xà lên đến 1 mét 79, rồi đến 1 mét 80, và cứ thế, trong khi nó cố gắng tiến bộ hơn. Lee trở thành vận động viên nhảy cao giỏi hơn bởi vì nó không hài lòng với việc chỉ nhảy vượt qua độ cao tối thiểu. Nó biết được rằng cho dù nó có chạm vào cây xà, thì nó cũng muốn tiếp tục nâng cây xà cao hơn để trở thành vận động viên nhảy cao giỏi nhất mà nó có thể trở thành.
Việc nhớ lại kinh nghiệm này với con trai tôi làm tôi nhớ tới sứ điệp do Anh Cả M. Russell Ballard đưa ra tại phiên họp chức tư tế của đại hội trung ương Tháng Mười năm 2002, mà trong đó ông đã yêu cầu các thiếu niên của Giáo Hội hãy trở thành thế hệ những người truyền giáo cao quý nhất. Ông thông báo rằng tiêu chuẩn tối thiểu cho việc phục vụ truyền giáo đã được nâng cao. Ông chỉ thị cho các thiếu niên thuộc Chức Tư Tế A Rôn hãy hăng hái hơn trong việc tự chuẩn bị nhằm đạt được tiêu chuẩn tối thiểu mới và cao hơn này. Ông cũng đưa ra những chỉ dẫn cho những người cha, các vị giám trợ và chủ tịch giáo khu về việc giúp các thiếu niên chuẩn bị để phục vụ truyền giáo trọn thời gian. (Xin xem “Thế Hệ Những Người Truyền Giáo Cao Quý Nhất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, 46–49.)
Trong những lời nhận xét kết thúc cũng tại phiên họp chức tư tế đó, Chủ Tịch Hinckley đã bình luận về bài nói chuyện của Anh Cả Ballard. Ông nói: “Anh Cả Ballard đã ngỏ lời cùng các anh em về những người truyền giáo. Tôi xin tán thành điều anh ấy nói. Tôi hy vọng rằng các thiếu niên và các thiếu nữ của chúng ta sẽ chấp nhận và xứng đáng với sự thử thách mà anh ấy đã đề ra. Chúng ta phải nâng cao tiêu chuẩn về sự xứng đáng và điều kiện đòi hỏi cho những người sẽ ra đi phục vụ trên thế gian với tư cách là những người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô.” (“Cùng Những Người Nam của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, 57)
Sau đó không lâu, trong bức thư đề ngày 11 tháng Mười Hai năm 2002, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã chỉ thị cho các vị lãnh đạo Giáo Hội các nguyên tắc của việc hội đủ điều kiện để phục vụ truyền giáo trọn thời gian. Những lời chỉ thị nói rằng: “Việc phục vụ truyền giáo trọn thời gian là một đặc ân cho những người được kêu gọi qua sự soi dẫn bởi Vị Chủ Tịch của Giáo Hội. Các vị giám trợ và chủ tịch giáo khu có trách nhiệm trọng đại để nhận ra các tín hữu xứng đáng và hội đủ điều kiện, là những người đã chuẩn bị phần thuộc linh, thể xác và cảm xúc cho việc phục vụ thiêng liêng này và là những người có thể được giới thiệu không dè dặt. Những cá nhân không hội đủ điều kiện đòi hỏi về mặt thể xác, tinh thần, và cảm xúc của công việc phục vụ truyền giáo trọn thời gian đều được miễn cho một cách vinh dự và không nên được giới thiệu. Họ có thể được kêu gọi phục vụ trong các công việc thích đáng khác.”
Tiêu chuẩn đã được nâng cao bởi các vị lãnh đạo Giáo Hội, và giờ đây tiêu chuẩn tối thiểu để tham gia vào công việc truyền giáo là hoàn toàn xứng đáng về mặt đạo đức; sức khỏe thể chất và sức lực; sự phát triển trí tuệ, giao tế và cảm xúc. Trong mỗi trận thi đấu nhảy cao, đều có một độ cao tối thiểu để bắt đầu cuộc thi. Vận động viên nhảy cao không thể yêu cầu bắt đầu ở mức độ thấp hơn. Cũng như thế, các em không nên trông mong rằng các tiêu chuẩn được hạ thấp để cho phép các em phục vụ truyền giáo. Nếu các em muốn làm một người truyền giáo, thì các em cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu.
Nhưng một khi các em đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu đó rồi, thì các em có nên cố gắng nâng cao tiêu chuẩn không? Tôi hỏi các em cùng một câu hỏi mà tôi đã hỏi con trai tôi nhiều năm trước đây: “Nếu con không nâng cao tiêu chuẩn (nâng cây xà lên cao hơn), thì làm sao con có thể biết được tiềm năng của mình?” Lời yêu cầu của tôi đối với các em là hãy nhận ra rằng có một tiêu chuẩn tối thiểu—và các em cần phải đạt tới tiêu chuẩn đó để phục vụ với tư cách là người truyền giáo trọn thời gian—nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Thế hệ cao quý nhất của những người truyền giáo sẽ không đạt được hết tiềm năng trọn vẹn của mình nếu các em không tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn.
Tôi xin đưa ra một vài ý kiến về điều mỗi em có thể làm để nâng tiêu chuẩn lên cao hơn trong khi các em chuẩn bị cho việc phục vụ truyền giáo.
Tiêu chuẩn tối thiểu về sức khỏe đối với việc phục vụ truyền giáo trọn thời gian ám chỉ đến tiềm năng về sức khỏe thể chất và sức lực của người truyền giáo. Ví dụ, một trong những câu hỏi trong mẫu giới thiệu người truyền giáo hỏi các em “có thể làm việc từ 12 đến 15 giờ đồng hồ một ngày, đi bộ từ 10 đến 13 cây số một ngày, đạp xe đạp từ 16 đến 24 cây số một ngày, và leo các bậc thang mỗi ngày.” Công việc truyền giáo là khó khăn, và những người truyền giáo trọn thời gian cần phải có tình trạng thể chất tốt để phục vụ. Việc nâng tiêu chuẩn thể chất lên cao hơn có thể gồm có tình trạng thể chất khỏe mạnh hơn.
Điều này cũng có thể bao gồm việc cải tiến diện mạo của các em. Một người truyền giáo được đòi hỏi phải ăn mặc theo một kiểu nhất định, cho thấy một diện mạo sạch sẽ gồm có tóc cắt gọn gàng, râu cạo sạch, mặc một cái áo sơ mi trắng tinh, thắt một cái cà vạt, và một bộ com-lê phẳng phiu—đến tận cả đôi giầy phải được đánh bóng. Hãy bắt đầu từ bây giờ để chuẩn bị cho công việc truyền giáo trọn thời gian bằng cách cho thấy diện mạo của một người truyền giáo trọn thời gian.
Nâng tiêu chuẩn cao hơn trong việc chuẩn bị trí tuệ của các em. Hãy học hành chăm chỉ. Việc có thể đọc, nói và viết một cách thông minh là điều quan trọng. Nới rộng sự hiểu biết về thế giới xung quanh các em bằng cách đọc những cuốn sách hay. Học cách htập. Sau đó, áp dụng những thói quen học tập đã cải tiến của mình vào việc học hỏi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy kiên trì và thường xuyên đọc Sách Mặc Môn.
Đừng bỏ lỡ cơ hội tham dự các lớp giáo lý và viện giáo lý . Tham gia và học được càng nhiều càng tốt từ thánh thư được giảng dạy trong những môi trường giáo dục tôn giáo tuyệt vời này. Những điều này sẽ chuẩn bị cho các em để trình bày sứ điệp về phúc âm phục hồi với những người mà các em có cơ hội gặp gỡ. Học từ quyển Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, chú trọng đến các giáo lý cơ bản được giảng dạy trong chương 3. Mỗi lần các em được yêu cầu nói chuyện ở nhà thờ hoặc dạy bài học trong một buổi họp tối gia đình, hãy tập trung vào các giáo lý cơ bản này.
Trong sách Giáo Lý và Giao Ước 11:21, Chúa phán với chúng ta: “Chớ tìm cách rao truyền lời của ta, mà trước hết hãy tìm kiếm để thu nhận lời của ta, và rồi lưỡi ngươi sẽ được thong thả; rồi nếu ngươi ước muốn, ngươi sẽ có được Thánh Linh của ta và lời của ta, phải, quyền năng của Thượng Đế để thuyết phục loài người.” Lứa tuổi trước khi đi truyền giáo là thời gian lý tưởng để đặt tiêu chuẩn cao hơn khi các em chuẩn bị tâm trí mình bằng cách thu đạt được ánh sáng và lẽ thật của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Các em cần phải nhận biết rằng công việc phục vụ truyền giáo thì đòi hỏi khắt khe về mặt tình cảm. Các em sẽ không có nơi nương tựa khi các em rời nhà ra đi phục vụ trên thế gian. Nhiều cách thức mà các em hiện đang sử dụng để đối phó với sự căng thẳng về tình cảm—như việc đi chơi với bạn bè, dành riêng thời gian cho mình, chơi trò chơi video, hay nghe nhạc—đều không được phép của luật lệ về lối hành xử của người truyền giáo. Sẽ có những ngày các em bị khước từ và thất vọng. Bây giờ hãy học biết về những giới hạn tình cảm của mình, và học cách kiềm chế tình cảm của mình trong những tình huống mà các em sẽ gặp phải khi là người truyền giáo. Bằng cách làm điều này, các em đang nâng tiêu chuẩn lên cao hơn và, thực vậy, củng cố bản thân mình chống lại những thử thách về tình cảm trong khi phục vụ truyền giáo.
Mặc dù Chủ Tịch Hinckley không nói đến điều này, nhưng những người truyền giáo tương lai cũng cần phải chuẩn bị với các kỹ năng giao tế cần thiết để phục vụ truyền giáo. Càng ngày càng nhiều thanh thiếu niên đang tự cô lập khỏi những người khác bằng cách chơi trò chơi điện tử; đeo bộ ống nghe nhạc vào tai; và tiếp xúc qua điện thoại cầm tay, e-mail, nhắn tin bằng chữ qua điện thoại và vân vân thay vì đích thân nói chuyện trực tiếp. Phần lớn công việc truyền giáo đòi hỏi phải quan hệ trực tiếp với người khác, và nếu các em không đặt tiêu chuẩn cao hơn trong việc phát triển kỹ năng giao tế của mình, thì các em sẽ tự thấy mình chưa sẵn sàng. Tôi xin đưa ra một đề nghị giản dị: hãy tìm một công việc làm đòi hỏi phải giao tiếp với người khác. Để có thêm động cơ thúc đẩy, hãy đặt mục tiêu để kiếm đủ tiền từ công việc làm bán thời gian hay toàn thời gian để trả cho ít nhất là một phần đáng kể của công việc truyền giáo của mình. Tôi hứa rằng các phước lành lớn lao—các phước lành về giao tế, thể xác, tinh thần, tình cảm và thuộc linh—đến với mỗi thiếu niên mà trả một phần đáng kể cho công việc truyền giáo của mình.
Sự xứng đáng cá nhân là tiêu chuẩn thuộc linh tối thiểu để phục vụ truyền giáo. Điều này có nghĩa là các em phải xứng đáng về mọi mặt để lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng của đền thờ. Đừng tự mình chối bỏ các phước lành đã được ban cho những người phục vụ trong sự kêu gọi rất đặc biệt này bằng cách phạm vào những hành động phạm giới mà sẽ làm cho các em không hội đủ tiêu chuẩn để phục vụ.
Xin hãy nhận ra rằng trong khi sự giảng dạy của các em với tư cách là một người truyền giáo có thể đủ sức thuyết phục, nhưng chỉ có Thánh Linh mới cải đạo được. Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta miêu tả rõ ràng về công việc truyền giáo là gì. Sách nói rằng: “Là người đại diện có thẩm quyền của Chúa Giê Su Ky Tô, các anh chị em có thể giảng dạy dân chúng với quyền năng và thẩm quyền mà ‘sự cứu chuộc sẽ đến trong và qua Đấng Mê Si Thánh,’ và rằng không một ai ‘có thể sống được trong sự hiện diện của Thượng Đế, trừ phi phải qua sự trung gian của công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh’ (2 Nê Phi 2:6, 8)” ([2004], 2).
Chúng tôi nhắc nhở các em rằng ai được ban cho nhiều, thì sẽ được đòi hỏi nhiều. Chúng tôi đưa ra sự kêu gọi một lần nữa đến tất cả các thanh thiếu niên đã hội đủ điều kiện về phần thuộc linh, thể xác, và tình cảm hãy tiến lên để chuẩn bị trở thành những người truyền giáo trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy chắc chắn rằng các em đáp ứng dễ dàng các tiêu chuẩn tối thiểu cho sự phục vụ với tư cách là một người truyền giáo và các em sẽ tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn. Hãy tự chuẩn bị để được hữu hiệu hơn trong sự kêu gọi trọng đại này.
Cầu xin Thượng Đế ban phước cho các em để điều này sẽ là ước muốn của các em, khi các em rời khỏi phiên họp chức tư tế này của đại hội trung ương và hãy bắt đầu từ bây giờ để tự chuẩn bị cho sự phục vụ đầy vinh quang trước mắt các em với tư cách là một người truyền giáo của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.