2007
Được Nuôi Dưỡng bằng Lời Nói Tốt Lành của Thượng Đế
Tháng Mười Một năm 2007


Được Nuôi Dưỡng bằng Lời Nói Tốt Lành của Thượng Đế

Là điều thiết yếu để chúng ta nuôi dưỡng những người mà chúng ta giảng dạy và hướng dẫn bằng cách chú trọng vào các giáo lý , các nguyên tắc, và những áp dụng được nhấn mạnh trong thánh thư và những lời nói của các vị tiên tri ngày sau.

Khi còn là thiếu niên, tôi đã làm việc với cha tôi và các anh em tôi trong nghề chăn nuôi gia súc và ngựa trong nông trại của chúng tôi tại Miền Nam Utah và Miền Bắc Arizona. Cha tôi đã dạy chúng tôi rằng khi nào chúng tôi muốn bắt một trong số các con ngựa để cưỡi thì việc mà chúng tôi chỉ cần làm là để một nắm ngũ cốc vào trong một cái thùng và lắc nó trong vài giây. Bất luận các con ngựa đang ở trong chuồng hoặc trong cánh đồng mênh mông, thì chúng đều thường chạy lại để ăn ngũ cốc. Rồi chúng tôi có thể bắt chúng bằng cách nhẹ nhàng choàng nhanh dây cương lên đầu chúng trong khi chúng đang ăn. Tôi luôn luôn kinh ngạc trước cách thức giản dị như vậy mà lại rất hữu hiệu.

Thỉnh thoảng, khi chúng tôi không muốn bỏ thời giờ ra để lấy ngũ cốc từ trong kho thóc, chúng tôi thường để đất vào trong thùng và lắc nó, thử lừa các con ngựa để chúng nghĩ rằng chúng tôi có ngũ cốc cho chúng ăn. Khi chúng biết là bị chúng tôi lừa, một số con ngựa ở lại, nhưng những con khác thường chạy đi và hầu như không thể nào bắt chúng lại được. Thường phải mất vài ngày mới có lại được sự tin cậy của chúng. Chúng tôi biết được rằng việc dành thời giờ để cho ngựa chúng tôi ăn ngũ cốc đều đặn thì làm cho chúng trở nên dễ điều khiển hơn và cũng cung cấp cho chúng thêm thức ăn và sức mạnh hơn.

Mặc dù đã nhiều năm trôi qua kể từ những ngày tháng của tôi ở nông trại, nhưng kinh nghiệm mà tôi vừa mô tả đã giúp đỡ tôi khi tôi suy ngẫm những câu hỏi sau đây: Chúng ta với tư cách là các giảng viên và những người lãnh đạo trong Giáo Hội có thể làm gì để cung cấp thêm thức ăn giáo lý và thuộc linh cho những nguời mà chúng ta phục vụ không?

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy: “Đa số các tín hữu không đến nhà thờ để chỉ tìm kiếm một vài sự kiện phúc âm mới mẻ hoặc gặp bạn bè cũ, mặc dù tất cả những điều đó đều quan trọng. Họ đến để tìm kiếm một kinh nghiệm thuộc linh. Họ muốn sự bình an. Họ muốn đức tin của họ được củng cố và hy vọng của họ được đổi mới. Nói tóm lại, họ muốn được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế, được củng cố bởi quyền năng của thiên thượng. Những người trong chúng ta mà đã được kêu gọi để nói chuyện hoặc giảng dạy hay hướng dẫn đều có bổn phận phải giúp cung ứng điều đó với tất cả khả năng mình có.”1

Đấng Cứu Rỗi và các tôi tớ của Ngài không những giảng dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc giúp đỡ những người khác để “đuợc nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 6:4); mà Ngài và họ còn cung ứng sự hướng dẫn đầy soi dẫn về cách thức mà việc giảng dạy và hướng dẫn có thể được hoàn thành một cách tốt nhất. Tiết 50 của sách Giáo Lý và Giao Ước là một trong nhiều đoạn tham khảo mà cung ứng lời khuyên bảo quý báu như vậy. Sau khi nhận biết những mối quan tâm đang có trong một số chi nhánh lúc bắt đầu Giáo Hội, Đấng Cứu Rỗi đã chỉ dẫn một nhóm người lãnh đạo về cách giải quyết các vấn đề họ đang đối phó. Những lời chỉ dẫn của Ngài bắt đầu bằng cách đặt ra một câu hỏi quan trọng: “Vậy nên, ta là Chúa hỏi các ngươi câu này—vậy chớ các ngươi được sắc phong để làm gì vậy?” (GLGƯ 50:13). Câu trả lời quen thuộc của Chúa tiếp tục trong câu 14: “Để thuyết giảng phúc âm của ta qua Thánh Linh, là Đấng An Ủi được phái xuống để giảng dạy lẽ thật” (GLGƯ 50:14).

Các câu trả lời cho những vấn đề mà Các Thánh Hữu đang đối phó vào năm 1831 thì cũng giống như câu trả lời cho những thử thách mà chúng ta đối phó ngày nay—chúng ta cần phải giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bằng quyền năng của Đức Thánh Linh.

Tiết 50 gồm có một số bí quyết then chốt để cung ứng sự nuôi dưỡng cho những người chúng ta giảng dạy và lãnh đạo. Bí quyết thứ nhất được tìm thấy trong lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi là “thuyết giảng phúc âm của ta” (GLGƯ 50:14, chữ nhấn mạnh được thêm vào). Thánh thư dạy rõ rằng phúc âm mà chúng ta cần phải thuyết giảng thì không phải là “sự khôn ngoan của thế gian” (Mô Si A 24:7) nhưng là “giáo lý của Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 31:21). Mặc dù phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bao gồm tất cả mọi lẽ thật, nhưng không phải tất cả mọi lẽ thật đều có giá trị bằng nhau.2 Đấng Cứu Rỗi đã dạy rõ rằng phúc âm của Ngài, đầu tiên và trước hết, là sự hy sinh cứu chuộc của Ngài. Phúc âm của Ngài cũng là lời mời gọi để tiếp nhận các phước lành của Sự Chuộc Tội qua đức tin nơi Đấng Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và trung tín kiên trì đến cùng.3

Cũng giống như tôi đã học được khi còn là một thiếu niên rằng các con ngựa của chúng tôi thích ngũ cốc hơn là đất, tôi cũng học được rằng ngũ cốc thì bổ dưỡng hơn là cỏ khô, và cỏ khô thì bổ dưỡng hơn rơm, và ta có thể cho ngựa ăn nhưng không nuôi dưỡng nó. Đối với các giảng viên và những người lãnh đạo, là điều thiết yếu để chúng ta nuôi dưỡng những người mà chúng ta giảng dạy và hướng dẫn bằng cách chú trọng vào các giáo lý , các nguyên tắc, và những sự áp dụng được nhấn mạnh trong thánh thư và những lời nói của các vị tiên tri ngày sau thay vì dành ra thời giờ quý báu cho các đề tài và nguồn tài liệu ít quan trọng hơn.

Là một giảng viên, tôi đã biết được rằng một cuộc thảo luận trong lớp học chú trọng vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô thì vô cùng quan trọng hơn là các đề tài thảo luận như địa điểm chính xác của thành Gia Ra Hem La trong địa lý ngày nay. Là một người lãnh đạo, tôi đã biết được rằng các buổi họp của những người lãnh đạo thì có ý nghĩa hơn nếu ưu tiên cao nhất của chúng ta là một nỗ lực kết hợp để xây dựng đức tin nơi Đấng Ky Tô và củng cố gia đình, chứ không phải chỉ là một lịch trình phối hợp.

Những lời của Chúa trong tiết 50 chứa đựng một sự cảnh cáo rằng nếu chúng ta giảng dạy “qua đường lối nào khác” hơn là đường lối mà Chúa đã hướng dẫn, “thì đó không phải là của Thượng Đế” (GLGƯ 50:18). Chúa đã dạy những người phục vụ trong Giáo Hội phải giảng dạy theo cách “không được nói gì ngoài những điều các tiên tri và các sứ đồ đã viết ra, cùng những điều họ được Đấng An Ủi dạy cho họ qua lời cầu nguyện bởi đức tin” (GLGƯ 52:9). Điều này có nghĩa là việc tuân theo lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi để “thuyết giảng phúc âm của ta” đòi hỏi rằng mỗi lớp học chúng ta giảng dạy hoặc mỗi buổi họp mà chúng ta hướng dẫn sẽ bị hạn chế vào việc giảng dạy đức tin và sự hối cải chăng?

Chủ Tịch Henry B. Eyring đã trả lời cho câu hỏi tương tự bằng cách đáp rằng: “Dĩ nhiên là không. Nhưng nó có nghĩa là người giảng viên và những người tham dự cần phải luôn luôn mong muốn mang Thánh Linh của Chúa vào lòng của các học viên trong phòng học để đem lại đức tin và quyết tâm hối cải và được trong sạch.”4

Một bí quyết thứ nhì để bảo đảm cho những người mà chúng ta giảng dạy và lãnh đạo “được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 6:4) cũng được tìm thấy trong lời chỉ bảo của Đấng Cứu Rỗi “để thuyết giảng phúc âm của ta qua Thánh Linh, là Đấng An Ủi được phái xuống để giảng dạy lẽ thật” (GLGƯ 50:14, sự nhấn mạnh được thêm vào). Những lời của Đấng Cứu Rỗi không những chỉ bảo cho chúng ta phải tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh khi chúng ta chuẩn bị và khi chúng ta giảng dạy, mà Ngài cũng còn dạy rằng chính Thánh Linh mới là Đấng thầy hữu hiệu nhất trong bất cứ tình huống nào đã định.

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã dạy rằng: “Thánh Linh của Thượng Đế khi phán bảo cùng tâm hồn con người thì có quyền năng để truyền đạt lẽ thật với hiệu quả và sự hiểu biết lớn hơn lẽ thật mà có thể được truyền đạt bằng sự tiếp xúc cá nhân ngay cả với các nhân vật thiên thượng.”5

Cách đây vài tháng tôi đã tham dự một buổi họp huấn luyện mà có một số Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương nói chuyện. Sau khi bình luận về lời chỉ dẫn xuất sắc đã được đưa ra, Anh Cả David A. Bednar đã đặt ra câu hỏi sau đây: “Chúng ta đang học điều gì mà đã không được nói đến?” Rồi ông giải thích rằng ngoài việc nhận được lời khuyên dạy mà đã được đưa ra bởi những người đã nói chuyện hoặc những người chưa nói chuyện thì chúng ta cũng cần phải lắng nghe kỹ và ghi nhận những ấn tượng ngầm do Đức Thánh Linh ban cho.

Lời phát biểu sau đây từ vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, mang đến thêm lời khuyên dạy về việc giảng dạy bằng Thánh Linh: “Chúng ta cần … những giảng viên của chúng ta nói lên từ đáy lòng của họ [chứ không phải từ] sách vở của họ, để truyền đạt tình yêu thương của họ đối với Chúa và công việc quý báu này, và bằng cách nào đó việc giảng dạy này sẽ làm cảm động tấm lòng của những người họ giảng dạy.”6

Những lời của Chúa trong tiết 50 của sách Giáo Lý và Giao Ước cũng cung ứng một tiêu chuẩn đầy soi dẫn mà qua đó mỗi người chúng ta có thể đánh giá sự hữu hiệu của việc giảng dạy, lãnh đạo, và học hỏi của chúng ta. Trong câu 22, chúng ta đọc: “Vậy nên, người thuyết giảng và người nhận hiểu được nhau, và cả hai được gây dựng và cùng nhau vui vẻ.”

Các anh chị em thân mến, tôi hết lòng cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ lo lắng việc nuôi dưỡng những người mà chúng ta giảng dạy và những người chúng ta lãnh đạo bằng cách củng cố họ với bánh sự sống và nước sự sống được tìm thấy trong phúc âm phục hồi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.

Ghi Chú

  1. “A Teacher Come from God,” Ensign, tháng Năm năm 1998, 26.

  2. Xin xem Ezra Taft Benson, “A New Witness for Christ,” Ensign, tháng Mười Một năm 1984, 6.

  3. Xin xem GLGƯ 33:11–12; 39:6; 76:40–42; 3 Nê Phi 27:13–22.

  4. “Một Nhóm Túc Số Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 43–44.

  5. Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên soạn, 3 tập (1954–56), 1:47õ48.

  6. Teachings of Gordon B. Hinckley (1997), 619–20.