2007
Bà Patton— Chuyện Tiếp Theo
Tháng Mười Một năm 2007


Bà Patton— Chuyện Tiếp Theo

Tôi chắc chắn rằng Cha Thiên Thượng lưu tâm đến các nhu cầu của bà và muốn bà nghe được những lẽ thật đầy an ủi của phúc âm.

Tôi thấy nhớ người bạn đồng sự James E. Faust của tôi và xin bày tỏ tình yêu thương đến người vợ yêu quý và gia đình của anh, và tôi chắc chắn rằng anh ấy đang phục vụ Chúa ở một nơi khác. Tôi chào mừng Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương mới được tán trợ là Chủ Tịch Eyring, Anh Cả Cook, và Anh Cả González, và cam đoan với họ rằng họ được tôi hoàn toàn tán trợ.

Cách đây ba mươi tám năm, tại một đại hội trung ương được tổ chức trong Đại Thính Đường ở Khuôn Viên Đền Thờ, tôi đã nói về một trong những người bạn thời thơ ấu của tôi, Arthur Patton, đã chết lúc còn rất trẻ. Bài nói chuyện có tựa đề là “Thưa Bà Patton, Arthur Vẫn Sống.”1 Tôi nói ra những lời nhận xét của mình với mẹ của Arthur, Bà Patton, không phải là tín hữu của Giáo Hội. Mặc dù tôi không hy vọng nhiều rằng Bà Patton sẽ thật sự nghe tôi nói chuyện, nhưng tôi muốn chia sẻ, với tất cả những người có thể nghe tôi được, sứ điệp về niềm hy vọng và tình thương yêu của phúc âm vinh quang. Mới đây, tôi đã có ấn tượng để nhắc lại một lần nữa đến Arthur và kể cho các anh chị em nghe về điều đã xảy ra sau sứ điệp đầu tiên của tôi.

Trước hết, tôi xin được nói cho các anh chị em biết về Arthur. Tóc anh ấy màu vàng hoe và xoăn và anh ấy có một nụ cười rất tươi. Anh ấy cao hơn bất cứ đứa con trai nào trong lớp học. Tôi nghĩ rằng đây là cách mà vào năm 1940, khi cuộc xung đột lớn sắp trở thành Đệ Nhị Thế Chiến đang lan tràn đến nhiều nơi ở Châu Âu, Arthur đã có thể gạt các sĩ quan tuyển mộ để gia nhập vào Hải Quân vào tuổi 15 còn rất trẻ. Đối với Arthur và đa số mấy đứa con trai, thì chiến tranh là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Tôi còn nhớ việc anh ấy xuất hiện với bộ quân phục Hải Quân thật là đầy ấn tượng. Chúng tôi đã ao ước được lớn tuổi hơn, hoặc ít nhất là được cao hơn để chúng tôi cũng có thể ghi danh đi lính.

Tuổi trẻ là một thời kỳ rất đặc biệt của cuộc sống. Như Longfellow đã viết:

Tuổi trẻ thật là tuyệt vời! Tuổi trẻ rực rỡ sáng ngời,

Với đầy ảo tưởng, khát vọng, giấc mộng!

Là cuốn sách khởi đầu của cuộc sống, là câu chuyện không bao giờ kết thúc,

Mỗi thiếu nữ là một nữ anh thư và mỗi thanh niên là một người bạn!2

Mẹ của Arthur rất hãnh diện về hình ngôi sao màu xanh treo trên cửa sổ phòng khách của bà. Nó cho mỗi người khách qua đường biết rằng con trai của bà đang trong quân ngũ của quê hương mình và đang phục vụ tích cực. Khi tôi đi ngang qua nhà bà, bà thường mở cửa ra và mời tôi vào để đọc lá thư mới nhất của Arthur. Mắt bà thường nhòa lệ; tôi thường yêu cầu đọc lớn. Arthur là tất cả đối với người mẹ góa của anh.

Tôi còn có thể hình dung được đôi tay thô ráp của Bà Patton khi bà cẩn thận đặt lá thư vào phong bì. Đây là đôi tay làm lụng khó nhọc; Bà Patton là người dọn dẹp tòa nhà hành chính ở khu thương mại. Mỗi ngày trong đời bà, trừ ngày Chúa Nhật, người ta có thể thấy bà đi dọc theo vỉa hè, với xô và bàn chải trong tay, mái tóc bạc của bà được bới chặt thành một búi sau đầu, đôi vai của bà mệt mỏi vì công việc và lưng bà còng vì tuổi tác.

Vào tháng Ba năm 1944, với chiến tranh đang leo thang dữ dội, Arthur được thuyên chuyển từ chiến hạm U.S.S. Dorsey, đến hàng không mẫu hạm U.S.S. White Plains. Trong khi ở Saipan trên Biển Nam Thái Bình Dương, thì con tàu bị tấn công. Arthur là một trong những người bị mất tích trên biển.

Ngôi sao màu xanh được mang xuống khỏi nơi cao quý của nó trên cửa sổ trước cửa nhà Patton. Nó được thay thế bằng một ngôi sao màu vàng cho biết rằng người mà đã được ngôi sao màu xanh tượng trưng cho đã tử trận. Một ánh đèn đã tắt trong cuộc sống của Bà Patton. Bà mò mẫm trong bóng tối và nỗi tuyệt vọng vô cùng.

Với lời cầu nguyện trong lòng, tôi tiến đến lối đi vào nhà Patton, tự hỏi những lời an ủi nào có thể thốt ra từ miệng của một đứa trẻ.

Cửa mở ra và Bà Patton ôm lấy tôi thể như bà đang ôm đứa con trai của bà. Căn nhà trở thành một giáo đường khi một người mẹ lòng đầy đau buồn và một đứa trẻ còn quá non nớt quỳ gối cầu nguyện.

Khi chúng tôi đứng dậy, Bà Patton nhìn vào mắt tôi và nói: “Tommy, bác không thuộc vào một giáo hội nào hết, nhưng cháu thì có đạo. Cháu hãy nói cho bác biết, Arthur sẽ sống lại chăng?” Với hết khả năng của mình, tôi làm chứng cùng bà rằng quả thật Arthur sẽ sống lại.

Trong đại hội trung ương cách đây rất nhiều năm, khi tôi kể lại câu chuyện này, tôi nói rằng tôi đã mất liên lạc với Bà Patton nhưng tôi muốn một lần nữa trả lời câu hỏi của bà: “Arthur sẽ sống lại chăng?”

Tôi nhắc đến Đấng Cứu Thế, là Đấng đã bước đi trên những con đường làng bụi bậm mà hiện nay chúng ta gọi một cách tôn kính là Đất Thánh; là Đấng đã khiến cho kẻ mù thấy được, kẻ điếc nghe được, kẻ què đi đuợc, và người chết sống lại; Ngài là Đấng đã dịu dàng và trìu mến cam đoan với chúng ta: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống.”3

Tôi đã giải thích rằng kế hoạch của cuộc sống và một sự giải thích về hướng đi vĩnh cửu của cuộc sống được ban cho chúng ta bởi Đấng Chủ Tể của trời và đất, chính là Chúa Giê Su Ky Tô. Muốn hiểu ý nghĩa của cái chết, chúng ta phải biết ơn mục đích của cuộc sống.

Tôi nói rằng trong gian kỳ này, Chúa đã phán: “Và giờ đây, thật vậy ta nói cho các ngươi hay, từ lúc khởi đầu ta đã ở cùng Đức Chúa Cha, và ta là Con Đầu Lòng.”4 “Lúc khởi đầu, loài người đã ở cùng Thượng Đế.”5

Tiên tri Giê Rê Mi đã chép rằng:

“Có lời Đức Giê Hô Va phán cùng tôi như vầy: Trước khi tạo nên ngươi … ta đã biết ngươi rồi; trước khi ngươi sinh ra, … ta đã biệt riêng ngươi, lập ngươi làm kẻ tiên tri cho các nước.”6

Từ thế giới linh hồn đầy uy nghi mà chúng ta bước vào giai đoạn chính của cuộc sống để tự chứng tỏ mình đã tuân theo tất cả những điều đã được Thượng Đế truyền lệnh. Trong cuộc sống trần thế, chúng ta tăng trưởng từ tuổi thơ ấu yếu ớt không tự lo được đến tuổi thiếu niên đầy tò mò và rồi đến tuổi trưởng thành biết suy nghĩ. Chúng ta trải qua niềm vui và nỗi buồn, thành quả và thất vọng, thành công và thất bại. Chúng ta nếm sự ngọt ngào, nhưng cũng trải qua nỗi cay đắng. Đó là cuộc sống trần thế.

Rồi mỗi cuộc sống có được một kinh nghiệm gọi là cái chết. Không ai được miễn cả. Tất cả đều phải trải qua cái chết.

Đối với đại đa số, có một điều gì xấu và bí ẩn về người khách không mong muốn này mà được gọi là cái chết. Có lẽ đó là nỗi sợ hãi về điều không biết mà khiến cho nhiều người khiếp đảm khi nó đến.

Arthur Patton chết nhanh. Những người khác chết chậm. Chúng ta biết, qua lời mặc khải của Thượng Đế, rằng “linh hồn của mọi người, khi vừa rời khỏi thể xác hữu diệt này . . đều được đem trở về với Thượng Đế là Đấng đã cho mình sự sống.”7

Tôi đã cam đoan với Bà Patton và tất cả những người khác đang lắng nghe rằng Thượng Đế sẽ không bao giờ bỏ rơi họ—rằng Ngài gửi Con Trai Độc Sinh của Ngài đến thế gian để giảng dạy chúng ta bằng cuộc sống gương mẫu mà chúng ta cần phải sống theo. Vị Nam Tử của Ngài đã chết trên cây thập tự để cứu chuộc tất cả nhân loại. Lời của Ngài nói cùng với Ma Thê đang buồn đau và cùng các môn đồ của Ngài mang đến niềm an ủi cho chúng ta ngày nay:

“Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không thể chết.”8

“Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các người rằng. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ.

“… Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.”9

Tôi lặp lại những chứng ngôn của Vị Mặc Khải Giăng và Sứ Đồ Phao Lô. Giăng chép rằng:

“Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa; …

“Biển đem trả những người chết mình chứa.”10

Phao Lô nói: “Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người sẽ sống lại.”11

Tôi giải thích rằng chúng ta phải bước đi bằng đức tin cho đến khi có buổi sáng Phục Sinh đầy vinh quang: “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bây giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau.”12

Tôi cam đoan một lần nữa với Bà Patton rằng Chúa Giê Su đã mời gọi bà và tất cả những người khác:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.”13

Là một phần sứ điệp của mình, tôi đã giải thích cho Bà Patton nghe rằng sự hiểu biết như vậy sẽ hỗ trợ bà trong nỗi đau khổ của bà—rằng bà sẽ không bao giờ ở trong tình huống bi thảm của một người không tin là người đã mất đứa con trai, và người ta đã nghe bà nói khi bà ấy nhìn theo quan tài đang được hạ thấp xuống vào lòng đất mẹ: “Giã biệt con trai của mẹ. Giã biệt mãi mãi.” Thay vì thế, với đầu ngẩng lên, lòng can đảm kiên quyết, và đức tin không lay chuyển, bà có thể ngước mắt nhìn sang những cơn sóng vỡ nhẹ của Thái Bình Dương trong xanh và nói thầm: “Giã biệt, Arthur, con trai yêu quý của mẹ. Giã biệt—cho đến khi chúng ta trùng phùng.”

Tôi trích dẫn những lời của Tennyson, thể như con trai của bà đang nói với bà:

Mặt trời lặn và sao hôm,

Và một lời kêu gọi rõ ràng cho tôi!

Và xin cho không có sự than khóc tôi,

Khi tôi ra đi… .

Trời chạng vạng và tiếng chuông chiều ngân vang,

Và sau đó là bóng đêm!

Và xin cho không có sự buồn bã vì tạm biệt,

Khi tôi lên đường;

Vì mặc dù ra khỏi giới hạn Thời Gian và Chỗ Ở,

Biển có thể mang tôi đi xa,

Tôi hy vọng thấy được Người Hoa Tiêu của mình, mặt đối mặt

Khi tôi vượt ngang cồn cát ngầm.14

Khi tôi kết thúc sứ điệp của mình cách đây nhiều năm, tôi đã chia sẻ với Bà Patton chứng ngôn cá nhân của mình với tư cách là một nhân chứng đặc biệt, nói cho bà biết rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha rất lưu tâm đến bà—rằng qua lời cầu nguyện chân thành bà có thể giao tiếp với Ngài. Ngài cũng có một Con Trai đã chịu chết, chính là Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là đấng biện hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha, Hoàng Tử Bình An, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc Thiêng Liêng, và một ngày nào đó chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài mặt đối mặt.

Tôi hy vọng rằng sứ điệp của tôi dành cho Bà Patton sẽ tìm đến và cảm động lòng của những người đã mất người thân yêu.

Và giờ đây, thưa các anh chị em, tôi chia sẻ với các anh chị em phần còn lại của câu chuyện này. Tôi đưa ra sứ điệp của mình tại Đại Hội vào ngày 6 tháng Tư năm 1969. Một lần nữa, tôi có rất ít hoặc không có hy vọng rằng Bà Patton sẽ thật sự nghe được bài nói chuyện đó. Tôi không có lý do gì để nghĩ rằng bà ấy sẽ lắng nghe Đại Hội Trung Ương. Như tôi đã nói, bà ấy không phải là một tín hữu của Giáo Hội. Và rồi tôi biết được rằng có một điều gì đó giống như một phép lạ đã xảy ra. Dù không hề biết điều gì và ai sẽ nói chuyện tại Đại Hội, hoặc đề tài nào họ có thể nói, những người láng giềng Thánh Hữu Ngày Sau của Bà Terese Patton ở California nơi mà bà đã dọn nhà đến đó đã mời bà đến nhà họ để nghe một phiên họp Đại Hội với họ. Bà đã chấp nhận lời mời của họ và do đó đã lắng nghe đúng phiên họp mà tôi đưa ra bài nói chuyện về cá nhân bà.

Trong tuần lễ thứ nhất vào tháng Năm năm 1969, tôi rất ngạc nhiên và vui mừng nhận được một lá thư đóng dấu bưu điện ở Pomona, California, và đề ngày 29 tháng Tư năm 1969. Thư đó là của Bà Terese Patton. Tôi chia sẻ với các anh chị em một phần của lá thư đó:

“Tommy mến,

“Bác hy vọng rằng cháu không cảm thấy phiền lòng khi bác gọi cháu là Tommy, như bác luôn luôn nghĩ về cháu như thế. Bác không biết làm sao cám ơn cháu về bài nói chuyện đầy an ủi mà cháu đã đưa ra.

“Arthur được 15 tuổi khi nó gia nhập Hải Quân. Nó chết một tháng trước khi sinh nhật thứ 19 của nó vào ngày 5 tháng Bảy năm 1944.

“Thật là điều tuyệt vời khi cháu nghĩ đến bác và con của bác. Bác không biết làm sao cám ơn cháu về những lời an ủi của cháu, khi Arthur chết và một lần nữa trong bài nói chuyện của cháu. Bác có rất nhiều thắc mắc trong những năm qua và cháu đã giải đáp cho bác rồi. Giờ đây, bác cảm thấy an tâm về Arthur… . Xin Thượng Đế ban phước và giữ gìn cháu mãi mãi.

“Thân ái,

“Terese Patton”15

Thưa các anh chị em, tôi không tin rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tôi có ấn tượng phải đưa ra sứ điệp đặc biệt đó tại Đại Hội tháng Tư năm 1969. Tôi cũng không tin rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Bà Terese Patton được những người láng giềng mời đến nhà họ để cùng xem phiên họp Đại Hội đặc biệt đó. Tôi chắc chắn rằng Cha Thiên Thượng lưu tâm đến các nhu cầu của bà và muốn bà nghe được những lẽ thật đầy an ủi của phúc âm.

Mặc dù Bà Patton đã từ trần từ lâu rồi nhưng tôi cảm thấy có ấn tượng mạnh mẽ để chia sẻ với các anh chị em cách thức mà qua đó Cha Thiên Thượng đã ban phước và cung ứng cho nhu cầu của bà ấy. Với hết sức mạnh của tâm hồn mình, tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng yêu thương mỗi người chúng ta. Ngài lắng nghe những lời cầu nguyện của các tấm lòng khiêm nhường, Ngài nghe thấu những lời than khóc cầu xin giúp đỡ của chúng ta, như Ngài đã nghe lời than khóc của Bà Patton. Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, phán cùng mỗi người chúng ta ngày nay: “Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy.”16

Chúng ta sẽ lắng nghe tiếng gõ cửa ấy không? Chúng ta sẽ lắng nghe tiếng nói đó không? Chúng ta sẽ mở cánh cửa đó cho Chúa để chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ mà Ngài rất sẵn sàng để ban cho không? Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ làm những điều đó, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1969, 126–29.

  2. “Morituri Salutamus,” trong The Complete Poetical Works of Henry Wadsworth Longfellow (1883), 259.

  3. Giăng 14:6.

  4. GLGƯ 93:21.

  5. GLGƯ 93:29.

  6. Giê Rê Mi 1:4, 5.

  7. An Ma 40:11.

  8. Giăng 11:25–26.

  9. Giăng 14:2–3.

  10. Khải Huyền 20:12–13.

  11. 1 Cô Rinh Tô 15:22.

  12. 1 Cô Rinh Tô 13:12.

  13. Ma Thi Ơ 11:28–29.

  14. Alfred Tennyson, “Crossing the Bar,” trong Poems of the English Race, do Raymond Macdonald Alden xuất bản (1921), 362.

  15. Thư riêng của Thomas S. Monson.

  16. Khải Huyền 3:20.