2007
Sau Khi Chúng Ta Đã Làm Tất Cả Những Gì Chúng Ta Có Thể Làm
Tháng Mười Một năm 2007


Sau Khi Chúng Ta Đã Làm Tất Cả Những Gì Chúng Ta Có Thể Làm

Với tư cách là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta đã chọn không làm những người nam và những người nữ bình thường.

Tôi có nghe nói rằng không có ai đã từng chết trong khi đang nói chuyện tại Đại Hội Trung Ương. Nhưng nếu trường hợp này có xảy ra hôm nay thì tôi xin thành thật xin lỗi.

Trong khi đang bị cưỡng bách nhập ngũ ở Argentina, thì tôi đọc một quyển sách mà tôi không còn nhớ tên tác giả, đã viết rằng: “Tôi chọn không làm một người bình thường; tôi có quyền làm một người không bình thường, nếu tôi có thể làm được.”

Việc làm một người không bình thường có nghĩa là một người thành công, khác thường và nổi bật.

Câu nói đó vẫn ghi khắc vào tâm trí tôi. Những cảm nghĩ của tôi là chúng ta, với tư cách là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, đã chọn không làm những người nam và những người nữ bình thường. Những từ cuối cùng “nếu tôi có thể làm được” khiến tôi nghĩ rằng việc chỉ chịu phép báp têm và làm lễ xác nhận thì không đủ, mà thay vì thế, chúng ta phải làm tròn và làm vinh hiển sự cam kết mà chúng ta đã lập với Chúa vào cái ngày đáng nhớ đó.

Lê Hi đã giảng dạy cho con trai Gia Cốp của mình khi nói rằng: “Vậy nên, loài người được tự do theo thể cách xác thịt; và tất cả những điều gì cần thiết cho loài người đều được ban phát cho họ. Và họ được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người; hay là họ muốn lựa chọn cảnh tù đày và sự chết dưới xiềng xích và quyền hành của quỷ dữ; vì nó rất muốn tìm cách làm cho tất cả loài người phải đau khổ như nó vậy” (2 Nê Phi 2:27).

Chắc chắn là sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu là điều mà chúng ta tìm kiếm. Chúng ta run sợ khi nghĩ đến cái chết và bị quỷ dữ giam cầm.

Nê Phi dạy một cách rõ ràng cho chúng ta biết điều chúng ta phải làm. Ông nói: “Vì chúng tôi biết rằng nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23).

Tôi tin rằng điều đầu tiên chúng ta phải nhớ “sau khi đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” là hối cải các tội lỗi của mình. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt đến tiềm năng thiêng liêng của mình nếu chúng ta vẫn ở trong vòng tội lỗi.

Tôi có những kỷ niệm yêu dấu về ngày báp têm của mình khi tôi lên tám tuổi. Phép báp têm ấy được thực hiện ở Chi Nhánh Liniers, ngôi giáo đường đầu tiên của Giáo Hội được xây cất ở Nam Mỹ. Sau lễ báp têm của tôi, trong khi tôi đang đi về nhà cùng với gia đình mình, thì anh trai của tôi bắt đầu đánh vật với tôi như anh ấy vẫn thường làm. Tôi kêu lên: “Đừng động đến tôi, tôi không thể phạm tội!” Với ngày tháng trôi qua, tôi nhận biết rằng tôi không thể nào không phạm tội trong cuộc đời còn lại của mình.

Thật là khó để chịu đựng những nỗi đau khổ đã giáng xuống chúng ta, nhưng nỗi dày vò thật sự trong cuộc sống là chịu đựng hậu quả của những khiếm khuyết và tội lỗi mà chúng ta đã tự gây ra cho mình.

Chỉ có một cách duy nhất để tự giải thoát mình khỏi nỗi đau khổ này. Đó là qua sự hối cải chân thành. Tôi biết rằng nếu tôi có thể dâng lên Chúa một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, cảm thấy một nỗi buồn rầu theo ý Chúa vì tội lỗi của mình, hạ mình, hối cải những lỗi lầm của mình, để qua sự hy sinh chuộc tội đầy kỳ diệu của Ngài, Ngài có thể xóa bỏ các tội lỗi đó và không còn nhớ đến chúng nữa.

Thi sĩ người Argentina, José Hernández, trong quyển sách nổi tiếng của ông tên là Martín Fierro, đã viết:

Một người mất rất nhiều điều

Rồi đôi khi người ấy có thể tìm lại được,

Tuy nhiên tôi phải dạy cho bạn biết

Và là điều tốt để bạn nhớ rằng

Nếu sự hổ thẹn bị mất

Thì không bao giờ tìm lại được.

(La Vuelta de Martín Fierro, phần 2 của Martín Fierro [1879], đoạn 32; C. E. Ward xuất bản song ngữ, phiên dịch [1967], 493)

Nếu chúng ta không trải qua nỗi buồn rầu theo ý Chúa do các tội lỗi hoặc các hành động bất chính của mình mà ra thì chúng ta không thể nào tiếp tục ở trên con đường của những người nổi bật.

Một nguyên tắc quan trọng khác để ghi nhớ “sau khi đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” là tìm kiếm và phát triển các cơ hội mà cuộc sống theo phúc âm luôn luôn mang đến cho chúng ta, và nhận biết rằng Chúa đã ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta có. Ngài có trách nhiệm đối với tất cả những gì tốt lành trong cuộc sống của chúng ta.

Một điều khác nữa mà phải là trách nhiệm thường xuyên của chúng ta là “làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” để chia sẻ phúc âm hạnh phúc với tất cả nhân loại.

Cách đây một thời gian, tôi nhận được một lá thư của Anh Rafael Pérez Cisneros ở Galicia, Tây Ban Nha, nói cho tôi biết về sự cải đạo của anh ấy. Một đoạn trong lá thư của anh ấy như sau:

“Tôi không có khái niệm về mục đích của cuộc sống hoặc gia đình thật sự là gì. Cuối cùng khi tôi cho phép những người truyền giáo vào nhà tôi thì tôi bảo họ: ‘Hãy đưa cho tôi sứ điệp của các anh, nhưng tôi cảnh giác các anh là không có điều gì sẽ làm cho tôi thay đổi tôn giáo của tôi đâu.’ Vào lần đầu tiên này, vợ con của tôi chăm chú lắng nghe. Tôi cảm thấy bị tách rời khỏi nhóm. Tôi cảm thấy sợ hãi, và không suy nghĩ, tôi đi vào phòng ngủ của mình. Tôi đóng cửa lại và bắt đầu cầu nguyện từ đáy sâu tâm hồn của mình giống như tôi chưa hề cầu nguyện trước đó: ‘Thưa Cha, nếu thật sự những người thanh niên này là môn đồ của Cha và đến để giúp đỡ chúng con, thì xin Cha cho con biết điều đó.’ Chính ngay trong lúc đó tôi bắt đầu khóc như một đứa trẻ nhỏ. Nước mắt tôi tuôn trào và tôi cảm thấy hạnh phúc như tôi chưa hề có trước đó. Tôi đắm mình trong niềm vui và hạnh phúc mà thấm sâu vào hồn tôi. Tôi hiểu rằng Thượng Đế đang đáp ứng lời cầu nguyện của tôi.

“Tất cả gia đình của tôi đều chịu phép báp têm và chúng tôi có được phước lành để được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Thụy Sĩ, khiến tôi trở thành người hạnh phúc nhất trên thế gian.”

Tôi nghĩ rằng câu chuyện này cần phải là động cơ thúc đẩy cho chúng ta để làm “tất cả những gì chúng ta có thể làm” để chia sẻ các phước lành của niềm vui có được từ việc sống theo phúc âm hạnh phúc.

Khái niệm cuối cùng tôi muốn chia sẻ là chúng ta cần phải làm “tất cả những gì chúng ta có thể làm” cho đến lúc cuối cùng của những ngày thử thách của chúng ta. Chắc chắn là chúng ta có được những tấm gương sống như Chủ Tịch Gordon B. Hinckley và nhiều người nam và nhiều người nữ khác, là những người tiếp tục phục vụ một cách trung tín vào độ tuổi mà những người khác có thể nghĩ là rất bất tiện để phục vụ.

Khi phục vụ với tư cách là chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Spain Bilbao, tôi rất cảm kích trước đức tính của các tín hữu và những người truyền giáo mà tôi đã gặp, là những người xúc tiến công việc với khả năng và tình yêu thương lớn lao, như nhiều tín hữu trung thành khác của Giáo Hội trong những phần đất khác của thế giới. Tôi bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ chân thành của tôi đối với tất cả họ.

Chúa đã phán rằng Ngài “thích tôn vinh những ai biết phục vụ ta trong sự ngay chính và trong lẽ thật cho đến cùng.

“Phần thưởng của họ sẽ vĩ đại và vinh quang của họ sẽ vĩnh cửu” (GLGƯ 76:5–6).

Cầu xin cho chúng ta luôn luôn có được trong tâm trí của mình những lời của Nê Phi: “Hãy thức tỉnh, hỡi linh hồn ta! Đừng chìm đắm trong tội lỗi nữa… .

“Linh hồn con sẽ hoan lạc trong Ngài, là Thượng Đế là tảng đá cứu rỗi của con” (2 Nê Phi 4:28, 30).

Tôi chân thành cầu nguyện rằng Chúa có thể ban phước cho chúng ta để làm “tất cả những gì chúng ta có thể làm”, trên con đường “không bình thường” này mà chúng ta đã chọn, tôi xin làm chứng điều này là chân chính. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.