2007
Củng Cố Mái Ấm Gia Đình
Tháng Mười Một năm 2007


Củng Cố Mái Ấm Gia Đình

Chúa tin cậy vào các em để phụ giúp trong sự tôn cao của gia đình vĩnh cửu của các em.

Mỗi Chúa Nhật, từ Mông Cổ đến Manchester đến Mississippi, các thiếu nữ của Giáo Hội đều lặp lại những lời đầy soi dẫn này: “Chúng tôi sẽ được chuẩn bị để củng cố nhà cửa và gia đình, lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng, tiếp nhận các giáo lễ của đền thờ, và vui hưởng các phước lành của sự tôn cao” (“Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ,” Sự Tiến Triển Cá Nhân của Các Thiếu Nữ [quyển sách nhỏ, 2001],5).

Mặc dù đây là chủ đề của Hội Thiếu Nữ, nhưng nó vẫn áp dụng cho tất cả thanh thiếu niên trong Giáo Hội. Tôi hi vọng nó có thể giúp các em là các em trẻ tuổi của tôi, hiểu được sức mạnh biết dường nào của những hành động cá nhân của các em có thể có trong việc củng cố mái ấm gia đình của mình, bất kể hoàn cảnh của các em ra sao đi nữa. Chẳng hạn, tôi hiểu rằng nhiều người trong số các em có thể là tín hữu duy nhất của Giáo Hội trong gia đình mình.

Sách Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ nhắc nhở chúng ta rằng “việc là phần tử của một gia đình là một phước lành lớn lao… . Không phải tất cả các gia đình đều giống nhau nhưng mỗi một gia đình là quan trọng trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng” ([quyển sách nhỏ, 2001], 10).

Tất cả mọi gia đình đều cần được củng cố, từ gia đình lý tưởng cho đến gia đình gặp khó khăn nhất. Sự củng cố đó có thể đến từ các em. Thật ra, trong một số gia đình các anh chị em cũng có thể là nguồn sức mạnh thuộc linh duy nhất. Chúa tin cậy vào các em để đem lại những phước lành của phúc âm cho gia đình của các em.

Việc thiết lập những mẫu mực ngay chính trong cuộc sống của các em là quan trọng, mà nó sẽ giúp các em có thể nêu ra một tấm gương tốt cho gia đình mình, bất luận gia đình của các em như thế nào đi nữa..

Tấm gương của cuộc sống ngay chính của các em sẽ củng cố gia đình các em. Chủ Tịch Hinckley đã đưa ra cho hội thiếu nữ “một chương trình có bốn điểm đơn giản” trong Đại Hội Trung Ương Hội Thiếu Nữ mùa xuân năm ngoái mà sẽ không những “bảo đảm hạnh phúc của các em” mà sẽ còn ban phước cho gia đình của các em nữa. Ông đã khuyên dạy mỗi chúng ta nên “(1) cầu nguyện, (2) học thánh thư, (3) đóng tiền thập phân, và (4) tham dự các buổi họp nhà thờ” (“Hãy để cho Đức Hạnh của Ngươi Làm Đẹp Tư Tưởng của Ngươi Luôn Luôn,” Liahona, tháng Năm năm 2007, 115).

Việc tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa hàng ngày qua sự cầu nguyện sẽ đem lại những phước lành lớn lao cho gia đình của các em. Hãy tự hỏi: “Ai trong gia đình tôi có thể được lợi ích từ những lời cầu nguyện của cá nhân tôi?” “Tôi có thể làm gì để hỗ trợ và khuyến khích việc cầu nguyện chung gia đình?”

Khi tự học thánh thư, các em sẽ tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài. Từ tấm gương của Ngài, các em sẽ biết cách thương yêu, phục vụ và tha thứ cho những người trong gia đình của các em. Hãy cân nhắc cách thức các em có thể chia sẻ sự hiểu biết của mình về thánh thư với gia đình mình.

Trong nhiều dịp, Chủ Tịch Hinckley đã khuyên dạy chúng ta nên “đạt được càng nhiều học vấn càng tốt” (Liahona, tháng Năm năm 2007, 116). Học vấn của các em sẽ có lợi ích cho gia đình của các em bây giờ và chắc chắn sẽ ban phước cho gia đình tương lai của các em. Các em có thể làm gì bây giờ để lập kế hoạch và chuẩn bị cho một học vấn tốt?

Chủ Tịch Hinckley đã dạy chúng ta: “Mặc dù tiền thập phân được đóng bằng tiền, nhưng điều quan trọng hơn là nó được đóng với đức tin” (Liahona, tháng Năm năm 2007, 117). Các em hiện có kinh nghiệm được những phước lành của việc đóng tiền thập phân—với đức tin không? Khi các em tuân theo giáo lệnh này, thì Chúa sẽ “mở các cửa sổ trên trời” (Ma La Chi 3:10) để ban phước lành cho các em và gia đình các em.

Việc có thể tham dự các buổi họp của các em—nhất là lễ Tiệc Thánh—ban phước cho các em và gia đình các em như thế nào? Việc thường xuyên dự phần Tiệc Thánh sẽ giúp các em tuân giữ giao ước báp têm của mình. Khi các em sống xứng đáng và lặp lại giao ước này hàng tuần, thì các em sẽ hội đủ điều kiện để nhận sự hướng dẫn của Thánh Linh. Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn các em và sẽ giảng dạy cho các em điều nên làm để ban phước cho gia đình của mình.

Khi các em cam kết với những mẫu mực ngay chính này, thì các em sẽ được ban phước trong suốt cuộc sống của mình và sẽ phát triển nền tảng thuộc linh mà từ đó các em có thể củng cố gia đình của mình qua tấm gương. Trong 1 Ti Mô Thê, Phao Lô giảng dạy chúng ta về tấm gương: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ” (1 Ti Mô Thê 4:12).

Đoạn Gia Đình trong sách Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ đưa ra một số cách thức quan trọng mà các em có thể “ làm gương cho các tín đồ” trong nhà của mình:

“Hãy vui vẻ, giúp ích và ân cần đối với những người khác… . Hãy biết quan tâm đến các nhu cầu của những người khác trong gia đình… .

“Hãy hiếu thảo với cha mẹ các em bằng cách cho thấy tình yêu thương và sự tôn kính đối với họ và bằng cách vâng lời… . Hãy tham gia vào những sinh hoạt và truyền thống trong gia đình, kể cả sự cầu nguyện chung gia đình, các buổi họp tối gia đình, và đọc thánh thư chung gia đình. Những truyền thống này củng cố và đoàn kết gia đình… .

“Củng cố mối quan hệ của các em với các anh chị em của mình. Họ có thể trở thành những người bạn thân nhất của các em” (10–11).

Tấm gương thường là người thầy tốt nhất. Ai trong gia đình của các em có thể được lợi ích từ tấm gương của các em—anh em trai, chị em gái, mẹ hay cha của các em?

Tôi xin kể cho các em nghe về một kinh nghiệm từ cuộc sống của tôi và làm thế nào mà những mẫu mực của tấm gương ngay chính của anh trai tôi đã đưa đến phước lành vĩnh cửu cho gia đình chúng tôi.

Anh trai tôi và tôi được sinh ra trong “một gia đình nề nếp” (1 Nê Phi 1:1) mà cha mẹ tôi đã yêu thương và hy sinh rất nhiều cho cả hai chúng tôi, nhưng gia đình chúng tôi đã chưa được ban phước với các giáo lễ thiêng liêng của đền thờ.

Cách đây nhiều năm vào một ngày cuối tháng Mười Hai, chúng tôi nhận được một lá thư từ anh trai tôi đang phục vụ tại Phái Bộ Truyền Giáo California North. Bên ngoài phong bì được viết với lời cảnh cáo: “Không Được mở cho đến khi cả nhà đều có mặt!!”

Khi cha mẹ tôi và tôi cùng nhau mở lá thư đánh máy dài bảy trang, chúng tôi đã đọc chứng ngôn của anh về sự cầu nguyện. Anh đã dạy cho chúng tôi giáo lý về gia đình vĩnh cửu từ thánh thư. Chúng tôi đã đọc những kinh nghiệm của anh về việc nhịn ăn và cầu nguyện đã giúp cho những người tầm đạo của anh chuẩn bị để nhận giáo lễ báp têm như thế nào. Anh đảm bảo với chúng tôi rằng gia đình chúng tôi cũng có thể được phước qua việc nhịn ăn và cầu nguyện. Rồi anh đưa ra điều thử thách này: “Cách đây hai tháng, vị giám trợ của Tiểu Giáo Khu Stanford đã nói chuyện về một chủ đề đã làm cho con xúc động… . Bài nói chuyện của vị giám trợ đã làm con phải bỏ ra thời giờ suy nghĩ và thấy rõ các mục tiêu con muốn hoàn thành trong cuộc sống. Quan trọng hơn hết trong tâm trí con là mục tiêu con muốn đạt được với gia đình của con … tức là, tất nhiên, được làm lễ gắn bó với em, Mẹ và Cha, cho thời tại thế và suốt thời vĩnh cửu trong ngôi nhà của Chúa. Con yêu gia đình mình rất nhiều và muốn gia đình chúng ta được mãi mãi sống cùng nhau trong thời vĩnh cửu.”

Rồi những lời kết thúc của anh: “Cầu xin Chúa hướng dẫn gia đình trong quyết định quan trọng này và cầu xin cả gia đình cùng cầu nguyện chung là lời cầu nguyện của con.”

Khi còn là một thiếu nữ, tôi cũng đã cầu nguyện về phước lành này đến với gia đình tôi. Lá thư này bây giờ đã đem lại hy vọng cho ước muốn ngay chính của tôi.

Năm mới đã là một cơ hội cho gia đình chúng tôi để thực hiện một số thay đổi. Trong nhiều tháng tiếp theo, chúng tôi đã thiết lập những mẫu mực gia đình ngay chính. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện, học về các giáo lễ của đền thờ, đóng tiền thập phân, và tham dự các buổi họp thường xuyên—chung gia đình. Không lâu sau đó anh trai tôi trở về từ công việc truyền giáo của anh, chúng tôi đã sẵn sàng để tiếp nhận các giáo lễ của đền thờ. Tôi biết rằng Chúa đã lắng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng tôi khi chúng tôi vây quanh bàn thờ thánh trong đền thờ và đã được làm lễ gắn bó với tính cách là một gia đình cho thời tại thế và suốt thời vĩnh cửu.

Các em có thể tạo ra một sự khác biệt trong gia đình của mình không? Có, các em có thể chứ! Tôi thường thắc mắc về sự tiến bộ vĩnh cửu của gia đình mình nếu anh trai của tôi đã không viết lá thư đầy tác động đó. Mẫu mực ngay chính và tấm gương của anh đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi.

Anh cả Robert D.Hales đã nói: “Nếu tấm gương mà chúng ta nhận được từ cha mẹ của mình là không tốt, thì đó là trách nhiệm của chúng ta để phá vỡ chu trình này … Mỗi người có thể học một lối sống tốt hơn và khi làm như vậy thì sẽ ban phước cho cuộc sống của những người trong gia đình bây giờ và dạy những truyền thống đúng đắn cho những thế hệ tiếp sau.” (“How Will Our Children Remember Us?” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, 10).

Hãy ghi nhớ, “ Gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài” (“Gia Đình: BảnTuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49). Những gia đình vĩnh cửu được tạo nên bởi nhiều cá nhân. “Hãy góp phần vào việc xây dựng một mái nhà hạnh phúc” (Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ, 10). Hãy thiết lập những mẫu mực ngay chính trong cuộc sống của các em. Và hãy làm một tấm gương của các tín đồ. Chúa tin cậy vào các em để phụ giúp trong sự tôn cao của gia đình vĩnh cửu của các em.

Tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Ngài biết các em và yêu thương các em. Ngài đã ban phước cho tôi và gia đình tôi, và tôi biết Ngài sẽ ban phước cho các em và gia đình của các em. Tôi khiêm tốn làm chứng điều này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.