2007
Có Sự Hiểu Biết về Điều Chúng Ta Biết
Tháng Mười Một năm 2007


Có Sự Hiểu Biết về Điều Chúng Ta Biết

Chứng ngôn của những người khác có thể khởi đầu và nuôi dưỡng ước muốn cho đức tin và chứng ngôn, nhưng cuối cùng mỗi cá nhân phải tự mình tìm hiểu lấy.

Cách đây nhiều năm, có một người đàn ông bị cáo buộc một trọng tội. Công tố viên trình diện ba nhân chứng, mỗi người trong số họ đều trông thấy người đàn ông này phạm tội. Rồi luật sư của bị cáo trình diện ba nhân chứng, không một ai trong số họ đã trông thấy sự phạm tội. Bồi thẩm đoàn non nớt cảm thấy hoang mang. Dựa vào con số nhân chứng, bồi thẩm đoàn chia ra bằng nhau trong việc bỏ phiếu thuận và chống. Người đàn ông đó được tha bổng. Dĩ nhiên, việc hằng triệu người không bao giờ thấy tội phạm là điều không thích đáng. Chỉ cần một nhân chứng là đủ.

Trong kế hoạch phúc âm tuyệt diệu thì cuối cùng chỉ cần có một nhân chứng, nhưng nhân chứng đó phải là anh, chị, em. Chứng ngôn của những người khác có thể khởi đầu và nuôi dưỡng ước muốn cho đức tin và chứng ngôn, nhưng cuối cùng mỗi cá nhân phải tự mình tìm hiểu lấy. Không một ai có thể thường xuyên trông cậy vào chứng ngôn của người khác.

Phúc âm phục hồi ngày nay không chân chính hơn lúc mà một thiếu niên một mình bước vào Khu Rừng Thiêng Liêng vào năm 1820. Lẽ thật không bao giờ tùy thuộc vào con số những người chấp nhận nó. Khi Joseph rời khu rừng đó thì chỉ có một người độc nhất trên thế gian biết được lẽ thật về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài Chúa Giê Su Ky Tô. Tuy nhiên, điều cần thiết là mỗi người phải tự mình tìm kiếm và mang chứng ngôn vững mạnh đó vào cuộc sống mai sau.

Khi thanh niên hai mươi ba tuổi Heber J. Grant được chỉ định làm chủ tịch Giáo Khu Tooele, thì ông cho Các Thánh Hữu biết là ông tin rằng phúc âm là chân chính. Chủ Tịch Joseph F. Smith, một cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã hỏi: “Heber, anh nói rằng anh hết lòng tin nơi phúc âm, … nhưng anh không làm chứng rằng anh biết phúc âm là chân chính. Anh có hoàn toàn biết rằng phúc âm này là chân chính không?”

Heber đáp: “Thưa không, tôi không biết.” Rồi Joseph F. Smith quay sang John Taylor, Chủ Tịch Giáo Hội, và nói: “Trưa hôm nay tôi ủng hộ việc hủy bỏ điều chúng ta làm buổi sáng hôm nay. Tôi không nghĩ rằng bất cứ người nào chủ tọa một giáo khu mà lại không có một sự hiểu biết hoàn toàn và tuyệt đối về sự thiêng liêng của công việc này.”

Chủ Tịch Taylor đáp: “Joseph, Joseph, Joseph, [Heber] biết điều đó cũng giống như anh đã biết. Điều duy nhất mà anh ấy không biết là anh ấy đã biết.”

Trong vòng một vài tuần thì chứng ngôn đó trở thành hiện thực và thanh niên Heber J. Grant đã nhỏ những giọt lệ biết ơn về phúc âm trọn vẹn, tuyệt đối và chắc chắn mà đã đến với cuộc sống của ông.1

Đó là điều rất quan trọng để biết—và biết rằng mình đã biết—và chứng ngôn không thể vay mượn từ một người khác.

Cách đây nhiều năm, tôi đã chủ tọa một phái bộ truyền giáo có trụ sở ở miền Trung Tây Hoa Kỳ. Một ngày nọ, cùng với một vài người truyền giáo của chúng tôi, tôi đã nói chuyện với một người đại diện đáng kính của một tín ngưỡng Ky Tô giáo khác. Người lịch thiệp này nói về lịch sử và giáo lý của tôn giáo mình, cuối cùng lặp lại những lời quen thuộc: “Nhờ ân điển mà anh chị em được cứu. Mỗi người nam và người nữ cần phải sử dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô để được cứu.”

Trong số những người hiện diện là một người truyền giáo mới. Người ấy hoàn toàn không quen thuộc với các tôn giáo khác. Anh ấy phải đặt ra câu hỏi: “Nhưng, thưa ông, điều gì xảy ra cho đứa trẻ nhỏ bị chết trước khi nó đủ tuổi để hiểu biết và sử dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô?” Người đàn ông trí thức cúi đầu, nhìn xuống sàn nhà và nói: “Cần phải có một ngoại lệ. Cần phải có một kẽ hở. Cần phải có một cách nào đó; nhưng lại không có.”

Người truyền giáo nhìn tôi, với đôi mắt nhòa lệ, nói: “Ôi chao, thưa chủ tịch, chúng ta có lẽ thật chứ!”

Giây phút mà chúng ta nhận biết là mình có được một chứng ngôn—khi mình có sự hiểu biết rằng mình đã biết—thì thật tuyệt vời và siêu phàm. Chứng ngôn đó, nếu được nuôi dưỡng, sẽ mang đến cho các anh chị em quyền năng và sự bảo vệ. Khi thấy ánh sáng, chúng ta đắm chìm trong đó. Ánh sáng của sự hiểu biết chiếu rực trong tâm trí chúng ta.

Có lần tôi nói chuyện với một thanh niên lịch thiệp không thuộc tín ngưỡng của chúng ta, mặc dù người ấy đã tham dự hầu hết các buổi lễ thờ phượng của chúng ta trong hơn một năm. Tôi hỏi lý do tại sao người ấy không gia nhập Giáo Hội. Người ấy đáp: “Vì tôi không biết điều đó có thật không. Tôi nghĩ có lẽ điều đó có thật nhưng tôi không thể đứng lên làm chứng, như ông đã làm: ‘Tôi thật sự biết rằng điều đó có thật.’”

Tôi hỏi: “Anh đã đọc Sách Mặc Môn chưa?” Người ấy trả lời rằng người ấy đã đọc sách đó rồi.

Tôi hỏi người ấy có cầu nguyện về sách đó không. Người ấy đáp: “Tôi có đề cập đến sách đó trong những lời cầu nguyện của mình.”

Tôi nói với người bạn của tôi rằng chừng nào mà người ấy còn đọc sách và cầu nguyện một cách tùy tiện thì người ấy sẽ không bao giờ tìm ra những thế giới vô tận. Nhưng khi người ấy dành ra một thời gian nhịn ăn và cầu khẩn, thì lẽ thật sẽ hừng hực trong lòng người ấy, và người ấy sẽ biết rằng mình đã biết. Người ấy không nói gì thêm với tôi, nhưng sáng hôm sau đã cho vợ của mình biết rằng người ấy sẽ nhịn ăn. Ngày thứ Bảy kế tiếp thì người ấy chịu phép báp têm.

Nếu các anh chị em muốn biết rằng mình đã có sự hiểu biết thì một cái giá phải được trả. Và các anh chị em cần phải trả cái giá đó một mình. Những người khác có thể nhận được giáo lễ thay cho người đã chết nhưng không một ai có thể nhận được chứng ngôn thay cho người khác.

An Ma nói về sự cải đạo của mình bằng những lời tuyệt diệu này: “Tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện nhiều ngày để tự mình biết được những điều này. Và bây giờ tôi tự biết rằng những điều này là thật; vì Đức Chúa Trời đã biểu lộ những điều này cho tôi biết (An Ma 5:46).”

Khi một chứng ngôn đã được nhận biết thì có một ước muốn mãnh liệt của người có chứng ngôn đó để chia sẻ nó với những người khác. Khi Brigham Young chịu phép báp têm, ông đã nói: “Thánh Linh của Chúa ngự trên tôi, và tôi cảm thấy thể như xương cốt của tôi hừng hực trong tôi trừ phi tôi nói chuyện với những người khác … bài nói chuyện đầu tiên tôi đưa ra dài hơn một giờ đồng hồ. Tôi mở miệng ra nói, thì Chúa làm đầy dẫy lời nói.”2 Như lửa sẽ không cháy, trừ phi ngọn lửa được nhìn thấy, thì một chứng ngôn không thể tồn tại nếu nó không được chia sẻ.

Về sau Brigham Young đã nói về Orson Pratt: “Nếu Anh Orson có bị chặt ra từng mảnh nhỏ thì mỗi mảnh nhỏ ấy vẫn kêu lên: ‘Đạo Mặc Môn là chân chính.’”3 Tổ phụ Lê Hi đã khen ngợi người con trai cao quý của mình, là Nê Phi, bằng những lời này: “Nhưng này, đó chẳng phải là cá nhân nó, mà chính là Thánh Linh của Chúa trong nó làm nó mở miệng phát nên lời mà nó không thể nín thinh được” (2 Nê Phi 1:27).

Cơ hội và trách nhiệm để chia sẻ chứng ngôn có được trước nhất trong bối cảnh gia đình. Con cái của chúng ta sẽ có thể nhớ ánh sáng trong mắt của chúng ta, lời chứng của chúng ta vang lên trong tai chúng và cảm tưởng trong lòng khi chúng ta làm chứng cùng những người quý báu nhất đang lắng nghe chúng ta rằng Chúa Giê Su thật sự là Vị Nam Tử của Thượng Đế, và Joseph là vị tiên tri của Ngài. Con cháu của chúng ta phải biết rằng chúng ta có sự hiểu biết đó, vì chúng ta thường nói cho chúng biết.

Các vị lãnh đạo thời trước của Giáo Hội đã trả một giá rất đắt để thiết lập gian kỳ này. Có lẽ chúng ta sẽ gặp lại họ trong cuộc sống mai sau, và lắng nghe chứng ngôn của họ. Khi được kêu gọi để làm chứng thì chúng ta sẽ nói gì? Sẽ có những người với chứng ngôn yếu kém và những người với chứng ngôn vững mạnh trong cuộc sống mai sau. Thời vĩnh cửu là một thời gian lâu dài để sống nếu không có ánh sáng, nhất là nếu những người phối ngẫu và con cháu của chúng ta cũng sống trong bóng tối vì không có ánh sáng trong chúng ta và những người khác, do đó, chứng ngôn của những người khác cũng không thể được củng cố bởi chứng ngôn của chúng ta.

Chúng ta cần phải quỳ xuống mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối cầu khẩn lên Chúa để chúng ta sẽ không bao giờ mất đức tin, chứng ngôn hoặc đức hạnh của mình. Chỉ có một nhân chứng mà thôi, mà nhân chứng đó chính là anh, chị, em.

Tôi có một chứng ngôn. Tôi có được ước muốn mãnh liệt để chia sẻ chứng ngôn. Tôi làm chứng rằng quyền năng của Thượng Đế hằng sống đang ở trong Giáo Hội này. Tôi có sự hiểu biết về điều tôi biết và lời chứng của tôi là đúng thật. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Heber J. Grant, Gospel Standards, do G. Homer Durham biên soạn (1941), 191–93.

  2. Trong Deseret News, ngày 3 tháng Tám năm 1870, 306.

  3. Tập San Văn Phòng của Chủ Tịch Brigham Young, ngày 1 tháng Mười năm 1860, Tập Hồ Sơ Văn Phòng Brigham Young, Văn Khố Giáo Hội, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô; lối chấm câu và viết bằng chữ hoa đã được đổi mới.