Giáo Lệnh Lớn
Khi chúng ta tìm đến để phụ giúp những người hèn mọn nhất trong số các con cái của Cha Thiên Thượng, thì chúng ta đã làm điều đó cho Ngài
Thưa các anh chị em, tôi xin đặt ra một câu hỏi rất quan trọng: Đức tính nào xác định một cách đúng nhất rằng chúng ta là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô?
Hôm nay tôi muốn nói về câu trả lời cho câu hỏi này.
Trong thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, các tín hữu của Giáo Hội đang phát triển ở Cô Rinh Tô rất nhiệt tình với phúc âm. Hầu như tất cả đều là những người mới cải đạo vào Giáo Hội. Nhiều người được thu hút đến với Giáo Hội là nhờ vào lời thuyết giảng của Sứ Đồ Phao Lô và những người khác.
Nhưng Các Thánh Hữu ở Cô Rinh Tô cũng hay tranh chấp. Họ tranh cãi với nhau. Một số người cảm thấy giỏi hơn những người khác. Họ đưa nhau ra tòa.
Khi Phao Lô nghe được điều này và cảm thấy thất vọng, ông viết cho họ một bức thư khẩn nài họ hãy trở nên đoàn kết hơn. Ông trả lời nhiều câu hỏi mà họ đã tranh cãi với nhau. Rồi, gần đến cuối, ông bảo họ rằng ông muốn cho họ thấy “con đường tốt lành hơn.”1
Các anh chị em có nhớ những lời kế tiếp mà ông viết không?
Ông nói với họ: “Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng.”2
Sứ điệp của Phao Lô dành cho nhóm Thánh Hữu mới này rất giản dị và thẳng thắn: nếu các anh chị em không có lòng bác ái thì bất cứ điều gì các anh chị em làm cũng không mang lại nhiều khác biệt. Các anh chị em có thể nói tiếng lạ, có được ân tứ nói tiên tri, hiểu biết tất cả những sự huyền diệu, và có được mọi sự hiểu biết—cho dù các anh chị em có đức tin để dời núi, nhưng nếu không có lòng bác ái thì nó cũng sẽ chẳng có lợi ích gì cho các anh chị em.3
“Lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô.”4 Đấng Cứu Rỗi nêu gương yêu thương đó và dạy về tình yêu thương này ngay cả khi Ngài bị dày vò bởi những người khinh miệt và ghét Ngài.
Vào một dịp nọ, những người Pha Ri Si cố gắng gài bẫy Chúa Giê Su bằng cách đặt ra cho Ngài một câu hỏi dường như không thể trả lời được. Họ hỏi: “Thưa Thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?”5
Những người Pha Ri Si đã bàn cãi rất nhiều về câu hỏi này và đã nhận ra hơn 600 lệnh truyền.6 Nếu việc đem sắp xếp các lệnh truyền này theo thứ tự ưu tiên là một nhiệm vụ khó khăn như thế cho các học giả, thì chắc chắn họ nghĩ rằng câu hỏi đó không thể nào giải đáp được bởi một người con trai của người thợ mộc từ xứ Ga Li Lê.
Nhưng khi những người Pha Ri Si nghe câu trả lời của Ngài, thì chắc hẳn họ đã bị bối rối, bởi vì nó nêu lên sự yếu kém rõ rệt của họ. Ngài đáp rằng:
“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.
“Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.
“Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”7
Kể từ ngày đó, lời tuyên phán đầy soi dẫn này đã được lặp lại qua nhiều thế hệ. Giờ đây đối với chúng ta, mức độ yêu thương của chúng ta là mức độ cao quý của tâm hồn chúng ta.
Thánh thư dạy chúng ta rằng “nếu có một người yêu mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó.”8 Thật là một lời hứa kỳ diệu—được Ngài biết đến. Lời hứa này làm cho chúng ta cảm thấy vui mừng, để nghĩ rằng Đấng sáng tạo trời và đất có thể biết chúng ta và yêu thương chúng ta với một tình yêu thương thuần khiết, vĩnh cửu.
Vào năm 1840, Tiên Tri Joseph đã gửi một lá thư đến Mười Hai Vị Sứ Đồ trong đó ông đã dạy rằng “tình yêu thương là một trong những đặc tính chính yếu của Thượng Đế, và cần phải được biểu lộ bởi những người mong muốn làm các con trai của Thượng Đế. Một người tràn đầy tình yêu thương của Thượng Đế, thì sẽ không mãn nguyện với việc chỉ ban phước cho gia đình mình mà thôi, mà tình yêu thương của người đó còn được mang đến cho toàn thể thế gian, và người ấy thiết tha muốn ban phước cho toàn thể nhân loại.”9
Khi chúng ta tìm đến với những người chung quanh mình trong tình yêu thương thì chúng ta làm tròn một nửa giáo lệnh lớn lao để “yêu kẻ lân cận như mình.”10
Cả hai giáo lệnh này đều cần thiết vì khi chúng ta mang gánh nặng lẫn cho nhau thì chúng ta đã làm tròn luật pháp của Đấng Ky Tô.11
Tình yêu thương là chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối của con đường của các môn đồ. Nó an ủi, khuyên nhủ, chữa lành, và khuyên giải. Nó dẫn chúng ta ngang qua những thung lũng tối tăm và qua bức màn chết. Cuối cùng, tình yêu thương dẫn chúng ta đến vinh quang và sự cao qúy của cuộc sống vĩnh cửu.
Theo tôi, Tiên Tri Joseph Smith luôn luôn nêu gương về tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô. Nhiều người đã hỏi ông tại sao ông có được nhiều tín đồ, và giữ họ lại được như vậy. Ông trả lời: “Bởi vì tôi có được nguyên tắc yêu thương.”12
Có câu chuyện kể về một đứa bé trai 14 tuổi đến Nauvoo đi tìm người anh trai của nó sống gần đó. Đứa bé trai này đến vào mùa đông không có tiền và cũng chẳng có bạn bè. Khi nó hỏi thăm về người anh trai của nó, đứa bé này được dẫn đến một căn nhà to giống như một khách sạn. Nơi đó, nó gặp một người đàn ông và người này nói: “Vào đây, con, chúng tôi sẽ chăm sóc con.”
Đứa bé trai chấp nhận, và được mang vào nhà nơi mà nó được cho ăn, được ấm áp, và được cho một cái giường để ngủ.
Ngày hôm sau, trời rất lạnh, nhưng bất kể điều đó, đứa bé trai tự chuẩn bị để đi bộ mười ba cây số đến nơi mà người anh trai của nó đang ở.
Khi người chủ nhà thấy điều này thì ông bảo đứa bé trai ở nán lại một lát. Ông nói rằng sẽ có một cái xe ngựa đến trong chốc lát và rằng đứa bé có thể đi xe ngựa với họ.
Khi đứa bé trai phản đối, nói rằng nó không có tiền thì người đàn ông ấy bảo nó đừng lo lắng về điều đó, họ sẽ lo cho nó.
Về sau, đứa bé trai biết rằng người chủ nhà chính là Joseph Smith, Vị Tiên Tri người Mặc Môn. Đứa bé trai này đã nhớ đến hành động bác ái này suốt cuộc đời của nó.13
Trong một sứ điệp mới đây của chương trình Âm Nhạc và Ngôn Từ của Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle, có câu chuyện kể về một người đàn ông và một người đàn bà đã kết hôn với nhau nhiều thập niên. Vì người vợ dần dần mất đi thị giác, nên bà không còn tự lo cho mình được theo cách mà bà đã làm trong nhiều năm. Không cần phải được yêu cầu, người chồng đã bắt đầu sơn móng tay cho bà.
“Ông ấy biết rằng bà có thể thấy được các móng tay của bà khi bà đưa chúng lên gần mắt mình, vào đúng góc cạnh và chúng làm cho bà mỉm cười. Ông rất thích nhìn thấy bà vui, nên ông vẫn sơn móng tay cho bà trong hơn năm năm trước khi bà qua đời.”14
Đó là tấm gương về tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô. Đôi khi, tình yêu thương lớn lao nhất không được tìm thấy trong những khung cảnh bi thảm mà các nhà thơ và các nhà văn làm thành bất hủ. Thường thường, những biểu hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương là những hành động tử tế và chăm sóc giản dị mà chúng ta thực hiện cho những người chúng ta gặp trong cuộc sống.
Tình yêu thương chân thật tồn tại vĩnh viễn, là sự kiên nhẫn và tha thứ mãi mãi. Nó tin tưởng, hy vọng và chịu đựng tất cả mọi điều. Đó là tình yêu thương mà Cha Thiên Thượng có cho chúng ta.
Chúng ta đều ước ao được trải qua tình yêu thương như vậy. Dù chúng ta có làm điều lầm lỗi, chúng ta cũng hy vọng những người khác sẽ yêu thương chúng ta bất kể những thiếu sót của chúng ta—mặc dù chúng ta không xứng đáng với điều ấy.
Ôi, thật là kỳ diệu để biết rằng Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta—bất kể tất cả những thói xấu của chúng ta! Tình yêu thương của Ngài là như thế cho dù chúng ta có tự bỏ cuộc nhưng Ngài thì không từ bỏ chúng ta.
Chúng ta chỉ thấy con người của mình trong quá khứ và hiện tại. Cha Thiên Thượng thấy con người chúng ta qua tiềm năng vĩnh cửu của chúng ta. Mặc dù chúng ta có thể hài lòng với điều kém hơn, nhưng Cha Thiên Thượng thì không như thế. Vì Ngài thấy chúng ta là những con người vinh quang mà chúng ta có khả năng để trở thành.
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là phúc âm của sự thay đổi. Nó dẫn dắt và cải tiến chúng ta là những người nam và những người nữ của thế gian thành những người nam và những người nữ cho thời vĩnh cửu.
Phương tiện của sự cải tiến này là tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô của chúng ta. Không có nỗi đau đớn nào mà tình yêu thương không thể xoa dịu, không có nỗi cay đắng nào mà nó không thể xóa bỏ, cũng như không có lòng căm thù nào mà nó không thể thay đổi được. Nhà soạn kịch Hy Lạp tên Sophocles đã viết: “Một từ giải thoát chúng ta khỏi tất cả mọi khó khăn và đau đớn trong đời. Từ đó là tình yêu thuơng.”15
Giây phút trân quý và thiêng liêng nhất của cuộc sống chúng ta là những giây phút tràn đầy tinh thần yêu thương. Mức độ yêu thương của chúng ta càng lớn thì niềm vui của chúng ta càng nhiều hơn. Cuối cùng, sự phát triển tình yêu thương như vậy là mức độ thành công thật sự trong đời.
Các anh chị em có yêu mến Chúa không?
Hãy dành thời giờ cho Ngài. Hãy suy ngẫm lời Ngài. Hãy gánh lấy ách của Ngài. Hãy cố gắng tìm hiểu và vâng lời, “vì này là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài.”16 Khi chúng ta yêu mến Chúa, sự vâng lời sẽ không còn là gánh nặng nữa. Sự vâng lời trở thành một niềm vui sướng. Khi yêu mến Chúa, chúng ta ít tìm kiếm những điều lợi ích cho mình hơn và hướng lòng mình đến những điều mà sẽ ban phước và nâng đỡ những người khác.
Khi tình yêu thương của chúng ta đối với Chúa càng đậm đà hơn, thì tâm trí của chúng ta được thanh tẩy. Chúng ta trải qua một “sự thay đổi lớn lao trong lòng [mình], khiến [chúng ta] không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện.”17
Thưa các anh chị em, khi các anh chị em thành tâm cân nhắc những điều mà các anh chị em có thể làm để gia tăng sự hòa thuận, nếp sống thuộc linh, và xây đắp Vương Quốc của Thượng Đế, thì hãy suy nghĩ về bổn phận thiêng liêng của các anh chị em để giảng dạy cho những người khác biết yêu mến Chúa và đồng loại của họ. Đây là mục tiêu chính của cuộc sống của chúng ta. Nếu không có lòng bác ái—hoặc tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô—thì bất cứ điều gì khác mà chúng ta hoàn thành cũng không quan trọng. Nếu có lòng bác ái, thì tất cả các điều khác đều trở nên mạnh mẽ và sinh động.
Khi chúng ta soi dẫn và giảng dạy những người khác làm tràn đầy lòng họ với tình yêu thương, thì sự vâng lời bắt đầu đến từ trong lòng và biểu lộ ra ngoài bằng những hành động tình nguyện hy sinh và phục vụ. Vâng, chẳng hạn như những người đi giảng dạy tại gia vì bổn phận thì có thể làm tròn bổn phận của họ. Nhưng những người đi giảng dạy tại gia vì tình yêu thương chân thật đối với Chúa và đối với đồng loại của họ thì sẽ có thể đảm nhận nhiệm vụ đó với một thái độ rất khác biệt.
Trở lại câu hỏi đầu tiên của tôi, đức tính nào xác định một cách đúng nhất rằng chúng ta là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô? Tôi xin trả lời: chúng ta là một dân tộc hết lòng, hết tâm hồn, hết tâm trí yêu mến Chúa và chúng ta yêu thương những người lân cận của mình như bản thân mình.
Đó là đặc điểm của chúng ta là một dân tộc. Nó giống như ngọn hải đăng đối với thế gian cho thấy chúng ta là các môn đồ của ai.18
Vào ngày cuối cùng, Đấng Cứu Rỗi sẽ không hỏi về những sự kêu gọi của chúng ta. Ngài sẽ không hỏi về những của cải vật chất hoặc danh tiếng của chúng ta. Ngài sẽ hỏi xem chúng ta có chăm sóc cho người bệnh, mang thức ăn và thức uống đến cho kẻ đói, đi thăm kẻ ở trong nhà giam, hoặc giúp đỡ người yếu đuối không.19 Khi chúng ta tìm đến để phụ giúp những người hèn mọn nhất trong số các con cái của Cha Thiên Thượng, thì chúng ta đã làm điều đó cho Ngài.20 Đó là điểm chính yếu của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Nếu chúng ta muốn thật sự biết cách yêu thương, thì điều chúng ta chỉ cần làm là suy ngẫm về cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi. Khi dự phần vào các biểu tượng của Tiệc Thánh, thì chúng ta được nhắc nhở về tấm gương cao quý nhất về tình yêu thương trong tất cả lịch sự nhân loại. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài.”21
Tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi đối với chúng ta lớn lao đến nỗi nó khiến cho Ngài, “dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông.”22
Vì Đấng Cứu Rỗi đã phó mạng sống của Ngài cho chúng ta,23 nên chúng ta có được một niềm hy vọng hết sức sáng lạn, một sự tin tưởng và sự an tâm rằng khi chúng ta giã từ cuộc sống trần thế này, thì chúng ta sẽ sống với Ngài một lần nữa. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được thanh tẩy tội lỗi và đứng làm người dự phần vào ân tứ của Đức Chúa Cha Toàn Năng. Rồi chúng ta sẽ biết về vinh quang mà Thượng Đế “đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”24
Đây là quyền năng có khả năng biến đổi của lòng bác ái.
Khi Chúa Giê Su ban cho các môn đồ của Ngài một giáo lệnh mới là phải “yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy,”25 thì Ngài đã ban cho họ bí quyết quan trọng của hạnh phúc trong cuộc sống này và vinh quang trong cuộc sống mai sau.
Tình yêu thương là giáo lệnh quan trọng nhất trong tất cả các giáo lệnh—các giáo lệnh khác đều dựa vào tình yêu thương. Đó là trọng tâm của chúng ta với tư cách là các môn đồ của Đấng Ky Tô hằng sống. Đó là một đặc điểm mà, nếu được phát triển, sẽ cải tiến nhiều cho cuộc sống của chúng ta.
Tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống. Tình yêu thương của Ngài là vô hạn và vĩnh cửu. Nó được ban cho tất cả các con cái của Ngài. Vì Ngài yêu thương chúng ta, nên Ngài đã ban cho chúng ta các vị tiên tri và các sứ đồ để hướng dẫn chúng ta trong thời kỳ của chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta Đức Thánh Linh để giảng dạy, an ủi và soi dẫn.
Ngài đã ban cho chúng ta thánh thư của Ngài. Và tôi không có đủ lời để diễn tả hết lòng biết ơn rằng Ngài đã ban cho mỗi người chúng ta một tấm lòng mà có thể cảm thấy được tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô.
Tôi cầu nguyện rằng tấm lòng của chúng ta có thể được tràn đầy tình yêu thương đó và chúng ta có thể tìm đến Cha Thiên Thượng và những người khác với cái nhìn mới và đức tin mới. Tôi làm chứng rằng khi làm như vậy, chúng ta sẽ khám phá ra một sự phong phú hơn trong cuộc sống, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.