2007
Chủ Tịch Henry B. Eyring Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn
Tháng Mười Một năm 2007


Chủ Tịch Henry B. Eyring
Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Khi Chủ Tịch Henry Bennion Eyring ngẫm nghĩ về hướng đi bất ngờ trong cuộc sống của mình, ông mỉm cười trước sự hiểu biết rằng Thượng Đế có thể làm những phép lạ trong cuộc sống của con cái ông mặc dù những nỗi lo sợ và những cảm nghĩ về sự không thích đáng của chúng.

Ông nhận được sức mạnh từ sự hiểu biết đó khi ông suy ngẫm về điều ông gọi là “trách nhiệm trọng yếu”mà đã đến với sự kêu gọi của ông vào Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Chủ Tịch Eyring thay vào chỗ trống vì sự qua đời của Chủ Tịch James E. Faust vào ngày 10 tháng Tám năm 2007.

Trong khi mong đợi được có thêm tình thân hữu với Chủ Tịch Gordon B. Hinckley và Chủ Tịch Thomas S. Monson, ông vẫn cảm thấy nhớ Chủ Tịch Faust.

Ông nói: “Tôi cố gắng không nghĩ đến việc thay thế Chủ Tịch Faust vì điều đó không thể nào thực hiện được. Ông ấy là một người độc nhất biết chuẩn bị và thi hành nhiệm vụ của Vị Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Ông ấy có được các ân tứ có một không hai.”

Tại cuộc họp báo tiếp theo lời thông báo về sự kêu gọi của ông vào ngày 6 tháng Mười, Chủ Tịch Eyring nhớ lại lúc ông được mời vào văn phòng của Chủ Tịch Faust ngay sau khi ông được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ vào ngày 1 tháng Tư năm 1995. Thay vì đưa ra lời khuyến khích như được trông đợi, Chủ Tịch Faust chỉ lên trời, mỉm cười và nói: “Đừng nói chuyện với tôi. Hãy nói chuyện với Ngài.” Chủ Tịch Eyring giải thích: “Thay vì cố gắng giải quyết tất cả các vấn đề của tôi, ông đã gửi tôi đến với Thượng Đế. Ông ấy có ân tứ nhạy cảm và nhân từ—người bạn thân thiết nhất và người thầy giỏi nhất mà ta có thể có được.”

Khi bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa về sự tin cậy của Ngài và đối với Chủ Tịch Hinckley về sự tin tưởng của ông, Chủ Tịch Eyring nói: “Thật là một cơ hội lớn lao để phục vụ với những người mà tôi yêu mến và là những người mà tôi tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải và với tư cách là Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Khi thừa nhận bàn tay giúp đỡ của Chúa, ông nói thêm: “Chủ Tịch Hinckley luôn luôn nói rằng: ‘Mọi việc sẽ tiến triển tốt đẹp.’ Tôi cũng có đức tin đó mặc dù tôi gánh lấy trách nhiệm trọng yếu này.”

Sinh ngày 31 tháng Năm năm 1933, ở Princeton, New Jersey, Henry B. Eyring là người con trai thứ nhì trong số ba người con trai của Ông Henry và Bà Mildred Bennion Eyring. Cha của ông, một nhà hóa học rất nổi tiếng trên thế giới, đã khuyến khích các con trai của mình theo đuổi sự nghiệp trong ngành khoa học. Chủ Tịch Eyring đã tốt nghiệp bằng vật lý , nhưng sau khi phục vụ hai năm trong Không Lực Hoa Kỳ, ông đã ghi danh vào trường Harvard Graduate School of Business, nơi ông nhận được bằng cao học quản trị kinh doanh.

Trong khi ở Harvard vào mùa hè năm 1961, ông gặp Kathleen Johnson, là người ở Boston đang đi học lớp mùa hè. Họ hẹn hò đi chơi vào mùa hè năm đó, viết thư cho nhau sau khi bà ấy trở về nhà ở California, và kết hôn trong Đền Thờ Logan Utah vào tháng Bảy năm 1962. Cũng trong năm đó, Chủ Tịch Eyring trở thành phụ tá giáo sư tại trường Stanford Graduate School of Business, nơi ông đã giảng dạy từ năm 1962 đến năm 1971.

Chủ Tịch Eyring mô tả vợ của ông là “một người luôn luôn làm cho tôi muốn trở thành người tốt nhất mà tôi có thể trở thành được.” Đặc điểm đó tự biểu lộ vào giữa đêm khuya năm 1971 khi bà đánh thức chồng mình dậy và hỏi: “Anh có chắc là anh đang làm điều đúng với cuộc sống của mình không vậy?” Rồi bà hỏi xem ông có nên làm việc với Neal A. Maxwell, lúc bấy giờ là Ủy Viên của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội không.

Chủ Tịch Eyring rất thích giảng dạy tại Stanford, được sống gần gia đình bên vợ, và phục vụ với tư cách là giám trợ của Tiểu Giáo Khu Stanford First, nhưng khi ông bắt đầu cầu nguyện về câu hỏi của vợ ông. Gia đình Eyring đã không biết Ủy Viên Maxwell, nhưng trong vòng vài ngày, ông ấy đã gọi điện thoại mời Chủ Tịch Eyring đến Thành Phố Salt Lake, nơi mà Ủy Viên Maxwell mời ông làm chủ tịch trường Ricks College, bây giờ là BYU—Idaho. Chủ Tịch Eyring chấp nhận lời mời và chẳng bao lâu đã chuyển gia đình của mình—ngày nay có 4 con trai, 2 con gái, và 25 cháu nội ngoại—đến Rexburg, Idaho.

Ông trở thành phó ủy viên của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội sáu năm về sau và Ủy Viên CES (Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội) ba năm sau đó, phục vụ cho đến khi nhận được sự kêu gọi của ông vào tháng Tư năm 1985 với tư cách là Đệ Nhất Cố Vấn trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa. Vào tháng Chín năm 1992, ông được chỉ định lại làm Ủy Viên CES, phục vụ trong chức vụ đó cùng lúc là một thành viên thuộc Đệ Nhất Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, mà ông đã được kêu gọi một tháng sau.

Chủ Tịch Eyring, nổi tiếng với những lời giảng dạy chân thành và tấm lòng nhân hậu, nói rằng 12 năm phục vụ của ông trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy cho ông một bài học quan trọng về việc giúp đỡ các con cái của Cha Thiên Thượng.

Ông nói: “Nhờ vào kinh nghiệm của tôi trong Nhóm Túc Số Mười Hai nên tôi có được sự tin tưởng hơn rằng nếu chúng ta có thể tự thuần phục theo những gì mà Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi muốn, thì chúng ta có thể có cuộc sống tốt hơn cuộc sống hiện nay. Thượng Đế tác động cuộc sống của những người khác qua chúng ta một cách hữu hiệu hơn là chúng ta có thể trông mong, và Ngài sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn chúng ta có thể tưởng tượng được.”

Ông nói thêm rằng mặc dù những nỗi lo sợ và sự không thích đáng của chúng ta nhưng Cha Thiên Thượng sẽ hướng dẫn chúng ta: “Nếu ta tiến bước trong đức tin và nếu ta khiêm nhường thì ta sẽ nghe tiếng của Ngài.”

In