2007
Chớ Dập Tắt Thánh Linh Sống Động trong Lòng.
Tháng Mười Một năm 2007


Chớ Dập Tắt Thánh Linh Sống Động trong Lòng.

Khi chúng ta mời Đức Thánh Linh làm tràn đầy tâm trí mình với ánh sáng và sự hiểu biết, thì Ngài “làm chúng ta sống động,” có nghĩa là, soi sáng và làm trong lòng của người đàn ông hay phụ nữ được phấn chấn.

Hình Ảnh

Trong chương 5 của sách 1 Tê Sa Lô Ni Ca, Phao Lô đã khuyên bảo các tín hữu phải hành động giống như việc trở thành Thánh Hữu. Ông tiếp tục liệt kê các thuộc tính và hành vi thích đáng. Trong câu 19 Phao Lô khuyên dạy với năm từ giản dị này: “Chớ dập tắt Thánh Linh.”

Thú vị thay, 500 năm trước khi bài viết của Phao Lô, một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn tên là Gia Cốp đã tìm cách giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho một dân tộc hay chống đối. Ông đã mạnh dạn hỏi họ như sau: “Lẽ nào các người lại bác bỏ những lời của các vị tiên tri; và lẽ nào các người … lại bác bỏ những lời tốt đẹp của Đấng Ky Tô, … cùng ân tứ Đức Thánh Linh, và lại dập tắt Thánh Linh?”1

Trong thời kỳ của chúng ta, rất nhiều thế kỷ sau cả Gia Cốp lẫn Phao Lô, chúng ta cũng phải cẩn thận đừng cản trở, coi thường, hoặc dập tắt Thánh Linh trong cuộc sống của mình.

Những lời mời gọi đầy lôi cuốn của thế gian cố gắng hướng sự chú ý của chúng ta ra khỏi con đường chật và hẹp. Kẻ nghịch thù gắng công làm cùn đi sự nhạy cảm của chúng ta đối với những sự thúc giục của Thánh Linh, bất luận chúng ta là một thiếu niên, người thành niên trẻ, hoặc một người đàn ông hay người phụ nữ đã trưởng thành. Vai trò của Thánh Linh, Đức Thánh Linh, là thiết yếu trong mỗi thời kỳ của cuộc sống trần thế của chúng ta.

Từ lúc đầu, Đức Chúa Cha đã hứa với mỗi con trai và con gái linh hồn của Ngài rằng qua Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Con Trai Yêu Quý của Ngài, chúng ta đều có thể trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế và thừa hưởng các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu trong đẳng cấp cao nhất của thượng thiên giới.

Mỗi chúng ta đều biết rằng cuộc hành trình đến sự tôn cao sẽ dài, vất vả, và đôi khi cô đơn, nhưng chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ không hành trình một mình. Cha Thiên Thượng cung ứng cho tất cả những ai làm tròn những điều kiện tiên quyết về đức tin, sự hối cải, và phép báp têm với một Đấng đồng hành và hướng dẫn, Đức Thánh Linh.

Con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu không phải ở trên một trạng thái bình ổn. Đúng hơn, đó là một con đường dốc, luôn luôn hướng tới và đi lên. Do đó, sự hiểu biết và nghị lực luôn luôn phát triển của phần thuộc linh cần phải có để đạt tới đích của chúng ta. Vì sự chống đối độc hại của Sa Tan tiếp tục, nên sự soi dẫn liên tục của Đức Thánh Linh là hoàn toàn thiết yếu. Chúng ta không dám cản trở, xem thường hay dập tắt những sự thúc giục của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, đối với việc cần đến những sự thúc giục và các phước lành tuôn chảy từ Đức Thánh Linh, thì chúng ta thường “hài lòng với cuộc sống ít đặc ân hơn chúng ta có thể nhận được.”2

Trong Sách Trân Châu Vô Giá, Môi Se chép rằng A Đam, sau khi đã chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh, “trở nên sống động trong lòng.”3

Khi chúng ta mời Đức Thánh Linh làm tràn đầy tâm trí mình với ánh sáng và sự hiểu biết, thì Ngài “làm chúng ta sống động,” có nghĩa là, soi sáng và làm trong lòng của người đàn ông hay phụ nữ được phấn chấn.4 Do đó, chúng ta nhận thấy một sự khác biệt đáng kể trong tâm hồn mình. Chúng ta cảm thấy được củng cố, đầy dẫy sự bình an và niềm vui. Chúng ta có được nghị lực và sự nhiệt tình thuộc linh, cả hai điều đó sẽ gia tăng các tài năng bẩm sinh của chúng ta. Chúng ta có thể thành đạt nhiều hơn là chúng ta tự làm. Chúng ta mong muốn trở thành một người thánh thiện hơn.

Các anh chị em có muốn biết cái giá phải trả cho các đặc ân được ban cho sau khi chúng ta tiếp nhận Đức Thánh Linh không? Cái giá đó không phải là đã được định trước hoặc cố định mà nó được định đoạt bởi cá nhân của mỗi người chúng ta.

Nếu các anh chị em định ra cái giá mình phải trả, tức là nỗ lực cá nhân của mình, rất thấp thì có lẽ các anh chị em không thể nhận được tất cả sự giúp đỡ mà Thánh Linh ban cho. Các anh chị em có lẽ còn dập tắt Thánh Linh nữa! Tuy nhiên, nếu các anh chị em đặt giá cao cho phần đóng góp cá nhân của mình, thì các anh chị em sẽ thu hoạch mùa gặt một cách dồi dào từ Thánh Linh. Cái giá mà tôi ám chỉ đến không phải là tiền bạc mà đó là một sự cam kết chắc chắn hơn và sự tham gia bằng những nỗ lực và hành vi về phần thuộc linh của cá nhân.

Chúng ta định ra mức độ đóng góp hiện tại của cá nhân mình bằng cách xem xét những sự chọn lựa và ưu tiên hiện tại của mình dựa vào những câu hỏi như sau:

  • Tôi có dành nhiều thì giờ cho thể thao hơn cho việc đi nhà thờ hay những sự kêu gọi trong nhà thờ không?

  • Nếu có một ngày rảnh rỗi, thì tôi chọn để tham dự đền thờ hay đi mua sắm trong thương xá?

  • Tôi thường chơi trò chơi trên máy vi tính hoặc tìm kiếm trên mạng Internet thay vì phục vụ đầy ý nghĩa cho những người khác trong nhà và trong cộng đồng của tôi không?

  • Tôi có đọc nhật báo đều đặn nhưng lại thấy rất khó để đọc thánh thư hằng ngày không?

Có những câu hỏi khác các anh chị em có thể đặt ra mà sẽ cho thấy sự thích đáng của những sự chọn lựa và ưu tiên hiện nay của các anh chị em.

Bất luận mức độ phát triển phần thuộc linh mà mỗi người chúng ta hiện có thể có thì vẫn luôn luôn có một mức độ cao hơn trong tầm tay của chúng ta. Thời giờ là quý báu nhất. Các anh chị em có cân nhắc việc đầu tư thời giờ của mình nhiều hơn vào những sự việc thuộc linh để xứng đáng với sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh và thụ hưởng trọn vẹn ảnh hưởng của Ngài không?

Nếu câu trả lời của các anh chị em là có, thì cái giá ban đầu trong việc theo đuổi nếp sống thuộc linh sâu xa hơn là một ước muốn đầy mãnh liệt để nhận được sự soi dẫn cao quý hơn, để trở nên thánh thiện hơn. Khi ước muốn này dâng tràn trong lòng mình, thì chúng ta sẽ nôn nóng muốn tăng thêm cái giá mà chúng ta trả cho sự giúp đỡ của thiên thượng.

Sự đóng góp kế tiếp của chúng ta cho nỗ lực này sẽ là kiên trì đắm mình trong những lời của Đấng Ky Tô và của các vị tiên tri. Khi nỗ lực học hỏi của chúng ta được phát huy, thì ảnh hưởng mạnh mẽ của Đức Thánh Linh cũng sẽ gia tăng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy “tra cứu” thánh thư với cây viết trong tay, ghi chú những điều hiểu biết mới và ghi lại những sự thúc giục của Thánh Linh. Sau đó, chúng ta hãy cố gắng áp dụng điều đã học được vào cuộc sống cá nhân của mình. Thánh Linh sẽ tác động tấm lòng chúng ta; điều hiểu biết mới sẽ đến theo từng lời giáo huấn một.

Để chắc chắn rằng chúng ta không dập tắt Thánh Linh, mà thay vì thế mời gọi sự hiện diện của Ngài, thì có một bước khác để thực hiện. Chúng ta hãy cầu nguyện thường xuyên và khẩn thiết. Lời hứa dịu dàng và bao hàm của Đấng Cứu Rỗi đã được chép trong sách Giáo Lý và Giao Ước:

  • “Hãy lại gần ta, rồi ta sẽ đến gần các ngươi.”

  • “Hãy tận tụy tìm kiếm ta, rồi các ngươi tìm thấy ta.”

  • “Hãy cầu xin, rồi các ngươi sẽ nhận được.”

  • “Hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở cho các ngươi.”

  • “Những gì các ngươi cầu xin Đức Chúa Cha trong danh ta thì các ngươi sẽ được ban cho.”5

Thưa các anh chị em, hãy lưu ý đến trình tự đó. Chúng ta xích lại gần Đấng Cứu Rỗi hơn khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Ngài một cách chính xác. Chúng ta tha thiết khẩn cầu Đức Chúa Cha trong danh của Đấng Ky Tô. Rồi, qua những sự thúc giục của Đức Thánh Linh, chúng ta nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng và sự hiểu biết rõ ràng.

Khi chúng ta nhịn ăn, tái lập các giao ước của mình tại lễ Tiệc Thánh, và tham dự đền thờ, thì chúng ta tiếp cận với Thánh Linh nhiều hơn. Trong những bối cảnh này, Đức Thánh Linh có thể biểu hiện ảnh hưởng của Ngài với một tác động lớn.

Đền thờ là một môi trường kỳ diệu để tìm kiếm sự mặc khải cá nhân. Khi chúng ta cố gắng thường xuyên và lắng nghe một cách thận trọng thì chúng ta ra về với sự hiểu biết gia tăng về kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta. Đức Thánh Linh nới rộng tầm nhìn của chúng ta và để cho viễn cảnh vĩnh cửu đó ảnh hưởng đến những quyết định mà chúng ta có trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Nếu chúng ta đảm nhận nỗ lực này và không dập tắt Thánh Linh, thì tấm lòng chúng ta sẽ được tác động. Khi chúng ta kiên trì, thì cuộc sống vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta. Do đó, chúng ta chớ dập tắt Thánh Linh qua sự bất tuân hoặc sao lãng. Thay vì thế, chúng ta hãy “nhờ Thánh Linh mà sống,”6 bằng cách phát huy vai trò thiêng liêng và thiết yếu của Đức Thánh Linh trong cuộc sống cá nhân của mình. Tôi làm chứng rằng khi chúng ta tìm kiếm Thánh Linh, thì chúng ta sẽ được lợi ích một cách trọn vẹn hơn từ những tác động thầm lặng, nhưng thiết yếu của Đức Thánh Linh. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Gia Cốp 6:8.

  2. Brigham Young, Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe tuyển chọn (1954), 32.

  3. Môi Se 6:65.

  4. Xin xem Parley P. Pratt, Key to the Science of Theology, xuất bản lần thứ 9 (1965), 101: “Ân tứ Đức Thánh Linh … làm sống động tất cả những khả năng của trí óc, gia tăng, bành trướng, nới rộng và thanh tẩy tất cả những cảm xúc và tình cảm tự nhiên; và làm chúng thích nghi, qua ân tứ của sự thông sáng, với việc sử dụng hợp pháp của chúng.”

  5. GLGƯ 88:63–64.

  6. Ga La Ti 5:25.

In