Chậm Nóng Giận
Cầu xin Chúa ban phước và soi dẫn cho các anh em để các anh em sống mà không nóng giận.
Các anh em thân mến, cho dù các anh em đang tụ họp ở nơi đâu, ở đây trong Trung Tâm Đại Hội hay trong một nhà hội ở bất cứ nơi nào xa xôi trên khắp thế giới, thì thật là một điều kỳ diệu để chúng tôi có thể nói chuyện tại Trung Tâm Đại Hội này và các anh em có thể nghe điều chúng tôi nói ở một nơi xa như Capetown, Nam Phi.
Tối nay tôi chọn để nói về đề tài tính nóng giận. Tôi biết rằng đề tài này hơi khác thường, nhưng tôi nghĩ đây là lúc để nói về điều này.
Một câu châm ngôn trong Kinh Cựu Ước nói rằng: “Người chậm nóng giận thắng hơn người dõng sĩ. Và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành” (Châm Ngôn 16:32).
Chính là lúc chúng ta trở nên nóng giận thì chúng ta gặp khó khăn. Tính nóng giận khi lái xe trên đường làm ảnh hưởng đến những xa lộ của chúng ta là một sự biểu lộ đầy căm thù của sự nóng giận. Tôi dám chắc rằng đa số những người đang ở trong tù là vì họ đã làm một điều gì đó khi họ nóng giận. Trong cơn phẫn nộ họ đã chửi thề, không tự kiềm chế được, và những điều khủng khiếp đã theo sau, ngay cả tội giết người. Những giây phút phạm tội tiếp theo là những năm tháng ân hận.
Câu chuyện kể lại sau đây có liên quan đến Charles W. Penrose. Ông là một người cải đạo theo Giáo Hội và đã đi truyền giáo ở nước Anh trong khoảng 11 năm. Khi ông được giải nhiệm, ông đã bán một số tài sản của ông để trả cho chuyến đi của mình tới Si Ôn. Một số Thánh Hữu đã theo dõi ông và nói rằng ông đã ăn cắp tài sản của Giáo Hội.
Điều này làm ông tức giận đến nỗi ông đã đi lên lầu trong nhà của ông, ngồi xuống, và viết những câu thơ sau đây mà các anh em đều quen thuộc. (Xin xem Karen Lynn Davidson, Our Latter-day Hymns: The Stories and the Messages [1988], 323.)
Hỡi người anh em của tôi ơi, Hãy học cách tự kiềm chế lấy mình;
Rèn luyện tâm hồn bằng cách kiềm chế tính vội nóng giận.
Đừng đè nén những cảm xúc của mình,
Mà hãy để cho sự khôn ngoan hướng dẫn mình.
Hãy học cách tự kiềm chế lấy mình; có một quyền năng
Trong một tâm trí bình tĩnh, tự chủ.
Tính nóng giận hủy diệt lý trí.
Làm sự khôn ngoan biến thành mù quáng.
Hãy học cách tự kiềm chế lấy mình
Đừng bao giờ kết tội bạn bè hay kẻ thù của mình,
Dù có nhiều lời buộc tội đưa ra,
Dường như là có thật.
Nhưng hãy lắng nghe trước khi quyết định,
Và một tia sáng sẽ lóe ra,
Cho thấy điều dối trá được ẩn chứa
Trong những lời buộc tội.
Hãy học cách tự kiềm chế lấy mình;
Hỡi người anh em của tôi ơi.
Rèn luyện tâm hồn bằng cách kiềm chế tính vội nóng giận.
Đừng đè nén những cảm xúc của mình,
Mà hãy để cho sự khôn ngoan hướng dẫn mình
(“School Thy Feelings,” Hymns, số 336)
Cách đây nhiều năm tôi làm việc cho một công ty đường sắt của chúng ta. Một ngày nọ, có một người bẻ ghi đi lang thang trên sân ga. Tôi yêu cầu người ấy chuyển một toa xe chở hàng qua một đường rầy xe lửa khác. Người ấy nổi giận. Người ấy quăng cái mũ của mình xuống mặt đường, nhảy liên tiếp đạp vào cái mũ của mình, và chửi thề giống như một thủy thủ say rượu. Tôi đứng đó và bật cười trước thái độ trẻ con của người ấy. Khi thấy tôi cười thì người ấy cũng bắt đầu cười về tính rồ dại của mình. Rồi người ấy lặng lẽ leo lên đầu máy xe lửa, lái đến toa xe trống và di chuyển nó sang một đường rầy xe lửa trống.
Tôi nghĩ đến một câu thánh thư từ sách Truyền Đạo: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu muội” (Truyền Đạo 7:9).
Sự tức giận là nguồn gốc của một loạt hành động xấu xa.
Tôi có cắt ra từ tờ nhật báo buổi sáng một câu chuyện với câu mở đầu như sau:
“Hơn nửa số người Mỹ đáng lẽ kỷ niệm 25 năm ngày cưới của mình, thì từ năm 2000 đã ly dị, ly thân, hoặc trở thành góa bụa trước khi đạt được giai đọan quan trọng này” (Sam Roberts, “Most U.S. Marriages Don’t Get to Silver,” Deseret Morning News, ngày 20 tháng Chín năm 2007, trang A1).
Cảnh góa bụa nằm ngoài ý muốn của những người trong cuộc, nhưng sự ly dị và ly thân thì do những người trong cuộc định đoạt.
Sự ly dị rất thường là hậu quả cay đắng của tính nóng giận. Như người ta thường nói, một người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau; mỗi người đều được xem là tuyệt vời trong mắt người kia; họ không cảm thấy còn yêu một người nào khác; họ vất vả kiếm tiền để mua một chiếc nhẫn kim cương; họ kết hôn. Tất cả đều hạnh phúc—trong một thời gian. Rồi những điều nhỏ nhặt đưa đến sự chỉ trích. Những thói xấu nhỏ được phóng đại thành một loạt những khuyết điểm lớn; họ tan rã, ly thân, và rồi với lòng chua xót và cay đắng họ ly dị.
Đây là một chu kỳ đã được lặp đi lặp lại trong hàng nghìn trường hơp. Đây là một thảm kịch, và, như tôi vừa nói, trong nhiều trường hợp đó là hậu quả cay đắng của tính nóng giận.
Tôi nghĩ đến cuộc hôn nhân của tôi. Cách đây ba năm rưỡi người bạn đời vĩnh cửu của tôi qua đời. Chúng tôi đã sống với nhau được 67 năm. Tôi không nhớ có bao giờ tôi cãi nhau với bà. Bà đã cùng đi với tôi và đã nói chuyện trên mọi lục địa, khẩn nài các tín hữu hãy biết tự kiềm chế, tử tế, và thương yêu.
Cách đây vài năm tôi nhận được một quyển sách nhỏ có viết những điều sau đây:
“Có một lần một người đàn ông bị một nhà báo vu cáo hỏi Edward Everett Hale người ấy nên làm gì. Everett nói: “Đừng làm gì cả! Một nửa số người mua báo sẽ không bao giờ thấy bài đó. Một nửa số người thấy bài đó sẽ không đọc. Một nửa số người đọc bài báo sẽ không hiểu. Một nửa số người hiểu bài báo sẽ không tin. Một nửa số người tin thì dù sao đi nữa cũng không quan trọng” (“Sunny Side of the Street,” tháng Mười Một năm 1989; xin xem thêm Zig Ziglar, Staying Up, Up, Up in a Down, Down World [2000], 174).
Có rất nhiều người trong chúng ta quan trọng hóa vấn đề về những chuyện không đáng kể. Chúng ta rất dễ bị phật lòng. Một người sẽ có hạnh phúc nếu người ấy có thể gạt sang một bên những lời xúc phạm của người khác và tiếp tục thản nhiên trên con đường của mình.
Lòng hận thù, nếu để cho dai dẳng, thì có thể trở thành một vấn đề trầm trọng. Cũng giống như một chứng bệnh nặng mà nó có thể làm tiêu hao hết thời gian và sự chú ý của chúng ta. Guy de Maupassant đã viết một câu chuyện thú vị để minh họa về điều này.
Câu chuyện kể vào một ngày chợ phiên, Ông Hauchecome đi vào thị trấn. Ông bị bệnh thấp khớp, và lúc ông đi khập khiễng trên đường thì ông thấy một khúc dây ở trên mặt đất trước mặt ông. Ông lượm nó lên và cẩn thận bỏ vào túi của mình. Kẻ thù của ông là người làm yên cương đã thấy ông làm điều này.
Cũng vào lúc đó vị thị trưởng được cho biết có một cuốn sổ tay đựng tiền bị mất. Người ta cho rằng Haunchecome đã nhặt cuốn sổ tay đó lên, và ông bị buộc tội ăn cắp. Ông phản đối kịch liệt lời buộc tội. Việc khám xét quần áo của ông chỉ tìm được một khúc dây, nhưng lời vu cáo ông đã gây rất nhiều khó khăn cho ông đến nỗi ông trở nên ám ảnh bởi điều này. Bất cứ nơi nào ông đi ông đều kể cho những người khác nghe câu chuyện ấy. Ông trở thành một mối phiền toái đến nỗi họ phàn nàn về ông. Điều này làm ông cảm thấy chán nản.
“Tâm trí ông càng ngày càng suy yếu và vào khoảng cuối tháng Mười Hai thì ông nằm liệt giường.
“Ông từ trần đầu tháng Giêng, và trong những lời nói mê sảng vào lúc hấp hối của mình, ông vẫn quả quyết là mình vô tội, lặp đi lặp lại câu nói:
“‘Một khúc dây ngắn—một khúc dây ngắn. Đây nè, [Ngài Thị Trưởng], thấy không’” (Xin xem “The Piece of String,” http://www.online-literature .com/Maupassant/270/.)
Có một câu chuyện kể về các phóng viên báo chí phỏng vấn một người đàn ông vào ngày sinh nhật của ông. Ông ấy đã nhiều tuổi. Họ hỏi ông làm thế nào ông sống thọ như vậy.
Ông trả lời rằng: “Lúc tôi và vợ tôi kết hôn, chúng tôi quyết định rằng nếu chúng tôi có bao giờ cãi nhau thì một trong hai chúng tôi sẽ đi ra khỏi nhà. Tôi sống thọ là nhờ tôi đã thở được không khí trong lành suốt thời gian kết hôn của mình.”
Cơn nóng giận có thể được chứng minh là đúng trong một số hoàn cảnh. Thánh thư cho chúng ta biết rằng Chúa Giê Su đã đuổi những người đổi bạc ra khỏi đền thờ và nói rằng: “Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp” (Ma Thi Ơ 21:13). Tuy thế, lời này được thốt ra như là một lời khiển trách hơn là một cơn nóng giận dữ dội. Giờ đây, các anh em thân mến, để kết thúc, tôi cầu xin các anh em hãy kiềm chế tính nóng nảy của mình, hãy nở một nụ cười trên mặt mình, mà sẽ xóa đi sự nóng giận; hãy dùng những lời lẽ thương yêu và hòa thuận, biết ơn và kính trọng. Nếu các anh em làm điều này, thì cuộc sống của các anh em sẽ không có sự hối tiếc. Mối quan hệ hôn nhân và gia đình của các anh em sẽ được bảo tồn. Các anh em sẽ hạnh phúc hơn. Các anh em sẽ làm nhiều điều tốt lành hơn. Các anh em sẽ cảm thấy được sự bình an đầy kỳ diệu.
Cầu xin Chúa ban phước và soi dẫn cho các anh em để các anh em sống mà không nóng giận, hoặc không có bất cứ nỗi cay đắng nào, nhưng để tìm đến bày tỏ với những người khác tình bạn, lòng biết ơn, và tình thương yêu. Đây là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.