Viện Giáo Lý
Lời Giới Thiệu Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (Tôn Giáo 200)


“Lời Giới Thiệu Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (Tôn Giáo 200),” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Lời Giới Thiệu,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Lời Giới Thiệu Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (Tôn Giáo 200)

Chào mừng đến với khóa học Gia Đình Vĩnh Cửu! Xin cảm ơn các anh chị em đã chấp nhận cơ hội để giúp đỡ những người thành niên trẻ tuổi đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô qua việc học giáo lý về gia đình trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Chương trình giảng dạy này được biên soạn nhằm giúp anh chị em tăng cường việc đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm của học viên và những trải nghiệm tập trung vào người học mà dẫn họ đến sự cải đạo sâu sắc hơn theo Đấng Cứu Rỗi.

Kết quả dự kiến của khóa học này là gì?

Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo nêu rõ:

Mục đích của chúng ta là nhằm giúp giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi hiểu, đồng thời trông cậy vào những điều giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, xứng đáng với các phước lành của đền thờ, cũng như chuẩn bị cho bản thân họ, gia đình họ và những người khác để nhận được cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng. (Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm: Sách Hướng Dẫn dành cho Các Giảng Viên và Các Vị Lãnh Đạo trong Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo [năm 2012], trang 1)

Trong khi làm tròn Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo, khóa học này được biên soạn để giúp học viên

  • giải thích vai trò chính của gia đình trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng,

  • phân tích những câu hỏi và những vấn đề liên quan đến gia đình với một quan điểm vĩnh cửu,

  • hành động theo đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi xử lý những thử thách của cá nhân và gia đình cũng như những áp lực về xã hội,

  • áp dụng những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô trong những nỗ lực của họ để lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng và củng cố mối quan hệ gia đình, và

  • gia tăng khả năng của họ để làm tròn các trách nhiệm thiêng liêng trong cuộc sống gia đình và trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn.

Sách học này có cấu trúc như thế nào?

Nội dung của sách học này được thiết kế để giúp học viên có những kinh nghiệm ý nghĩa và gây dựng cả bên ngoài lẫn bên trong lớp học. Mỗi bài học gồm có các tài liệu chuẩn bị cho lớp học và tài liệu dành cho giảng viên. Các tài liệu này được biên soạn nhằm giúp các học viên chuẩn bị kỹ lưỡng, tham gia học hỏi chuyên sâu hơn, và hành động theo những cách thức nhằm giúp họ trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Anh Cả Kim B. Clark thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy về những điều mà một học viên (và giảng viên) cần phải làm để học hỏi chuyên sâu hơn:

Anh Cả Kim B. Clark

Nếu anh chị em thực sự có ước muốn học chuyên sâu hơn, nếu tấm lòng và tâm trí của anh chị em sẵn sàng học hỏi và nếu các anh chị em hành động theo ước muốn đó thì Chúa sẽ ban phước cho anh chị em. Khi các anh chị em làm phần vụ của mình, hãy cầu nguyện với đức tin, chuẩn bị, học tập, tham gia tích cực và làm hết khả năng của mình, Đức Thánh Linh sẽ dạy các anh chị em, tăng cường khả năng của các anh chị em để hành động theo những gì các anh chị em học được và giúp các anh chị em trở thành người mà Chúa muốn các anh chị em trở thành. (“Learning for the Whole Soul,” Ensign, tháng Tám năm 2017, trang 27)

Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tài liệu chuẩn bị dành cho lớp học nhằm mục đích cho anh chị em lẫn các học viên của mình học tập để chuẩn bị cho lớp học. Tài liệu này bao gồm những lời giảng dạy từ các thánh thư và các vị lãnh đạo Giáo Hội, cũng như phần “Muốn Thêm Thông Tin?” sẽ cung cấp các nguồn tài liệu bổ sung liên quan đến đề tài của bài học.

Tài liệu chuẩn bị dành cho lớp học cũng gồm có các câu hỏi và sinh hoạt mà sẽ giúp học viên học hỏi chuyên sâu hơn và chuẩn bị tốt hơn để tham gia trong lớp học. Ví dụ, trong tài liệu chuẩn bị cho lớp học cho bài học 10, “Giao Ước Mới và Vĩnh Viễn về Hôn Nhân,” học viên được cho cơ hội để học những lời giảng dạy từ thánh thư và các vị lãnh đạo Giáo Hội về giao ước của hôn nhân vĩnh cửu và giáo lễ gắn bó. Rồi học viên được mời thực hiện sinh hoạt sau đây:

hình thảo luận

Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Mỗi bài học được biên soạn cho một tiết học dài 50 phút. Đối với các lớp học dài 90 phút hoặc lâu hơn được tổ chức một tuần một lần, anh chị em được khuyến khích gộp hai bài học lại.

Trong phần giới thiệu của tài liệu dành cho giảng viên của mỗi bài học, anh chị em sẽ tìm thấy một phần mô tả kết quả dự kiến của bài học. Theo sau phần mô tả này là những ý kiến giảng dạy gợi ý cung cấp cấu trúc bài học, nội dung, những giúp đỡ cho phần thảo luận và các ý tưởng để áp dụng.

Trong khi anh chị em nghiên cứu tài liệu dành cho giảng viên, hãy chú ý đến cách mà tài liệu này xây dựng dựa trên sự chuẩn bị của học viên. Những hướng dẫn sau đây từ bài học 10 là một ví dụ:

hình hướng dẫn giảng dạy

Bằng cách thường xuyên dựa trên sự chuẩn bị của học viên, anh chị em sẽ giúp họ cảm thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho mỗi lớp học và giúp họ học hỏi chuyên sâu hơn.

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm trong việc Chuẩn Bị để Giảng Dạy Khóa Học Này

Tương tự với điều mà anh chị em và các học viên sẽ làm trước giờ học, hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm khi anh chị em chuẩn bị giảng dạy khóa học này. Trước tiên, hãy xem qua một hoặc hai bài học để quen thuộc với các tài liệu chuẩn bị cho lớp học và tài liệu dành cho giảng viên. Lưu ý cách các tài liệu này được biên soạn để sử dụng song song với nhau khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy. Sau đó suy ngẫm câu hỏi sau đây: Một số cách thức mà tôi có thể khuyến khích học viên nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho mỗi bài học là gì? Tôi có thể làm gì để giúp các học viên trong lớp mà có lẽ chưa nghiên cứu tài liệu chuẩn bị có thể cùng tham gia?

Lưu ý: Khi học viên đã chuẩn bị cho các cuộc thảo luận trong lớp, anh chị em sẽ nhận thấy rằng mình có thể chuyển sang các cuộc thảo luận chuyên sâu, giàu ý nghĩa về giáo lý và các nguyên tắc liên quan đến gia đình vĩnh cửu một cách nhanh chóng hơn. Việc này sẽ cho phép có nhiều thời gian hơn trong lớp để khám phá cách mà anh chị em và các học viên có thể áp dụng các lẽ thật họ đã nhận ra trong các bài học.

Làm thế nào tôi có thể chuẩn bị để giảng dạy một cách hiệu quả?

Cha Thiên Thượng sẽ hỗ trợ anh chị em khi anh chị em chuẩn bị và giảng dạy con cái của Ngài. Những nỗ lực của anh chị em để kiên định học thánh thư và sống theo phúc âm sẽ giúp anh chị em hội đủ điều kiện nhận được sự hướng dẫn của Thánh Linh trong khi chuẩn bị giảng dạy.

Khi nghiên cứu các tài liệu dành cho lớp học và dành cho giảng viên của mỗi bài học, hãy cầu xin sự giúp đỡ của Chúa để hiểu được nhu cầu của những học viên của anh chị em. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Anh Cả Jeffrey R. Holland

Hãy cởi mở—đặc biệt, hãy mở lòng với Thánh Linh. Hãy chừa một ít thời gian trống trong giáo án của anh chị em. Nếu anh chị em cần rút ngắn một bài học một chút để đưa ra chứng ngôn của mình và khơi dậy một cuộc thảo luận về một vấn đề đương thời thì xin hãy làm vậy khi Thánh Linh thúc giục và tuyên bố rằng việc đó thích hợp. …

… Hãy nhớ rằng một học viên không phải là một cái bình chứa để đổ đầy vào; mà học viên là một ngọn lửa cần được nhóm lên. (“Angels and Astonishment” [bài nói chuyện được đưa ra tại buổi huấn luyện của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội được phát sóng vào ngày 12 tháng Sáu năm 2019], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

Đặc biệt là nếu anh chị em gộp hai bài học lại để dạy trong một tiết học, hãy cân nhắc nhu cầu của học viên, và tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh. Việc làm những điều này có thể giúp anh chị em xác định phần nào của tài liệu dành cho giảng viên nên sử dụng y như đã được viết trong tài liệu và phần nào cần điều chỉnh để mang đến những trải nghiệm học tập đầy ý nghĩa hơn cho học viên của mình. Điều này có thể bao gồm việc xác định phần nào trong tài liệu dành cho giảng viên cần nhấn mạnh và phần nào cần tóm tắt.

Anh chị em có thể thấy hữu ích khi tự hỏi mình một số câu hỏi sau đây như là một phần của quá trình chuẩn bị giảng dạy mỗi bài học:

  • Tôi đã cầu nguyện để nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và để hiểu được nhu cầu các học viên của mình chưa? Làm thế nào tôi có thể quyết định nội dung nào của bài học phù hợp với họ nhất? Tôi có thể mang đến cho họ tình yêu thương của tôi bằng cách nào?

  • Tôi có cảm thấy là mình nắm được khá tốt tài liệu chuẩn bị cho lớp học, kể cả thánh thư, và tài liệu dành cho giảng viên không? Có bất cứ điều gì tôi cần phải điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu các học viên của mình không?

  • Làm thế nào tôi có thể giúp học viên tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và học hỏi từ Đức Thánh Linh trong bài học này?

  • Làm thế nào tôi có thể khuyến khích việc siêng năng học hỏi và giúp học viên của mình tham gia trọn vẹn vào bài học? Làm thế nào tôi đảm bảo rằng họ có đủ không gian cần thiết để lập các kế hoạch cá nhân nhằm áp dụng điều họ đang học?

  • Làm thế nào tôi có thể tạo ra một bầu không khí học hỏi nơi mà học viên có thể có cảm giác gần gũi? Làm thế nào tôi có thể giúp họ cảm thấy được coi trọng, được chấp nhận, và an toàn để chia sẻ và học hỏi lẫn nhau? (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:78, 122.)

Làm thế nào tôi có thể điều chỉnh bài học cho phù hợp với các học viên khuyết tật?

Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, hãy lưu tâm đến các học viên có những nhu cầu đặc biệt. Điều chỉnh các sinh hoạt và những kỳ vọng để giúp các học viên đó tham gia và thành công. Để có thêm thông tin, hãy tham khảo các tài liệu trên trang Disabilities tại disabilities.ChurchofJesusChrist.org.

Làm thế nào để học viên nhận được tín chỉ cho khóa học này?

Để nhận được tín chỉ tốt nghiệp viện giáo lý, học viên cần

  • học tài liệu chuẩn bị cho ít nhất 75 phần trăm các bài học,

  • tham dự 75 phần trăm các lớp học được tổ chức, và

  • hoàn thành một trong bốn trải nghiệm học tập:

    1. Viết nhật ký học tập.

    2. Ghi lại câu trả lời cho tất cả các câu hỏi và các sinh hoạt trong tài liệu chuẩn bị (lưu ý rằng vào cuối học kỳ, học viên không cần nộp nhật ký học tập hoặc những câu trả lời cho anh chị em, họ chỉ cần cho anh chị em thấy những gì họ đã hoàn thành).

    3. Viết câu trả lời cho ba câu hỏi tiểu luận.

    4. Thiết kế và hoàn thành một dự án học tập (với sự chấp nhận của giảng viên) của riêng họ có liên quan đến nội dung của khóa học. (Hãy tìm thêm chi tiết trên trang Kinh Nghiệm Nâng Cao Việc Học Tập dành cho Viện Giáo Lý,” có trên ChurchofJesusChrist.org.)

biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Hãy cân nhắc loại kinh nghiệm mà anh chị em hy vọng học viên của mình có được trong khóa học này. Liệt kê một vài suy nghĩ hoặc ấn tượng của anh chị em về cách anh chị em dự định giúp họ có được một kinh nghiệm học tập đầy ý nghĩa.