Viện Giáo Lý
Bài học 1 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Học Hỏi Giáo Lý về Gia Đình Vĩnh Cửu


“Bài học 1 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Học Hỏi Giáo Lý về Gia Đình Vĩnh Cửu,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài học 1 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

một cặp vợ chồng hạnh phúc với đứa con nhỏ của họ

Bài Học 1 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Học Hỏi Giáo Lý về Gia Đình Vĩnh Cửu

Chào mừng đến với khóa học Gia Đình Vĩnh Cửu! Các lẽ thật mà anh chị em sẽ học trong khóa học này, kết hợp với việc hành động theo những sự thúc giục mà anh chị em cảm nhận, có thể giúp anh chị em và gia đình mình đến gần Thượng Đế hơn và nhận được mọi phước lành Ngài mong muốn cho anh chị em. Anh chị em cũng sẽ có khả năng tốt hơn để giúp người khác làm như vậy.

Khi anh chị em học tài liệu chuẩn bị sau đây cho bài học 1, hãy suy ngẫm về các phước lành và niềm vui mà Cha Thiên Thượng muốn tất cả các con cái Ngài có được và cách mà điều đó liên quan đến gia đình.

Ghi Chú: Tài liệu chuẩn bị này sẽ cung cấp một nền tảng cho kinh nghiệm của anh chị em trong lớp học. Việc học từng tài liệu chuẩn bị của bài học trước khi đến lớp sẽ giúp anh chị em có một trải nghiệm học tập sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn khi tham dự lớp học.

Phần 1

Việc tin cậy vào tình yêu thương và sự thông sáng hoàn hảo của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể tạo ra sự khác biệt gì trong cuộc sống của cá nhân tôi và gia đình?

Chúng ta bị vây quanh bởi các quan điểm và thông tin khác nhau về chủ đề gia đình. Đôi khi quan điểm về gia đình được xã hội chấp thuận lại trái ngược hoàn toàn với kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Chúng ta càng hiểu biết về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô cũng như tính cách của Hai Ngài bao nhiêu, thì chúng ta càng có thể tin cậy vào những lời giảng dạy và khuyên nhủ của Hai Ngài bấy nhiêu, kể cả trong các vấn đề gia đình. Và khi chúng ta làm như vậy, chúng ta có thể học hỏi để nhìn nhận mọi điều theo cách của Hai Ngài—từ một quan điểm vĩnh cửu.

một người thành niên trẻ tuổi đang học thánh thư
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 2 Nê Phi 26:24; Mô Si A 4:9; và Ê Sai 55:8–9, và tìm kiếm những lẽ thật về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể giúp anh chị em tin cậy Hai Ngài. Cân nhắc việc đánh dấu những điều anh chị em tìm thấy.

Hãy nghĩ về việc những lời mô tả về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong các đoạn thánh thư này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em chọn để nhìn nhận những vấn đề và câu hỏi nhạy cảm liên quan đến gia đình. Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dạy:

Anh Cả Richard G. Scott

Là Cha của chúng ta, mục đích của Ngài chính là mang lại niềm hạnh phúc vĩnh cửu, sự phát triển liên tục, và gia tăng khả năng của anh chị em. Ước muốn của Ngài là chia sẻ với anh chị em tất cả những gì Ngài có. (“Obtaining Help from the Lord,” Ensign, tháng Mười Một năm 1991, trang 86)

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Trong một nỗ lực mang tính tiên tri để “khuyến cáo và cảnh báo” những sự lừa dối của thế gian, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã công bố một bản tuyên ngôn về gia đình vào năm 1995 (xin xem Gordon B. Hinckley, “Stand Strong against the Wiles of the World,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 100). Hãy đọc “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” (ChurchofJesusChrist.org), và cân nhắc điều mà bản tuyên ngôn này dạy về các phước lành và niềm hạnh phúc Cha Thiên Thượng mong muốn cho anh chị em và gia đình của mình. Anh chị em có thể đánh dấu những điều minh chứng cho tình yêu thương và những mong muốn của Ngài đối với hạnh phúc của anh chị em.

một gia đình đa thế hệ
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghĩ về một số vấn đề xã hội hoặc những thắc mắc hiện tại mà được giải đáp nhờ các lẽ thật được tuyên bố trong bản tuyên ngôn về gia đình. Có giá trị nào trong việc tin cậy vào sự thông sáng và quan điểm vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn là sự khôn ngoan và quan điểm của thế gian về các chủ đề này?

Phần 2

Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra một môi trường an toàn để thảo luận các vấn đề nhạy cảm?

Hãy nghĩ về hoàn cảnh, các yếu tố ảnh hưởng, và thử thách của gia đình anh chị em. Gia đình của anh chị em khác biệt ra sao so với các gia đình khác mà anh chị em biết? Một số cảm xúc mãnh liệt nhất của chúng ta thì liên quan đến gia đình của mình. Khi chúng ta thảo luận giáo lý về gia đình, chúng ta phải nhớ rằng hoàn cảnh và kinh nghiệm trong gia đình của những người khác có thể khác với gia đình của chính chúng ta. Việc ghi nhớ điều này có thể giúp chúng ta càng biết yêu thương, cảm thông, và tôn trọng trong cách chúng ta thảo luận giáo lý về gia đình. Khi làm như vậy, chúng ta sẵn sàng hơn để Đức Thánh Linh giảng dạy chúng ta kỹ lưỡng hơn về gia đình và các mục đích của Cha Thiên Thượng.

một buổi thảo luận trong lớp học
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương hoàn hảo về việc có lòng bác ái cho từng cá nhân trong mọi trường hợp. Hãy đọc Mô Rô Ni 7:45–48. Hãy suy nghĩ về những lần trong cuộc đời khi Đấng Cứu Rỗi đã tỏ lòng bác ái với anh chị em, và suy ngẫm sự khác biệt mà điều đó đã tạo ra cho anh chị em.

Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta đang cố gắng trở nên giống Ngài hơn trong mọi điều chúng ta nói và làm. Cần thực hành để có thể lắng nghe người khác và học hỏi, cũng như chia sẻ lẽ thật bằng những cách thức đầy yêu thương, cảm thông, và tôn trọng. Khi chúng ta tiếp cận những cuộc trò chuyện có chủ đề nhạy cảm liên quan đến gia đình với một tấm lòng bác ái, chúng ta đang trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi. Nếu chúng ta sẵn lòng thì Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta biết phần vụ của mình trong việc thiết lập và duy trì một môi trường lớp học đầy yêu thương, tôn trọng và dễ hòa nhập để học hỏi lẽ thật.

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Anh Cả Neil L. Andersen

Hôm nay tôi xin khẩn nài cùng hàng trăm ngàn trẻ em, giới trẻ và người thành niên trẻ tuổi là những người đã không sinh ra trong [bối] cảnh được gọi là “gia đình hoàn hảo.” Tôi không chỉ nói đến giới trẻ đã trải qua cái chết, sự ly dị, hoặc đức tin bị suy yếu của cha mẹ họ, mà còn nói đến hàng chục ngàn thiếu niên và thiếu nữ trên khắp thế giới đang chấp nhận phúc âm mà không có cha hay mẹ cũng trở thành tín hữu của Giáo Hội như họ.

Các Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi này gia nhập Giáo Hội với đức tin lớn lao. Họ hy vọng trong tương lai, họ sẽ tạo ra một gia đình lý tưởng. Cuối cùng, họ trở thành một phần quan trọng của lực lượng truyền giáo của chúng ta, những người thành niên trẻ tuổi ngay chính, và những người làm lễ gắn bó trong đền thờ để bắt đầu gia đình riêng của họ.

Chúng ta sẽ tiếp tục giảng dạy khuôn mẫu của Chúa về gia đình, nhưng bây giờ với hàng triệu tín hữu … thuộc mọi hoàn cảnh gia đình trong Giáo Hội, chúng ta còn phải thận trọng và nhạy cảm hơn. …

… Chúng ta hãy nghĩ về họ, chào đón họ, ôm lấy họ, và làm hết sức mình để có thể củng cố tình yêu thương của họ dành cho Đấng Cứu Rỗi. “Hễ Ai … Tiếp Con Trẻ Nầy, Tức Là Tiếp Ta”,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 49–50, 52)

biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Hãy suy ngẫm về kinh nghiệm của chính anh chị em và sự khác biệt mà anh chị em có thể tạo ra bằng cách tiếp cận các cuộc thảo luận có chủ đề nhạy cảm về gia đình với lòng bác ái. Ghi lại điều anh chị em có thể làm để giúp người khác cảm thấy được yêu thương và tôn trọng trong khi thảo luận những chủ đề đó từ một quan điểm của lẽ thật vĩnh cửu.