Viện Giáo Lý
Bài Học 25 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sự Hối Cải và Tha Thứ trong Cuộc Sống Gia Đình


“Bài Học 25 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sự Hối Cải và Tha Thứ trong Cuộc Sống Gia Đình,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 25 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Bài Học 25 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Sự Hối Cải và Tha Thứ trong Cuộc Sống Gia Đình

Chúng ta có thể mời quyền năng của Chúa để chữa lành và củng cố các mối quan hệ gia đình của mình bằng cách áp dụng các nguyên tắc hối cải và tha thứ. Bài học này sẽ giúp học viên hiểu được sự hối cải của họ có thể cải thiện các mối quan hệ gia đình như thế nào. Học viên cũng sẽ cân nhắc cách họ có thể có được sự giúp đỡ của Chúa để tha thứ cho những người thân trong gia đình mà có thể làm họ phật lòng hoặc tổn thương.

Lưu ý: Đôi khi sự tổn thương gây ra bởi những người thân trong gia đình mang hình thức lạm dụng, ngược đãi. Sự chữa lành khỏi việc bị lạm dụng, ngược đãi sẽ được thảo luận ở bài học kế tiếp.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy tập trung vào những điều một học viên cần trải nghiệm để trở nên được cải đạo sâu đậm hơn. Học viên học hỏi khi họ tham gia tích cực vào tiến trình học tập và sống theo phúc âm. Trong khi giảng dạy, hãy chú trọng vào những điều học viên cần trải nghiệm và làm để mời sự mặc khải cá nhân và làm cho sự cải đạo trở nên sâu đậm hơn. Khi họ gia tăng sự hiểu biết về phúc âm và sống theo những điều họ biết, học viên sẽ trở nên được cải đạo nhiều hơn theo Đấng Cứu Rỗi và phúc âm Ngài.

Sự hối cải cá nhân của chúng ta có thể cải thiện các mối quan hệ gia đình.

Trưng ra các câu phát biểu sau đây lên trên bảng (cân nhắc điều chỉnh các câu phát biểu này để đáp ứng một cách hữu hiệu hơn nhu cầu của học viên):

  1. Điều quan trọng là phải tập trung vào việc đảm bảo rằng những người khác trong gia đình thường xuyên hối cải.

  2. Nếu một người trong gia đình có lỗi nhiều hơn chúng ta, thì chúng ta nên chờ cho đến khi người đó xin lỗi và thay đổi trước khi chúng ta làm như vậy.

  3. Luôn luôn dễ dàng để hối cải về những cách mà chúng ta có thể làm tổn thương những người thân trong gia đình.

  4. Chúng ta có thể đối xử tệ với người thân của mình nếu họ cố gắng làm chúng ta tức giận.

Bắt đầu bài học bằng cách mời một học viên đọc to các câu phát biểu trên bảng. Yêu cầu học viên yên lặng suy xét xem mỗi câu phát biểu này là đúng hay sai (đừng yêu cầu học viên chia sẻ câu trả lời của họ). Sau khi thấy học viên đã có đủ thời gian, hãy giải thích rằng tất cả các câu này đều sai.

  • Anh chị em sẽ sửa lại mỗi câu này như thế nào cho đúng?

  • Tại sao có thể là khó để hối cải khi chúng ta làm tổn thương những người thân trong gia đình? Làm cách nào Chúa có thể giúp đỡ trong nỗ lực hối cải của chúng ta?

Anh chị em có thể trưng ra một trong những tranh vẽ mô tả truyện ngụ ngôn về người con trai hoang phí từ tài liệu chuẩn bị và yêu cầu một học viên tóm tắt câu chuyện đó. Cân nhắc xem lại Lu Ca 15:17–24 và hỏi học viên xem trong cuộc sống gia đình, họ nhận ra các nguyên tắc nào trong truyện ngụ ngôn này về sự hối cải.

  • Chúng ta có thể học được gì về Cha Thiên Thượng từ người cha trong truyện ngụ ngôn này? Sự hiểu biết này ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta nhìn nhận sự hối cải?

  • Có khi nào anh chị em thấy một cuộc hôn nhân hoặc một gia đình được ban phước vì một người trong gia đình đã hối cải không? (Nhắc nhở học viên đừng chia sẻ bất cứ điều gì quá riêng tư.)

Chúa có thể giúp đỡ chúng ta tha thứ cho những người thân mà đã làm chúng ta phật lòng hoặc tổn thương.

Mời học viên nghĩ về lúc họ có thể cảm thấy bị phật lòng hoặc tổn thương bởi một người thân. Anh chị em cũng có thể mời họ suy ngẫm xem họ đã có thể tha thứ cho người đó nhiều như thế nào.

  • Tại sao đôi khi có thể là khó để tha thứ cho những người trong gia đình mà có thể đối xử không phải với chúng ta?

Cùng nhau xem lại Giáo Lý và Giao Ước 64:8–11, và hỏi cả lớp xem các lẽ thật nào họ học được từ những lời giảng dạy của Chúa về sự tha thứ. Trong số các lẽ thật mà học viên nhận ra, có thể có một lẽ thật giống như sau: Chúa đòi hỏi chúng ta phải tha thứ tất cả mọi người.

Anh chị em có thể mời học viên chọn một vài đoạn hoặc câu phát biểu của các vị lãnh đạo Giáo Hội trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị để ôn lại nhanh. Rồi hỏi:

  • Làm cách nào những lời giảng dạy này có thể giúp một người nào đó tha thứ cho một người thân trong gia đình mà đã đối xử không phải với người đó?

Là một phần của cuộc thảo luận, hãy cân nhắc trưng ra câu phát biểu của Anh Cả Massimo De Feo trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị và cùng đọc câu đó với học viên. Anh chị em có thể cho học viên một vài phút để suy ngẫm về những gì Đấng Cứu Rỗi đã làm cho họ.

  • Việc ghi nhớ sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta tha thứ người khác như thế nào?

Cân nhắc sử dụng câu chuyện về Gia Cốp và Ê Sau để giúp học viên gia tăng sự hiểu biết của họ về sự tha thứ trong cuộc sống gia đình, hoặc tạo tình huống riêng của anh chị em mà có thể giúp học viên suy xét những cảm nghĩ, những nỗi lo lắng, và lựa chọn liên quan đến việc hòa giải với một người thân trong gia đình bị chúng ta làm cho phật lòng hoặc làm chúng ta phật lòng.

Nếu được, thì hãy trưng ra hình ảnh sau đây:

Esau’s Birthright (Quyền Trưởng Nam của Ê Sau), tranh do Glen S. Hopkinson họa

Yêu cầu học viên giải thích điều họ biết về câu chuyện giữa Gia Cốp và Ê Sau và điều gì đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai anh em này. Nếu cần, anh chị em có thể bổ sung vào sự hiểu biết của học viên bằng cách chia sẻ một số chi tiết sau đây:

Y Sác và Rê Bê Ca có hai người con trai sinh đôi, Ê Sau và Gia Cốp. Ê Sau là con cả và do đó ở vị trí con trai có quyền trưởng nam. Điều này có nghĩa là ông sẽ thừa kế đất đai của cha mình, “nhận gấp đôi về mọi vật thuộc cha mình,” và thẩm quyền để chủ tọa với tư cách là vị lãnh đạo thuộc linh của gia đình sau khi người cha qua đời (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Con Đầu Lòng”; cũng xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Quyền Trưởng Nam”).

Tuy nhiên, Ê Sau đã bán quyền trưởng nam cho Gia Cốp để đổi lấy một nồi canh phạn đậu (một tô súp hoặc đậu hầm). Sau đó khi Y Sác muốn ban phước lành quyền trưởng nam cho con trai, Ê Sau đã cố gắng nhận được phước lành đó mặc dầu ông đã mất quyền. Rê Bê Ca đã can thiệp, và Gia Cốp nhận được phước lành này. Kết quả là Ê Sau ghét Gia Cốp và thề sẽ giết ông. Rê Bê Ca và Y Sác gửi Gia Cốp đi sống với người chú là La Ban. Gia Cốp kết hôn và có con cái. Sau 20 năm, Chúa đã chỉ thị Gia Cốp trở về quê hương ông. Gia Cốp lo sợ về những gì Ê Sau có thể làm cho ông và gia đình ông khi biết được rằng Ê Sau đi cùng với 400 người đang ra đón họ. Gia Cốp chỉ dẫn cho các tôi tớ chia một số lượng lớn gia súc của mình ra thành nhiều nhóm và gửi biếu cho Ê Sau khi ông đến gần. (Xin xem Sáng Thế Ký 25-32.)

Cân nhắc chia lớp học ra thành từng cặp hoặc những nhóm nhỏ. Mời học viên đọc thầm Sáng Thế Ký 33:1–11, tìm xem điều gì đã xảy ra khi Gia Cốp và Ê Sau gặp nhau. Yêu cầu mỗi học viên chọn góc nhìn của Gia Cốp hoặc của Ê Sau và tưởng tượng đang trải nghiệm các sự kiện được ghi lại trong các câu này từ góc nhìn đó.

Sau khi đã thấy có đủ thời gian, hãy yêu cầu học viên thảo luận các câu hỏi sau đây với bạn cùng nhóm của mình hoặc với cả nhóm, sử dụng những điều họ học được trong khi hình dung ra cuộc hội ngộ này từ góc nhìn của Gia Cốp hoặc của Ê Sau:

  • Anh chị em có thể có suy nghĩ hay cảm nghĩ gì khi anh chị em đến gần hoặc nói chuyện với người anh hay em trai của mình?

  • Anh chị em đã làm gì để hòa giải với người anh hay em trai của mình? Anh chị em có thể học được nguyên tắc nào từ câu chuyện này?

Một khi học viên đã hoàn thành sinh hoạt này, hãy cân nhắc cùng thảo luận một vài câu hỏi sau đây với cả lớp:

  • Anh chị em thấy những nguyên tắc nào trong các ví dụ về Gia Cốp và Ê Sau? Trong những phương diện nào anh chị em thấy bàn tay của Chúa trong câu chuyện này?

  • Thượng Đế đã giúp anh chị em chủ động giải quyết một xích mích hoặc tha thứ cho một người nào đó trong gia đình mình như thế nào? (Nhắc nhở học viên đừng chia sẻ bất cứ điều gì quá riêng tư.)

Mời học viên yên lặng suy xét cách Cha Thiên Thượng có thể muốn họ áp dụng các nguyên tắc hối cải hoặc tha thứ trong những mối quan hệ gia đình của họ vào lúc này. Khuyến khích họ hành động theo bất kỳ ấn tượng nào họ nhận được. Anh chị em có thể cho học viên thời gian để làm chứng về giá trị của sự hối cải và tha thứ trong gia đình.

Cho Buổi Học Lần Sau

Giải thích rằng, đáng thương thay, một số người chọn lạm dụng, ngược đãi người khác. Khuyến khích học viên học kỹ tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau. Mời họ suy xét cách họ có thể chữa lành hoặc giúp đỡ người khác được lành sau những ảnh hưởng của sự lạm dụng, ngược đãi, với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi.