Viện Giáo Lý
Bài Học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sự Bình Đẳng giữa Vợ Chồng trong Hôn Nhân


“Bài Học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sự Bình Đẳng giữa Vợ Chồng trong Hôn Nhân,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Bài Học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Sự Bình Đẳng giữa Vợ Chồng trong Hôn Nhân

Từ thời A Đam và Ê Va, Chúa đã định rõ rằng vợ chồng phải bình đẳng trong hôn nhân. Các vị tiên tri tại thế đã tái khẳng định nguyên tắc này trong thời kỳ của chúng ta. Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội để giải thích những lời giảng dạy của phúc âm về sự bình đẳng giữa vợ chồng trong hôn nhân và về việc chủ tọa trong gia đình. Học viên cũng sẽ được mời xác định những điều họ có thể làm bây giờ để có được sự bình đẳng giữa vợ chồng trong hôn nhân.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Vợ chồng được định là phải bình đẳng trong hôn nhân.

Cân nhắc mở đầu bài học bằng cách trưng ra hoặc phát các bản sao câu phát biểu sau đây của Chủ Tịch Jean B. Bingham, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ. Yêu cầu học viên đọc câu phát biểu đó, tìm hiểu xem kẻ nghịch thù tìm cách để phá hoại hôn nhân và gia đình như thế nào.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Jean B. Bingham

Lu Xi Phe biết rằng nếu hắn có thể hủy hoại cảm giác đoàn kết giữa người nam và người nữ, làm chúng ta lẫn lộn về giá trị thiêng liêng và các trách nhiệm trong giao ước của chúng ta, thì hắn sẽ thành công trong việc hủy hoại các gia đình, là đơn vị thiết yếu của sự vĩnh cửu.

Sa Tan kích động tính so bì như một công cụ để tạo ra các cảm nghĩ hơn thua, giấu đi lẽ thật vĩnh cửu rằng những sự khác biệt tự nhiên giữa nam và nữ là do Thượng Đế quy định và có giá trị ngang nhau. … Mục đích của hắn là để cổ xúy cho sự ganh đua quyền lực thay vì tán dương những đóng góp riêng của người nam và người nữ mà giúp bổ sung cho nhau và góp phần vào sự đoàn kết. (“Hiệp Một trong Công Việc của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 60–61)

  • Những thử thách nào có thể đến với một cuộc hôn nhân nếu người chồng hoặc người vợ cảm thấy thấp kém hoặc giỏi giang hơn người kia?

Cùng các học viên xem lại Môi Se 3:18, 21–23 rồi hỏi:

  • Chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ cách Chúa miêu tả sự sáng tạo thể xác của Ê Va, như được ghi lại trong câu chuyện này? (Nếu cần, hãy hướng dẫn học viên tham khảo những lời giải thích về đoạn thánh thư này của các vị lãnh đạo Giáo Hội trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị. Giúp học viên nhận ra một lẽ thật giống như lẽ thật sau đây: Trong hôn nhân, Cha Thiên Thượng định rõ rằng vợ chồng phải giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là hai người bạn đời bình đẳng.)

Để giúp học viên hiểu sâu hơn lẽ thật này, hãy cân nhắc trưng ra một vài đồ vật mà khi sử dụng theo cặp có thể thực hiện được một việc gì đó. Những đồ vật này có thể là hai lưỡi dao của một cái kéo, một cái nĩa và một con dao, một nhạc cụ mà cần cả hai thành phần để có thể hoạt động (như cây đàn violin), một đôi giày hoặc đôi găng tay, một đôi tai nghe, và vân vân. Mời học viên tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu họ chỉ sử dụng một phần của một trong hai vật đó để hoàn thành công việc của họ.

  • Những đồ vật này giống như một người chồng và người vợ làm việc chung với nhau như thế nào?

  • Các phước lành nào có thể đến với một cuộc hôn nhân nếu vợ chồng nhìn nhận nhau và hỗ trợ lẫn nhau như là hai người bạn đời bình đẳng?

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Ghi nhận câu trả lời của học viên theo cách tích cực. Khi một học viên đưa ra một câu trả lời, hãy ghi nhận theo những cách tích cực. Nó có thể là một lời cám ơn giản dị hoặc một lời nhận xét về câu trả lời đó. Làm như vậy sẽ giúp học viên cảm thấy được lắng nghe và được coi trọng. Các phản ứng tích cực này có thể giúp học viên cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ những câu trả lời, những hiểu biết sâu sắc, và những kinh nghiệm trong tương lai.

Nhắc nhở học viên rằng họ đã đọc trong tài liệu chuẩn bị rằng Chúa đã chỉ định những trách nhiệm riêng cho vợ chồng trong gia đình mà “bình đẳng trong giá trị và tầm quan trọng” (Quentin L. Cook, “Tình Yêu Thương Lớn Lao dành cho Con Cái của Cha Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 79). Tương tự như vậy, các vị tiên tri đã dạy: “Trong các trách nhiệm thiêng liêng này, những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org).

Anh chị em có thể nêu ra rằng một số trách nhiệm này sẽ được thảo luận trong các bài học sắp tới. Nhưng để bắt đầu thảo luận một ví dụ, hãy đưa ra lẽ thật sau đây: “Theo kế hoạch thiêng liêng, những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”).

Nhắc học viên nhớ rằng Giáo Lý và Giao Ước 121:41–43 nêu ra một vài thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà có thể liên quan đến cách chủ tọa ngay chính trong gia đình. Yêu cầu học viên xem lại đoạn này và điều họ đã viết để thực hiện sinh hoạt “Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em” ở phần 2 của tài liệu chuẩn bị. Mời một vài học viên chia sẻ những điều họ đã viết cùng với lớp học. Rồi cân nhắc hỏi câu hỏi sau đây:

  • Có những ví dụ nào về sự bình đẳng giữa vợ chồng và sự chủ tọa ngay chính trong gia đình mà anh chị em đã thấy hoặc nghe nói tới?

Vợ chồng cần phải hội ý với nhau để đưa ra các quyết định cho gia đình mình.

Tình huống sau đây được soạn ra nhằm giúp học viên phân tích sự hiểu biết của họ về sự bình đẳng giữa vợ chồng trong hôn nhân và cách chủ tọa trong gia đình. (Cân nhắc cách anh chị em có thể điều chỉnh tình huống này khi thích hợp để phản ánh rõ hơn văn hóa của mình hoặc để đáp ứng bất kỳ nhu cầu cụ thể nào mà học viên của anh chị em có thể có.)

Cùng với cả lớp hoặc theo nhóm nhỏ, hãy xem lại tình huống sau đây, và thảo luận các câu hỏi ở cuối tờ giấy phát tay.

Câu chuyện về Nicolas và Elena

Tài Liệu Hôn Nhân Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên—Bài Học 17

Nicolas và Elena có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc được 10 năm và có ba đứa con. Cả hai đều muốn gia đình mình được thiết lập dựa trên nền tảng của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, và mỗi người họ đều cố gắng làm tròn các trách nhiệm trong gia đình của mình như đã được Thượng Đế quy định.

Giống như nhiều cặp vợ chồng khác, Nicolas và Elena cũng có những bất đồng. Những bất đồng của họ thường là về tiền bạc. Nicolas đi làm toàn thời gian ở bên ngoài. Elena có thể chăm lo cho các con của họ đồng thời xoay sở việc nhà toàn thời gian, ngoài ra cô ấy cũng thỉnh thoảng làm thêm. Nicolas tin vai trò chủ tọa trong gia đình của anh, cũng như vì là người kiếm nhiều tiền hơn, có nghĩa là anh phải là người có quyền quyết định cuối cùng về cách chi dùng tiền của họ. Elena cảm thấy rằng cô ấy nên có nhiều quyền quyết định hơn trong những vấn đề liên quan đến con cái vì cô ấy dành thời gian với chúng nhiều hơn Nicolas. Trước đây, cô ấy đã tiêu tiền của họ theo cách cô ấy muốn mà không nói cho Nicolas biết.

Gần đây, Nicolas và Elena đã bàn bạc về việc họ nên làm gì với số tiền họ dành dụm được. Nicolas muốn dùng số tiền này mua một chiếc xe để anh đi làm và để cho cả nhà đi đây đi đó được dễ dàng hơn. Elena muốn dùng số tiền này để đưa con cái đi du lịch thăm gia đình họ hàng và có được những trải nghiệm vui vẻ cùng nhau trước khi bọn trẻ trưởng thành.

Sự bất đồng giữa Nicolas và Elena khiến họ cảm thấy nặng nề, nhưng họ cần phải quyết định.

  • Anh chị em cho rằng thử thách lớn nhất mà Nicolas và Elana đang phải đối phó trong việc quyết định điều cần làm với số tiền của họ là gì?

  • Anh chị em nghĩ họ cần làm gì để hiểu rõ hơn về sự bình đẳng giữa vợ chồng và sự chủ tọa liên quan đến việc đưa ra quyết định cho gia đình họ? (Xin xem phần 3 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Nếu anh chị em là Nicolas hay Elena, thì làm thế nào anh chị em có thể nói với chồng hoặc vợ của mình để có thể cùng nhau hội ý về quyết định này theo cách giống như Đấng Ky Tô?

Câu chuyện về Nicolas và Elena

Hình Ảnh
tài liệu phát tay của giảng viên

Sau khi đã cho học viên đủ thời gian để thảo luận về tình huống này, anh chị em có thể hỏi:

  • Việc cùng nhau bàn bạc trong sự ngay chính có thể ban phước cho các cặp vợ chồng và con cái của họ như thế nào?

Để kết thúc, hãy đưa ra những câu hỏi sau đây, và cho học viên đủ thời gian để thầm suy ngẫm và ghi lại bất kỳ ấn tượng nào họ có thể nhận được.

  • Thái độ, thuộc tính, hoặc lối hành động thực hành nào giống như Đấng Ky Tô mà tôi có thể phát triển hoặc củng cố để giúp tôi thúc đẩy một mối quan hệ bình đẳng trong hôn nhân của mình? Làm cách nào tôi có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa trong những nỗ lực của tôi?

Cho Buổi Học Lần Sau

Thừa nhận với học viên rằng thường mối lo ngại chính của các cặp nam nữ khi họ tính đến hôn nhân và có con cái là làm sao để họ có thể chu cấp cho những nhu cầu tài chính của mình. Khuyến khích học viên thành tâm nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho bài học lần sau và lắng nghe những thúc giục sẽ có thể giúp họ đưa ra những lựa chọn khôn ngoan về tài chính và trở nên tự lực hơn.

In