“Bài học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chu Cấp Những Nhu Cầu Thế Tục,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)
“Bài học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên
Bài học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Chu Cấp Những Nhu Cầu Thế Tục
Chúa giao phó cho các bậc cha mẹ trách nhiệm để chu cấp những nhu cầu thế tục cho con cái họ. Trong bài học này, học viên sẽ tìm hiểu cách mà việc trở nên tự lực có thể cải thiện khả năng của họ để làm tròn trách nhiệm này. Học viên cũng sẽ được mời xác định cách họ có thể cải thiện nỗ lực của mình để sống theo các nguyên tắc tài chính khôn ngoan.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Cha mẹ có trách nhiệm chu cấp những nhu cầu thế tục của gia đình mình.
Trưng ra lẽ thật sau đây lên trên bảng: Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là cung cấp những nhu cầu vật chất cho con cái họ (xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org).
-
Anh chị em có cảm nghĩ hoặc có câu hỏi gì về bổn phận thiêng liêng này?
-
Điều gì anh chị em hiện đang làm để chuẩn bị hoặc làm tròn bổn phận này?
Viết lên trên bảng từ sự tự lực. Mời học viên liệt kê lên trên bảng những từ mô tả một người nào đó đang sống tự lực. Yêu cầu một vài học viên chia sẻ lý do tại sao họ chọn các từ đó.
-
Tại sao việc phát triển khả năng tự lực là quan trọng đối với chúng ta? (Là một phần của cuộc thảo luận này, anh chị em có thể sử dụng những lời giảng dạy trong Giáo Lý và Giao Ước 75:28–29 và những lời giảng dạy khác trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị. Sau đó anh chị em có thể giúp học viên nhận ra các lẽ thật tương tự như sau: Lao động cần cù sẽ giúp các cha mẹ trở nên tự lực và có thể chu cấp cho những nhu cầu về mặt thuộc linh và thế tục của gia đình mình. Việc trở nên tự lực giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Việc trở nên tự lực gia tăng khả năng của chúng ta để phục vụ người khác.)
Chọn trong số các câu hỏi sau đây những câu hỏi phù hợp nhất với học viên của anh chị em, và thảo luận cùng cả lớp hoặc trong các nhóm nhỏ:
-
Anh chị em nghĩ việc trở nên tự lực phù hợp với kế hoạch của Cha Thiên Thượng như thế nào?
-
Những kinh nghiệm nào đã giúp anh chị em biết ơn giá trị của sự làm việc cần cù? Anh chị em đã kinh nghiệm được các phước lành nào khi làm việc chăm chỉ? (Hãy cân nhắc cùng nhau xem lại câu phát biểu của Anh Cả D. Todd Christofferson về việc làm trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)
-
Những lợi ích nào mà học vấn có thể mang đến cho chúng ta và gia đình của chúng ta? Điều đó có thể giúp chúng ta trở nên giống như Thượng Đế hơn như thế nào? (Nếu cần, hãy tham khảo những lời giảng dạy về học vấn trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị để cuộc thảo luận được sâu sắc hơn.)
-
Chúa đã giúp anh chị em, hoặc Ngài có thể giúp anh chị em như thế nào để phát triển một nguyên tắc làm việc chăm chỉ hoặc cố gắng đạt được học vấn cao hơn?
2:3
Hãy giải thích rằng để hướng dẫn và ban phước cho con cái Ngài, Cha Thiên Thượng của chúng ta đã chỉ định những trách nhiệm nhất định cho các cha mẹ. Viết hoặc trưng ra câu phát biểu sau đây lên trên bảng: Qua kế hoạch thiêng liêng, những người cha có trách nhiệm cung cấp cho những nhu cầu cần thiết của cuộc sống cho gia đình mình (xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”).
Giúp học viên hiểu rằng vì các cặp vợ chồng và các gia đình đều có hoàn cảnh khác nhau, nên trong một số trường hợp, cả người cha lẫn người mẹ đều phải đi làm để chu cấp cho những nhu cầu cần thiết cho gia đình họ.
-
Anh chị em học được điều gì từ lời khuyên bảo của Chủ Tịch M. Russell Ballard về cách mà một cặp vợ chồng có thể đưa ra những quyết định như vậy? (Hãy cân nhắc mời học viên xem lại câu phát biểu của Chủ Tịch Ballard trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)
-
Anh chị em có cảm nghĩ gì về lời khuyên này?
Hãy làm chứng rằng Cha Thiên Thượng sẽ hướng dẫn con cái Ngài trong hoàn cảnh riêng của họ khi họ học những lời giảng dạy của các vị tiên tri và cùng bàn bạc với người phối ngẫu của họ và với Ngài.
Các nguyên tắc quản lý tài chính khôn ngoan có thể hướng dẫn chúng ta trong việc chu cấp cho gia đình mình.
Hãy mời học viên xem lại nhanh các đoạn thánh thư họ đã chọn cho sinh hoạt học tập trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị. (Anh chị em có thể cần cho học viên thời gian để xem lại một số đoạn này.)
Sắp xếp học viên thành từng cặp hoặc nhóm nhỏ. Mời họ chia sẻ với nhau các nguyên tắc tài chính mà họ học được từ các đoạn thánh thư này và thảo luận câu hỏi sau đây (anh chị em có thể muốn trưng ra câu hỏi này trên bảng):
-
Làm cách nào việc áp dụng các nguyên tắc tài chính một cách khôn ngoan có thể ban phước cho cá nhân hoặc gia đình anh chị em?
Sau đây là một bản liệt kê các nguyên tắc mà học viên có thể nhận ra từ các đoạn thánh thư đã được đưa ra trong tài liệu chuẩn bị:
-
Tuân theo luật thập phân và các của lễ (xin xem Ma La Chi 3:8–10).
-
Tránh để tâm vào những của cải thế gian (xin xem Ma Thi Ơ 6:19–21).
-
Sử dụng một ngân sách và hoạch định khôn ngoan (xin xem Lu Ca 14:28–30).
-
Hài lòng với những gì mình có (xin xem 1 Ti Mô Thê 6:6–10).
-
Tìm kiếm Thượng Đế trước khi tìm kiếm của cải, và nếu anh chị em có tìm kiếm của cải, thì hãy tìm kiếm vì những mục đích ngay chính (xin xem Gia Cốp 2:18–19).
-
Sử dụng các phước lành vật chất để giúp đỡ người nghèo khó và túng thiếu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 104:13–18).
-
Trả hết nợ nần (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 104:78).
Sau khi đã thấy đủ thời gian, mời một vài học viên chia sẻ với cả lớp các nguyên tắc họ đã nhận ra. Sau đó viết hoặc trưng ra nguyên tắc sau đây lên trên bảng: Bằng cách áp dụng các nguyên tắc tài chính khôn ngoan, các cá nhân và gia đình có thể cải thiện sự ổn định tài chính của chính họ và giúp đỡ những người có nhu cầu.
-
Khi nào anh chị em hoặc gia đình mình đã có được những phước lành từ việc áp dụng các nguyên tắc tài chính khôn ngoan?
-
Chúng ta có thể học hỏi được điều gì về Chúa và đặc tính của Ngài từ sự thật là Ngài đã đưa ra cho chúng ta các nguyên tắc tài chính như vậy?
Hãy cân nhắc cho học viên thời gian để suy ngẫm về những gì họ học được về việc trở nên tự lực, phát triển một nguyên tắc làm việc chăm chỉ, đạt được học vấn hoặc được đào tạo chuyên nghiệp, và áp dụng các nguyên tắc tài chính khôn ngoan. Mời học viên ghi lại một điều họ có thể bắt đầu làm, hoặc tiếp tục làm, để gia tăng khả năng tự lực và nỗ lực của họ để sống theo các nguyên tắc này. (Là một phần của sinh hoạt này, anh chị em có thể mời học viên xem lại những điều họ đã viết để trả lời những gợi ý trong mục “Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em” trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị.)
Kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về mong muốn của Chúa để giúp đỡ chúng ta chu cấp những nhu cầu thế tục của mình.
Cho Buổi Học Lần Sau
Mời học viên nghĩ về những điều họ biết ơn về mẹ của họ hoặc một người họ coi như mẹ trong cuộc đời họ. Khuyến khích họ suy ngẫm về giá trị của người mẹ trong khi nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho bài học 19. Anh chị em có thể mời học viên viết một bức thư ngắn cảm ơn mẹ của họ hoặc một người họ coi như mẹ.