Viện Giáo Lý
Bài Học 10 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Giao Ước Mới và Vĩnh Viễn về Hôn Nhân


“Bài Học 10 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Giao Ước Mới và Vĩnh Viễn về Hôn Nhân,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 10 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Bài Học 10 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Giao Ước Mới và Vĩnh Viễn về Hôn Nhân

Việc lập và tôn trọng “giao ước mới và vĩnh viễn về hôn nhân” (Giáo Lý và Giao Ước 131:2) là thiết yếu cho sự tôn cao. Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội để giải thích tầm quan trọng vĩnh cửu của giao ước hôn nhân và lý do tại sao họ nên nỗ lực vì một cuộc hôn nhân vĩnh cửu. Họ cũng sẽ suy ngẫm điều họ có thể làm để chuẩn bị bước vào hoặc tôn trọng các giao ước hôn nhân của mình.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Hôn nhân vĩnh cửu là một sự hợp tác với Thượng Đế.

Hãy cân nhắc bắt đầu lớp học bằng cách mời một vài học viên chia sẻ điều họ học được từ cuộc trò chuyện với một người đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ (xin xem lời mời trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị). (Lưu ý: Anh chị em có lẽ muốn liên lạc với một hoặc hai học viên từ trước khi lớp học bắt đầu vài ngày để hỏi xem họ có thể chuẩn bị để chia sẻ điều họ học được từ các cuộc trò chuyện của họ không.)

Anh chị em có thể hỏi xem học viên có bất kỳ thắc mắc nào về giao ước hôn nhân hoặc giáo lễ gắn bó trong hôn nhân không. (Hãy cân nhắc điều chỉnh nội dung bài học dựa theo các thắc mắc mà học viên nêu ra. Đảm bảo rằng các câu giải đáp cho thắc mắc của học viên tôn trọng tính chất thiêng liêng của đền thờ.)

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy giải đáp kỹ lưỡng những thắc mắc của học viên. Tỏ lòng biết ơn khi học viên sẵn lòng đặt ra các câu hỏi. Dành thời gian để thật sự lắng nghe và hiểu những câu hỏi của họ và đặt thêm các câu hỏi khi cần thiết. Đôi khi, có thể thích hợp để giải đáp trực tiếp các thắc mắc, trong khi vào những lúc khác, có lẽ tốt hơn để giúp học viên tìm câu trả lời cho các câu hỏi của chính họ. Anh chị em cũng có thể mời các học viên khác giải đáp các thắc mắc.

Hãy cùng nhau đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Parley P. Pratt thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, khi ông mô tả cảm giác của ông vào lần đầu tiên biết được rằng hôn nhân có thể tồn tại suốt vĩnh cửu:

Parley P. Pratt

Chính là từ [Tiên Tri Joseph Smith] mà tôi đã biết được rằng người vợ của lòng tôi có thể được gắn bó với tôi cho thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu. … Chính là từ ông mà tôi biết được rằng chúng [tôi] có thể [nuôi dưỡng] những [tình cảm] này, và phát triển cùng gia tăng những [tình cảm] này trong suốt thời vĩnh cửu; trong khi kết quả của sự kết hợp vĩnh viễn của hôn nhân vĩnh cửu của chúng [tôi] sẽ là con cháu nhiều như sao trên trời, hay đông như cát bờ biển. … [Trước đây], tôi … yêu … nhưng tôi không biết tại sao. Nhưng bây giờ tôi yêu—với một sự thanh khiết—một cảm xúc mãnh liệt gia tăng, cao quý. (Autobiography of Parley P. Pratt, do Parley P. Pratt Jr. biên soạn [năm 1938], trang 297–298)

  • Việc biết rằng hôn nhân có thể tồn tại vĩnh cửu ảnh hưởng như thế nào đến các lựa chọn và cảm nghĩ của chúng ta về hôn nhân trong cuộc sống này?

Hãy cùng nhau xem lại Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4 và thêm những lẽ thật mà Joseph Smith dạy về hôn nhân vĩnh cửu. Rồi anh chị em có thể hỏi học viên điều gì gây ấn tượng với họ trong đoạn này. Họ có thể nhận ra các lẽ thật như là: Hôn nhân vĩnh cửu là bắt buộc để đạt được đẳng cấp cao nhất trong vương quốc thượng thiên. Những người nào lập giao ước mới và vĩnh viễn này về hôn nhân có thể có được sự gia tăng vĩnh cửu.

  • Từ điều anh chị em học được trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị, giao ước mới và vĩnh viễn này về hôn nhân liên quan như thế nào đến Áp Ra Ham và Sa Ra? (Hãy cân nhắc giúp học viên nhận ra rằng Chúa đã ban lời hứa vinh quang này cho Áp Ra Ham và Sa Ra, kể cả lời hứa rằng họ sẽ có sự gia tăng vĩnh cửu [vô số hậu duệ].)

  • Làm thế nào mà giao ước này về hôn nhân cho phép chúng ta trở nên giống cha mẹ thiên thượng?

Hãy trưng ra hình ảnh đi kèm thể hiện mối quan hệ giao ước trong hôn nhân. Mời học viên giải thích điều Anh Cả David A. Bednar đã dạy về sơ đồ này (xin xem phần 1 của tài liệu chuẩn bị).

giao ước hôn nhân được minh họa theo hình tam giác

Hãy trưng ra câu phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Một lễ hôn phối trong đền thờ không những giữa chồng với vợ mà nó còn gồm có Thượng Đế nữa [xin xem Ma Thi Ơ 19:6]” (“Hôn Nhân Vĩnh Cửu,”, tháng Mười Một năm 2008, trang 93).

  • Làm thế nào việc hiểu lẽ thật này ảnh hưởng đến những sự chọn lựa mà người chồng và người vợ đưa ra?

Nếu một hoặc nhiều người trong lớp của anh chị em đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ, thì hãy cân nhắc hỏi họ có sẵn lòng chia sẻ với cả lớp cảm nghĩ của họ về việc được làm lễ gắn bó trong đền thờ và ý nghĩa của giao ước đó đối với họ. (Anh chị em có thể muốn hỏi những học viên này trước giờ học để họ có thời gian chuẩn bị câu trả lời của mình.)

Hãy trưng ra và cùng nhau đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Thomas S. Monson:

Chủ Tịch Thomas S. Monson

Tôi khuyên các em duy trì một quan điểm vĩnh cửu. Hãy chắc chắn rằng cuộc hôn nhân tương lai của các em là một cuộc hôn nhân trong đền thờ. Không có khung cảnh nào ngọt ngào, thời khắc nào thiêng liêng cho bằng ngày hôn lễ vô cùng đặc biệt đó của các em. Khi ấy, ở nơi đó, các em sẽ thoáng thấy được niềm vui thượng thiên. Hãy tỉnh táo; đừng cho phép sự cám dỗ lấy đi của các em phước lành này. (“Whom Shall I Marry?,” New Era, tháng Mười năm 2004, trang 6)

  • Tại sao giáo lý về hôn nhân vĩnh cửu có thể mang đến những cảm nghĩ sâu lắng về niềm vui và tình yêu?

Hãy cân nhắc mời bất kỳ học viên nào mà sẵn lòng để chia sẻ lý do và cách thức họ nỗ lực để có một cuộc hôn nhân vĩnh cửu.

Hôn nhân có thể tồn tại vĩnh cửu đối với những ai trung thành với các giao ước của họ.

Chia lớp học ra thành các nhóm nhỏ. Đưa cho mỗi nhóm một bản sao giấy phát tay kèm trong bài học này. Hãy hướng dẫn các nhóm đọc tình huống trong đó và thảo luận các câu hỏi với nhau.

Hôn Nhân Vĩnh Cửu

Tài Liệu Hôn Nhân Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên—Bài Học 10

Anh chị em là bạn của một cặp vợ chồng mà gần đây không tham gia các buổi họp giáo hội trong tiểu giáo khu. Trong một lần trò chuyện với họ, người chồng nói: “Đừng lo lắng khi chúng tôi không đi nhà thờ bây giờ. Chúng tôi đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ, nên chúng tôi ổn mà. Chúng tôi sẽ được ở cùng nhau mãi mãi.”

  • Khi nghĩ về những gì anh chị em học được trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị, cặp vợ chồng này không hiểu gì về điều được đòi hỏi để cho cuộc hôn nhân của họ trở nên vĩnh cửu? (Anh chị em có thể muốn xem lại nhanh phần 2.)

  • Những đức tính hoặc sự lựa chọn nào cho phép một người “tôn trọng giao ước [đó]”? (Giáo Lý và Giao Ước 132:19).

  • Làm thế nào chúng ta có thể trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn trong việc tuân giữ các giao ước và lời hứa thiêng liêng đã lập với Thượng Đế?

Hôn Nhân Vĩnh Cửu

tài liệu phát tay của giảng viên

Sau khi đã cho học viên đủ thời gian, hãy mời một vài học viên chia sẻ những điều họ đã học được trong nhóm thảo luận của họ. Khi học sinh chia sẻ những nhận xét của họ, anh chị em có thể muốn liệt kê lên trên bảng một số lẽ thật mà họ nói đến. Những lẽ thật này có lẽ bao gồm các ý kiến tương tự như sau: Các cuộc hôn nhân của chúng ta có thể tồn tại vĩnh cửu chỉ khi chúng được thực hiện bởi thẩm quyền của Thượng Đế và nếu chúng ta tôn trọng giao ước hôn nhân. Đức Thánh Linh (Đức Thánh Linh Hứa Hẹn) sẽ làm chứng với Cha Thiên Thượng về sự trung thành của chúng ta với các giao ước hôn nhân. Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo về việc giữ các lời hứa và giao ước.

Hãy làm chứng rằng có niềm hy vọng cho tất cả mọi người để có một cuộc hôn nhân vĩnh cửu. Đấng Cứu Rỗi đã tạo điều kiện cho tất cả chúng ta có thể hối cải, được tha thứ, cùng lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng với Ngài. Hãy nhắc các học viên rằng thậm chí những người không có cơ hội kết hôn trong cuộc sống này có thể được làm lễ gắn bó với một người phối ngẫu cho thời vĩnh cửu nếu họ trung tín.

Anh chị em có thể trưng ra các câu hỏi sau đây và mời học viên chọn một câu và ghi lại những ấn tượng của họ về câu đó:

  • Tôi cam kết ra sao với việc kết hôn trong đền thờ? Tôi có thể đưa ra những sự lựa chọn nào bây giờ để ủng hộ cam kết đó?

  • Bằng cách nào tôi có thể noi theo tốt hơn tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong việc tuân giữ các giao ước của mình? Tôi sẽ tiếp cận quyền năng của Ngài để giúp tôi lập và tuân giữ các giao ước của mình ra sao?

Hãy kết thúc với chứng ngôn của anh chị em về các lẽ thật được thảo luận trong bài học này, và khuyến khích học viên áp dụng điều họ cảm nhận hoặc học được.

Cho Buổi Học Lần Sau

Khuyến khích học viên học tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau. Anh chị em có thể cung cấp các câu hỏi sau đây cho học viên để suy ngẫm trong khi họ chuẩn bị:

  • Bằng những cách thức nào Chúa đang giúp tôi trong những nỗ lực của tôi để tìm một người bạn đời vĩnh cửu (hoặc, với những ai đã kết hôn, để xây dựng một mối quan hệ vĩnh cửu)?

  • Những đức tính nào giống như Đấng Ky Tô ở một người phối ngẫu và ở bản thân mà có ý nghĩa nhất đối với tôi nhất?