Viện Giáo Lý
Bài Học 17 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Bình Đẳng giữa Vợ Chồng trong Hôn Nhân


“Bài Học 17 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Bình Đẳng giữa Vợ Chồng trong Hôn Nhân,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 17 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

vợ chồng cùng nấu ăn với nhau

Bài Học 17 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Sự Bình Đẳng giữa Vợ Chồng trong Hôn Nhân

Trong gia đình, Chúa đã giao phó cho người nam và người nữ “các vai trò khác nhau nhưng quan trọng ngang bằng [mà lại] bổ sung cho nhau” (M. Russell Ballard, “The Sacred Responsibilities of Parenthood,” Ensign, tháng Ba năm 2006, trang 29). Các vị tiên tri đã dạy rằng “trong các trách nhiệm thiêng liêng này, những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Các trách nhiệm này sẽ được thảo luận kỹ hơn trong một vài bài học kế tiếp.

Phần 1

Làm sao tôi có thể trở thành một người bạn đời bình đẳng trong hôn nhân?

Chúng ta có thể học hỏi các lẽ thật quan trọng về mối quan hệ mà Chúa dự định dành cho người chồng và người vợ từ cách Ngài mô tả sự sáng tạo ra Ê Va như đã được ghi lại trong sách Môi Se.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Môi Se 3:18, 21–23, và nghĩ về ý nghĩa của biểu tượng được sử dụng để mô tả sự sáng tạo ra Ê Va.

Adam and Eve (A Đam và Ê Va), tranh do Lowell Bruce Bennett họa

Lời mô tả sự sáng tạo ra Ê Va từ xương sườn của A Đam theo nghĩa bóng (xin xem Spencer W. Kimball, “The Blessings and Responsibilities of Womanhood,” Ensign, tháng Ba năm 1976, trang 71). Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích một ý nghĩa tượng trưng có thể có của xương sườn:

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Xương sườn, lấy ra từ bên hông, dường như biểu thị sự hợp tác. Xương sườn không ám chỉ quyền lực hay sự phục tùng, nhưng là một mối quan hệ bình đẳng với tư cách là vợ chồng, để sống và làm việc sát cánh bên nhau. (“Lessons from Eve,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, trang 87)

Chủ Tịch Linda K. Burton, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã dạy như sau về ý nghĩa của từ kẻ giúp đỡ:

Chủ Tịch Linda K. Burton

Cụm từ kẻ giúp đỡ có nghĩa là “một người trợ giúp thích hợp, xứng đáng, hoặc tương xứng với ông”. Ví dụ, hai bàn tay của chúng ta tương tự như nhau nhưng không hoàn toàn giống nhau. Trong thực tế, chúng hoàn toàn ngược lại với nhau, nhưng chúng bổ sung hỗ trợ cho nhau và thích hợp với nhau. Khi cùng nhau làm việc, thì chúng trở nên mạnh mẽ hơn. (“Chúng Ta Sẽ Cùng Thăng Tiến,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 30)

Một số niềm tin cùng hành vi xuất phát từ văn hóa hoặc cá nhân có thể ngăn cản không cho chúng ta trở thành một người cộng sự bình đẳng trong hôn nhân. Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã mô tả một vài hoàn cảnh này và cách để vượt qua chúng:

Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Một số … ông chồng có ý nghĩ sai lầm rằng chồng chỉ việc nghỉ ngơi trong khi vợ làm hầu hết công việc nhà hoặc vợ con chỉ là đầy tớ của chồng. Điều này không làm Chúa hài lòng vì nó cản trở những mối quan hệ gia đình mà cần phải phổ biến trong thời vĩnh cửu và nó hạn chế sự tăng trưởng mà cần phải xảy ra ở nơi đây trên thế gian nếu chúng ta muốn đủ điều kiện nhận được các phước lành của thời vĩnh cửu. Hãy học thánh thư và anh chị em sẽ nhận thấy rằng A Đam và Ê Va, tổ phụ của chúng ta, hình mẫu cho tất cả chúng ta, đã cầu nguyện và lao nhọc cùng với nhau (xin xem Môi Se 5:1, 4, 10–12, 16, 27). Đó cần phải là mẫu mực của chúng ta về cuộc sống gia đình—tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau lao nhọc trong tình yêu thương. (“The Gospel Culture,” Ensign, tháng Ba năm 2012, trang 44)

một cặp vợ chồng cùng nhau nấu nướng trong bếp
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Các phước lành nào có thể đến với một cuộc hôn nhân nếu vợ chồng nhìn nhận nhau và hỗ trợ lẫn nhau như là hai người bạn đời bình đẳng?

Phần 2

Chủ tọa trong một khung cảnh gia đình có nghĩa là gì?

Chúa đã chỉ định những trách nhiệm riêng cho người chồng và người vợ trong gia đình mà “bình đẳng trong giá trị và tầm quan trọng.” (Quentin L. Cook, “Tình Yêu Thương Lớn Lao dành cho Con Cái của Cha Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 79). Một số trách nhiệm này sẽ được thảo luận trong các bài học kế tiếp. Nhưng sau đây là một ví dụ về trách nhiệm thiêng liêng mà Chúa đã ban cho những người chồng và người cha: “Qua kế hoạch thiêng liêng, những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình yêu thương và sự ngay chính” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Khi một người chồng hoặc người cha vắng mặt, thì người vợ hoặc người mẹ chủ tọa trong gia đình (xin xem Russell M. Nelson, “Những Kho Báu Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 79).

cha mẹ đọc thánh thư với con cái của họ

Hãy cân nhắc làm thế nào mà những lời giảng dạy sau đây có thể bổ sung cho sự hiểu biết của anh chị em về cách một người cha có thể chủ tọa gia đình trong tình yêu thương và sự ngay chính:

Việc chủ tọa trong gia đình là trách nhiệm để giúp hướng dẫn những người trong gia đình trở về sống nơi hiện diện của Thượng Đế. Điều này được thực hiện bằng cách phục vụ và giảng dạy một cách dịu dàng, nhu mì và với tình yêu thương thanh khiết, noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Ma Thi Ơ 20:26–28). Việc chủ tọa trong gia đình gồm có hướng dẫn những người trong gia đình cầu nguyện, học phúc âm thường xuyên và các khía cạnh khác của sự thờ phượng. Cha mẹ cố gắng hiệp nhất để làm tròn các trách nhiệm này. (“Cha Mẹ và Con Cái,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 2.1.3)

Sứ Đồ Phao Lô đã dạy về trách nhiệm của một người chồng là chủ tọa vô vị kỷ khi ông nói: “Vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng [Ky Tô] là đầu Hội thánh. … Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng [Ky Tô] đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh” (Ê Phê Sô 5:23, 25). Chủ Tịch Ezra Taft Benson, sau khi trích dẫn Ê Phê Sô 5:23, đã nhấn mạnh Đấng Cứu Rỗi là một tấm gương hoàn hảo biết bao về cách thức chủ tọa:

Chủ Tịch Ezra Taft Benson

Đó là mẫu mực chúng ta cần tuân theo trong vai trò chủ tọa của mình trong nhà. Chúng ta không thấy Đấng Cứu Rỗi dẫn dắt Giáo Hội một cách khắc nghiệt hay tàn nhẫn. Chúng ta không thấy Đấng Cứu Rỗi đối xử với Giáo Hội của Ngài một cách thiếu tôn trọng hay bỏ bê. Chúng ta không thấy Đấng Cứu Rỗi sử dụng quyền lực hoặc ép buộc để hoàn thành các mục đích của Ngài. Chúng ta không tìm thấy ở đâu câu chuyện Đấng Cứu Rỗi làm bất cứ điều gì mà không gây dựng, nâng đỡ, an ủi, và đề cao Giáo Hội. Thưa các anh em, tôi ngỏ lời cùng các anh em một cách nghiêm túc, Ngài là mẫu mực chúng ta cần noi theo khi chúng ta dẫn dắt về phương diện thuộc linh trong gia đình mình. (Teachings of Presidents of the Church: Ezra Taft Benson [năm 2014], trang 196)

Trong một bức thư đầy soi dẫn gửi tới các tín hữu Giáo Hội, Tiên Tri Joseph Smith đã mô tả tầm quan trọng của việc biểu lộ các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô khi dẫn dắt những người khác. Các thuộc tính này áp dụng cho việc chủ tọa trong gia đình.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 121:41–43, và cân nhắc đánh dấu các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà anh chị em tìm được.

biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Chọn ra một trong các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà anh chị em đã nhận ra hoặc đánh dấu, và ghi lại những suy nghĩ của anh chị em về một hoặc nhiều câu hỏi sau đây: Tại sao thuộc tính này là quan trọng trong việc chủ tọa một gia đình? Thuộc tính này có thể giúp tôi trở thành một người bạn đời bình đẳng trong hôn nhân như thế nào? Có khi nào Chúa Giê Su Ky Tô đã nêu gương về thuộc tính này trong vai trò chủ tọa của Ngài không? Hãy chuẩn bị để chia sẻ suy nghĩ của anh chị em trong lớp học.

Phần 3

Vợ chồng có thể cùng hội ý với nhau như thế nào cho đúng trong việc dẫn dắt gia đình mình?

Ý nghĩa của việc “chủ tọa trong gia đình” có thể bị hiểu lầm. Ví dụ, một số người hiểu lầm ngôn ngữ trong các đoạn thánh thư như Sáng Thế Ký 3:16 (Chúa phán cùng Ê Va rằng A Đam sẽ “cai trị” Ê Va) theo nghĩa chồng có thể chỉ đạo hoặc điều khiển vợ, là cách hiểu sai. Thay vì thế, lời chỉ dẫn của Chúa gắn liền với trách nhiệm của người chồng để chủ tọa trong tình thương yêu và sự ngay chính. Như Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dạy về ý nghĩa của câu này, đó là “trách nhiệm quản trị [của người chồng] để chu cấp, bảo vệ, củng cố, và che chở cho người vợ” (“Daughters of God,” Ensign, tháng Mười Một năm 1991, trang 99; xin xem thêm Spencer W. Kimball, “The Blessings and Responsibilities of Womanhood,” Ensign, tháng Ba năm 1976, trang 72).

Khi nói về thói quen không ngay chính của những ông chồng đầy độc đoán hoặc gia trưởng, Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Anh Cả Richard G. Scott

Văn hóa trong gia đình của anh chị em có phải là người chồng nắm vai trò chỉ đạo, độc đoán, đưa ra mọi quyết định quan trọng cho gia đình không? Thói quen đó cần phải được điều chỉnh để cả vợ lẫn chồng đều đóng vai trò bình đẳng, cùng nhau đưa ra quyết định cho chính mình và cho gia đình mình. Không có gia đình nào có thể tồn tại lâu dài với nỗi sợ hãi hoặc áp bức; mà sẽ dẫn đến sự tranh chấp và nổi loạn. Tình yêu thương là nền tảng của một gia đình hạnh phúc. (“Removing Barriers to Happiness,” Ensign, tháng Năm năm 1998, trang 86)

Với lòng khiêm nhường, tôn trọng, và tử tế, các cặp vợ chồng cần hội ý với nhau để đưa ra các quyết định cho gia đình mình. Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Anh Cả Quentin L. Cook

Trong hội đồng gia đình, vợ chồng là hai người cộng sự bình đẳng, đều chọn các quyết định quan trọng nhất. Họ quyết định cách con cái sẽ được giảng dạy và kỷ luật, cách tiền bạc sẽ được chi tiêu, cách họ sẽ sống, và nhiều quyết định khác trong gia đình. Những quyết định này được họ cùng nhau đưa ra sau khi tìm kiếm sự hướng dẫn từ Chúa. (“Chúa Là Sự Sáng của Tôi,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 64)

vợ chồng cùng quỳ xuống cầu nguyện với nhau

Hãy nhớ rằng các lẽ thật quan trọng này bổ sung cho cách vợ chồng cùng nhau bàn bạc và đẩy mạnh sự bình đẳng trong hôn nhân:

  • Vợ chồng cần có được “một tiếng nói [và sự biểu quyết] bình đẳng” khi đưa ra những quyết định (L. Whitney Clayton, “Hôn Nhân: Hãy Quan Sát và Học Hỏi,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 84).

  • Người vợ cần phải “lên tiếng với tư cách là ‘một người [bạn đời] luôn đóng góplàm toàn vẹn’ [Spencer W. Kimball, “Privileges and Responsibilities of Sisters,” Ensign, tháng Mười Một năm 1978, trang 106] khi [họ] đoàn kết với chồng mình để cai quản gia đình [họ]” (Russell M. Nelson, “Một Lời Khẩn Nài cùng Các Chị Em Phụ Nữ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 97).

  • Vợ chồng có “thẩm quyền bình đẳng để nhận được sự mặc khải cho gia đình họ” (Quentin L. Cook, “Tình Yêu Thương Lớn Lao dành cho Con Cái của Cha Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 79).

  • Cha mẹ có thể tổ chức các buổi hội đồng gia đình cùng với con cái để cùng nhau hội ý về những quyết định hoặc thử thách mà có thể liên quan đến cả gia đình (xin xem M. Russell Ballard, “Các Hội Đồng Gia Đình,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 63–65).

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Việc cùng nhau bàn bạc trong sự ngay chính có thể ban phước cho các cặp vợ chồng và con cái của họ như thế nào?