Viện Giáo Lý
Bài học 19 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Trách Nhiệm Thiêng Liêng của Người Mẹ


“Bài học 19 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Trách Nhiệm Thiêng Liêng của Người Mẹ,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài học 19 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

một người mẹ đang ôm đứa con nhỏ của mình

Bài học 19 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Trách Nhiệm Thiêng Liêng của Người Mẹ

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhận xét: “Ảnh hưởng mà những người phụ nữ [tuân giữ giao ước] để lại sẽ không thể nào đo lường được, không phải chỉ đối với gia đình mà còn đối với Giáo Hội của Chúa, với tư cách là những người vợ, người mẹ, và người bà; là chị em và cô dì; là giảng viên và người lãnh đạo; nhất là tấm gương mẫu mực và là những người tận tình bênh vực cho đức tin” (“Một Lời Khẩn Nài cùng Các Chị Em Phụ Nữ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 95–96). Khi anh chị em học tài liệu này, hãy nghĩ về ảnh hưởng mà những người phụ nữ ngay chính đã có trong cuộc đời anh chị em.

Phần 1

Vai trò làm mẹ áp dụng cho tất cả các phụ nữ như thế nào?

Bản thân việc làm mẹ đã mang tính vĩnh cửu. Trên thế gian, vai trò làm mẹ đã gắn liền với vai trò của người phụ nữ kể từ sự sáng tạo Ê Va: “A Đam đặt tên vợ mình là Ê Va, vì là mẹ của tất cả loài người; vì ta, Đức Chúa Trời, đã gọi người đàn bà đầu tiên là như vậy, và đàn bà sẽ có rất đông” (Môi Se 4:26).

Hãy nghĩ về vai trò làm mẹ áp dụng như thế nào cho tất cả các phụ nữ khi anh chị em đọc câu phát biểu sau đây của Chị Sheri L. Dew, cựu cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ:

Chị Sheri L. Dew

Mặc dù chúng ta có khuynh hướng cho rằng bổn phận làm mẹ chỉ gắn liền với việc sinh con cái, nhưng trong ngôn ngữ của Chúa, từ mẹ có rất nhiều ý nghĩa. Trong tất cả những từ mà họ có thể đã chọn để định nghĩa vai trò và bản chất của bà, cả Thượng Đế Đức Chúa Cha và A Đam đều gọi Ê Va là “mẹ của tất cả loài người” [Môi Se 4:26]—và họ đã gọi bà như vậy trước khi bà sinh một đứa con. … Vai trò làm mẹ không chỉ là sinh con cái, mặc dù chắc chắn là như thế. Đó là bản chất của phụ nữ chúng ta. Nó xác định đặc tính chính yếu của chúng ta, hình dáng và bản tính thiêng liêng của chúng ta, và những đặc điểm độc nhất vô nhị mà Đức Chúa Cha ban cho chúng ta. …

Với tư cách là các con gái của Cha Thiên Thượng của chúng ta, và là các con gái của Ê Va, chúng ta đều là những người mẹ và chúng ta đã luôn là những người mẹ. (“Are We Not All Mothers?,” Ensign, tháng Mười Một năm 2001, trang 96, 97)

một người phụ nữ đang mỉm cười
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Chủ Tịch Nelson đã dạy rằng “mỗi phụ nữ đều là một người mẹ nhờ vào số mệnh vĩnh cửu của mình.” (“Sự Tham Gia của Các Chị Em Phụ Nữ trong Việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 68). Hãy suy ngẫm câu phát biểu này có ý nghĩa gì đối với anh chị em và những người phụ nữ trong cuộc đời anh chị em.

Phần 2

Cha Thiên Thượng giúp đỡ các phụ nữ như thế nào để làm tròn trách nhiệm nuôi dưỡng thiêng liêng của họ?

Cha Thiên Thượng của chúng ta đã giao phó cho những người mẹ “trách nhiệm chính yếu để nuôi dưỡng con cái mình” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Chủ Tịch Susan W. Tanner, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã định nghĩa thế nào là sự dưỡng dục:

Chủ Tịch Susan W. Tanner

Dưỡng dục là giảng dạy, khuyến khích sự phát triển, đẩy mạnh sự tăng trưởng, nuôi nấng và nuôi dưỡng. Ai mà không reo mừng khi được ban cho một vai trò đầy ơn phước như vậy? (“Tâm Hồn Tôi Rất Vui Thích Những Công Việc của Chúa,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 82)

Cha Thiên Thượng đã ban phước cho các con gái của Ngài “với một khả năng bẩm sinh để yêu thương và nuôi dưỡng,” mà có thể giúp các phụ nữ làm tròn trách nhiệm đầy sự ảnh hưởng và thiêng liêng này (Daughters in My Kingdom: The History and Work of Relief Society [năm 2011], trang 171).

Chị Neill F. Marriott, cựu cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy rằng Cha Thiên Thượng sẽ giúp các con gái của Ngài trong nỗ lực của họ để dưỡng dục người khác:

Chị Neill F. Marriott

Thưa các chị em, tất cả chúng ta đều đến thế gian với những ân tứ mang lại sự sống, nuôi dưỡng và làm mẹ bởi vì đó là kế hoạch của Thượng Đế.…

Khi chúng ta tự hỏi: “Chúng ta phải làm chi?” thì hãy suy ngẫm về câu hỏi này: “Đấng Cứu Rỗi liên tục làm điều gì?” Ngài nuôi dưỡng. Ngài tạo dựng. Ngài khuyến khích sự phát triển và sự tốt lành.…

… Khi chúng ta cầu vấn Cha Thiên Thượng làm cho chúng ta trở thành những người xây dựng vương quốc của Ngài, thì quyền năng của Ngài sẽ tuôn tràn vào bên trong chúng ta và chúng ta sẽ biết cách nuôi dưỡng, cuối cùng trở thành giống như các cha mẹ thiên thượng của mình. (“Chúng Ta Phải Làm Chi?,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 11, 12)

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy về các ân tứ khác nữa mà Cha Thiên Thượng đã ban phước cho người phụ nữ để giúp họ làm tròn sự kêu gọi thiêng liêng của mình để nuôi dưỡng:

Chủ Tịch Henry B. Eyring

Là con gái của Thượng Đế, các chị em có một khả năng bẩm sinh và tuyệt vời để cảm nhận được các nhu cầu của người khác và để yêu thương. [Khả] năng đó làm cho các chị em dễ nhạy cảm với những lời mách bảo của Thánh Linh. [Thế nên], Thánh Linh có thể hướng dẫn những ý nghĩ, lời nói, và hành động của các chị em để nuôi dưỡng mọi người hầu cho Chúa có thể trút xuống sự hiểu biết, lẽ thật và lòng can đảm lên họ. (“Phụ Nữ và Việc Học Phúc Âm trong Nhà,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 59)

một người mẹ đang cầu nguyện với con trai mình

Một số phụ nữ có thể lo lắng rằng họ không có nhiều ước muốn để nuôi dưỡng. Giống như tất cả các ân tứ của Thượng Đế, khả năng nuôi dưỡng đòi hỏi phải thực hành và có sự giúp đỡ từ thiên thượng để phát triển và áp dụng một cách thích hợp. Đấng Ky Tô là tấm gương hoàn hảo về cách nuôi dưỡng. Như Ngài đã cho thấy, cách nuôi dưỡng không phải lúc nào cũng trông giống như nhau trong mọi tình huống. Ngài đầy lòng thương xót lẫn cương quyết khi Ngài giúp những người khác tăng trưởng.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Với sự giúp đỡ của Thánh Linh, phụ nữ (và nam giới) có thể học cách nuôi dưỡng giống như Đấng Cứu Rỗi. Chọn một hoặc hai đoạn sau đây mà có đưa ra các ví dụ về cách nuôi dưỡng từ cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi. Hãy tìm kiếm những điều anh chị em có thể học hỏi từ Ngài về cách dưỡng dục.

Anh chị em có thể nghĩ ra những ví dụ nào khác về cách Đấng Cứu Rỗi nuôi dưỡng những người khác?

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Có khi nào anh chị em nhận được sự nuôi dưỡng một cách đầy soi dẫn, giống như Đấng Ky Tô, từ một người phụ nữ? Hãy cân nhắc xem anh chị em có thể tìm cách nào để phát triển thuộc tính giống như Đấng Ky Tô như vậy trong cuộc sống mình.

Phần 3

Những người mẹ đem lại sự khác biệt nào trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng?

Một số phụ nữ có thể có chút do dự về việc có con. Những suy nghĩ do dự của họ có thể còn mạnh mẽ hơn nữa bởi những tiếng nói trong xã hội mà xem nhẹ hoặc thậm chí chế giễu tầm quan trọng của vai trò làm mẹ. Hãy nghĩ về cách mà việc hiểu tầm quan trọng của những người mẹ trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng có thể giúp anh chị em tránh những tiếng nói này hoặc những thái độ và hành vi liên quan.

Chủ Tịch Nelson đã giải thích: “Các chị em đã được chọn từ trước khi thế gian được tạo dựng để sinh sản và chăm sóc con cái của Thượng Đế; và khi làm như vậy, các chị em tôn vinh Thượng Đế” (“What Will You Choose?,” Ensign, tháng Một năm 2015, trang 31).

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về việc sinh con cái đẩy mạnh kế hoạch của Cha Thiên Thượng như thế nào:

Anh Cả D. Todd Christofferson

Vai trò của phụ nữ trong việc tạo ra mầm sống là thiêng liêng nhất. Chúng ta biết rằng cơ thể chúng ta có một nguồn gốc thiêng liêng [xin xem Môi Se 2:27] và rằng chúng ta phải trải qua cả sự sinh ra phần xác lẫn một sự tái sinh phần hồn thì mới [đến] được vương quốc cao nhất trong thượng thiên giới [xin xem Môi Se 6:57–60]. Như vậy, những người phụ nữ đóng một vai trò quan trọng (đôi khi có thể nguy hiểm đến tính mạng) trong công việc và vinh quang của Thượng Đế “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” [Môi Se 1:39]. (“Sức Mạnh Đạo Đức của Phụ Nữ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 30)

một người mẹ hôn đứa con sơ sinh của mình

Khi nói về những cách thức mà các phụ nữ ban phước cho cuộc sống của nhiều người trong khi làm tròn vai trò làm mẹ của họ, Anh Cả Christofferson đã dạy:

Anh Cả D. Todd Christofferson

Một người mẹ có thể tạo ra ảnh hưởng vô song cho bất cứ người nào trong bất cứ mối quan hệ nào khác. Qua sức mạnh của tấm gương và điều giảng dạy của người mẹ, các con trai của người ấy học cách tôn trọng phụ nữ và kết hợp kỷ luật cùng các tiêu chuẩn đạo đức cao trong cuộc sống riêng của họ. Các con gái của người ấy học cách luôn luôn biết nuôi dưỡng đức hạnh của riêng chúng và bênh vực cho điều đúng, mặc dù không [phổ biến]. Tình yêu thương và những kỳ vọng cao của một người mẹ dẫn con cái của mình [đến những] hành động có trách nhiệm mà không bào chữa, nghiêm túc về học vấn và phát triển cá nhân, cũng như liên tục đóng góp cho sự an lạc của tất cả mọi người xung quanh. (“Sức Mạnh Đạo Đức của Phụ Nữ,” trang 30)

Chị Marriott cũng dạy về ảnh hưởng mạnh mẽ của những người mẹ:

Chị Neill F. Marriott

Tôi tin rằng “làm mẹ” có nghĩa là “ban phát sự sống.” Hãy nghĩ đến nhiều cách các chị em ban phát sự sống. Điều đó có thể có nghĩa là ban phát cuộc sống tình cảm cho một cuộc sống vô vọng hoặc thuộc linh cho kẻ nghi ngờ. Với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể tạo ra một nơi chữa lành phần tình cảm cho người bị phân biệt, người bị từ chối, và người xa lạ. Trong những cách dịu dàng nhưng mạnh mẽ này, chúng ta xây đắp vương quốc của Thượng Đế. (“Chúng Ta Phải Làm Chi?,” trang 11)

Seed of Faith (Hạt Giống của Đức Tin), tranh do Jay Bryant Ward họa
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Câu chuyện về các chiến sĩ trẻ tuổi trong Sách Mặc Môn là một ví dụ về ảnh hưởng mạnh mẽ mà những người mẹ ngay chính có thể mang lại. Hãy đọc An Ma 56:45–48; 57:21–26, tìm kiếm sự khác biệt đến từ những nỗ lực mà một người mẹ dành cho con cái mình có thể đem lại cho chúng, cho xã hội, và cho thế gian.

Khi anh chị em đọc chứng ngôn sau đây mà Chủ Tịch Julie B. Beck, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ đã chia sẻ, hãy xem xét ảnh hưởng của những người phụ nữ anh chị em biết là tôn trọng sứ mệnh thiêng liêng của họ để làm mẹ:

Chủ Tịch Julie B. Beck

Không có giới hạn cho những gì một người phụ nữ có tấm lòng người mẹ có thể thực hiện được. Những người phụ nữ ngay chính đã thay đổi hướng đi của lịch sử và sẽ tiếp tục làm như vậy, và ảnh hưởng của họ sẽ lan rộng và phát triển theo cấp số nhân trong suốt thời vĩnh cửu. Tôi biết ơn Chúa biết bao vì đã tin tưởng người phụ nữ với sứ mệnh thiêng liêng của vai trò làm mẹ. (“A ‘Mother Heart,’Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 77)

biểu tượng, hành động

Hành Động

Cân nhắc viết và gửi một bức thư ngắn cảm ơn một người mẹ hoặc một người anh chị em coi như mẹ mà ảnh hưởng nuôi dưỡng của người đó đã ban phước cho cuộc sống của anh chị em.