Viện Giáo Lý
Bài Học 28 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Cảm Thấy Hy Vọng để Xây Dựng một Gia Đình Vĩnh Cửu


“Bài Học 28 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Cảm Thấy Hy Vọng để Xây Dựng một Gia Đình Vĩnh Cửu,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 28 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

một gia đình đi bộ ở trước đền thờ

Bài Học 28 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Cảm Thấy Hy Vọng để Xây Dựng một Gia Đình Vĩnh Cửu

Hãy nghĩ về những gì anh chị em đã học và kinh nghiệm được khi học về gia đình vĩnh cửu trong khóa học này. Những lời giảng dạy này có ảnh hưởng như thế nào đến chứng ngôn, ước muốn, và hành động của anh chị em? Khi anh chị em học bài học cuối cùng, hãy xem xét điều gì Chúa có thể muốn anh chị em làm để anh chị em có thể sống với niềm hy vọng lớn lao hơn trong khi cố gắng xây dựng và củng cố gia đình vĩnh cửu của riêng mình.

Phần 1

Tại sao tôi có thể có hy vọng để xây dựng một gia đình vĩnh cửu?

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy rằng chúng ta có thể có hy vọng để xây dựng một gia đình vĩnh cửu:

Chủ Tịch Henry B. Eyring

Tất cả chúng ta đều hy vọng có được niềm vui khi sống trong các gia đình tràn đầy tình yêu thương. Đối với một số người trong chúng ta, đó là một cảm giác chúng ta chưa bao giờ cảm thấy—một cảm giác mà chúng ta biết là có nhưng chưa nhận thấy. Chúng ta có thể đã thấy điều đó trong cuộc sống của những người khác. Đối với những người khác, tình yêu thương gia đình dường như có thật và quý báu hơn khi cái chết chia lìa chúng ta với một đứa con, một người mẹ, người cha, người anh em, chị em, hoặc một người ông bà nội ngoại nhân từ và yêu dấu. …

… Nếu chúng ta được ban phước tìm được phúc âm phục hồi, thì chúng ta có thể chọn để lập và tuân giữ các lệnh truyền với Thượng Đế là điều giúp chúng ta hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu. Khi chúng ta kiên trì đến cùng và tiếp tục trung tín, Đức Thánh Linh sẽ xác nhận niềm hy vọng và sự tin tưởng của chúng ta rằng chúng ta đang ở trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu, để được sống vĩnh viễn trong gia đình trong vương quốc thượng thiên. (“Hy Vọng về Tình Yêu Thương của Gia Đình Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Tám năm 2016, trang 4)

Đức tin của chúng ta nơi kế hoạch của Cha Thiên Thượng và nơi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, có thể ban cho chúng ta niềm hy vọng là chúng ta có thể xây dựng một gia đình vĩnh cửu. Chúa muốn giúp đỡ chúng ta, và qua quyền năng của Ngài, chúng ta có thể vượt qua những thử thách. Trong Kinh Tân Ước, chúng ta đọc về việc làm thế nào Ê Li Sa Bét mang thai khi đã quá tuổi sinh con và Ma Ri, một nữ đồng trinh, đã trở thành mẹ của Vị Nam Tử của Thượng Đế. Mỗi người phụ nữ này đều đối phó với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng cả hai đều hiểu rằng “không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được” (Lu Ca 1:37).

biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Hãy nhận ra một ví dụ trong thánh thư hoặc một kinh nghiệm riêng của gia đình anh chị em về cách Chúa giúp đỡ những người tin cậy nơi Ngài và tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài. Hãy dành ra một vài phút để ghi lại câu trả lời của anh chị em cho những câu hỏi sau đây vào trong một quyển vở hoặc ứng dụng ghi chú:

  • Các lẽ thật nào về Chúa mà cá nhân này (hoặc những cá nhân) trong câu chuyện này có thể khuyên anh chị em ghi nhớ?

  • Điều gì mà cá nhân này (hoặc những cá nhân) có thể khuyên bảo anh chị em làm trong nỗ lực của mình để xây dựng một gia đình vĩnh cửu?

Phần 2

Làm thế nào tôi có thể có hy vọng để xây dựng một gia đình vĩnh cửu nếu tôi không sinh trưởng trong một gia đình vững mạnh trong việc noi theo Đấng Cứu Rỗi?

Một số người thành niên trẻ tuổi chưa trải nghiệm hoặc chưa chứng kiến những kiểu mẫu gia đình ngay chính trong gia đình họ. Một số người chứng kiến hôn nhân của cha mẹ họ kết thúc bằng ly hôn. Những người nào đã trải qua những kinh nghiệm này hoặc những hoàn cảnh khó khăn khác có thể tự hỏi liệu họ có thể xây dựng một gia đình vĩnh cửu không.

người phụ nữ đang nhìn ra ngoài cửa sổ

Anh Cả Yoon Hwan Choi thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy về sự khác biệt mà những lựa chọn của chúng ta có thể tạo ra đối với gia đình vĩnh cửu của chúng ta:

Anh Cả Yoon Hwan Choi

Tất cả chúng ta đều là phần tử của một gia đình vĩnh cửu. Vai trò của chúng ta có thể là một bước ngoặt mà trong đó những thay đổi đáng kể có thể xảy ra theo những cách tích cực hoặc tiêu cực. …

… Các thế hệ trước chúng ta và sau chúng ta tùy thuộc vào chúng ta để đi theo Đấng Ky Tô để cho chúng ta có thể là một gia đình vĩnh cửu của Thượng Đế. (“Đừng Nhìn Quanh mà Hãy Nhìn Lên!Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 91, 92)

Tiên tri Áp Ra Ham là một tấm gương hùng hồn về cách chúng ta có thể chọn để trở thành một “bước ngoặt” cho chính gia đình mình. Một số người trong gia đình của Áp Ra Ham, kể cả cha ruột của ông, đã rời bỏ các lệnh truyền của Chúa. Thay vì Chúa, họ đã chọn thờ phượng các thần giả. (Xin xem Áp Ra Ham 1:5–6.)

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Áp Ra Ham 1:2, và tìm kiếm điều Áp Ra Ham đã mong muốn và lựa chọn mặc cho hoàn cảnh của ông.

Khi các thầy tế lễ tà ác toan tính hiến dâng Áp Ra Ham cho các thần giả của họ, Chúa đã giải cứu ông một cách màu nhiệm. Về sau, Ngài đã dẫn dắt Áp Ra Ham và thân quyến của ông đến một xứ sở khác. Trong khi đang ở đó, Chúa đã hứa với Áp Ra Ham các phước lành quan trọng, bao gồm cả phước lành của một gia đình vĩnh cửu. (Xin xem Áp Ra Ham 1:7–18; 2:3–4, 8–11.)

Giống như Áp Ra Ham, chúng ta có thể tìm kiếm các phước lành của một gia đình vĩnh cửu và nhận được sự giúp đỡ của Chúa trong việc xây dựng một gia đình vĩnh cửu cho chính mình, dù cho hoàn cảnh gia đình của chúng ta trước đây có ra sao đi nữa.

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm chứng:

Anh Cả D. Todd Christofferson

Đối với các trẻ em có hoàn cảnh gia đình đang [không êm ấm], thì chúng tôi xin nói, giá trị của các em không kém đi vì điều đó. Đôi khi những thử thách là một dấu hiệu tin tưởng của Chúa dành cho các em. Ngài có thể giúp các em, một cách trực tiếp và qua những người khác, để đối phó với điều các em gặp phải. Các em có thể trở thành thế hệ, có lẽ là thế hệ đầu tiên trong gia đình mình, nơi mà khuôn mẫu thiêng liêng mà Thượng Đế đã quy định cho gia đình thực sự hình thành và ban phước cho tất cả các thế hệ sau các em. (“Những Người Cha,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 96)

gia đình cầu nguyện với nhau

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ kinh nghiệm riêng của ông về việc chọn xây dựng một gia đình vĩnh cửu. Đọc câu phát biểu dưới đây hoặc lắng nghe, bắt đầu từ mã thời gian 25:47 và kết thúc ở phút 28:15.

Anh Cả David A. Bednar

Với sự giúp đỡ của Chúa, các em có thể xây dựng một gia đình vĩnh cửu, thậm chí khi các em không xuất thân từ một gia đình Thánh Hữu Ngày Sau mà thỉnh thoảng được minh họa trên trang bìa của các cuốn tạp chí [Giáo Hội]. Xin hãy luôn ghi nhớ: điều này khởi đầu với các em!

Sự thật rằng tôi không có kinh nghiệm về nề nếp gia đình ngay chính trong thời thơ ấu đã tạo nên trong tôi một khát khao mạnh mẽ để làm việc chuyên tâm với Susan nhằm đảm bảo những nề nếp đó luôn luôn là một phần của mái ấm gia đình mà chúng tôi xây dựng cùng nhau. Khi chúng tôi bàn bạc với nhau và khẩn nài cho sự giúp đỡ trong những lời cầu nguyện, chúng tôi được soi dẫn và được phước để giúp con cái học về các nguyên tắc của phúc âm phục hồi của Đấng Cứu Rỗi. Chúng tôi chắc chắn không phải là các bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng chúng tôi nhận được các ân tứ thuộc linh cần có và tìm được “sự giúp sức … vượt hơn chính bản thân [chúng tôi]” [“Lord, I Would Follow Thee,” Hymns, số 220].

Các em và tôi không bị trói buộc trong những kinh nghiệm quá khứ của mình. Chúng ta không hoàn toàn trọn vẹn hay là nạn nhân của các hoàn cảnh hiện tại hoặc bị trói buộc trong môi trường của mình. Đức Thánh Linh sẽ dạy dỗ chúng ta mọi điều chúng ta nên làm, kể cả các nề nếp của gia đình ngay chính mà chúng ta chưa từng [có] trước đó. Điều này khởi đầu với các em! Và với sự giúp đỡ của Chúa, các em có thể làm được.

Một vài em bị tổn thương bởi những người thân trong nhà hoặc các [vị lãnh đạo] đáng kính trọng nhưng đã không tôn trọng các giao ước hôn nhân thiêng liêng. Các em có lẽ tự hỏi: “Nếu cha mẹ của tôi hoặc các cặp vợ chồng khác tôi biết đã được gắn bó trong đền thờ và hôn nhân của họ không thành công, thì tôi có thể có hy vọng gì rằng hôn nhân của tôi sẽ kéo dài mãi mãi?”

Đối với các em đã trải qua nỗi đau lòng của việc ly dị trong gia đình mình hoặc cảm thấy bị tổn thương vì niềm tin cậy bị phản bội, xin hãy nhớ rằng điều đó khởi đầu lần nữa với các em! Một mối dây trong chuỗi mắt xích các thế hệ các em có thể đã bị đứt, nhưng mặc dù vậy những mối dây ngay chính khác và phần còn lại của chuỗi mắt xích vẫn quan trọng vĩnh viễn. Các em có thể thêm vào sức mạnh cho sợi dây xích của mình và có lẽ thậm chí giúp đỡ để phục hồi các mối dây bị đứt. Việc đó sẽ được thực hiện cho từng mối dây một. (“Một Mối Dây Ràng Buộc” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 10 tháng Chín năm 2017], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghĩ về các con cái tương lai (hoặc hiện tại) của anh chị em. Chúng có thể muốn anh chị em bắt đầu hoặc tiếp tục những thói quen ngay chính nào trong gia đình? Có bất kỳ thói quen nào cho thấy hành vi không ngay chính mà chúng muốn anh chị em chấm dứt không? Làm cách nào Chúa có thể giúp đỡ anh chị em khi anh chị em làm như vậy?

Phần 3

Anh chị em đã học hỏi được gì và có được kinh nghiệm gì trong khi học về gia đình vĩnh cửu?

Khi anh chị em gần kết thúc khóa học này, hãy xem xét điều gì anh chị em đã học hỏi được về tầm quan trọng của gia đình trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng chúng ta và trong cuộc sống của chính mình.

Khi nói về tầm quan trọng của gia đình, Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Chủ Tịch M. Russell Ballard

Thưa các anh chị em, [lý do] quan trọng nhất của chúng ta trong suốt đời là gia đình chúng ta. Nếu chịu tự dâng hiến mình cho [lý do] này thì chúng ta sẽ cải thiện mọi khía cạnh khác của cuộc sống mình và sẽ trở thành một tấm gương và một ngọn hải đăng cho tất cả những người trên thế gian, với tính cách là một dân tộc và một Giáo Hội. (“Để Có Thể Tìm Ra Người Thất Lạc,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 98)

cha mẹ cùng con của họ
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nhìn lại tựa đề của các bài học trong khóa học này. Trong khi làm như vậy, hãy suy ngẫm các câu hỏi sau đây:

  • Khóa học này đã có ảnh hưởng như thế nào đến sự hiểu biết và chứng ngôn của anh chị em về những lời giảng dạy của Chúa về hôn nhân và gia đình?

  • Một trong những điều quan trọng nhất anh chị em có thể rút ra từ khóa học này là gì?

  • Anh chị em đã học được gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong suốt khóa học này? Mối quan hệ của anh chị em với hai Ngài đã được củng cố như thế nào?