Viện Giáo Lý
Bài Học 6 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Hôn Nhân giữa một Người Nam và một Người Nữ Là Do Thượng Đế Quy Định


“Bài Học 6 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Hôn Nhân giữa một Người Nam và một Người Nữ Là Do Thượng Đế Quy Định,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài học 6 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Bài Học 6 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Hôn Nhân giữa một Người Nam và một Người Nữ là Do Thượng Đế Quy Định

Các vị tiên tri, các sứ đồ và những vị lãnh đạo khác của Giáo Hội long trọng tuyên bố rằng “hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là do Thượng Đế quy định sẵn” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Trong bài học này, học viên sẽ được mời giải thích lý do tại sao hôn nhân là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế. Học viên cũng sẽ quyết định điều họ có thể làm để thực hành đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong khi họ tiến tới hôn nhân.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Hôn nhân giữa một người nam và người nữ là một bước cần thiết tiến tới việc trở nên giống như Thượng Đế.

Để bắt đầu lớp học, anh chị em có thể hỏi học viên những niềm tin mà người ta có trong xã hội về hôn nhân. Hoặc anh chị em có thể sử dụng tình huống sau đây:

Một người bạn tốt nói với anh chị em: “Tôi không hiểu tại sao một số người lại quá lo nghĩ về hôn nhân. Đó chỉ là một tập quán xã hội đi kèm với một tờ giấy thôi mà. Không lẽ hai người yêu nhau không thể tự sắp xếp với nhau được sao?”

  • Anh chị em có thể có một số cách trả lời nào cho những ý kiến này?

Hãy tóm tắt ngắn gọn bối cảnh của Giáo Lý và Giao Ước 49. Yêu cầu một học viên đọc to Giáo Lý và Giao Ước 49:15–16. Mời cả lớp dò theo, và tìm kiếm quan điểm của Chúa về hôn nhân.

Hãy viết giáo lý sau đây từ bản tuyên ngôn về gia đình lên trên bảng: Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là do Thượng Đế quy định sẵn … [và] thiết yếu cho kế hoạch vĩnh cửu của Ngài” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”).

  • Anh chị em sẽ giải thích như thế nào về lý do tại sao hôn nhân giữa một người nam và một người nữ được Thượng Đế quy định và là thiết yếu cho kế hoạch vĩnh cửu của Ngài? (Nếu cần, thì hãy tham khảo những lời giải thích về giáo lý này trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

Hãy nhận ra rằng một số người mong muốn kết hôn nhưng có lẽ không có cơ hội để kết hôn trong cuộc sống này. Những người khác có thể trải qua một cuộc hôn nhân không kéo dài.

  • Anh chị em sẽ chia sẻ điều gì với những người cảm thấy như cơ hội của họ để có hạnh phúc và cuộc sống vĩnh cửu đã mất đi bởi vì họ không kết hôn? (Nếu cần, hãy mời học viên xem lại phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

Hãy cho học viên thời gian để ghi lại những ấn tượng của họ về câu hỏi sau đây:

  • Anh chị em có những suy nghĩ hay cảm nghĩ nào khi suy ngẫm về lẽ thật rằng hôn nhân là một phần thiết yếu của kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế dành cho cá nhân anh chị em?

Dựa vào kinh nghiệm của chính mình, anh chị em có thể làm chứng về ảnh hưởng của giáo lý này của Chúa về hôn nhân đến anh chị em.

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ và tìm kiếm hạnh phúc trong hôn nhân.

Hãy trưng ra câu phát biểu sau đây: Tôi tin rằng cuộc hôn nhân của tôi sẽ đầy yêu thương và tồn tại dài lâu. Hãy mời học viên im lặng xếp loại bản thân trên thang điểm từ 1 đến 4 (1=không đồng ý; 4=đồng ý) để cho thấy mức độ tin tưởng vào câu phát biểu này của cá nhân họ. Mời học viên suy ngẫm về lý do tại sao họ cảm thấy như vậy.

  • Anh chị em, hoặc những người mà anh chị em biết, có những nỗi lo lắng hoặc sợ hãi nào về hôn nhân, và tại sao?

  • Những người thành niên trẻ tuổi có lý do phổ biến gì để trì hoãn việc kết hôn?

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy công nhận những nỗi lo lắng của học viên. Giảng viên có thể khuyến khích một môi trường đầy tôn trọng và cởi mở khi họ công nhận những nỗi lo lắng của học viên thay vì ngay lập tức thách thức hoặc gạt bỏ chúng. Hãy tìm cách để hiểu lý do tại sao học viên cảm thấy như vậy bằng cách hỏi han và chú ý lắng nghe. Hãy cảm ơn họ vì đã sẵn lòng chia sẻ những cảm nghĩ của họ. Khi học viên cảm thấy những nỗi lo lắng của họ được lắng nghe và thấu hiểu, họ đa phần sẽ chịu tiếp thu hơn lời khuyên dạy mà Chúa cung ứng để giúp họ với những nỗi lo lắng đó.

Hãy giải thích rằng sinh hoạt học tập sau đây là nhằm để giúp giải quyết một số nỗi sợ, lo lắng, và thắc mắc. Hãy sắp xếp các học viên vào những nhóm nhỏ. Chỉ định một người làm trưởng nhóm trong mỗi nhóm, và cho người ấy tờ giấy phát tay sau đây (hoặc tạo một bản riêng của anh chị em mà phù hợp hơn với các học viên cụ thể của anh chị em). Hãy cho các học viên có đủ thời gian để có một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa.

Vượt Qua Nỗi Sợ và Gia Tăng Sự Tin Cậy nơi Thượng Đế

Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên—Bài Học 6

Ghi chú dành cho người trưởng nhóm: Xin hãy sử dụng những chỉ dẫn bên dưới để điều phối một cuộc thảo luận cùng với các thành viên trong nhóm của anh chị em. Hãy khuyến khích tất cả các thành viên trong nhóm tham gia. Tuy nhiên, không ai nên cảm thấy bị áp lực phải chia sẻ.

Hãy mời các thành viên nhóm chọn một trong các đoạn thánh thư hoặc câu trích dẫn trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị mà đặc biệt có ý nghĩa đối với họ. Mời một vài người trong số họ chia sẻ câu trích dẫn hoặc đoạn thánh thư của họ. Sau khi từng người chia sẻ, anh chị em có thể hỏi:

  • Chúng ta có thể áp dụng lời giảng dạy này như thế nào để vượt qua nỗi sợ kết hôn hoặc những nỗi sợ mà một người có thể có trong hôn nhân?

Rồi thảo luận những câu hỏi sau đây theo nhóm:

  • Anh chị em từng vượt qua nỗi sợ trong quá khứ và gia tăng sự tin cậy của mình nơi Thượng Đế bằng cách nào?

  • Anh chị em tin hoặc biết điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể cho phép anh chị em vượt qua nỗi sợ và tin cậy sự chỉ dẫn mà Hai Ngài ban cho?

Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên—Bài Học 6

tài liệu phát tay của giảng viên

Sau khi đã cho học viên đủ thời gian, hãy mời một vài trưởng nhóm chia sẻ một lẽ thật hoặc sự hiểu biết sâu sắc mà họ có được từ cuộc thảo luận với nhóm của mình. Anh chị em có thể viết lên trên bảng các lẽ thật họ nhận ra được, mà có lẽ gồm có một lẽ thật như sau: Khi chúng ta hướng về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô với đức tin, chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ và Hai Ngài sẽ dẫn lối cho ta.

Anh chị em có thể chia sẻ kinh nghiệm sau đây được kể lại bởi Anh Cả Carl B. Cook thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

Anh Cả Carl B. Cook

Một thanh niên trung tín tâm sự với chúng tôi rằng em ấy nản lòng về khả năng có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Không chỉ cha mẹ của em ấy đã ly hôn, mà tất cả những người cô dì, chú bác ở cả hai bên nội ngoại của em ấy cũng vậy. Em ấy nói em ấy chưa từng thấy một cuộc hôn nhân hạnh phúc nào xung quanh mình. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Chúa, em ấy đã vượt lên những nỗi sợ của mình và kết hôn trong đền thờ. Em ấy và vợ hiện đang tìm thấy niềm vui trong cuộc hôn nhân của họ với năm đứa con xinh đẹp. (Carl B. Cook, “Continually Progressing toward Eternal Marriage” [buổi họp đặc biệt toàn cầu dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 5 tháng Năm, năm 2019], ChurchofJesusChrist.org)

Hãy cho học viên một vài phút để ghi lại bất cứ điều gì họ cảm thấy cần làm để thực hành đức tin nhiều hơn nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà liên quan đến hôn nhân.

Hãy giải thích rằng trong suốt khóa học này, học viên sẽ tìm hiểu thêm về cách Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp họ thành công trong việc xây dựng một cuộc hôn nhân vững mạnh và vĩnh cửu. Hãy đảm bảo với học viên rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương họ và thiết tha mong muốn cũng như cam kết giúp đỡ họ.

Cho Buổi Học Lần Sau

Khuyến khích học viên trong khi nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho bài học 7 hãy thành tâm suy ngẫm làm thế nào “phái tính là một đặc điểm cơ bản của [chúng ta] về gốc tích và mục đích của trạng thái tiền dương thế, hữu diệt và vĩnh cửu” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”). Cũng hãy mời họ suy ngẫm cách mà họ có thể đáp lại bằng tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô với những người có thắc mắc về giới tính.