Viện Giáo Lý
Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Nuôi Dạy Con Cái trong Sự Ngay Chính


“Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Nuôi Dạy Con Cái trong Sự Ngay Chính,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

một gia đình đọc thánh thư cùng nhau

Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Nuôi Dạy Con Cái trong Sự Ngay Chính

Việc nuôi dạy con cái để trở nên vững mạnh về phần thuộc linh trong thế giới ngày nay có thể rất choáng ngợp. Tuy nhiên, một lời hứa mà Đấng Cứu Rỗi đã ban cho dân Nê Phi cũng áp dụng cho chúng ta trong thời kỳ của chúng ta: “Tất cả con cái của ngươi sẽ được Chúa dạy dỗ, và sự bình an của con cái ngươi sẽ lớn lao thay;” (3 Nê Phi 22:13). Khi anh chị em học bài học này, hãy cân nhắc cách anh chị em có thể làm tròn “bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái [của anh chị em] trong … sự ngay chính” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org).

Phần 1

Chúa kỳ vọng điều gì ở tôi với tư cách là cha mẹ?

Vào thời kỳ đầu trong gian kỳ này, Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy các cha mẹ về trách nhiệm của họ để nuôi dạy con cái mình trong sự ngay chính. Ngài tuyên phán: “Ta đã truyền lệnh cho các ngươi phải nuôi nấng con cái mình trong sự sáng và lẽ thật.” (Giáo Lý và Giao Ước 93:40). Sau đó Đấng Cứu Rỗi đã khuyên bảo Tiên Tri Joseph Smith và các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội hãy sắp xếp gia đình mình cho có trật tự, và trở nên “siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình” (câu 50; xin xem các câu 41–50).

Các vị tiên tri ngày sau cũng bày tỏ sự cần thiết để cho các bậc cha mẹ có chủ ý trong nỗ lực để giảng dạy phúc âm trong gia đình mình. Họ cũng nhấn mạnh rằng việc học hỏi phúc âm cần phải được “tập trung [ở] nhà và được Giáo Hội hỗ trợ” (David A. Bednar, “Được Chuẩn Bị để Thu Nhận Mọi Điều Cần Thiết,” Liahona, tháng Năm năm 2019, 101; xin xem thêm các trang 102–104).

Trong khi phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Trường Chủ Nhật, Chủ Tịch Tad R. Callister đã dạy:

Chủ Tịch Tad R. Callister

Là cha mẹ, chúng ta phải là những người giảng dạy phúc âm chính và là tấm gương cho con cái mình—không phải là vị giám trợ, Trường Chủ Nhật, Hội Thiếu Nữ hay Hội Thiếu Niên, mà chính là các bậc cha mẹ. Là những người giảng dạy phúc âm chính của chúng, chúng ta có thể dạy chúng biết quyền năng và thực tế của Sự Chuộc Tội—về nguồn gốc và số mệnh thiêng liêng của chúng—và khi làm như vậy mang đến cho chúng một nền tảng kiên cố để xây dựng trên đó. Cuối cùng, mái gia đình là khung cảnh lý tưởng cho việc giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. (“Các Bậc Cha Mẹ: Những Người Giảng Dạy Phúc Âm Chính của Con Cái Họ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 32–33)

cha mẹ giảng dạy con cái
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 68:25, 28, và cân nhắc đánh dấu các lẽ thật mà các bậc cha mẹ có trách nhiệm phải giúp con cái mình hiểu.

Sau khi đề cập đến các câu này, Chị Cheryl A. Esplin, cựu cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi, đã nhận xét:

Chị Cheryl A. Esplin

Việc dạy con cái chúng ta hiểu thì không phải chỉ là truyền đạt thông tin mà thôi. Việc đó đang giúp con cái chúng ta tiếp nhận giáo lý vào lòng theo cách để cho giáo lý đó trở thành một phần con người của chúng và cho thấy ở thái độ và hành vi của chúng trong suốt cuộc sống của chúng. (“Dạy cho Con Cái Chúng Ta Hiểu,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 10)

Trong khi phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi, Chủ Tịch Joy D. Jones đã dạy:

Chủ Tịch Joy D. Jones

Chúng ta không thể đợi cho những cuộc trò chuyện vô tình xảy ra với con cái mình. Cuộc trò chuyện ngẫu nhiên không phải là một nguyên tắc trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc trở nên giống Đấng Cứu Rỗi của chúng ta sẽ không xảy đến tình cờ. Việc có chủ ý để yêu thương, dạy dỗ, và làm chứng có thể giúp trẻ nhỏ cảm nhận ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là thiết yếu cho chứng ngôn và sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô của con cái chúng ta; chúng ta mong muốn chúng “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, để [chúng] có thể được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng]” [Giáo Lý và Giao Ước 20:79]. (“Những Cuộc Trò Chuyện Thiết Yếu,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 12–13)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Làm cách nào cha mẹ có thể giúp đỡ con cái mình “tiếp nhận giáo lý vào lòng theo cách để cho giáo lý đó trở thành một phần con người của chúng”? Làm cách nào cha mẹ có thể giúp con cái mình cảm nhận và học hỏi từ Đức Thánh Linh?

Phần 2

Những lối thực hành nào có thể giúp tôi dẫn dắt con cái tôi đến với Đấng Cứu Rỗi?

Nê Phi và dân ông tích cực tìm cách để giúp con cái của họ học về Đấng Cứu Rỗi.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 2 Nê Phi 25:26, và nghĩ về cách mà các bậc cha mẹ trong thời chúng ta có thể noi theo tấm gương của những người dân Nê Phi này.

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra lời khuyên bảo để hướng dẫn các bậc cha mẹ trong việc giúp đỡ con cái mình học hỏi về Đấng Cứu Rỗi và từ Ngài:

Anh Cả Neil L. Andersen

Nhà chúng ta có hình ảnh của Đấng Cứu Rỗi không? Chúng ta có thường nói chuyện với con cái mình về các câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê Su không? “Những câu chuyện về Chúa Giê Su có thể giúp phát triển đức tin trong tâm hồn của con cái chúng ta.” [Neil L. Andersen, “Xin Kể Cho Con Nghe Những Câu Chuyện về Chúa Giê Su,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 108]. Khi con cái anh chị em hỏi anh chị em điều gì đó, hãy suy nghĩ trong tiềm thức về việc dạy chúng những điều Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy. Ví dụ, nếu con cái anh chị em hỏi: “Cha ơi, tại sao chúng ta cầu nguyện?” Anh chị em có thể đáp lại: “Đó là một câu hỏi rất hay. Con có nhớ khi Chúa Giê Su cầu nguyện không? Chúng ta hãy nói về lý do tại sao Ngài cầu nguyện và cách Ngài cầu nguyện.” (“Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 89)

Lời khuyên bảo mà tiên tri Môi Se đưa ra cho các bậc cha mẹ ở Y Sơ Ra Ên có thể áp dụng cho chúng ta: “Khá ân cần dạy dỗ [các giáo lệnh này] cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy”(Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:7).

Chủ Tịch Jones đã nhắc lại tinh thần trong lời khuyên của Môi Se khi chị dạy:

Chủ Tịch Joy D. Jones

“[Một] chìa khóa … để giúp con cái trở nên có khả năng chống lại tội lỗi là bắt đầu từ lúc tuổi còn rất nhỏ giảng dạy cho chúng một cách nhân từ các giáo lý và nguyên tắc phúc âm cơ bản—từ thánh thư, Những Tín Điều, quyển sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, các bài hát Thiếu Nhi, các bài thánh ca và chứng ngôn cá nhân của chúng ta—mà sẽ dẫn dắt con cái đến với Đấng Cứu Rỗi.

Việc tạo ra những thói quen đều đặn để cầu nguyện, học thánh thư, tổ chức buổi họp tối gia đình và thờ phượng trong ngày Sa Bát dẫn đến sự trọn vẹn, nhất quán trong nội tâm và những giá trị đạo đức mạnh mẽ—nói cách khác, đó là sức mạnh của phần thuộc linh. …

Thưa các anh chị em, hãy giữ những đứa con nhỏ của các anh chị em ở gần bên cạnh—gần đến nỗi chúng thấy được hành vi tôn giáo hàng ngày của các anh chị em và xem các anh chị em giữ lời hứa và giao ước của mình. “Trẻ em bắt chước rất hay, vì vậy hãy cho chúng một cái gì đó tuyệt vời để bắt chước” [ẩn danh]. (“Một Thế Hệ Có Thể Chống Lại Tội Lỗi,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 88–89)

cha mẹ học phúc âm cùng với con cái mình
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Dành ra một vài phút để ghi lại những hành vi hoặc thói quen ngay chính anh chị em có thể bắt đầu hoặc tiếp tục phát triển bây giờ mà sẽ gia tăng khả năng của anh chị em để nuôi dạy con cái mình trong sự ngay chính. Anh chị em muốn thiết lập những lối thực hành thuộc linh nào với gia đình tương lai của mình?

Phần 3

Tôi có thể làm gì nếu một người trong gia đình đi lạc khỏi con đường phúc âm?

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Anh Cả David A. Bednar

Một trong những nỗi đau khổ lớn nhất mà một người cha hay mẹ dũng cảm ở Si Ôn có thể phải chịu đựng là khi một đứa con đi lạc khỏi con đường phúc âm. Những câu hỏi “Tại sao?” hoặc “Tôi đã làm điều gì sai?” và “Làm sao đứa con này có thể được giúp đỡ?” đều không ngừng được suy ngẫm trong tâm trí và tấm lòng của các bậc cha mẹ này. (“Faithful Parents and Wayward Children: Sustaining Hope While Overcoming Misunderstanding,” Ensign, tháng Ba năm 2014, trang 28)

Lê Hi và Sa Ri A

Lê Hi và Sa Ri A thấu hiểu nỗi đau khổ khi con cái đi lạc khỏi con đường phúc âm.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 1 Nê Phi 8:37–38, tìm kiếm cách mà Lê Hi đã cố gắng giúp đỡ La Man và Lê Mu Ên sau khi ông thấy trong khải tượng là họ chối bỏ Chúa.

Hãy lưu ý đến cách Lê Hi đã ân cần thuyết giảng, hoặc giảng dạy cho con cái mình. Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về những cách chúng ta có thể ứng phó nếu một người trong gia đình đi lạc khỏi con đường phúc âm:

Anh Cả Ulisses Soares

Chúng ta khó có thể hiểu được tất cả các lý do tại sao mà một số người thân yêu của mình đã chọn đi con đường khác. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm trong những hoàn cảnh này là hoàn toàn yêu thương và chấp nhận họ, cầu nguyện cho sự an lạc của họ và tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để biết phải làm gì và nói gì. Hãy thật lòng hân hoan với họ trong sự thành công của họ; làm bạn với họ và tìm kiếm những điều tốt lành nơi họ. Chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc đối với những người thân yêu của mình mà phải giữ gìn mối quan hệ của chúng ta với họ. Đừng bao giờ chối bỏ hoặc đánh giá sai họ. Chỉ yêu thương họ thôi! Truyện ngụ ngôn về đứa con hoang phí dạy chúng ta rằng khi con cái tỉnh ngộ, chúng thường mong muốn được về nhà. Nếu điều đó xảy ra với những người thân yêu của anh chị em thì hãy làm cho tâm hồn anh chị em tràn đầy sự trắc ẩn, hãy chạy đến bên họ, hãy ôm cổ họ và hôn họ, giống như người cha của đứa con hoang phí đã làm [xin xem Lu Ca 15:20].

Cuối cùng, hãy tiếp tục sống một cuộc sống xứng đáng, hãy là một tấm gương sáng cho họ về điều anh chị em tin tưởng và đến gần Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta hơn. Ngài biết và hiểu những nỗi ưu phiền và đau đớn sâu xa của chúng ta, và Ngài sẽ ban phước cho những nỗ lực và sự tận tâm của anh chị em dành cho những người thân của anh chị em nếu không phải trong cuộc sống này thì sẽ là trong cuộc sống mai sau. (“Làm Sao Tôi Có Thể Hiểu Được?,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 8)

cha và con ôm nhau
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Có những tấm gương nào khác trong thánh thư về những bậc cha mẹ ngay chính có con cái đi lạc khỏi con đường phúc âm không? (Hãy xem xét, ví dụ, Lê Hi và các con trai của ông là La Man và Lê Mu Ên hoặc An Ma và con trai ông là An Ma Con.) Anh chị em có thể học được điều gì từ cách ứng phó của những người cha người mẹ này có thể hướng dẫn anh chị em biết phản ứng với những người trong gia đình mà có thể bị lạc lối?