Viện Giáo Lý
Bài Học 23 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Khi Các Phước Lành về Hôn Nhân Vĩnh Cửu hoặc về Con Cái Bị Trì Hoãn


“Bài Học 23 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Khi Các Phước Lành về Hôn Nhân Vĩnh Cửu hoặc về Con Cái Bị Trì Hoãn,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 23 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

một người thành niên trẻ tuổi nhìn ngắm đền thờ

Bài Học 23 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Khi Các Phước Lành về Hôn Nhân Vĩnh Cửu hoặc về Con Cái Bị Trì Hoãn

Nhiều người bị trì hoãn trong việc nhận được những ước muốn ngay chính của mình về hôn nhân hoặc con cái, và sự trì hoãn này có thể dẫn đến cảm giác nản lòng, lo lắng, hoặc đau buồn. Khi anh chị em nghiên cứu tài liệu này, hãy nghĩ về lý do tại sao chúng ta có thể tin cậy rằng Chúa sẽ làm ứng nghiệm các phước lành đã được hứa của Ngài dành cho các gia đình vĩnh cửu nếu chúng ta trung tín nơi Ngài. Cũng hãy cân nhắc lý do tại sao chúng ta đều được cần đến trong Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi và trong kế hoạch của Thượng Đế, bất kể hoàn cảnh gia đình của chúng ta ra sao.

Phần 1

Nếu hoàn cảnh của tôi không tương xứng với những gì được mô tả trong bản tuyên ngôn về gia đình thì sao?

Các vị lãnh đạo Giáo Hội giảng dạy những điều lý tưởng trong cuộc sống gia đình. Họ cũng nhận thấy rằng không phải ai cũng có được những điều lý tưởng như vậy. Ví dụ, trong bản tuyên ngôn về gia đình, các vị tiên tri dạy rằng một số “hoàn cảnh có thể đòi hỏi sự thích ứng của cá nhân” trong việc làm tròn các trách nhiệm thiêng liêng trong gia đình (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org).

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ ghi nhận rằng các tín hữu trung tín của Giáo Hội trải qua nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau:

Anh Cả Neil L. Andersen

Có rất nhiều người, trẻ tuổi lẫn lớn tuổi, là những người trung thành và trung tín với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, mặc dù kinh nghiệm hiện tại của riêng họ không hoàn toàn thích hợp với bản tuyên ngôn về gia đình: trẻ em mà cuộc sống của chúng bị đảo lộn bởi cuộc ly hôn; … những người nam và người nữ đã ly dị bị tổn thương trầm trọng bởi một người phối ngẫu không chung thủy; những người vợ và người chồng không thể có con; … những người nam và người nữ độc thân, vì nhiều lý do khác nhau, không thể kết hôn. (“Con Mắt Đức Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 36)

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Chủ Tịch M. Russell Ballard

Hơn một nửa số người thành niên trong Giáo Hội ngày nay là góa bụa, ly dị, hoặc chưa kết hôn. Một số người muốn biết về các cơ hội và vị trí của họ trong kế hoạch của Thượng Đế và trong Giáo Hội. Chúng ta nên hiểu rằng cuộc sống vĩnh cửu không chỉ là vấn đề về tình trạng [hôn nhân] hiện tại mà là về tư cách môn đồ và sự “quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su” [Giáo Lý và Giao Ước 76:79; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 121:29]. …

… Tất cả những ai chấp nhận ân tứ hối cải đầy ân điển của Đấng Cứu Rỗi và sống theo các giáo lệnh của Ngài đều sẽ nhận được cuộc sống vĩnh cửu, mặc dù họ không đạt được tất cả các đặc điểm và sự hoàn hảo của nó trong trần thế. (“Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 55)

một người thành niên trẻ tuổi đang đi bộ trên phố

Một số người có thể tự hỏi tại sao các vị lãnh đạo Giáo Hội tiếp tục giảng dạy về những điều lý tưởng trong cuộc sống gia đình khi mà có nhiều tín hữu Giáo Hội không có được những điều lý tưởng này.

Chị Sharon Eubank thuộc Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ đã chia sẻ một số kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc của chị với tư cách là một người thành niên độc thân:

Chị Sharon Eubank

Là một người độc thân, tôi hiểu cảm giác này. Không có bạn đời che chở; ngồi ở nhà thờ thật là ngại; những buổi tiệc có thể là như tra tấn; người thân thì cảm thấy họ có thể bình phẩm trong khi không một ai nên nói một lời nào cả. …

Để hòa nhập trong một Giáo Hội tập trung vào gia đình có thể cũng rất khó. Nhưng thực tế là hầu hết các tín hữu Giáo Hội cũng không sống trong những hoàn cảnh gia đình hoàn hảo. Tôi không chắc là có ai đó sống trong một gia đình hoàn hảo, lý tưởng như vậy. Vậy thì tại sao chúng ta vẫn tập trung vào những lý tưởng đó? Bởi vì gia đình là số mệnh của chúng ta, và chúng ta ở trên thế gian này để học hỏi những kỹ năng để có được các mối quan hệ gia đình vững mạnh, bất kể hoàn cảnh riêng của chúng ta là gì đi nữa. (“A Letter to a Single Sister,” Ensign, tháng Mười năm 2019, trang 40)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Trong những cách thức nào chúng ta có thể thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài về gia đình ngay cả khi hoàn cảnh gia đình chúng ta không phải là lý tưởng?

Phần 2

Làm thế nào tôi có thể tiến tới trong đức tin khi các phước lành mình mong muốn bị trì hoãn?

Abraham on the Plains of Mamre (Áp Ra Ham ở Đồng Bằng Mam Rê), tranh do Grant Romney Clawson họa

Áp Ra Ham và Sa Ra biết cảm giác khi một số phước lành mong muốn bị trì hoãn và những điều khác không được làm tròn trong cuộc sống này. Khi Áp Ra Ham 75 tuổi, ông và Sa Ra vẫn chưa có con (xin xem Sáng Thế Ký 11:29–30; 12:4). Nhưng Chúa đã hứa với ông: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi như bụi trên đất” (Sáng Thế Ký 13:16). Chúa cũng hứa rằng Áp Ra Ham và dòng dõi của ông sẽ được ban cho xứ Ca Na An làm cơ nghiệp (xin xem Sáng Thế Ký 17:8). Về sau, khi Áp Ra Ham 100 tuổi và Sa Ra 90 tuổi, họ đã được hứa rằng Sa Ra sẽ sinh một con trai và đặt tên là Y Sác (xin xem Sáng Thế Ký 17:17, 19). Mặc dù lời hứa này và một vài lời hứa khác dành cho họ đã được ứng nghiệm, nhưng những lời hứa của Chúa rằng họ sẽ có con cháu đông đảo và nhận được đất hứa đã không được ứng nghiệm trong cuộc đời của Áp Ra Ham và Sa Ra.

Trong sách Hê Bơ Rơ, Sứ Đồ Phao Lô đã nhắc đến các lời hứa này dành cho Áp Ra Ham và Sa Ra.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Hê Bơ Rơ 11:8, 11–13, và xem xét điều gì anh chị em có thể học hỏi được từ tấm gương của Áp Ra Ham và Sa Ra về việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi những phước lành mong muốn bị trì hoãn hoặc không được ứng nghiệm trong cuộc sống này.

một người mẹ đang cầu nguyện với con cái nhỏ tuổi của mình

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã giải thích: “Đức tin có nghĩa là tin cậy—tin cậy vào ý muốn của Thượng Đế, tin cậy vào cách Ngài xử lý mọi việc, và tin cậy vào thời gian biểu của Ngài” (“Timing,” Ensign, tháng Mười năm 2003, trang 12).

Việc chờ đợi Chúa ban cho các phước lành chúng ta mong muốn có thể thử thách tính kiên nhẫn và sự vâng lời của chúng ta. Trong khi đang phục vụ với tư cách là thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, Anh Cả Spencer J. Condie đã dạy:

Anh Cả Spencer J. Condie

Đôi khi, trong sự thiếu kiên nhẫn của loài người, chúng ta có thể không thấy những lời hứa quý báu của Chúa và chúng ta quên rằng việc ứng nghiệm những lời hứa này tùy thuộc vào sự vâng lời của chúng ta. (“Có Quyền Nhận Những Lời Hứa Rất Quý Rất Lớn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 17)

Tương tự như vậy, Chủ Tịch Ballard cũng đã giảng dạy như sau về việc chờ đợi Chúa:

Chủ Tịch M. Russell Ballard

Việc chờ đợi Chúa có nghĩa là tiếp tục vâng lời và tiến triển về phần thuộc linh hướng tới Ngài. Việc chờ đợi Chúa không có nghĩa là chờ một cơ hội tốt. Anh chị em chớ bao giờ cảm thấy là mình đang ở trong một phòng chờ. …

Sự tăng trưởng cá nhân mà một người có thể đạt được bây giờ trong khi chờ đợi Chúa và những lời hứa của Ngài là một yếu tố vô giá, thiêng liêng, trong kế hoạch của Ngài dành cho mỗi người chúng ta. … Chúa tôn vinh những ai phục vụ và chờ đợi Ngài trong sự kiên nhẫn và trong đức tin [xin xem Ê Sai 64:4; Giáo Lý và Giao Ước 133:45]. (“Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô,” trang 55)

biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Hãy ghi lại những kinh nghiệm hoặc những lời giảng dạy hình thành sự tin tưởng của anh chị em rằng Chúa sẽ làm ứng nghiệm những lời hứa của Ngài ngay cả khi các phước lành bị trì hoãn.

Phần 3

Làm thế nào tôi có thể đóng góp trong Giáo Hội của Chúa bất kể hoàn cảnh của mình?

Một số tín hữu Giáo Hội có hoàn cảnh gia đình hiện không phù hợp với những hoàn cảnh được miêu tả trong bản tuyên ngôn về gia đình có thể tự hỏi làm sao họ hòa nhập được trong Giáo Hội. Sứ Đồ Phao Lô đã so sánh Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô với cơ thể con người để dạy chúng ta lý do tại sao mỗi tín hữu Giáo Hội đều được cần đến.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 1 Cô Rinh Tô 12:12, 16–17, 21, 25–27, và nghĩ về mỗi tín hữu Giáo Hội đều cần thiết như thế nào và cách họ đóng góp cho toàn thể Giáo Hội.

các anh em đang thảo luận trong một buổi họp nhóm túc số các anh cả

Những hoàn cảnh riêng của chúng ta có thể mang lại giá trị và kinh nghiệm cho các gia đình tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của chúng ta. Chủ Tịch Ballard đã nhấn mạnh:

Chủ Tịch M. Russell Ballard

Đừng bao giờ quên rằng anh chị em là con cái của Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta, bây giờ và mãi mãi. Ngài yêu thương anh chị em và Giáo Hội muốn và cần anh chị em. Vâng, chúng tôi cần anh chị em! Chúng tôi cần tiếng nói, tài năng, kỹ năng, lòng tốt và sự ngay chính của anh chị em. (“Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô,” trang 55)

Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cũng đã dạy:

Anh Cả Robert D. Hales

Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể cô lập bản thân khỏi gia đình tiểu giáo khu này dựa trên những khác biệt của mình. … Thay vì thế, chúng ta hãy chia sẻ những ân tứ và tài năng của mình với người khác, mang đến niềm hy vọng xán lạn và niềm vui cho họ, và khi làm như vậy sẽ nâng cao tinh thần chúng ta. (“Belonging to a Ward Family,” Ensign, tháng Ba năm 1996, trang 16)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tôi có thể làm gì để hiểu rõ hơn các tín hữu trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của tôi và giúp họ cảm thấy được quý trọng và được hòa nhập? Nếu tôi cảm thấy như mình không thuộc vào trong Giáo Hội, thì tôi có thể làm gì để cho phép Đấng Cứu Rỗi giúp đỡ tôi cảm thấy giá trị và vị trí của mình trong Giáo Hội của Ngài?