Viện Giáo Lý
Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Nuôi Dạy Con Cái trong Tình Yêu Thương


“Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Nuôi Dạy Con Cái trong Tình Yêu Thương,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
một gia đình đang dành thời gian với nhau

Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Nuôi Dạy Con Cái trong Tình Yêu Thương

Làm cha mẹ không phải dễ. Tuy nhiên, chúng ta không hề đơn độc. Trong khi phục vụ với tư cách là thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, Anh Cả Bradley D. Foster đã dạy: “Cha Thiên Thượng muốn chúng ta thành công vì thực sự, xét cho cùng, chúng là con cái của Ngài trước khi là con cái của chúng ta” (“Không Bao Giờ Là Quá Sớm và Không Bao Giờ Là Quá Muộn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 51). Khi anh chị em học bài học này, hãy cân nhắc cách anh chị em có thể noi theo tấm gương của Cha Thiên Thượng trong cách anh chị em nuôi dạy con cái hiện tại hoặc con cái của mình trong tương lai.

Phần 1

Làm cách nào tôi có thể nuôi dạy con cái của mình trong tình yêu thương?

Các vị tiên tri ngày sau đã tuyên bố: “Cha mẹ có một bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã gợi ý một cách mà cha mẹ có thể làm tròn trách nhiệm này:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Trong mối quan hệ gia đình, tình yêu thương thật sự được biểu lộ trong thời gian dành cho nhau. Việc dành thời [gian] cho nhau là bí quyết của cảnh hòa thuận trong nhà. (“Về Những Điều Quan Trọng Hơn Hết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 22)

Cha mẹ và con cái có thể dành thời gian có ý nghĩa với nhau bằng nhiều cách. Trong khi phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, Chủ Tịch Susan W. Tanner đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Susan W. Tanner

Một mối quan hệ đầy thương yêu đòi hỏi luôn luôn có những giây phút cùng trò chuyện, chơi đùa, cười giỡn, và làm việc. Tôi … tin rằng cha mẹ và con cái cần phải cùng tham gia và chia sẻ những kinh nghiệm thông thường, hằng ngày của nhau. (“Mẹ Có Nói Cho Con Biết Chưa …?,” Liahona, tháng Năm năm 2003, trang 75)

Thậm chí tuy dễ dàng hơn cho cha mẹ tự mình làm một công việc, thì “những giây phút làm việc” có thể tạo ra những cơ hội tuyệt vời để cha mẹ và con cái trò chuyện với nhau. Việc cùng nhau làm việc cũng có thể giúp cha mẹ dạy cho con cái mình giá trị của việc lao động và tránh lười biếng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 68:31).

Hình Ảnh
con cái giúp rửa chén bát

Chủ Tịch Uchtdorf đã chia sẻ những cách thức khác mà cha mẹ có thể dành thời gian với con cái của họ:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Vì “không có thành công nào có thể bù đắp cho sự thất bại” [J. E. McCulloch, Home: The Savior of Civilization (năm 1924), trang 42] [bên trong các gia đình của chúng ta], nên chúng ta cần phải đặt gia đình mình làm ưu tiên số một. Chúng ta xây đắp mối quan hệ gia đình thắm thiết và yêu thương bằng cách cùng nhau làm những điều giản dị, như ăn tối chung với gia đình và [có] buổi họp tối gia đình cũng như vui đùa với nhau. (“Về Những Điều Quan Trọng Hơn Hết,” trang 21– 22)

Như Chủ Tịch Uchtdorf nói, việc tham gia vào những sinh hoạt giải trí lành mạnh có thể góp phần tạo nên những mối quan hệ thành công trong gia đình (xin xem thêm “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”). Những kinh nghiệm này có thể giúp “tạo ra các mối ràng buộc gia đình đầy ý nghĩa mà cho con cái … có được một đặc tính mạnh mẽ hơn những gì chúng có thể thấy nơi bạn bè của chúng, tại trường học, hay một nơi nào khác” (M. Russell Ballard, “Điều Quan Trọng Nhất Là Điều Tồn Tại Lâu Nhất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 43).

Hình Ảnh
một người cha và con nằm trên bãi cỏ

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy các nguyên tắc mà có thể hướng dẫn các bậc cha mẹ trong việc chọn các sinh hoạt để làm với con cái họ:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Khi chọn cách chúng ta dành thời giờ cùng nhau sinh hoạt chung với gia đình, chúng ta cần phải cẩn thận chớ tận dụng thời giờ của mình cho những điều chỉ tốt không mà thôi, và chỉ dành ít thời giờ còn lại cho điều tốt hơn hoặc tốt nhất. Một người bạn đưa gia đình có con nhỏ của mình đi vài chuyến nghỉ hè, kể cả đi tham quan những di tích lịch sử đáng nhớ. Vào cuối mùa hè, người ấy hỏi đứa con trai tuổi niên thiếu của mình sinh hoạt nào trong số những sinh hoạt tốt của mùa hè mà nó thích nhất. Người cha học được từ câu trả lời, và cả những người nghe người cha kể lại cũng học được từ đó. Đứa con trai đáp: “Điều mà con thích nhất trong mùa hè này là cái đêm mà cha và con nằm trên bãi cỏ và nhìn lên những vì sao và nói chuyện.” [Các] sinh hoạt tuyệt vời của gia đình có thể tốt [cho] con cái, nhưng [ không phải lúc nào cũng] tốt hơn thời gian [mà cha mẹ đầy lòng yêu thương dành riêng cho những đứa con của họ]. (“Tốt, Tốt Hơn, Tốt Nhất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 105)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Những cách thức mà anh chị em đã thấy cha mẹ mình, hoặc các cha mẹ mà anh chị em biết, nuôi dạy con cái của họ trong tình yêu thương là gì? Những loại sinh hoạt nào anh chị em muốn làm với con cái mình trong tương lai?

Phần 2

Làm cách nào tôi có thể kỷ luật con cái mình theo cách thức nhân từ?

Một yếu tố đầy thử thách của việc làm cha mẹ có thể là kỷ luật con cái mình. Trong lĩnh vực này, chúng ta có thể học hỏi từ Chúa, là Đấng chỉ dẫn cách kỷ luật với tình yêu thương. Ví dụ, khi các tín hữu Giáo Hội thời kỳ đầu trì hoãn việc xây cất đền thờ Kirtland, Ngài đã sửa phạt họ. (Lưu ý: Sửa phạt có nghĩa là kỷ luật hoặc sửa dạy.)

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 95:1, tìm kiếm lý do tại sao Chúa sửa phạt các tín đồ của Ngài.

Hãy nghĩ về cách mà lời khuyên bảo sau đây của Chủ Tịch Tanner có thể giúp các cha mẹ kỷ luật con cái họ theo cách thức giống như Đấng Ky Tô.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Susan W. Tanner

Đôi khi kỷ luật, có nghĩa là “dạy dỗ”, bị nhầm lẫn với chỉ trích. Con cái—cũng như mọi người ở mọi lứa tuổi—dễ cải thiện [hành vi] của mình nhờ vào tình yêu thương và lời khuyến khích hơn là lời chê bai bắt bẻ. (“Mẹ Có Nói Cho Con Biết Chưa …?,” trang 74)

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã khuyên bảo các bậc cha mẹ hãy thận trọng trong cách họ kỷ luật. (Lưu ý: Mặc dù ông đang ngỏ lời cùng những người cha, nhưng lời khuyên bảo của ông cũng áp dụng cho những người mẹ.)

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Trong khi kỷ luật, người cha phải [đặc biệt thận trọng], kẻo không [lại xảy ra những việc không mong muốn, thậm chí đến mức ngược đãi trẻ], [là] điều không bao giờ [chính đáng] cả. Khi người cha sửa chỉnh, động cơ thúc đẩy của người cha phải là tình yêu thương và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh:

“Phải kịp thời khiển trách một cách nghiêm khắc, khi được Đức Thánh Linh tác động; rồi sau đó, phải tỏ một tình thương yêu gấp bội đối với người mà ngươi đã khiển trách, kẻo người ấy sẽ xem ngươi là kẻ thù;

“Để người ấy có thể biết rằng lòng trung thành của ngươi còn mạnh hơn cả dây trói buộc của sự chết” [Giáo Lý và Giao Ước 121:43–44].

Kỷ luật trong vòng khuôn khổ thiêng liêng của Thượng Đế không phải là để trừng phạt mà là để giúp đỡ một người thân trên con đường tự chủ. (“Những Người Cha,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 95)

Hình Ảnh
một người cha giảng dạy con trai

Trong việc giúp đỡ con cái học hỏi từ lỗi lầm và sửa chỉnh hành vi sai trái của chúng, cha mẹ nên chỉ ra những hậu quả hợp lý cho các hành động đó. Cha mẹ cần phải thận trọng không nên tiếp tục những biện pháp kỷ luật mà có thể được chấp nhận trong văn hóa hoặc gia đình của họ nhưng lại không phù hợp với những lời giảng dạy của Chúa.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyên bảo thêm:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Khi một đứa con cần sự sửa phạt, các anh chị em có thể tự hỏi: “Tôi có thể nói hoặc làm gì để thuyết phục nó chọn một con đường tốt hơn?” Khi đưa ra sự sửa phạt cần thiết, hãy làm điều đó một cách nhẹ nhàng, kín đáo, trìu mến và không công khai. Nếu cần có lời khiển trách, thì hãy cho thấy một sự gia tăng về tình yêu thương một cách nhanh chóng để không còn có những mầm móng oán giận. Để có sức thuyết phục, tình yêu thương của các anh chị em cần phải chân thành và những lời giảng dạy của các anh chị em được dựa vào giáo lý thiêng liêng và những nguyên tắc đúng đắn. (“Sự Cứu Rỗi và Sự Tôn Cao,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 9–10)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghĩ về những lúc anh chị em bị Chúa hoặc Đức Thánh Linh sửa dạy mà đã thúc giục anh chị em thay đổi trong một cách nào đó. Anh chị em có thể học được điều gì về việc kỷ luật con cái từ những kinh nghiệm này?

Phần 3

Làm cách nào tôi có thể giảng dạy cho con cái mình biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau?

Các vị lãnh đạo Giáo Hội trong thời kỳ chúng ta đã khẳng định rằng “cha mẹ có một bổn phận thiêng liêng… là dạy dỗ [con cái mình] biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”). Trong khi phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, Chủ Tịch Bonnie L. Oscarson đã đưa ra lời khuyên bảo sau đây về việc yêu thương và phục vụ những người trong gia đình mình:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Bonnie L. Oscarson

Hãy bắt đầu phục vụ trong nhà của mình và trong gia đình của mình. Đây là những mối quan hệ mà có thể tồn tại vĩnh cửu. Thậm chí nếu—và có lẽ đặc biệt nhất là nếu—hoàn cảnh gia đình của mình chưa hoàn hảo, thì các anh chị em có thể tìm cách phục vụ, nâng đỡ và củng cố. Hãy bắt đầu ở nơi các anh chị em đang ở, yêu thương con người thật của họ, và chuẩn bị cho gia đình mà các anh chị em muốn có trong tương lai. (“Các Nhu Cầu trước mắt Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 27)

Sa Tan tìm cách phá vỡ tình yêu thương và sự phục vụ mà những người trong gia đình có thể trải nghiệm được trong ngôi nhà của họ. Một cách thức mà nó sử dụng là khơi dậy sự tranh cãi.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 3 Nê Phi 11:29–30, và nghĩ về cách để có thể áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi cho dân Nê Phi vào trong gia đình.

Hình Ảnh
Vua Bên Gia Min đang thuyết giảng từ trên tháp
Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Vào thời của ông, vua Bên Gia Min đã giảng dạy cho các bậc cha mẹ cách thức mà họ nên giúp đỡ con cái học cách sống và tương tác với những người trong gia đình. Hãy đọc Mô Si A 4:14–15, tìm kiếm lời khuyên bảo của Vua Bên Gia Min dành cho cha mẹ.

Hình Ảnh
con cái cùng nhau dọn dẹp phòng
Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy: “[Chúa Giê Su] đã ban cho chúng ta gia đình, một nơi lý tưởng, mà trong đó chúng ta có thể học cách yêu thương như Ngài yêu thương” (“Tấm Gương Hoàn Hảo của Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 71). Hãy nghĩ về khi Đấng Cứu Rỗi ân cần phục vụ một người nào đó. Hãy viết về việc làm thế nào anh chị em có thể yêu thương và phục vụ một người trong gia đình theo cách này hoặc một cách khác giống như Đấng Ky Tô. Hãy chuẩn bị để chia sẻ suy nghĩ của anh chị em trong lớp.

In