Viện Giáo Lý
Lời Giới Thiệu Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Tôn Giáo 225)


“Lời Giới Thiệu Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Tôn Giáo 225)”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Lời Giới Thiệu Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Tôn Giáo 225)”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Lời Giới Thiệu Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Tôn Giáo 225)

Lời Giới Thiệu Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Tôn Giáo 225)

Chào mừng các anh chị em đến với khóa học Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi! Cám ơn anh chị em đã chấp nhận cơ hội để giúp học viên làm cho sự cải đạo của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài được sâu đậm hơn.

Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo nói rằng:

Mục đích của chúng tôi là nhằm giúp giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi hiểu cùng trông cậy vào những điều giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, xứng đáng với các phước lành của đền thờ, cũng như chuẩn bị cho họ, gia đình họ và những người khác để nhận được cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng. (Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm: Sách Hướng Dẫn dành cho Các Giảng Viên và Các Vị Lãnh Đạo trong Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo [năm 2012], trang 1)

Mục tiêu của khóa học này là gì?

Khóa học này được thiết kế nhằm giúp học viên:

  • Củng cố chứng ngôn của học viên về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài.

  • Gia tăng ước muốn và nỗ lực của học viên để sống theo các nguyên tắc và giáo lý của phúc âm và trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

  • Áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh và tích lũy kinh nghiệm để đánh giá các nguồn thông tin.

  • Nhận ra và giải thích giáo lý nền tảng, điều mặc khải và các sự kiện lịch sử của Sự Phục Hồi.

Sách học này có cấu trúc như thế nào?

Nội dung của sách học này được thiết kế để giúp học viên có những kinh nghiệm ý nghĩa và gây dựng cho cả bên ngoài và bên trong lớp học. Mỗi bài học gồm có các tài liệu chuẩn bị và tài liệu dành cho giảng viên.

Tài Liệu Chuẩn Bị

Tài liệu chuẩn bị này nhằm mục đích cho anh chị em lẫn các học viên học tập để chuẩn bị cho lớp học. Tài liệu này bao gồm bối cảnh và hình ảnh lịch sử thích hợp, những lời giảng dạy từ các thánh thư và các vị lãnh đạo Giáo Hội, và một phần “Muốn Thêm Thông Tin?” để nhận ra các nguồn tài liệu bổ sung liên quan đến bài học.

Tài liệu chuẩn bị này cũng gồm có các câu hỏi và sinh hoạt nhằm giúp kinh nghiệm học hỏi của học viên trong lớp được sâu sắc hơn. Ví dụ: trong tài liệu chuẩn bị cho bài học 6, “Sách Mặc Môn—Nền Tảng của Tôn Giáo Chúng Ta,” anh chị em và học viên được trao cơ hội học những lời giảng dạy từ các vị lãnh đạo Giáo Hội về việc Sách Mặc Môn giúp chúng ta đến gần Thượng Đế hơn và ban phước cho cuộc sống của chúng ta theo những cách khác như thế nào:

Việc học và sống theo những lời giảng dạy được tìm thấy trong Sách Mặc Môn đã giúp anh chị em đến gần Thượng Đế hơn như thế nào? Những đoạn thánh thư nào từ Sách Mặc Môn giúp anh chị em trở nên giống Ngài hơn? Ghi lại câu trả lời của anh chị em cho những câu hỏi này vào chỗ trống. Hãy sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ của mình khi đến lớp.

Anh Cả Kim B. Clark thuộc Thầy Bảy Mươi đã dạy về sự chuẩn bị và nỗ lực chân thành cần có để học sâu hơn:

Hình Ảnh
Anh Cả Kim B. Clark

Nếu anh chị em thực sự ước muốn học sâu hơn, nếu lòng và tâm trí của anh chị em sẵn sàng học hỏi và nếu anh chị em hành động theo ước muốn đó, Chúa sẽ ban phước cho anh chị em. Khi anh chị em làm phần vụ của mình, hãy cầu nguyện trong đức tin, chuẩn bị, học tập, tham gia tích cực và làm hết sức mình, Đức Thánh Linh sẽ dạy anh chị em, tăng cường khả năng của anh chị em để hành động theo những điều mình học được và giúp anh chị em trở thành người mà Chúa muốn anh chị em trở thành. (“Learning for the Whole Soul,” Ensign, hoặc Liahona, tháng Tám năm 2017, trang 27)

Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Tài liệu dành cho giảng viên được thiết kế để giúp giảng viên mời học viên thảo luận về những gì họ đã học được trong quá trình chuẩn bị và giúp học viên hiểu sâu hơn và giúp chứng ngôn của họ trở nên sâu đậm hơn về Chúa và phúc âm phục hồi của Ngài. Trong phần giới thiệu của mỗi bài học, anh chị em sẽ thấy phần mô tả kết quả dự định của bài học. Tiếp theo là những ý kiến giảng dạy được đề nghị mà cung cấp cấu trúc, nội dung bài học, giúp đỡ thảo luận và ý kiến áp dụng.

Sau đây là một ví dụ về cách tài liệu dành cho giảng viên áp dụng sự chuẩn bị của học viên, một lần nữa từ bài học 6:

Chia học viên thành các nhóm nhỏ và mời họ chia sẻ và giải thích các đoạn trong Sách Mặc Môn mà đã giúp họ đến gần Thượng Đế hơn. (Những học viên đã học tài liệu chuẩn bị có thể tham khảo những gì họ đã viết ở cuối phần 4.) Anh chị em cũng có thể mời học viên thảo luận trong nhóm về việc sống theo những lời giảng dạy được ghi lại trong các đoạn họ chọn giúp họ trở nên giống Chúa Giê Su Ky Tô hơn như thế nào.

Khi anh chị em đọc bài học trong sách học này, hãy chú ý đến cách tài liệu dành cho giảng viên thường xuyên dựa trên sự chuẩn bị của học viên. Kiên định trông cậy vào sự chuẩn bị của học viên sẽ giúp họ cảm thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho mọi lớp học.

Tài liệu dành cho giảng viên còn cho thấy những nguyên tắc cơ bản của việc giảng dạy và học hỏi phúc âm (xin xem Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm trang 10, 23–31, 38–41). Những nguyên tắc này bao gồm việc giúp học viên nhận ra, hiểu và cảm nhận lẽ thật và tầm quan trọng của giáo lý và các nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cũng như mời họ giải thích, chia sẻ và làm chứng.

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm trong việc Chuẩn Bị để Giảng Dạy Khóa Học Này

Dành một phút xem qua một hoặc hai bài học để làm quen với cách mà tài liệu chuẩn bị và tài liệu dành cho giảng viên được thiết kế để được sử dụng cùng với nhau như thế nào khi anh chị em chuẩn bị cho việc giảng dạy. Một số cách anh chị em có thể giúp học viên chuẩn bị để có thể có kinh nghiệm phong phú hơn trong lớp là gì?

Làm thế nào tôi có thể tập trung vào học viên và giúp họ có kinh nghiệm đầy ý nghĩa với khóa học này?

Anh chị em sẽ ban phước cho học viên của mình bằng cách kỳ vọng và khuyến khích họ hoàn thành vai trò của mình là người học hỏi cả bên ngoài và bên trong lớp học. Một số cách anh chị em có thể làm là bằng cách trông cậy vào sự chuẩn bị của học viên, mời họ đặt câu hỏi về tài liệu chuẩn bị hoặc chủ đề của bài học, cho họ cơ hội để giải thích giáo lý và các nguyên tắc bằng lời riêng của mình, chia sẻ kinh nghiệm và chứng ngôn liên quan, và mời họ sống trọn vẹn hơn theo những lẽ thật của phúc âm phục hồi.

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giảng dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Chúng ta có thể là những giảng viên mạnh mẽ hơn chúng ta thường nghĩ. Khi tiếp cận một nhiệm vụ khó khăn như vậy, xin …nhớ rằng học viên không phải là một bình chứa để đổ đầy vào; học viên là một ngọn lửa để được đốt cháy. (Jeffrey R. Holland, “Angels and Astonishment” [Buổi phát sóng chương trình huấn luyện của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội, ngày 12 tháng Sáu năm 2019], ChurchofJesusChrist.org/broadcasts/article/article/2019/06/14holland)

Cấu trúc bài học được đề nghị trong tài liệu dành cho giảng viên sẽ giúp anh chị em cho học viên đủ thời gian trong lớp để nhận ra và làm theo những thúc giục thuộc linh. Những tài liệu này cũng sẽ giúp anh chị em mời học viên áp dụng những gì họ đang học và trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta hơn. Hãy cân nhắc ví dụ này từ bài học 19, “Sự Cứu Chuộc Người Chết”:

Anh chị em có thể mời học viên suy nghĩ về một người nào đó mà họ có thể mời làm cố vấn cho họ để làm công việc lịch sử gia đình. Nếu một số học viên đã thông thạo làm công việc lịch sử gia đình rồi, hãy mời họ cố vấn cho người khác trong lớp. Nếu thời gian cho phép, anh chị em cũng có thể cho học viên xem trang mạng lịch sử gia đình tại địa chỉ ChurchofJesusChrist.org/family-history và khuyến khích họ khám phá trang mạng này để có thêm ý tưởng về cách tham gia nhiều hơn vào lịch sử gia đình.

Chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Tôi mời các anh chị em hãy thành tâm cân nhắc về loại hy sinh nào và tốt nhất là một sự hy sinh về thời giờ, các anh chị em có thể đưa ra để làm nhiều hơn công việc lịch sử gia đình và công việc đền thờ trong năm nay. (Russell M. Nelson, RootsTech Family Discovery Day—Opening Session 2017, ChurchofJesusChrist.org)

Kết thúc bằng cách mời học viên thành tâm suy ngẫm, rồi viết xuống những hy sinh cụ thể mà họ sẽ thực hiện hoặc các bước cụ thể mà họ sẽ thực hiện để tham gia trọn vẹn hơn vào công việc lịch sử gia đình và sự phục vụ trong đền thờ.

Khóa học này được sắp xếp như là một khóa học dài một học kỳ với 28 bài học được biên soạn cho các lớp học dài 50 phút. Nếu lớp học của anh chị em chỉ nhóm họp mỗi tuần một lần trong 90 đến 100 phút, hãy gộp lại và dạy mỗi buổi hai bài học. Thay vì quan tâm đến việc dạy hết tất cả nội dung trong tài liệu dành cho giảng viên, hãy tập trung vào việc giúp học viên hiểu sâu hơn về giáo lý hoặc những nguyên tắc liên quan đặc biệt đến họ và giúp họ sống trọn vẹn hơn theo những lẽ thật đó.

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm trong việc Chuẩn Bị để Giảng Dạy Khóa Học Này

Một số cách anh chị em có thể khuyến khích học viên chia sẻ trong lớp những gì họ học được từ việc chuẩn bị là gì? Anh chị em có thể làm gì để khuyến khích những học viên chưa học tập tài liệu chuẩn bị cùng tham gia?

Làm thế nào tôi có thể chuẩn bị để giảng dạy một cách hiệu quả?

Cha Thiên Thượng sẽ hỗ trợ anh chị em khi anh chị em chuẩn bị và giảng dạy con cái của Ngài. Những nỗ lực của anh chị em để sống chuyên tâm theo phúc âm sẽ giúp anh chị em hội đủ điều kiện để có Thánh Linh trong việc chuẩn bị giảng dạy.

Khi anh chị em chuẩn bị, hãy cân nhắc các cách anh chị em có thể thích nghi tài liệu dành cho giảng viên một cách thích hợp để đáp ứng nhu cầu và hoàn cảnh của học viên. Tuân theo lời khuyên bảo này của Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong việc thích nghi tài liệu này:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Tôi thường nghe Chủ Tịch [Boyd K.] Packer dạy rằng trước hết chúng ta chấp nhận và thực hiện, rồi sau đó chúng ta mới thích nghi. Nếu hoàn toàn quen thuộc với bài học mà mình sắp dạy thì chúng ta có thể tuân theo Thánh Linh để thích nghi bài học đó. Nhưng khi nói về sự linh động này, chúng ta cũng có cám dỗ để bắt đầu bài học bằng cách thích nghi thay vì dạy theo bài học. Đó là một sự cân bằng. Đó luôn là một thử thách. Nhưng phương pháp dạy theo bài học trước rồi mới thích nghi là một cách tốt để có thể có sự chắc chắn khi giảng dạy. (Dallin H. Oaks, “A Panel Discussion with Elder Dallin H. Oaks” [Buổi phát sóng qua hệ thống vệ tinh của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo, ngày 7 tháng Tám năm 2012], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

Trong khi chuẩn bị giảng dạy, anh chị em có thể thấy hữu ích để tự hỏi các câu hỏi sau đây:

  • Tôi có cầu nguyện để nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh không?

  • Tôi đã học tài liệu chuẩn bị chưa?

  • Tôi có cảm thấy đủ chắc chắn với tài liệu dành cho giảng viên không? Có bất cứ điều gì tôi cần để thích nghi nhằm đáp ứng nhu cầu của các học viên của mình không?

  • Làm thế nào chúng ta có thể học hỏi từ thánh thư một cách hiệu quả trong lớp?

  • Làm thế nào tôi có thể giúp học viên tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và học hỏi từ Đức Thánh Linh trong bài học này?

  • Làm thế nào tôi có thể giúp các học viên của mình một cách hiệu quả nhất trong việc học hỏi, hiểu và phát triển chứng ngôn của họ về các nguyên tắc liên quan đến những khía cạnh này của phúc âm?

  • Tôi có thể làm gì để kết hợp một cách có ý nghĩa những gì học viên học được từ sự chuẩn bị cho lớp học và kinh nghiệm sống của họ?

  • Làm thế nào tôi có thể giúp mỗi học viên của mình tham gia trọn vẹn vào bài học?

  • Làm thế nào tôi có thể thay đổi các sinh hoạt học tập và phương pháp mà tôi sử dụng trong mỗi lớp học?

  • Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra một bầu không khí học hỏi mà mời gọi Đức Thánh Linh và cho các học viên đặc ân và trách nhiệm để giảng dạy và học hỏi lẫn nhau? (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:78trang 122.)

Làm thế nào tôi có thể thích nghi các bài học này cho các học viên khuyết tật?

Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, hãy lưu tâm đến các học viên có nhu cầu đặc biệt. Điều chỉnh các sinh hoạt và kỳ vọng để khuyến khích các học viên đó tham gia và giúp họ thành công (xin xem trang Nguồn Tài Liệu cho Người Khuyết Tật tại địa chỉ disabilities.ChurchofJesusChrist.org).

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Ngẫm của Anh Chị Em

Hãy cân nhắc loại kinh nghiệm mà anh chị em hy vọng học viên đạt được trong khóa học này. Liệt kê một vài suy nghĩ của anh chị em về cách anh chị em dự định giúp họ có được kinh nghiệm học tập đầy ý nghĩa.

Điều gì được kỳ vọng đối với các học viên muốn nhận được tín chỉ?

Để nhận được tín chỉ tốt nghiệp viện giáo lý, học viên cần:

  1. Học tài liệu chuẩn bị cho ít nhất 75 phần trăm các bài học.

  2. Tham dự 75 phần trăm các lớp học được tổ chức.

  3. Hoàn thành một trong ba kinh nghiệm học tập: giữ một nhật ký ghi chép việc học tập, viết câu trả lời cho ba câu hỏi tiểu luận hoặc thiết kế và hoàn thành một dự án học tập (có sự chấp thuận của giảng viên) của riêng họ có liên quan đến nội dung của khóa học. Tìm thêm thông tin chi tiết tại đây: ChurchofJesusChrist.org/si/institute/learning-experiences.

Nếu học viên ghi lại câu trả lời cho tất cả các câu hỏi và sinh hoạt trong tài liệu chuẩn bị, việc này cũng sẽ đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm học tập. Học viên không cần gửi câu trả lời cho anh chị em. Vào cuối học kỳ, học viên chỉ cần cho anh chị em xem những gì họ đã hoàn thành.

In