Viện Giáo Lý
Bài học 27 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sự Mặc Khải về Chức Tư Tế


“Bài học 27 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sự Mặc Khải về Chức Tư Tế”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)

“Bài học 27 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 27 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Sự Mặc Khải về Chức Tư Tế

Vào ngày 1 tháng Sáu năm 1978, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nhận được một điều mặc khải từ Chúa loại bỏ việc hạn chế sắc phong chức tư tế và các giáo lễ đền thờ cho những tín hữu Giáo Hội gốc Châu Phi. Bài học này sẽ giúp học viên giải thích các hoàn cảnh và lẽ thật liên quan đến điều mặc khải này, hành động theo đức tin khi họ gặp phải những câu hỏi hoặc tình huống khó khăn và hiểu rõ hơn rằng Thượng Đế đang dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua điều mặc khải cho các vị tiên tri tại thế của Ngài.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúng ta có thể tiếp cận các câu hỏi về việc hạn chế sắc phong chức tư tế và đền thờ từ quan điểm của đức tin.

CẢI THIỆN VIỆC GIẢNG DẠY VÀ HỌC HỎI CỦA CHÚNG TA

Các câu chuyện có thể củng cố đức tin. “Các câu chuyện có thể giúp xây đắp đức tin của các học viên nơi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các câu chuyện này có thể giúp các học viên cảm thấy thích thú và hiểu phúc âm qua những kinh nghiệm gián tiếp. Các câu chuyện này cũng có thể đặc biệt hữu hiệu trong việc giúp các học viên hiểu các nguyên tắc phúc âm đã được nhận ra trong một nhóm thánh thư. Bằng cách giải thích một nguyên tắc phúc âm trong một văn cảnh hiện đại, ngoài văn cảnh của thánh thư ra, các câu chuyện có thể giúp các học viên hiểu về một nguyên tắc phúc âm liên quan đến cuộc sống của họ như thế nào, cũng như giúp họ cảm thấy có ước muốn để áp dụng nguyên tắc phúc âm này.” (Sách hướng dẫn Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm [Năm 2012], 5.5).

Cho học viên xem hình ảnh đi kèm về Anh George Rickford:

Hình Ảnh
Anh George Rickford

Mời một học viên đọc to câu chuyện sau đây về một người tên là George Rickford:

Năm 1969, George Rickford, một thành niên trẻ tuổi sống ở Leicester, Anh, đã gặp những người truyền giáo từ Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Ban đầu, George chống lại sứ điệp của họ, nhưng cuối cùng anh bắt đầu gặp những người truyền giáo. Sau ba tháng tập trung tìm hiểu, George thức dậy vào một buổi sáng với lòng tin chắc rằng Giáo Hội là chân chính.

George hăm hở chia sẻ chứng ngôn mới tìm ra của mình với các anh cả, nhưng trước khi anh có thể làm điều này, họ đã thông báo rằng anh sẽ không đủ điều kiện để nhận chức tư tế nếu anh gia nhập Giáo Hội vì di sản đa chủng tộc của anh, do tổ tiên của anh là người da đen gốc Châu Phi.

George rất khổ sở trước tin này. Anh nhớ lại: “Tôi đã có phản ứng rất chống đối. Tôi trở nên rất hung hãn và sau một lúc trao đổi đầy giận dữ, tôi đã đuổi họ ra. … Tôi lên tiếng gay gắt về sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc và tất cả những lời nói như vậy.”

Khi những người truyền giáo đi khỏi, George bật khóc. (Xin xem Elizabeth Maki, “I Will Take It In Faith,” history.ChurchofJesusChrist.org.)

Hướng học viên đến tiết 1 của tài liệu chuẩn bị. Đặt câu hỏi sau đây với học viên và cho họ thời gian để cân nhắc cách họ sẽ trả lời:

  • Nếu một người nào đó hỏi học viên tại sao có những hạn chế sắc phong chức tư tế và đền thờ, học viên muốn thảo luận những điểm chính nào? (Hãy cân nhắc việc viết những câu trả lời của các học viên lên trên bảng.)

Mời học viên suy ngẫm về những câu hỏi họ có thể có liên quan đến những hạn chế sắc phong chức tư tế và đền thờ. Khuyến khích họ ghi nhớ những câu hỏi đó trong suốt bài học và chú ý đến các cuộc thảo luận và sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh có thể giúp giải quyết những câu hỏi đó.

Trưng ra lời phát biểu sau đây, và mời một học viên đọc to đoạn đó:

Ngày nay, Giáo Hội không chấp nhận các giả thuyết đặt ra trong quá khứ rằng da đen là một dấu hiệu bị thiên thượng ghét bỏ hoặc nguyền rủa; da đen phản ánh những hành động không ngay chính trong cuộc sống tiền dương thế; hôn nhân giữa những người khác chủng tộc là một tội lỗi; hoặc những người da đen hay những người thuộc bất kỳ chủng tộc hay sắc tộc nào khác là thua kém trong bất kỳ phương diện nào với một người nào khác. Các vị lãnh đạo Giáo Hội ngày nay dứt khoát lên án mọi hình thức phân biệt chủng tộc, trong quá khứ và hiện tại. (“Race and the Priesthood,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org)

  • Học viên nghĩ tại sao điều quan trọng là tránh suy xét về các lý do đã nêu trước đó về nguyên nhân có những hạn chế sắc phong chức tư tế và đền thờ?

Mời học viên thuật lại những điều họ biết về hoàn cảnh dẫn đến điều mặc khải từ Chúa đã loại bỏ các hạn chế sắc phong chức tư tế và đền thờ.

Giải thích rằng Tuyên Ngôn Chính Thức 2 trong Giáo Lý và Giáo Ước gồm có tuyên ngôn chính thức về một sự mặc khải được ban cho Chủ Tịch Spencer W. Kimball và được các cố vấn của ông trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và các thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chấp nhận và thu nhận vào tháng Sáu năm 1978.

Mời học viên đọc thầm hai đoạn đầu tiên của Tuyên Ngôn Chính Thức 2 sau các từ “Các Anh Em Thân Mến.” Mời học viên tìm kiếm những điều các vị lãnh đạo Giáo Hội nói mà họ đã làm chứng và cho biết điều họ tìm được.

Tiếp theo, hãy mời học viên thuật lại câu chuyện của Anh Billy Johnson và giáo đoàn của anh ở Ghana trong tiết 2 của tài liệu chuẩn bị.

  • Làm thế nào mà những cá nhân này đã thể hiện tiêu biểu cho “sự trung tín của những người mà chức tư tế bị giữ lại”?

Yêu cầu một học viên đọc thêm bài tường thuật của George Rickford và mời cả lớp lắng nghe cách George đã chọn hành động theo đức tin sau khi anh biết về sự hạn chế sắc phong chức tư tế:

Một ngày nọ, George đang nói chuyện với một người bạn thân về trải nghiệm của mình với những người truyền giáo và bắt đầu giảng dạy cho bạn mình về Tiên Tri Joseph Smith. Anh nhớ lại: “Khi tôi kể câu chuyện đó, tôi vừa sống lại và có một điều gì đó xâm chiếm và tôi bộc lộ cảm xúc.”

Kinh nghiệm này đã xác nhận lại chứng ngôn của George, nhưng mối bận tâm của anh về sự hạn chế sắc phong chức tư tế vẫn còn. Khi anh cầu nguyện để được hiểu biết thêm, sứ điệp này hiện đến cùng anh: “Ngươi không cần phải hiểu mọi thứ về phúc âm của ta trước khi ngươi cam kết thực hiện. Tại sao ngươi không thể hiện niềm tin của mình bằng cách chấp nhận những gì ngươi đã nghe thấy và ủy thác phần còn lại vào tay ta?”

Được sứ điệp này an ủi, George trả lời thành tâm: “Vâng, thưa Chúa. Con sẽ đón nhận bằng đức tin. Con xin tạ ơn Chúa.” Hai tháng sau, George được làm phép báp têm và trở thành một tín hữu trung tín của Giáo Hội.

Năm 1975 (ba năm trước khi được mặc khải về chức tư tế), George viết rằng anh đã chấp nhận sự cấm đoán cho chức tư tế “theo đức tin, mà không hề dè dặt” và bày tỏ niềm tin của mình rằng, mặc cho điều kiện của anh là gì đi nữa thì Thượng Đế là chân chính. “Tôi biết ơn rằng chức tư tế của Chúa lại có một lần nữa trên thế gian, với tất cả các phước lành, thẩm quyền và trách nhiệm kèm theo. Ai có nó và ai không có nó đối với tôi không quan trọng nhưng điều quan trọng là nó được sử dụng như thế nào.” (Trong Maki, “I Will Take It in Faith,” history.ChurchofJesusChrist.org)

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ tấm gương của George Rickford mà có thể giúp chúng ta khi chúng ta có những câu hỏi chưa được giải đáp về phúc âm? (Sau khi học viên chia sẻ, viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Khi chúng ta có những câu hỏi chưa được giải đáp, chúng ta có thể tiến bước trong đức tin trông cậy vào ánh sáng và sự hiểu biết mà Chúa đã ban cho chúng ta.)

  • Làm thế nào mà lẽ thật in đậm có thể giúp một người nào đó đang gặp khó khăn với đức tin của mình vì những câu hỏi chưa được giải đáp về phúc âm?

Mời một học viên đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Đức tin không bao giờ đòi hỏi câu trả lời cho mỗi câu hỏi nhưng tìm kiếm sự bảo đảm và lòng can đảm để tiến bước, đôi khi thừa nhận: “Tôi không biết hết mọi điều, nhưng tôi biết đủ để tiếp tục con đường của người môn đồ.” (Neil L. Andersen, “Đức Tin Không Đến Một Cách Tình Cờ mà là Do Chúng Ta Chọn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 66)

  • Làm thế nào mà ánh sáng và sự hiểu biết mà Chúa ban cho học viên đã giúp học viên tiến bước trong đức tin khi học viên gặp phải những câu hỏi chưa được giải đáp hoặc những tình huống không chắc chắn?

  • Làm thế nào chúng ta có thể giúp một người nào đó đang gặp khó khăn với những câu hỏi chưa được giải đáp tiến bước trong đức tin?

Cho học viên thời gian để suy ngẫm cách họ có thể áp dụng nguyên tắc hành động theo đức tin vào cuộc sống của riêng họ hoặc sử dụng nguyên tắc đó để giúp một người nào đó mà họ biết. Mời học viên cân nhắc việc ghi lại kế hoạch của họ vào nhật ký ghi chép.

Các phước lành chức tư tế và đền thờ bây giờ được ban cho mọi tín hữu xứng đáng trong Giáo Hội.

Hãy mời một học viên đọc to đoạn thứ hai và đoạn thứ tư sau các từ “Các Anh Em Thân Mến:” trong Tuyên Ngôn Chính Thức 2, bắt đầu bằng “Ngài đã nghe những lời cầu nguyện của chúng tôi.”

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ các đoạn này về việc Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài? (Sau khi học viên trả lời, hãy viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua sự mặc khải cho các vị tiên tri của Ngài.)

  • Học viên đã thấy Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua sự mặc khải cho các vị tiên tri của Ngài vào lúc nào trong cuộc đời?

Giải thích rằng một ngày sau khi nhận được điều mặc khải về chức tư tế, George Rickford đã được sắc phong làm thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn và nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc ngay sau đó. Vào tháng Mười năm 1978, George và June, vợ anh, được làm lễ gắn bó cùng với bốn đứa con của họ với tư cách là một gia đình vĩnh cửu trong Đền thờ London England (xin xem Maki, “I Will Take It in Faith,” history.ChurchofJesusChrist.org).

  • Sự mặc khải có ảnh hưởng gì đến Giáo Hội, các tín hữu và mọi người trên khắp thế giới?

Trưng ra lời phát biểu sau đây, và mời một học viên đọc to đoạn đó:

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là dành cho tất cả mọi người. Sách Mặc Môn dạy rằng: “da đen và da trắng, nô lệ và tự do, nam và nữ; … tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế” (2 Nê Phi 26:33). Đây là lời giảng dạy chính thức của Giáo Hội. (“Rce and the Church: All Are Alike Unto God,” ngày 29 tháng Hai năm 2012, newsroom.ChurchofJesusChrist.org)

Để kết thúc bài học, mời học viên cân nhắc (hoặc thực hành), dựa trên những gì họ đã học hôm nay, họ có thể trả lời như thế nào nếu họ được hỏi lý do tại sao có lúc Giáo Hội đã không sắc phong chức tư tế cho những người nam da đen gốc Châu Phi. Nhấn mạnh rằng vẫn thích hợp nếu phải giải thích cho những người khác rằng chúng ta không biết lý do tại sao lại có sự hạn chế sắc phong chức tư tế và đền thờ. Tuy nhiên, chúng ta có thể chia sẻ và làm chứng về những lẽ thật mà chúng ta biết, bao gồm cả những lẽ thật đã được thảo luận hôm nay.

Cho Buổi Học Lần Sau

Giải thích cho học viên rằng để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo, họ sẽ nghiên cứu những điều mà các vị tiên tri, cả cổ xưa và hiện đại, đã dạy về số mệnh của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Khuyến khích học viên sẵn sàng thảo luận về những cách họ có thể giúp đỡ trong công việc cứu rỗi của Chúa trong những ngày sau cùng.

In