Viện Giáo Lý
Bài học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tổ Chức Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô


“Bài học 8 Tài Liệu dành cho Giảng viên: Tổ Chức Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Bài học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Tổ Chức của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô

Qua Tiên Tri Joseph Smith, Chúa tổ chức Giáo Hội của Ngài một lần nữa trên thế gian. Bài học này sẽ giúp học viên giải thích điều gì làm cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “Giáo Hội sinh động và chân chính duy nhất” (Giáo Lý và Giao Ước 1:30). Học viên cũng sẽ xác định cách thức để họ có thể tham gia trọn vẹn hơn vào Giáo Hội phục hồi của Chúa.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa đã phục hồi Giáo Hội của Ngài qua Tiên Tri Joseph Smith.

Mời học viên tưởng tượng rằng khi họ mời một người bạn tham dự nhà thờ, cô ấy trả lời rằng: “Giáo Hội cũng tốt thôi nhưng tôi nghĩ tôi có thể là một người tốt mà không cần có tôn giáo tổ chức. Tất cả chúng ta đều có con đường riêng dẫn đến Thượng Đế, đúng không?”

  • Một số quan niệm sai lầm nào có thể ngăn cản bạn của các em hiểu được giá trị của Giáo Hội của Chúa?

Cho phép học viên thảo luận trong vài phút trong những nhóm nhỏ về cách thức họ có thể giải thích với người bạn này lý do tại sao Chúa lại thiết lập giáo hội trên thế gian. (Hãy khuyến khích học viên áp dụng những gì họ học được từ việc nghiên cứu tài liệu chuẩn bị.)

Cho học viên xem hình ảnh đi kèm về nhà của Peter Whitmer Sr. ở Fayette, New York. Mời học viên nhớ lại những gì đã học trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị để mô tả những gì diễn ra trong nhà của Whitmer vào ngày Giáo Hội được tổ chức.

Hình Ảnh
Bên ngoài căn nhà gỗ của Peter Whitmer
Hình Ảnh
Joseph Smith đang giảng dạy giáo đoàn

Cả lớp đọc Những Tín Điều 1:6, tìm những điều Joseph Smith từng viết về việc tổ chức của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu cần, giảng viên có thể nêu ra rằng “những người truyền bá phúc âm” có thể là tộc trưởng và “mục sư” có thể là các chức sắc chủ tọa, như giám trợ.

  • Chúng ta có thể học được các lẽ thật nào từ lời phát biểu này? (Một lẽ thật chúng ta có thể học được là Giáo Hội của Chúa trong những ngày sau được tổ chức cũng giống như vào thời của Chúa Giê Su.)

Mời học viên đọc to đoạn thứ hai lời phát biểu của Anh Tad R. Callister trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị, bắt đầu bằng các từ “Nếu một người so kế hoạch này …”

Cho học viên xem những đoạn tham khảo thánh thư sau đây. Mời học viên chọn một hoặc nhiều đoạn tham khảo trong số đó để đọc thầm, tìm xem những đoạn tham khảo đó tiết lộ điều gì về tổ chức, những lối thực hành và lời giảng dạy của Giáo Hội Tân Ước của Đấng Cứu Rỗi.

Xin lưu ý: Sinh hoạt này không cần phải bao quát hoặc tốn thời gian. Sinh hoạt này chỉ đơn giản là để giúp học viên nhận ra Giáo Hội phục hồi của Chúa được tổ chức theo mẫu mực Giáo Hội thời xưa của Ngài như thế nào.

  • Các em thấy được những điểm tương đồng nào giữa Giáo Hội nguyên thủy của Đấng Ky Tô và Giáo Hội trong thời kỳ của chúng ta? Tại sao điều quan trọng là phải biết rằng Giáo Hội ngày nay của Chúa được tổ chức theo mẫu mực Giáo Hội thời xưa của Ngài?

Hãy giải thích rằng khoảng một năm rưỡi sau khi Giáo Hội được tổ chức, Chúa đã dạy về sự độc đáo của Giáo Hội phục hồi của Ngài. Mời học viên đọc thầm Giáo Lý và Giao Ước 1:30 cùng tìm kiếm điều mà Chúa đã phán.

  • Chúa mô tả Giáo Hội của Ngài như thế nào trong câu 30? (Hãy giúp học viên nhận ra lời phát biểu về giáo lý sau đây: Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là giáo hội chân chính và sinh động duy nhất trên thế gian.)

Để giúp học viên hiểu rõ hơn về lẽ thật này, giảng viên có thể mời cả lớp thảo luận một số câu hỏi sau đây. Hãy khuyến khích học viên xem lại và suy nghĩ về những gì họ học được từ phần 2 của tài liệu chuẩn bị trong khi thảo luận.

  • Các em sẽ giải thích như thế nào cho ai đó một cách thận trọng nhưng mạnh dạn điều này có nghĩa là gì khi Giáo Hội là “giáo hội chân chính và sinh động duy nhất trên khắp mặt đất này”?

  • Điều gì làm cho giáo hội này là một giáo hội “sinh động”? (Có thể trưng bày một cái gì đó còn sống như cây và mời học viên mô tả các đặc điểm của sinh vật đó so với cái gì đó không còn sống hoặc đã chết.)

  • Tại sao các em nghĩ là điều quan trọng cần hiểu rõ rằng mặc dù những lẽ thật vĩnh cửu của phúc âm của Đấng Cứu Rỗi không thay đổi, nhưng Giáo Hội tiếp tục phát triển và thích nghi qua điều mặc khải từ Chúa?

  • Những kinh nghiệm nào giúp các em biết rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội chân chính và sinh động của Đấng Cứu Rỗi?

Giáo Hội của Chúa làm cho những phước lành của phúc âm có sẵn cho mọi người.

Cho học viên xem lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Mời một học viên đọc to đoạn này:

Thật là đáng bõ công để tạm dừng lại và ngẫm nghĩ xem tại sao Ngài chọn sử dụng một giáo hội, Giáo Hội của Ngài, … để thực hiện công việc của Ngài và của Cha Ngài. (“Tại sao Giáo Hội là Cần Thiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 108)

  • Tại sao các em nghĩ rằng Chúa Giê Su Ky Tô chọn sử dụng một giáo hội, Giáo Hội của Ngài, để thực hiện công việc của Ngài và của Cha Ngài?

Cả lớp đọc Mô Rô Ni 6:3–6Giáo Lý và Giao Ước 43:8–9 cùng tìm một số mục đích và phước lành có được qua vai trò tín hữu và sự phục vụ trong Giáo Hội của Chúa. Mời học viên chia sẻ những điều học được trong các đoạn này.

Cho học viên một phút để xem lại vắn tắt lời phát biểu của Anh Cả Christofferson và Chị Bonnie L. Oscarson từ phần 3 của tài liệu chuẩn bị.

  • Những lời giảng dạy trong lời phát biểu này có ý nghĩa đặc biệt gì đối với các em? (Sau khi học viên trả lời, hãy cho học viên xem lẽ thật sau đây: Chúa đã tổ chức Giáo Hội của Ngài để giúp chúng ta đến cùng Ngài tiếp nhận các phước lành trọn vẹn của phúc âm của Ngài và có cơ hội để phục sự người khác.)

Mời học viên suy nghĩ về mỗi yếu tố của lẽ thật này. Mời học viên chia sẻ xem họ thấy lẽ thật này đã được làm tròn trong cuộc sống họ như thế nào. Giảng viên có thể hỏi một số câu hỏi để theo dõi như sau:

  • “Các phước lành trọn vẹn” của phúc âm của Chúa là gì?

  • Giáo Hội đóng vai trò nào trong việc giúp các em trở nên giống như Cha Thiên Thượng hơn?

Cho học viên thời gian để suy ngẫm và ghi lại suy nghĩ của họ cho câu hỏi sau đây:

  • Trong những phương diện nào tôi có thể tham gia trong Giáo Hội và giúp hoàn thành mục tiêu của Giáo Hội?

Sau khi đã cho lớp học đủ thời gian rồi, anh chị em có thể hỏi học viên họ đã học được những gì hôm nay để có thể giúp họ trả lời những câu hỏi của một người bạn giống như câu hỏi được giới thiệu trong tình huống đã được mô tả ở đầu bài học. Anh chị em có thể kết thúc bằng cách làm chứng về các lẽ thật được dạy trong bài học.

Cho Buổi Học Lần Sau

Hãy giải thích rằng nhờ Sự Phục Hồi phúc âm, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về đặc tính và sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi hơn bất cứ ai khác có thể làm trong gần 2.000 năm. Mời học viên suy nghĩ về các phước lành khi đến gần Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Mời học viên gia tăng sự hiểu biết và đức tin của họ nơi Ngài bằng cách học kỹ tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau.

In