Viện Giáo Lý
Bài học 9 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chúa Giê Su Ky Tô: Đấng Cứu Chuộc Thiêng Liêng của Chúng Ta


“Bài học 9 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chúa Giê Su Ky Tô: Đấng Cứu Chuộc Thiêng Liêng của Chúng Ta”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Bài học 9 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 9 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Chúa Giê Su Ky Tô: Đấng Cứu Chuộc Thiêng Liêng của Chúng Ta

Là một phần của Sự Phục Hồi, Joseph Smith và Các Thánh Hữu đã được dạy chính xác hơn về thiên tính và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội để gia tăng đức tin của họ nơi Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài và xác định cách mời quyền năng của Ngài vào cuộc sống của họ một cách trọn vẹn hơn.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Joseph Smith học hỏi về thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Khải Tượng Thứ Nhất, tranh do Walter Rane họa

Trưng bày một tấm hình miêu tả Khải Tượng Thứ Nhất. Hãy nhắc học viên nhớ rằng một trong những mục đích của Joseph Smith để cầu nguyện trong dịp này là hỏi Thượng Đế xem giáo hội nào ông nên gia nhập (xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:13–19). Tuy nhiên, trong câu chuyện về khải tượng năm 1832, Joseph đã đề cập đến một lý do khác tại sao ông đi đến khu rừng để cầu nguyện ngày hôm đó.

Mời một học viên đọc to đoạn đầu tiên của phần 1 trong tài liệu chuẩn bị.

Cho học viên một phút để suy ngẫm về những lúc trong cuộc sống mà họ cảm thấy đau khổ vì tội lỗi và sự yếu kém của mình. Sau đó, mời học viên đọc thầm đoạn hai và ba trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.

  • Joseph học được gì về đặc tính của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô? (Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đầy lòng thương xót và tha thứ.)

Hãy giải thích rằng Joseph và Các Thánh Hữu tiếp tục học hỏi về đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô qua những điều mặc khải của Ngài. Cho học viên xem những đoạn tham khảo sau đây hoặc viết chúng lên trên bảng: Giáo Lý và Giao Ước 3:10; 38:14; 58:42; 61:2; 62:1; 64:2–4. Cho học viên thời gian để đọc một vài đoạn và yêu cầu học viên đọc như thể là Chúa đang trực tiếp phán cùng họ. Mời học viên suy ngẫm xem những lời của Đấng Cứu Rỗi trong những câu này giúp họ hiểu rõ hơn về đặc tính thương xót và tha thứ của Ngài như thế nào. Sau khi họ đọc xong, hãy mời học viên chia sẻ điều họ học được.

  • Tại sao các em nghĩ là quan trọng cho chúng ta để hiểu rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đầy lòng thương xót và tha thứ?

Hãy giải thích rằng Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith là một trong nhiều kinh nghiệm đã chuẩn bị cho Joseph trở thành nhân chứng mạnh mẽ của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy nhắc nhở các học viên rằng theo Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, thì Joseph Smith là “vị mặc khải ưu việt về Chúa Giê Su Ky Tô trong thiên tính thật của Ngài là Đấng Cứu Chuộc thiêng liêng” (D. Todd Christofferson, “Được Sinh Lại,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 79; chữ nghiêng được thêm vào).

  • Joseph Smith và Sự Phục Hồi đã ảnh hưởng như thế nào đến sự hiểu biết và cảm nhận của các em về Chúa Giê Su Ky Tô?

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô vừa vô hạn lại vừa mang tính riêng tư.

Hãy giải thích cho các học viên rằng sự ra đời của Sách Mặc Môn qua Tiên Tri Joseph Smith đã cho phép thế gian hiểu về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài theo cách chưa từng có trong nhiều thế kỷ. Trong số rất nhiều đoạn dạy chúng ta về sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi cho nhân loại là những lời giảng dạy của An Ma và A Mu Léc. Mời học viên đọc thầm An Ma 34:10, 12 và 14, tìm xem A Mu Léc đã mô tả sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi như thế nào. Yêu cầu các học viên chia sẻ những điều họ tìm được.

Vẽ hoặc cho xem biểu đồ sau:

Hình Ảnh
biểu đồ, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô phần 1
  • Trong những phương diện nào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là “vô hạn và vĩnh cửu”? (Hãy khuyến khích học viên rút ra bài học từ phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

Mời một học viên đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Cecil O. Samuelson Jr., người đã phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, rồi yêu cầu lớp học lắng nghe những lời ông mô tả về Sự Chuộc Tội của Chúa:

Sự Chuộc Tội của Ngài quả thật đã tác động đến thế gian và tất cả mọi người từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc. Tuy nhiên, chúng ta chớ quên rằng trong tính toàn diện và trọn vẹn của nó, Sự Chuộc Tội cũng được thực hiện một cách rất riêng tư và đơn độc để hoàn toàn thích hợp và nhằm vào mỗi hoàn cảnh riêng của mỗi người chúng ta. Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử biết rõ mỗi người chúng ta hơn là chúng ta tự biết mình và đã chuẩn bị một Sự Chuộc Tội cho chúng ta mà hoàn toàn thích hợp với các nhu cầu, thử thách và khả năng của chúng ta.

Xin cảm tạ Thượng Đế về sự ban cho Vị Nam Tử của Ngài và cảm tạ Đấng Cứu Rỗi về Sự Chuộc Tội của Ngài. Sự Chuộc Tội là chân chính và có hiệu lực và sẽ đưa chúng ta đến nơi chúng ta cần đến và muốn đến. (Cecil O. Samuelson Jr., “Sự Chuộc Tội Có Ý Nghĩa Gì đối với Các Anh Chị Em?Liahona, tháng Tư năm 2009, trang 51)

  • Anh Cả Samuelson đã dùng những từ nào để mô tả Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi?

Thêm vào biểu đồ từ riêng tư và những từ khác mà học viên nhận ra được:

Hình Ảnh
biểu đồ, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô phần 2
  • Tại sao các em nghĩ điều quan trọng cần nhớ là mặc dù sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi dành cho vô số người và toàn thế gian, thì sự hy sinh này cũng rất riêng tư?

Hãy nhắc học viên rằng trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị, họ được mời đánh dấu những lẽ thật nổi bật đối với họ. Nếu cần, cho học viên thời gian để xem lại các đoạn thánh thư và những lời giảng dạy tiên tri mà họ đã đánh dấu trong phần này.

  • Những lẽ thật nào là nổi bật đối với các em và tại sao? (Cho học viên xem những lẽ thật này hoặc viết chúng lên trên bảng.)

Sau khi học viên trả lời, hãy cân nhắc việc mời họ nhắc lại (và viết lại) các nguyên tắc theo cách riêng, sử dụng các đại từ ngôi thứ nhất như Tôicủa tôi. Những lẽ thật này có thể tương tự như sau: Chúa Giê Su Ky Tô tự mang tội lỗi, nỗi khổ đau, đau đớn và cám dỗ của tôi để Ngài biết cách giúp đỡ tôi. Giá trị của tâm hồn tôi lớn lao đến nỗi mà Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau đớn và chết để tôi có thể hối cải. Chúa Giê Su Ky Tô chịu đau khổ vì tội lỗi của tôi để tôi có thể hối cải và không bị đau khổ như Ngài đã chịu.

  • Làm thế nào việc hiểu và tin vào những lẽ thật này có thể giúp các em có đức tin lớn lao hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Các em có những ý nghĩ và cảm nghĩ gì khi cân nhắc những điều Đấng Cứu Rỗi đã gánh chịu cho các em và tại sao Ngài lại làm như vậy?

Cho học viên xem câu hỏi sau đây: Tôi sẽ làm gì để mời quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô vào cuộc sống của mình một cách trọn vẹn hơn?

Cho học viên thời gian để thành tâm suy ngẫm câu hỏi này và viết một câu trả lời trong nhật ký hoặc vở của họ. Khi học viên đang suy ngẫm, hãy cân nhắc việc cho họ xem lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson. Mời học viên tìm kiếm lời khuyên bảo mà có thể giúp họ mời quyền năng của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của họ:

Chúng ta bắt đầu bằng cách tìm hiểu về [Chúa Giê Su Ky Tô]. “Việc [chúng ta] được cứu rỗi trong sự ngu dốt là không thể được” [Giáo Lý và Giao Ước 131:6]. Chúng ta càng hiểu về giáo vụ và sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi [xem Giáo Lý và Giao Ước 76:40–41]—thì chúng ta càng hiểu về giáo lý của Ngài [ xem 2 Nê Phi 31:2–21] và những điều mà Ngài đã làm cho chúng ta —thì chúng ta càng biết được rằng Ngài có thể cung cấp quyền năng mà chúng ta cần cho cuộc sống của mình. …

Khi chúng ta đầu tư thời gian để tìm hiểu về Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Ngài, chúng ta bị lôi kéo tham gia vào một yếu tố quan trọng khác để tiếp cận quyền năng của Ngài: chúng ta chọn tin vào Ngài và đi theo Ngài. …

Chúng ta cũng gia tăng quyền năng của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình khi chúng ta lập các giao ước thiêng liêng và tuân giữ các giao ước đó một cách chính xác. Các giao ước của chúng ta ràng buộc chúng ta với Ngài và ban cho chúng ta quyền năng tin kính. …

Khi Đấng Cứu Rỗi biết các anh chị em thực sự muốn tìm vươn tới Ngài—khi Ngài có thể cảm thấy rằng ước muốn lớn lao nhất trong lòng các anh chị em là nhận được quyền năng của Ngài vào cuộc sống của mình—các anh chị em sẽ được Đức Thánh Linh dẫn dắt để biết chính xác điều mình nên làm [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:63]. (Russell M. Nelson, “Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 39–42)

Kết luận bằng cách làm chứng rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để củng cố, an ủi, chữa lành và dành cho chúng ta lòng thương xót và tha thứ .

Cho Buổi Học Lần Sau

Mời các học viên nghĩ xem cuộc sống của họ sẽ khác biệt như thế nào nếu không có các vị tiên tri tại thế. Mời học viên học các tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau và sẵn sàng thảo luận về các phước lành của việc được các vị tiên tri tại thế dẫn dắt.

In