Viện Giáo Lý
Bài học 2 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Khải Tượng Thứ Nhất


“Bài học 2 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Khải Tượng Thứ Nhất”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Bài học 2 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 2 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Khải Tượng Thứ Nhất

Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng Joseph Smith vào năm 1820. Bài học này được thiết kế nhằm giúp học viên làm quen với lời tường thuật của Joseph về Khải Tượng Thứ Nhất của ông, nhận ra các giáo lý và nguyên tắc mà họ có thể học được từ khải tượng của ông và củng cố chứng ngôn của họ rằng Joseph Smith đã trông thấy Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.

Xin lưu ý: Công cuộc tìm kiếm lẽ thật của Joseph Smith như tường thuật lại trong Joseph Smith—Lịch Sử 1:5–13 sẽ được đề cập chi tiết hơn trong bài học 3 của khóa học này.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng Joseph Smith.

Cho học viên xem lời phát biểu sau đây từ Joseph Smith—Lịch Sử 1:21:

“Ngày nay làm gì còn những chuyện khải tượng hay là mặc khải như vậy nữa.”

  • Các em có cảm nghĩ gì về lời phát biểu này?

  • Cuộc sống của các em sẽ khác biệt ra sao nếu các em tin vào lời phát biểu này?

Giải thích rằng lời phát biểu này là của vị giảng đạo của phái Methodist, ông ta đã nói khi thiếu niên Joseph Smith kể cho ông ta về Khải Tượng Thứ Nhất của ông. Mời học viên đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–19 và mời họ suy nghĩ xem lời mô tả của Joseph về những gì ông đã trải qua bác bỏ những lời tuyên bố của vị giảng đạo này như thế nào. Sau khi học viên đọc xong, hãy mời họ chia sẻ cảm nghĩ.

CẢI THIỆN VIỆC GIẢNG DẠY VÀ HỌC HỎI CỦA CHÚNG TA

Mời học viên đọc trong lớp. Việc đọc trong lớp có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như học viên đọc thầm từ thánh thư của họ, một học viên đọc to, học viên thay phiên nhau đọc to các câu, các học viên đồng thanh đọc to, v.v.

Viết lẽ thật sau đây lên bảng: Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến cùng Joseph Smith và phán cùng ông.

Mời một vài học viên muốn chia sẻ chứng ngôn về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph để trả lời câu hỏi sau đây:

  • Sự làm chứng thuộc linh về Khải Tượng Thứ Nhất đến với các em như thế nào?

Chúng ta học được những lẽ thật quan trọng từ lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất.

Hãy nhắc học viên nhớ rằng Joseph Smith đã đưa ra bốn lời tường thuật khác nhau về Khải Tượng Thứ Nhất mà chúng ta biết tới. Chúng ta cũng có năm lời tường thuật khác về khải tượng này do những người nghe Joseph nói ghi lại. Cũng giống như có sự khác biệt giữa các lời tường thuật về cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi được Ma Thi Ơ, Mác, Lu Ca và Giăng chép lại, mỗi lời tường thuật của Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph nhấn mạnh đến các khía cạnh khác nhau trong kinh nghiệm của Joseph. Nhưng tất cả những lời tường thuật này đều chia sẻ những yếu tố quan trọng về những gì Joseph đã thấy và nghe. Một số người cố gắng loại bỏ Khải Tượng Thứ Nhất vì sự khác biệt trong những lời tường thuật. (Ví dụ: lời tường thuật năm 1832 nhấn mạnh rằng Joseph đang tìm kiếm sự tha thứ cho tội lỗi của mình và cũng sử dụng tước hiệu “Chúa” thay vì đề cập riêng đến Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Lời tường thuật năm 1835 mô tả Cha Thiên Thượng hiện đến đầu tiên, tiếp theo là Đấng Cứu Rỗi.)

Để giúp giải thích lý do tại sao có sự khác biệt giữa những lời tường thuật này, hãy yêu cầu học viên nghĩ về một kinh nghiệm quan trọng hoặc đầy ý nghĩa mà họ có trong cuộc sống.

  • Lời tường thuật của các em về kinh nghiệm đó khác nhau như thế nào tùy thuộc vào người nghe là ai? Lời tường thuật đó có thể thay đổi như thế nào tùy thuộc vào thời điểm hay lý do tại sao các em kể về kinh nghiệm đó?

  • Anh chị em sẽ trả lời như thế nào với một người tranh luận rằng các thay đổi trong lời tường thuật khác nhau về Khải Tượng Thứ Nhất gây ra nghi vấn về tính xác thực của kinh nghiệm của Joseph? (Nếu cần, hãy khuyến khích học viên nghĩ về những điều học được từ phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

Cho học viên xem lời phát biểu còn dở dang sau đây: Chúng ta học được từ Khải Tượng Thứ Nhất rằng …

Giải thích rằng chúng ta có thể học được những lẽ thật tuyệt vời từ tất cả các lời tường thuật của Joseph về Khải Tượng Thứ Nhất. Hãy nhắc học viên rằng họ được mời chuẩn bị cho lớp học này bằng cách lập danh sách các lẽ thật mà họ nhận ra từ các lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất. Nếu cần, cho học viên thời gian để xem lại những gì họ đã đánh dấu và những lẽ thật họ đã ghi chú. (Anh chị em có thể cần cho học viên thời gian để học các lời tường thuật trong lớp nếu anh chị em kết hợp hai bài học đầu tiên và học viên chưa thể chuẩn bị cho lớp học.)

Mời học viên chia sẻ một số lẽ thật mà họ đã tìm thấy, cũng như câu, các câu hoặc một phần của lời tường thuật dạy về những lẽ thật đó. Viết những câu trả lời của học viên dưới lời phát biểu dở dang anh chị em vừa cho học viên xem.

Ghi chú: Để xem ví dụ về những lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith, hãy xem bài nói chuyện “The First Vision: Key to Truth” (Ensign, tháng Sáu năm 2017, trang 60–65) của Anh Cả Richard J. Maynes thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, được tham chiếu trong phần “Muốn Thêm Thông Tin?” của tài liệu chuẩn bị.

Trong khi học viên chia sẻ các lẽ thật mà họ tìm được, hãy cân nhắc hỏi họ một hoặc nhiều câu hỏi theo dõi sau đây:

  • Các em nghĩ tại sao việc biết và hiểu lẽ thật này là điều quan trọng?

  • Việc biết lẽ thật này đã ban phước cho các em như thế nào?

  • Các em học được gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô từ những điều các em học về Khải Tượng Thứ Nhất?

Chúng ta có thể gia tăng chứng ngôn của chúng ta về Khải Tượng Thứ Nhất.

Giải thích rằng nhiều người trong cộng đồng của Joseph đã từ chối chứng ngôn về những gì Joseph nhìn thấy và nghe thấy và nhiều người đã ngược đãi ông vì điều đó (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:21–23).

Mời học viên đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:24-25, tìm xem Tiên Tri Joseph Smith đã phản ứng như thế nào với những người giễu cợt chứng ngôn của ông về khải tượng.

  • Những cụm từ nào từ chứng ngôn của Joseph Smith gây sự chú ý cho các em? Tại sao?

  • Ví dụ về Joseph Smith có thể giúp các em như thế nào nếu các em gặp phải sự chế giễu hoặc thử thách đối với chứng ngôn của các em về Khải Tượng Thứ Nhất và phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô?

Trưng ra hoặc phân phát lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley và mời một học viên đọc to:

Trong hơn một thế kỷ rưỡi, những kẻ thù, những người chỉ trích và một số học giả tương lai làm cuộc sống của họ trở nên mệt mỏi khi cố gắng bác bỏ tính đúng đắn của khải tượng đó. Dĩ nhiên, họ không thể hiểu được điều đó. Những sự việc của Thượng Đế đều có thể hiểu được nhờ Thánh Linh của Thượng Đế. Không có gì có thể so sánh được kể từ khi Vị Nam Tử của Thượng Đế bước đi trên thế gian trong sự hữu diệt. Không có điều đó là viên đá nền tảng cho đức tin và tổ chức của chúng ta thì chúng ta sẽ không có gì cả. Có nền tảng đó, chúng ta sẽ có tất cả.

Đã có nhiều lời được viết và sẽ có nhiều lời viết ra với nỗ lực để biện hộ điều đó. … Nhưng chứng ngôn của Đức Thánh Linh, được vô số người cảm nhận được trong suốt nhiều năm kể từ khi sự kiện đó xảy ra, làm chứng rằng đó là sự thật, rằng điều đó đã xảy ra như Joseph Smith nói rằng điều đó đã xảy ra. (Gordon B. Hinckley, “Four Cornerstones of Faith,” Ensign, tháng Hai năm 2004, trang 5)

Khuyến khích những học viên nào có thể mong muốn có một chứng ngôn sâu sắc hơn về Joseph Smith và Khải Tượng Thứ Nhất hãy noi theo tấm gương của Joseph về việc tìm kiếm lẽ thật bằng cách tiếp tục học những lời tường thuật này và cầu vấn Thượng Đế xác nhận tính xác thực về Khải Tượng Thứ Nhất cho họ qua Đức Thánh Linh. Anh chị em có thể kết thúc lớp học bằng cách chia sẻ chứng ngôn về Khải Tượng Thứ Nhất và Sự Phục Hồi phúc âm qua Tiên Tri Joseph Smith.

Cho Buổi Học Lần Sau

Yêu cầu học viên nghĩ về những câu hỏi thử thách mà họ hoặc những người khác có về những lời giảng dạy, những lối thực hành hoặc lịch sử của Giáo Hội. Hãy giải thích rằng trong buổi học tiếp theo, họ sẽ học cách phải làm gì khi nảy sinh những câu hỏi hoặc vấn đề khó khăn. Khuyến khích học viên học tài liệu chuẩn bị cho bài học 3 để họ có thể sẵn sàng thảo luận về các nguyên tắc mà sẽ giúp họ đạt được sự hiểu biết thuộc linh lớn lao hơn.