“Bài học 5 Tài Liệu dành cho Giảng viên: Sự Ra Đời của Sách Mặc Môn”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)
“Bài học 5 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Bài học 5 Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Sự Ra Đời của Sách Mặc Môn
Sự ra đời của Sách Mặc Môn xảy ra một cách kỳ diệu. Bài học này sẽ giúp học viên hiểu rõ hơn Sách Mặc Môn được phiên dịch “nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế” như thế nào (Giáo Lý và Giao Ước 135:3). Học viên cũng sẽ suy ngẫm và được cho cơ hội chia sẻ việc làm chứng của họ về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Sách Mặc Môn đã ra đời “nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.”
Cho học viên xem bức tranh Mô Rô Ni chôn giấu các bảng khắc.
Mời học viên mô tả về điều họ biết đang xảy ra trong bức tranh này. Giảng viên cũng có thể hỏi họ nghĩ Mô Rô Ni biết gì về ảnh hưởng của biên sử đến các thế hệ tương lai.
Mời học viên đọc Mặc Môn 8:12-16, tìm những điều Mô Rô Ni đã dạy về sự ra đời của Sách Mặc Môn.
-
Mô Rô Ni muốn làm sáng tỏ điều gì về sự ra đời của Sách Mặc Môn?
Cho học viên xem lời phát biểu của Joseph Smith mà ông thường lặp lại khi được hỏi về việc phiên dịch Sách Mặc Môn:
Tôi đã phiên dịch Sách Mặc Môn nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. (Joseph Smith, trong James Palmer, Journal, trang 75, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, Salt Lake City, Utah; chữ viết hoa đã được hiện đại hóa)
Mời học viên chia sẻ những điều họ đã khám phá trong tài liệu chuẩn bị về sự ra đời của Sách Mặc Môn “nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.” (Nếu cần, hãy khuyến khích học viên xem lại vắn tắt phần 1 của tài liệu chuẩn bị.) Giảng viên có thể mời họ hỏi bất kỳ câu hỏi nào họ muốn sau khi học về việc phiên dịch Sách Mặc Môn.
Mời học viên xem lại những điều họ đã học được từ những lời phát biểu của Tiên Tri Joseph Smith và Anh Cả Neal A. Maxwell ở cuối phần 1 của tài liệu chuẩn bị. (Giảng viên có thể muốn mời một học viên đọc to những lời phát biểu này.)
-
Tại sao các em nghĩ rằng chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến “nội dung của cuốn sách” hơn là “tiến trình mà chúng ta nhận được sách đó”?
Thượng Đế hứa rằng từng cá nhân có thể nhận được một sự làm chứng xác thực về Sách Mặc Môn.
Hỏi xem có bao nhiêu học viên muốn tự mình thấy các bảng khắc bằng vàng và lý do tại sao.
-
Tại sao các em nghĩ rằng Chúa không chứng minh tính xác thực của Sách Mặc Môn bằng cách cho thế gian thấy các bảng khắc và các hiện vậtkhác?
Mời học viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 5:3, 6–7, tìm lý do tại sao Joseph không cho những người muốn có bằng chứng xem các bảng khắc. Mời học viên giải thích xem những câu này dạy điều gì.
Hãy giải thích rằng điều mặc khải này đã được ban cho Joseph vì Martin Harris đã yêu cầu một điều làm chứng rằng Joseph có các bảng khắc bằng vàng. Martin là bạn của Joseph và có khả năng tài chính để giúp xuất bản Sách Mặc Môn sau khi sách được phiên dịch. Lucy, vợ của Martin, đã gửi đơn khiếu nại đến thẩm phán địa phương, cáo buộc Joseph lừa gạt chồng bà và những người khác để kiếm lợi nhuận. Vào tháng Ba năm 1829, Martin đến Harmony, Pennsylvania, để hỏi Joseph Smith về bằng chứng về sự tồn tại của các bảng khắc.
Mời học viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 5:11–15, tìm một cách mà Chúa đã thiết lập sự thật về biên sử Sách Mặc Môn. Mời học viên giải thích những điều họ đã học được từ những câu này.
Hãy giải thích rằng Chúa tiết lộ rằng Martin Harris có thể là một trong Ba Nhân Chứng nếu ông “cúi mình xuống” và “biết khiêm nhường bằng những lời cầu nguyện và đức tin mãnh liệt” (Giáo Lý và Giao Ước 5:24). Ba tháng sau, Joseph mời Martin Harris cùng Oliver Cowdery và David Whitmer tìm kiếm nhân chứng đặc biệt mà Chúa đã hứa.
Cho học viên xem tranh vẽ Joseph Smith và Ba Nhân Chứng từ tài liệu chuẩn bị và mời lớp học kể lại những gì đã xảy ra khi những người này cầu nguyện cho một sự làm chứng về các bảng khắc.
-
Joseph đã cảm thấy như thế nào về việc Ba Nhân Chứng nhìn thấy bảng khắc? (Nếu cần, mời học viên xem lại bài tường thuật của Lucy Mack Smith, trong tài liệu chuẩn bị.)
-
Chứng ngôn của Ba Nhân Chứng đã được củng cố như thế nào bởi sự thật rằng họ không bao giờ phủ nhận lời chứng của mình, kể cả sau khi họ rời bỏ Vị Tiên Tri và Giáo Hội?
Mời học viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 5:15–16 và Mô Rô Ni 10:3-5, tìm xem làm thế nào mà tất cả mọi người có thể có được sự làm chứng về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn. Khi học viên giải thích những gì họ đã học được từ các đoạn thánh thư này, giúp họ nhận ra một nguyên tắc tương tự với nguyên tắc sau: Chúa sẽ biểu lộ lẽ trung thực của Sách Mặc Môn qua Đức Thánh Linh cho tất cả những ai tìm kiếm một bằng chứng.
-
Một bằng chứng từ Đức Thánh Linh so sánh như thế nào với bằng chứng vật chất, như việc nhìn thấy các bảng khắc hoặc có kiến thức trọn vẹn về tất cả các chi tiết của việc phiên dịch Sách Mặc Môn?
Mời một học viên đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Tad R. Callister, cựu Chủ Tịch Trung Ương Trường Chủ Nhật:
Một trong những người bạn tốt và thông thái của tôi đã rời bỏ Giáo Hội trong một thời gian. Gần đây, anh ấy đã viết cho tôi về sự trở lại của anh: “Lúc đầu, tôi muốn Sách Mặc Môn phải được chứng minh cho tôi về mặt lịch sử, địa lý, ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng khi tôi thay đổi sự tập trung của mình vào điều mà sách giảng dạy về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và sứ mệnh cứu rỗi của Ngài, thì tôi bắt đầu đạt được chứng ngôn về lẽ trung thực của sách đó. Một ngày nọ, trong khi đọc Sách Mặc Môn trong phòng của mình, tôi dừng lại, quỳ xuống và dâng lên lời cầu nguyện chân thành và cảm thấy rõ ràng rằng Cha Thiên Thượng đã mách bảo cùng tâm hồn tôi rằng Giáo Hội và Sách Mặc Môn là chân chính. Thời gian ba năm rưỡi của tôi để tìm hiểu lại Giáo Hội đã dẫn dắt tôi trở lại một cách chân thành và tôi được thuyết phục về lẽ trung thực của Giáo Hội.”
Nếu người ta chịu dành thời gian để khiêm nhường đọc và suy ngẫm Sách Mặc Môn, cũng như bạn tôi đã làm, và lắng nghe những kết quả tuyệt vời của Thánh Linh, thì cuối cùng họ sẽ nhận được một sự làm chứng như mong muốn.
Sách Mặc Môn là một trong những ân tứ vô giá của Thượng Đế dành cho chúng ta. (Tad R. Callister, “Bằng Chứng Hùng Hồn của Thượng Đế: Sách Mặc Môn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 109)
-
Những kinh nghiệm nào đã giúp các em biết rằng Sách Mặc Môn là chân chính? (Cho học viên cơ hội để chia sẻ những gì họ viết trong tài liệu chuẩn bị ở cuối phần 2.)
Kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng, mặc dù chúng ta không nhìn thấy các bảng khắc bằng vàng, và chúng ta cũng không có mặt khi Sách Mặc Môn được phiên dịch, nhưng chúng ta có thể đọc và học cuốn sách này và có được sự làm chứng thuộc linh cho chính mình rằng đó quả thật là lời của Thượng Đế.
Cho Buổi Học Lần Sau
Mời học viên cân nhắc xem tại sao những người chỉ trích Giáo Hội của Chúa tích cực nhắm vào Sách Mặc Môn. Khuyến khích cả lớp nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau, tìm cách họ có thể gia tăng khả năng của mình để bênh vực cho Sách Mặc Môn.